TP.HCM quyết tâm đến ngày 15-9 kiểm soát được dịch bệnh

Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi Họp báo.

Mục tiêu giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong 7 ngày qua (từ ngày 5-8 đến nay) bình quân có 3.687 ca nhiễm/ngày (trong đó có 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc từ bệnh viện). Như vậy, số ca lây nhiễm chủ yếu vẫn ở khu phong tỏa.

Thành phố đã điều trị khỏi 62.986 trường hợp, hiện đang điều trị 32.629 trường hợp, trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng, 16 bệnh nhân phải sử dụng ECMO.

Có 10.421 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã được điều trị trên 7 ngày và tải lượng vi-rút trên 30 (CT>30), đủ điều kiện để thực hiện cách ly theo dõi tại nhà.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là những ngày gần đây tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao với trung bình 241 ca/ngày

Trước tình hình đó, thành phố tập trung nâng cao công tác điều trị, đặt mục tiêu giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong tại tất cả các quận - huyện, TP. Thủ Đức.

Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường. Đồng thời, nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh, kiện toàn các tổ phản ứng nhanh để cấp cứu người từ phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, bố trí hệ thống taxi để phục vụ việc cấp cứu tại các địa phương.

"Đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số ca tử vong vẫn ở mức cao. Dự kiến, sau ngày 15-8, các ca F0 vẫn ở mức trung bình khoảng 3.000 ca/ngày, là số lượng rất lớn. Nếu không quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ khó giữ vững thành quả đang đạt được, thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu không đồng lòng, thực hiện nghiêm các biện pháp.

Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9, trong đó phân thành 2 giai đoạn: từ 15-8 đến 1-9 và từ 1-9 đến 15-9, mỗi giai đoạn sẽ có giải pháp cụ thể. Kế hoạch này sẽ được thành phố công bố trong thời gian tới".

Giải pháp cho vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng yếu tố tiên quyết lúc này là phải giảm các ca F0 chuyển nặng tại tầng 2, 3. Thành phố sẽ nâng cấp các bệnh viện ở tầng 2, 3. Các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 2 được nâng cấp lên tầng 3 để huy động nguồn lực và có thể điều trị bệnh nhân trở nặng, nhằm giảm áp lực cho tầng trên.

Về giải pháp nhằm giảm phát sinh F0 mới, đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh, mấu chốt vẫn là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “nhà cách ly nhà, người cách ly người”, đặc biệt trong khu phong tỏa. Kết hợp với việc bóc tách F0 nhanh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khoa học. Nếu giảm 50% F0 tại khu phong tỏa thì sẽ giảm đc cả ngàn ca mỗi ngày.

Triển khai tốt hơn nữa mô hình tự quản vùng xanh, nâng cao vai trò ý thức cá nhân để mở rộng vùng xanh, đưa vùng xanh trở về trạng thái “bình thường mới”.

Ngoài ra, tổ chức tốt tư vấn chăm sóc sức khỏe online, giám sát cách ly và điều trị F0, F1 tại nhà; chăm lo đời sống và tâm lý cho người đang được cách ly để chủ động tự bảo vệ sức khỏe, hạn chế tối đa trở nặng. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch hỗ trợ tích cực cho TP.HCM trong các công tác này.


Ngày 7-8, được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, thành phố đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường.

Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất 

Về vắc-xin phòng COVID-19,đồng chí Dương Anh Đức chia sẻ, thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều. Đến nay, toàn bộ nguồn vắc-xin được Bô Y tế cung cấp đã được tiêm hết. Toàn hệ thống tiêm chủng có sự tham gia của 87 bệnh viện và 1.200 đội tiêm tại các quận, huyện. Việc thực hiện tiêm chủng được triển khai rất linh động, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về di chuyển như người già, người khuyết tật…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, thành phố đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra.

Riêng đợt 5 và 6, toàn thành phố đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều, cộng với số đã tiêm đợt trước, toàn thành phố có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc-xin, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Mục tiêu là bao phủ vắc-xin cho 70% dân số thành phố

Với chủ trương tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội để mang vắc-xin đảm bảo chất lượng về cho người dân, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin khác nhau.

“Bên cạnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung thêm nguồn vắc-xin và tiếp tục khai thác 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm đã được Bộ Y tế thẩm định, thành phố đang nỗ lực để đàm phán mua 5 triệu liều Mordena do Sapharco đứng ra nhập khẩu, VinaCapital tài trợ. TP.HCM cũng tận dụng các cơ hội khác thông qua hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ tốt với Việt Nam và TP.HCM. Hiện một số quốc gia đã cam kết tặng cho TP.HCM những lượng vắc-xin. Nếu kịp, trong tháng 8 này chúng ta có thể đạt mục tiêu bao phủ vắc-xin cho 70% dân số thành phố”, đồng chí Dương Anh Đức chia sẻ và khẳng định “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”.

Thông tin thêm về 5 triệu liều vắc xin Moderna, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp, để đảm bảo đủ vắc-xin cho nhân viên của mình trước, sau đó hỗ trợ thành phố để tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Tất cả người tiêm vắc-xin đều được hoàn toàn miễn phí. 


Tiêm vắc-xin cho người dân tại TP.HCM (Ảnh: báo Thanh Niên).

Không có loại vắc-xin nào ngăn chặn 100% vi-rút

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố cho biết, vắc-xin được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với vi-rút, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ 2 sau khi tiêm.

Tuy nhiên, không có loại vắc-xin nào ngăn chặn 100% vi-rút; nhưng kháng thể từ vắc-xin sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi-rút vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý… Do đó, những người đã tiêm vắc-xin, có kháng thể bảo vệ thì khả năng mắc COVID-19 sẽ giảm, nếu có mắc cũng triệu chứng nhẹ, ít khả năng tăng nặng và tử vong.

Bên cạnh thực hiện 5K và giãn cách xã hội, việc bao phủ tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong.

Nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ không mắc COVID-19, tuy nhiên điều đó là sai lầm. Thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn mắc COVID-19. Bởi các biến chủng vi-rút ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vắc-xin. Vắc-xin giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vắc-xin, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm.

Vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa tiếp nhận khám, chữa các bệnh khác, về công tác khám, chữa bệnh cho người dân, đồng chí Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay thành phố có 2 mô hình: một số bệnh viện quận - huyện, TP. Thủ Đức chuyển đổi công năng qua điều trị COVID-19 và mô hình bệnh viện chia thành 2 phần để vừa điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa tiếp nhận khám, chữa các bệnh khác. Còn lại, các bệnh viện khác vẫn đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Vì vậy, trong tình hình hiện nay, người dân có nhu cầu khám, chữa các bệnh lý thông thường khác (không phải COVID-19) nên đến các bệnh viện không điều trị COVID-19 để thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, người dân có thể tham gia các kênh tư vấn, khám bệnh trực tuyến để có hướng dẫn, tư vấn cụ thể và kịp thời điều trị các bệnh lý, bệnh mãn tính.


TS, BS. Nguyễn Văn Vình Châu - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM tại buổi Họp báo.

Chưa có cơ sở khẳng định vi-rút lây qua hệ thống thông gió

Về thông tin vi rút SARS-CoV-2 biến chủng Delta có khả năng lây trong không khí, hệ thống thông gió. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẳng định, vi-rút biến chủng Delta có thể lưu trong không khí nhưng rất nhỏ và thời gian ngắn. Đặc biệt, khi ở môi trường không khí nóng, vi-rút gần như không thể tồn tại.

Vì vậy, ở khu chung cư, việc lây lan dịch bệnh từ căn hộ này sang căn hộ khác qua hệ thống thông gió là chưa có cơ sở khẳng định. Việc lây nhiễm trong chung cư thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực sinh hoạt chung.

Chủ quan, lơ là lúc này, mọi kết quả đều vô nghĩa

Trân trọng và ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thành phố, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định: Đến thời điểm này, nhất là 2 tuần qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố có những kết quả khả quan bước đầu.

Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp có sự tập trung lớn, đồng bộ hơn; ý thức của người dân có sự chuyển biến tốt.

Nâng cao năng lực điều trị tại các bệnh viện được thành phố xác định là nhiệm vụ cần tập trung cao độ. Hiện nay, các bệnh viện quận - huyện, bệnh viện dã chiến đều được trang bị ô-xy, nếu cần thiết có thể mở rộng thêm để sẵn sàng phục vụ điều trị.

Công tác chăm lo đời sống cho người dân với các gói hỗ trợ an sinh xã hội được tập trung thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 và gói hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Trong quá trình thực hiện có những phát sinh thêm, thành phố tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót, không trùng lắp các đối tượng cần được hỗ trợ.


Đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Họp báo.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và chuyển nặng còn cao, nhiệm vụ ngăn chặn nguồn lây, giảm số ca dương, tập trung điều trị để giảm ca diễn tiến nặng; giảm “vùng đỏ”, xanh hóa trên bản đồ COVID-19 tiếp tục được đặt ra và thực hiện trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, khi thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, bên cạnh đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu thì việc đảm bảo nhu cầu thiết yếu hàng ngày, đời sống tinh thần là vô cùng quan trọng. Do đó, việc triển khai gói an sinh xã hội lần 2 được thực hiện sớm và sẵn sàng có thể cho gói hỗ trợ thứ 3, thứ 4… để đảm bảo chăm lo cho người dân. Thành phố thành lập và dự kiến cuối tuần sẽ ra mắt các trung tâm an sinh xã hội và đồng loạt triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân.

Liên quan đến kế hoạch sản xuất, thành phố tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất ở mức phù hợp, nhất là sản xuất hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nguồn cung. Thành phố cũng đang tính toán, xây dựng kế hoạch chi tiết việc mở cửa hoạt động trở lại ở các lĩnh vực kinh tế đảm bảo an toàn.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất