Kết quả nổi bật của phong trào phụ nữ
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam với khát vọng được cống hiến, tiến bộ, bình đẳng đã ra sức thi đua thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động, phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, tích cực học tập nâng cao năng lực, trình độ, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Chiếm 50,6% dân số và 48,3% lực lượng lao động, phụ nữ đã khẳng định vai trò to lớn và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ với đất nước. Hàng triệu phụ nữ đã tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xây dựng Hiến pháp, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, các văn bản quy phạm pháp luật. Các tầng lớp phụ nữ đã hăng hái tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ đại biểu dân cử đều tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 3 Uỷ viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội là nữ. Dù đảm nhiệm cương vị nào, các chị luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Nhân dân.
Trong khu vực nông lâm nghiệp, chiếm 50,2% lực lượng lao động, phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu, bảo vệ môi trường, thay đổi diện mạo nông thôn. Vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra, chị em tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển ngành nghề, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị cao, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động làm giàu ngay chính trên quê hương mình.
Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của đất nước, phụ nữ tham gia ngày càng đông vào các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giầy, điện tử, thương mại, tài chính, ngân hàng... Với tinh thần thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, chị em đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chiếm tỷ lệ 73,1%, phụ nữ ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý cho đến đội ngũ nhà giáo, công tác ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi đều phấn đấu thực hiện “dạy tốt, học tốt”, hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, hết lòng vì học sinh thân yêu, góp phần đưa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống. Nhiều tấm gương phụ nữ say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhiều công trình nghiên cứu khoa học do phụ nữ chủ trì và tham gia là cơ sở hoạch định chính sách, ứng dụng vào thực tiễn. Số chị em có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư tăng hơn nhiệm kỳ trước và ngày càng được trẻ hoá.
Cùng với những tiến bộ của y học nước nhà, sức khỏe phụ nữ tiếp tục được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng; kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình của phụ nữ được nâng lên. Những chính sách mới về bảo hiểm y tế, thai sản... đã tạo điều kiện cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Với tỉ lệ 62,0%, phụ nữ ngành y tế nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, tận tuỵ với công việc, trách nhiệm với bệnh nhân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong văn hoá, thể thao và du lịch, phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng, theo hướng đa dạng, bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Phong trào văn hoá-văn nghệ, thể thao quần chúng thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần, tăng cường thể lực của phụ nữ và nhân dân. Các nữ vận động viên kiên trì, bền bỉ, rèn luyện không ngừng, chinh phục những đỉnh cao trong các giải thi đấu quốc gia, quốc tế, góp phần làm rạng danh Tổ quốc. Nữ văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo... sáng tạo nhiều tác phẩm được nhận giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Phát huy truyền thống yêu nước, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; là hậu phương vững chắc cho các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ. Phụ nữ lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ đã thể hiện được ý chí kiên cường và bản lĩnh cách mạng, sát cánh cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phụ nữ vùng biên giới có nhiều đóng góp trong bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong chủ động hội nhập, góp phần làm cho thế giới hiểu về đất nước con người Việt Nam, nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế. Phụ nữ công tác trong lĩnh vực đối ngoại đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước. Với những nỗ lực phấn đấu, rèn luyện số chị được phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm đại sứ tăng hơn nhiệm kỳ trước.
Đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam năng động, sáng tạo, vượt khó, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, mang lại lợi ích kinh tế cho nước nhà, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Đại bộ phận nữ thanh niên tích cực học tập, lao động, công tác, xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua, phát triển cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Phụ nữ cao tuổi là chỗ dựa tinh thần, truyền đạt kinh nghiệm sống, giáo dục, động viên, làm gương cho con cháu giữ gìn nề nếp, gia phong, thực hiện phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Phụ nữ các dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, cần cù lao động, phát triển sản xuất, lưu giữ phát huy bản sắc văn hoá truyền thống và chung tay giữ gìn biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Phụ nữ các tôn giáo tham gia các hoạt động thiện nguyện, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhóm phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương, phụ nữ sống ở khu vực đặc biệt khó khăn đã khắc phục hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên hoà nhập cộng đồng. Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, nhớ về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong gia đình, phụ nữ thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, tiếp tục khẳng định vị trí là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam và các cấp hội đã coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương, các cấp Hội đã quyết tâm triển khai thắng lợi phong trào thi đua, các cuộc vận động, khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức, với nhiều mô hình đa dạng, thiết thực. Việc tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được triển khai đồng bộ nhằm định hướng hội viên, phụ nữ phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình của phụ nữ gắn với các hoạt động, phong trào thi đua lớn của đất nước được chú trọng.
Hoạt động vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững được thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đạt được kết quả ấn tượng: Vận động được trên 12 triệu hội viên, phụ nữ tham gia với tổng số tiền tiết kiệm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất lên tới gần 8.200 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu gần 3.200 tỷ đồng). Các cấp hội phát huy hiệu quả hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững thông qua nhiều biện pháp đồng bộ.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai bằng nhiều mô hình, cách làm phong phú, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng; khẳng định vai trò, đóng góp của các cấp Hội trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã vận động ủng hộ được trên 1.000 tỷ đồng để chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có con em đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo; thăm hỏi kịp thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, hoạn nạn, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động, xây dựng, sửa chữa 19.688 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, vượt 96,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết.
Công tác tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được phát huy và có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hội ở cơ sở; đa dạng hoá các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; có nhiều hình thức phong phú tập hợp các đối tượng phụ nữ.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của hội được mở rộng, tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với trên 300 tổ chức của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với tinh thần Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, chung lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì sự tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng của phụ nữ.
Hồng Phúc