TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng

Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tỷ lệ ca nhiễm giảm nhiều sau giãn cách

Thành phố đã không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm. Bình quân trong 13 ngày gần đây (2-8 đến 14-8), ghi nhận 3.830 ca nhiễm/ngày, nếu so với 13 ngày liền kề (20-7 đến 1-8 là 4.615 ca nhiễm/ngày), số ca nhiễm đã giảm 18%. Đã kết hợp hài hòa giữ Đông y và Tây y để nâng cao hiệu quả điều trị, bình quân mỗi ngày có 2.500 ca được xuất viện và lũy kế đến nay, Thành phố đã xuất viện cho 70.727 trường hợp.

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã cơ bản thực hiện hiệu quả, nhất là tại các khu phong tỏa. Đến nay, các phương tiện tham gia giao thông đã giảm 75% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16 và tỷ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (thời điểm đầu tháng 8 tỷ lệ ca nhiễm ở khu phong tỏa là 80%). 

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ô-xy đã được tập trung triển khai thực hiện tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh. Chỉ trong thời gian ngắn, Thành phố đã thực hiện thần tốc, hình thành được các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức, bồn ô-xy với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. 

Đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo trong phòng, chống dịch như: ATM ô-xy, biệt đội taxi cấp cứu F0, mô hình tổ y tế lưu động,... Đặc biệt, là các mô hình tự quản “vùng xanh” của nhân dân ngày càng được nhân rộng, đến nay, Thành phố đã có 10.248 “vùng xanh”, đây là mô hình vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân, vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ đã tốt hơn; đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Thành phố đang triển khai gói hỗ trợ thứ hai cho người nghèo, cận nghèo, lao động tự do với kinh phí hơn 900 tỷ đồng.  


TP.HCM vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15- 9

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Thành phố đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9-2021 với 2 giai đoạn: 

Giai đoạn 1: từ ngày 15-8 đến ngày 31-8:

- Không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. 
- Mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7, Quận 11. 

Giai đoạn 2: từ ngày 1-9 đến ngày 15-9:

 Phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15-9-2021, cụ thể:
- Phấn đấu hệ số lây nhiễm Rt ≤ 1;
- Phấn đấu đến 15-9: số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

Giải pháp tập trung vào các nhiệm vụ sau: 

Về thực hiện giãn cách xã hội: Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà. Tại các khu phong tỏa đảm bảo “ngoài chặt, trong chặt” gắn với công tác kiểm tra giám sát; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”.

Về xét nghiệm: Đối với các khu phong tỏa (các vùng “đỏ”, “cam”): xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh theo hộ gia đình. 

Đối với các vùng “xanh”, “cận xanh”, “vàng”:  xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình.

Đối với khu vực ngoài khu phong tỏa: giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc người có yếu tố nguy cơ: xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR và xử lý như nghi nhiễm).

Về điều trị: Tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện.

Chăm sóc F0 tại nhà: xét nghiệm tại nhà; “Túi thuốc điều trị” tại nhà; an sinh tại nhà. Quy trình hóa việc chăm sóc F0 tại nhà; vận hành hiệu quả tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại cộng đồng.
 
Điều trị tại bệnh viện: Điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận, huyện, TP. Thủ Đức; thành lập trung tâm quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ô-xy, số giường bệnh cho hệ thống cơ sở điều trị, đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ ô-xy và thuốc men; thành lập tổ chuyên gia về điều trị để chỉ đạo, điều phối công tác điều trị bệnh nhân kịp thời, đồng bộ và hiệu quả. 

Về vắc-xin: tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm như: tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vắc-xin và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ vắc-xin. Sử dụng cả giải pháp truyền thông và tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự giác tiêm. 

Về nhân lực: Rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, trong đó tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị và tăng cường tập huấn cho đội ngũ bác sĩ về năng lực hồi sức cấp cứu. Huy động lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch; vận động thêm các y, bác sĩ, điều dưỡng đã về hưu nhưng còn đủ sức khỏe để đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch. 

Về đảm bảo an sinh xã hội: Triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm An sinh) và thí điểm các trung tâm tại Quận 5, Quận 7 và Quận 12. Đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân; chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.

Về sản xuất: Tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:

Phương án 1: Tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2: Tiếp tục thực hiện Phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).

Phương án 3: cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”. 

Phương án 4: Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông an dân theo hướng nhanh nhạy hơn, linh hoạt hơn, động viên nỗ lực của toàn dân, lan tỏa sâu rộng tinh thần đoàn kết, nhân ái; đề cao ý thức vệ sinh phòng dịch, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Tổ chức đội ngũ tuyên truyền đấu tranh phản bác thông tin xấu.

“Hiện nay, Thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9-2021. Trên cơ sở buổi làm việc giữa Thành phố với Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12-8, để thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá, Thành phố đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM”.

* Đồng chí Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM nêu kiến nghị với Bộ Y tế *

Đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM

Chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân

Cũng trong sáng 15-8, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ phát động phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19. 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chia sẻ, hôm nay đã là 80 ngày kể từ khi TP.HCM phát hiện ổ dịch trong cộng đồng. Cũng là chừng ấy thời gian TP.HCM kiên cường chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ tư dịch COVID-19 với biến chủng Delta quá sức nguy hiểm trong lúc chưa có nhiều kinh nghiệm để ứng phó.

Thế nhưng, vượt lên trên tất cả nỗi sợ hãi và những khó khăn không kể xiết, cả hệ thống chính trị và người dân TP.HCM đã đồng lòng, chung sức với ý chí vững vàng và niềm tin chiến thắng đại dịch.

Cũng theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP.HCM có hơn 10 triệu người với những giai tầng, nghề nghiệp, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cùng một mục tiêu là xây dựng thành phố phát triển vì cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, quãng thời gian giãn cách xã hội, nhất là trong 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch thực sự là những ngày khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và người dân. Ai cũng phải chịu khổ cực, bất tiện, thiệt thòi trong những ngày giãn cách xã hội.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhận xét, không ai không bị tác động bởi đại dịch, có người khó khăn vì sinh kế; có người bức bách vì công việc làm ăn gián đoạn, học hành dang dở; có người không may vì người thân không qua khỏi cơn bệnh tật. Tất cả đã gộp thành nỗi khó khăn chung của TP.HCM.

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM gửi lời tri ân đến các tầng lớp nhân dân và bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của hàng triệu công nhân, lao động tự do ngừng việc, ở trọ, không về quê.

TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa.

“Việc kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra cho TP.HCM nhiều thách thức, nhưng đây cũng là mong muốn chung của cả Thành phố.

Thành phố sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Vì vậy sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế. "Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới".

Đồng chí Phan Văn Mãi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết *

“Hiện nay, Thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15- 9-2021. Trên cơ sở buổi làm việc giữa Thành phố với Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12-8, để thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá, Thành phố đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TPHCM”
# Đồng chí Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM nêu kiến nghị với Bộ Y tế

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất