Quyết tâm đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9-2021

Bình Dương tổ chức Họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 18-7-2021.

Bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng

Toàn tỉnh hiện có 1.250 khu vực phong tỏa với 124.845 người; 19.132 người đang cách ly tập trung; 16.976 trường hợp nhiễm không triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm đang được cách ly tại các khu điều trị tạm thời; 4.395 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 1.000 trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Với phương châm là bóc tách càng nhanh, càng tốt F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh đã tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng bằng test nhanh và PCR trên phạm vi toàn tỉnh: Trong đợt 1 (từ ngày 17-7-2021) đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.292.846 người, phát hiện 12.667 người nghi mắc COVID-19 (tỷ lệ 0,98%) và đợt 2 (từ ngày 2-8-2021) lấy mẫu test nhanh và PCR cho 346.370 người, có 8.394 trường hợp dương tính. CDC tỉnh triển khai lấy mẫu PCR cho 89.298 công nhân tại 67 công ty trong các KCN, kết quả có 138 trường hợp dương tính.

Thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1081/CĐ-TTg ngày 16-8-2021, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc tiếp tục triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện “xanh hóa” địa bàn, theo đó, thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 00 giờ ngày 16-8-2021 đến hết ngày 22-8-2021 và thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Sau ngày 22-8-2021, các địa phương Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31-8-2021. Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch xây dựng “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19, đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-9-2021 và triển khai thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực “vùng xanh” để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Cách ly và điều trị đối tượng F0 ít nguy cơ tại nhà 

Tỉnh hiện có 135 cơ sở, đáp ứng 19.132 người đang thực hiện cách ly, trong đó có 349 F1. Trước tình hình ca bệnh và số F1 đang tiếp tục tăng, nhất là tại các công ty, doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện cách ly đối tượng F1, cách ly và điều trị đối tượng F0 ít nguy cơ tại nhà theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mở rộng đơn vị được xét nghiệm PCR

Hiện tại tỉnh có tất cả 7 phòng xét nghiệm PCR: CDC tỉnh (5.000 mẫu đơn/ngày), Việt Á - Bến Cát (10.000 - 15.000 mẫu đơn/ngày), TTYT Thuận An (1.000 mẫu đơn/ngày), TTYT Dĩ An (1.000 mẫu đơn/ngày), Xe xét nghiệm lưu động Quân khu 7 (500 mẫu đơn/ngày), Việt Nga - TTYT Tân Uyên (500 mẫu đơn/ngày), Bionet - Phòng khám Đa khoa Nam Anh (500 mẫu đơn/ngày). 

Bình Dương đang đề nghị cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép cho cơ sở y tế cấp huyện và các cơ sở y tế tư nhân có năng lực xét nghiệm được công bố kết quả xét nghiệm PCR, để cùng với hệ thống y tế công lập đẩy nhanh quy trình khẳng định kết quả xét nghiệm PCR, tránh quá tải trong chiến dịch xét nghiệm toàn dân. 

Áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Tỉnh hiện có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 17.240 bệnh nhân; có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ; cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người (tổng cộng: 581 người). Ngoài ra, tỉnh cũng đã liên tục đưa vào hoạt động, mở rộng các khu điều trị dã chiến, các bệnh viện dã chiến ở các huyện “vùng xanh”; đồng thời, huy động thêm 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là điều trị bệnh nhân người nước ngoài. Với sự chi viện nhân lực y tế từ Bộ Y tế và các địa phương, Bình Dương có thể đưa số giường điều trị lên trên 30.000 giường, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh.

Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình điều trị 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh: 

(1) Đối với F0 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80% số F0): Bố trí các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ lực lượng bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Nhóm F0 này sẽ được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.

(2) Đối với F0 có triệu chứng nhẹ: điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện.

(3) Đối với F0 có triệu chứng nặng: chuyển tuyến tỉnh để điều trị. Cụ thể:

Tầng 1: có 11 cơ sở điều trị với khoảng 6.500 giường: BV dã chiến số 4 (Hoàng Hùng), TTYT Tân Uyên cơ sở cũ, KTX ĐH Quốc gia – Dĩ An, BV dã chiến 5B, BV dã chiến 5D, TTYT huyện Bắc Tân Uyên và các BVĐK tư nhân: Mecdic-BD, Vạn Phúc 1, Phương Chi, An Phú, Mỹ Phước.

Tầng 2: có 10 cơ sở điều trị với 10.640 giường: BV dã chiến số 3, BV dã chiến số 1 (WTC), BV dã chiến số 1 (cơ sở 2, Thới Hòa), TTYT Thuận An, TTYT Dầu Tiếng, TTYT Tân Uyên (cơ sở mới), 2 Block Nhà ở xã hội Becamex, TTYT Bàu Bàng, TTYT Dĩ An.

Tầng 3: gồm 2 cơ sở điều trị với 637 giường: BVĐK tỉnh và Trung tâm ICU Becamex.

Bên cạnh Tổ công tác của Bộ Y tế để giúp tỉnh trong việc đề ra các giải pháp phòng, chống dịch và trực tiếp điều hành hoạt động điều trị ở tuyến trên, hiện có 32 đoàn cán bộ y tế của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và lực lượng vũ trang chi viện để hỗ trợ cho tỉnh trong công tác phòng, chống dịch với tổng số lượng là gần 3.500 người.

Tiêm vắc-xin đợt 21 và 22 trong 3 ngày

Tỉnh Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng COVID-19 với số lượng 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16). Trên cơ sở phân bổ của Bộ Y tế, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin với năng lực thực hiện hơn 100.000 liều/ngày. Tính đến ngày 11-8-2021, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm số lượng vắc-xin được cấp. Tuy nhiên, do công tác nhập dữ liệu lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia chưa theo kịp tốc độ tiêm chủng nên dữ liệu trên Hệ thống quốc gia chưa phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện thực tế của tỉnh. Hiện tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu tiêm chủng lên Hệ thống tiêm chủng mở rộng.

Ngày 14-8-2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3877/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc-xin phòng COVID-19 đợt 21 và 22; theo đó tỉnh Bình Dương được phân bổ 250.00 liều vắc-xin Astra Zeneca và 15.210 liều vắc-xin Pfizer. Trên cơ sở số lượng vắc-xin được giao, tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất (dự kiến triển khai trong vòng 3 ngày).


Tiêm vắc-xin cho công nhân tại Bình Dương.

Thành lập tổ an toàn COVID tại doanh nghiệp 

Phương châm xuyên suốt của tỉnh là chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất - kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo các phương án hoạt động: “3 tại chỗ” , “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đến ngày 16-8-2021 có 1.885 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện với tổng số lao động là 272.851; trong đó, có khoảng 1.370 doanh nghiệp hoạt động sản xuất với tổng số lao động 141.840 người. Các doanh nghiệp đã thành lập 10.864 tổ an toàn COVID tại doanh nghiệp với số lao động đang theo dõi là 571.075 người.

Hỗ trợ từ xã hội với tổng giá trị hơn 485 tỷ đồng

Về huy động các nguồn lực tham gia phòng, chống dịch: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã huy động hỗ trợ từ xã hội với tổng giá trị hơn 485 tỷ đồng từ hơn 580 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tiền mặt và chuyển khoản là 219 tỷ đồng, vật tư, trang thiết bị y tế và hàng hóa trị giá hơn 266 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương cũng đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, ủng hộ bằng tiền và hàng hóa từ 25 tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tỉnh vượt qua khó khăn và phòng, chống dịch. Từ nguồn hỗ trợ trên, tỉnh Bình Dương đã chi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch (hỗ trợ cho 88 đơn vị tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện và đạt kết quả như sau:

Kết quả thực hiện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ: Tổng số trường hợp được chi là 162.296 hồ sơ với số tiền là 194,347 tỷ đồng. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: số đơn vị được giảm mức đóng là 14.364 đơn vị/ 1.012.622 lao động với tổng số tiền là 405,844 tỷ đồng.

Hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐNĐ của HĐND tỉnh Bình Dương (mức 300.000 đồng/người): số lượng đối tượng được hỗ trợ là 42.781 người với số tiền giải ngân là: 12,834 tỷ đồng.

Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ theo Quyết định 12/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương (mức 500.000 đồng/người): hiện 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai xuống cấp xã và đang thực hiện rà soát lập danh sách đối tượng được hỗ trợ theo quy định trình UBND cấp huyện phê duyệt. 

Hoạt động cứu trợ: lũy kế đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho 107.324 trường hợp (F0, F1, F2 và CNLĐ khó khăn) với tổng số tiền 75,3 tỷ đồng.


Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân gặp khó khăn do bị ảnh bởi dịch COVID-19 tại Bình Dương.

Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân

Công tác bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu: Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo cung ứng và ổn định giá cả các hàng hóa thiết yếu theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đối với đối tượng công nhân, người lao động ở trọ, thông qua các hoạt động trao tặng, cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11/11 siêu thị, 29/102 chợ truyền thống và 239/257 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động và tăng lượng hàng cung ứng 130% - 150% . Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá hàng hoá ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh Bình Dương đang tổ chức bán hàng tại 57 điểm trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố (bán luân phiên 10-15 điểm/ngày); tổ chức 4 chuyến xe bán hàng lưu động tại TP. Thuận An và huyện Bàu Bàng.

Về đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa: Công tác vận tải hàng hóa, cấp luồng xanh trên địa bàn tỉnh và phối hợp triển khai luồng xanh quốc gia được triển khai thực hiện tốt, đến ngày 15-8-2021, Sở Giao thông vận tải đã cấp 13.668 giấy nhận diện phương tiện có mã QR ưu tiên hoạt động trên Luồng xanh quốc gia, chờ phê duyệt 226 xe, từ chối  17.147 xe (lũy kế đã cấp phép được 15.578 phương tiện). Công tác huy động phương tiện, tài xế phục vụ đưa đón người đi cách ly, điều trị, xuất viện được các ngành phối hợp triển khai theo yêu cầu điều phối của hoạt động phòng, chống dịch.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất