Kỳ 3: Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Sự thay đổi tên gọi của kỳ thi từ “Thi THPT quốc gia” (từ năm 2020 trở về trước) sang “Thi tốt nghiệp THPT” chẳng khác gì là một sự thừa nhận thất bại của kiểu thi “2 trong 1” mà đến hôm nay chưa ai chịu thừa nhận, chưa ai muốn thừa nhận. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, nếu như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp (dù điều này là rất khó xảy ra và lý do cho việc “khó xảy ra” thì ai cũng biết). Thay vào đó chỉ cần xét hồ sơ, học bạ để công nhận tốt nghiệp chương trình phổ thông và dồn trí tuệ, công sức và nguồn lực để tổ chức 1 kỳ thi đại học thật sự nghiêm túc, minh bạch, đỡ tốn kém và bớt áp lực. Nhiều học sinh không đủ thực lực để thi đại học thì có thể tự chọn cho mình những trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề, phù hợp và hiệu quả.
Vấn đề giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được dư luận hết sức quan tâm (Ảnh minh họa: báo Tuổi trẻ).
Còn đó những băn khoăn
Bản chất một kỳ thi là thường xuất 2 yếu tố đỗ và trượt. Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao với tỷ lệ trung bình gần 100% ở hầu hết các địa phương trong nhiều năm gần đây thì chúng tôi thiết nghĩ kết quả đó không còn có tác dụng trong việc phân loại chính xác thực lực học của thí sinh. Điểm các môn thi chủ yếu không lệ thuộc vào năng lực của thí sinh mà phụ thuộc vào mục đích thi khi chọn môn thi, khối thi. Học sinh bây giờ đa số đều rất thực tế. Các em thường dồn lực để ôn thi các môn xét tuyển khối thi vào đại học, còn những môn thi giải quyết mục tiêu tốt nghiệp thì chỉ cần không dính vào điểm “liệt” là được. Khi chỉ còn 1 kỳ thi thì việc “học thật, thi thật” dần sẽ trở về đúng giá trị của nó bởi mục tiêu đã rõ ràng. Chúng ta cần hiểu rằng, kỳ thi tốt nghiệp không phải là kỳ thi chọn nhân tài và với cách thi, kiểu thi như hiện nay thì thi tốt nghiệp THPT khó có thể đánh giá thực chất của một nền giáo dục.
Giáo dục và chất lượng giáo dục là thành quả của một quá trình, là sự phát triển về kiến thức và trưởng thành về nhận thức. Một bài thi khó có thể nói là thước đo chính xác phản ánh năng lực thực của từng học sinh, nhất là với các bài thi trắc nghiệm. Nếu chỉ lấy điểm thi, bài thi của 1 kỳ thi làm thước đo cho chất lượng giáo dục cho một nền giáo dục là không thuyết phục. Đó là điều mà nhiều nhà giáo còn lòng tự trọng với nghề, tâm huyết với Ngành cảm thấy có nhiều sự trăn trở và có một chút tổn thương. Trong thi cử, chuyện điểm cao hay thấp cũng là chuyện bình thường nhưng điểm thi cao một cách đột biến, điểm 10 tăng một cách bất thường là điều không bình thường. Điểm 10 là con số tuyệt đối và hoàn hảo. Đối với các môn thi khoa học xã hội thì việc có được điểm 10 cũng là một ước mơ của nhiều thí sinh.
Quay lại câu chuyện "cơn bão” điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp 2021, chúng ta cần thẳng thắn với nhau một điều rằng: “Bệnh thành tích” và thi đua để có thành tích là nguyên nhân chính, chi phối sâu sắc đến quá trình đổi mới giáo dục. Cách thức, hình thức thi, cách ra đề thi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bình thường hay bất thường về điểm thi của mỗi kỳ thi.
Nếu xét theo góc độ y học thì “bệnh thành tích” đã là căn bệnh “nan y” không chỉ ở trong Ngành Giáo dục và Đào tạo. Căn bệnh này đã và đang làm mất đi cái “thật” của việc học, việc thi. Và đương nhiên, học chưa thật, thi chưa thật thì thành quả của sự cộng hưởng giữa 2 yếu tố “học” và “thi” sẽ khó có thể có những “nhân tài thật”. Việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật” trong bối cảnh Ngành đang đổi mới giáo dục, đang triển khai Chương trình và sách giáo khoa mới không chỉ là mong muốn của Thủ tướng với Ngành. Đó còn như là một mệnh lệnh. Vấn đề là giải pháp căn cơ để làm được điều đó là gì?
Hướng đến một nền giáo dục thực chất
Từ việc nhận diện, gọi tên, những hành vi và phân tích nguyên nhân của “bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ, chống lại sự giả dối trong giáo dục, hướng đến một nền giáo dục thực chất. Nhóm tác giả xin đề xuất 5 giải pháp.
Thứ nhất, tích cực và tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi và nâng cao nhận thức của xã hội về phòng, chống “bệnh thành tích” trong giáo dục. Trong mọi sự thay đổi trong giáo dục, thay đổi về tư duy, chuyển biến về nhận thức là khó khăn nhất và cũng gian nan nhất. Mọi việc đều phải bắt đầu chuyển động từ Trung ương đến địa phương, từ Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, đổi mới các quy định, tiêu chí thi đua - khen thưởng các cấp. Đổi mới chứ không phải là bỏ thi đua vì thi đua đã được luật hóa thành chính sách của Nhà nước đã có quy trình chuẩn hóa và bộ máy làm việc hoàn chỉnh, đã thành nếp từ nhận thức đến hành động. Thi đua là “động lực”, là “mục tiêu” của mọi người. Bỏ thi đua người ta không còn động lực, không có mục tiêu thì làm việc như thế nào? Trong các danh hiệu thi đua của Ngành Giáo dục và Đào tạo hiện nay thì “Chiến sỹ thi đua” cấp cơ sở, cấp tỉnh là nhiêu khê, phức tạp nhất nhưng lại chứa đựng nhiều sự bất cập bởi những tiêu chí, điều kiện làm cho nhiều cán bộ quản lý, giáo viên phải làm tắt, làm dối mới đủ điều kiện.
Thứ ba, cắt giảm các cuộc thi không thiết thực với quyền lợi của mỗi cá nhân, của cả thầy lẫn trò, giữa Trung ương và các địa phương. Nên bỏ các cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi”; “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “Tổng phụ trách giỏi”... khi các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho giáo viên. Hầu hết chỉ giỏi “diễn” còn thực chất những giáo viên ấy giỏi như thế nào thì đồng nghiệp và học sinh là “giám khảo” đánh giá là chính xác nhất, trung thực nhất.
Thứ tư, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và cần bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên. Đây chính là những gánh nặng gây áp lực nhiều nhất về thời gian và sức lực cho cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay. Riêng việc kiểm tra hồ sơ, giáo án thường kỳ, cuối năm là một công việc mà người kiểm tra lẫn người bị kiểm tra đều chấp nhận làm cho có hình thức, thủ tục. Cần bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận/ huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát một cách thực chất, xử lý thật nghiêm khắc những hành vi gian lận, lừa dối trong học tập và thi cử của cả giáo viên và học sinh. Với giáo viên, muốn dạy cho học sinh sự trung thực trong học tập và thi cử thì chính mình phải là người gương mẫu giữa nói và làm. Rất nhiều cuộc thi các cấp được tổ chức nhiều năm qua đã bị chi phối và tác động bởi nhiều yếu tố không đến từ chuyên môn mà bị sức ép bởi các thành tích liên quan đến thi đua, khen thưởng.
Với học sinh, muốn thi thật thì đầu tiên học sinh phải học thật. Sợ nhất là chuyện học thì thật mà thi lại không thật, danh sách thi là học sinh, nhưng phụ huynh mới chính là người “thi” trong hậu trường. Ngay cả kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong nhiều năm gần đây cũng làm cho dư luận xã hội và ngay cả những người trong cuộc cũng đặt nhiều câu hỏi hoài nghi về sự không minh bạch và độ trung thực khi ra đề thi, chấm thi.
Chúng tôi chỉ đưa một ví dụ tiêu biểu là rất nhiều năm nay, nhiều giáo viên đã nhiều lần thẳng thắn đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố công khai đáp án chấm thi của đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia từng năm và đăng tải công khai những bài thi đoạt giải Nhất, Nhì để cho giáo viên, học sinh đọc và tham khảo về chuyên môn. Nhưng chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Đó là một trong nhiều cách hành xử không minh bạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm mất niềm tin của nhiều giáo viên phổ thông và dư luận xã hội về vấn đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong nhiều năm gần đây.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Để triển khai quyết liệt và có hiệu quả của 5 đề xuất giải pháp trên, nhóm tác giả thiết nghĩ các cán bộ quản lý ở các địa phương từ giám đốc sở giáo dục và đào tạo đến trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị, hiệu trưởng các trường học và cơ sở giáo dục cần nâng cao tính gương mẫu, công minh, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của những người đứng đầu Ngành Giáo dục và Đào tạo để xây dựng môi trường văn hóa trường học, quyết tâm nói không với “bệnh thành tích” trong giáo dục.
Triển khai các giải pháp này như thế nào để dần đưa nền giáo dục thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng và sự đam mê cống hiến của đội ngũ các nhà giáo, đáp ứng được quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, câu trả lời xin được dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiệm vụ này là việc chung không của riêng Ngành Giáo dục và Đào tạo mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thích thành tích chẳng bao giờ là xấu nếu nó là thành quả của thực lực, nỗ lực của việc học và làm một cách nghiêm túc, sòng phẳng. Thi đua cũng chẳng bao giờ là xấu khi nó sẽ tạo động lực để mọi ngành, mọi nghề phấn đấu và khẳng định mình. Nhưng chính tâm lý ưa thành tích ảo đã ăn sâu vào tiềm thức, tư duy và trở thành lực cản lớn nhất đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay. Muốn có những điểm 10 “thật” trong thi tốt nghiệp THPT thì các nhà quản lý giáo dục các cấp phải đi tiên phong và gương mẫu nói thật, làm thật - nói đi đôi với làm; các thầy cô phải dạy thật, học sinh phải học thật ngay từ khi mới vào lớp 1 và tất cả các bậc phụ huynh cũng thành thật chấp nhận kết quả thật. Đó mới là cái gốc của vấn đề.
Trung Hiếu - Ngô Khiêm