Đổi mới giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII là một quá trình “đổi mới căn bản và toàn diện”. Từ đổi mới nội dung chương trình và sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra, đánh giá và thi cử. Trong đó, đổi mới hình thức, phương thức kiểm tra đánh giá là khâu rất quan trọng và công đoạn cuối cùng của quá trình dạy học. “Bão” điểm 10 có liên quan mật thiết và biện chứng về “bệnh thành tích” trong giáo dục được lộ rõ ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc về việc có nên bỏ kỳ thi này để hướng đến nền giáo dục đi theo quan điểm chỉ đạo “Học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính? Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt 3 kỳ “Tăng động lực, giảm áp lực với đổi mới giáo dục phổ thông” của tác giả Trung Hiếu, Ngô Khiêm.
Kỳ 1: “Bão” điểm 10 - Nên vui hay buồn?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1) có điểm 10 tăng mạnh với 24.500 điểm 10, nhiều gấp 4 lần năm 2020. Nhiều cảm xúc khác nhau và cách nhìn nhận về kết quả đó cũng không giống nhau. Điểm 10 tăng mạnh, tăng bất thường có mối quan hệ biện chứng với căn bệnh nan y của Ngành Giáo dục và Đào tạo trong rất nhiều năm qua, đó là bệnh thành tích. Bệnh thành tích cùng với sự gian dối, thiếu trung thực trong giáo dục nếu không tìm ra căn nguyên và không có “liều thuốc đặc trị” sẽ là mối nguy hại cho chất lượng giáo dục và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6-5-2021 (Ảnh: VGP).
Mấu chốt là ở đề thi
Mọi sự so sánh về thời đại và thời kỳ của các thí sinh qua các kỳ thi đều là sự so sánh khập khiễng, bởi nay luôn khác xưa. Nhưng chỉ cần đưa ra 2 hình thức thi THPT quốc gia trước và sau năm 2017 là chúng ta dễ nhận ra ngay điều khác biệt đó. Thời còn 2 kỳ thi độc lập nhau là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thì việc một thí sinh làm được điểm 10 là rất hiếm. Đặc biệt ở các môn thi khoa học xã hội thì làm được điểm 10 càng hiếm. Bắt đầu từ kỳ thi “hai trong 1” (1 kỳ thi giải quyết 2 mục đích là tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng) với hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) là sự bùng nổ số lượng điểm 10 ở nhiều môn thi. Song hành với nhiều điểm 10 là sự tỉ lệ thuận với nhiều thủ khoa, á khoa với các tổng điểm các môn thi đại học theo khối thi là 28, 29, 30 điểm.
Như là một quy luật về tâm lý, con đạt điểm cao, cha mẹ sao lại không vui? Học trò đạt điểm cao, sao thầy cô, nhà trường lại không mừng? Địa phương đứng thứ hạng cao so với nhiều địa phương khác sau một cuộc thi, kỳ thi, lãnh đạo ngành đó, địa phương đó sao lại không tự hào? Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cũng không phải là một ngoại lệ.
Bên cạnh nhiều thí sinh trượt tốt nghiệp vì dính điểm liệt (thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 có 1.280 bị trượt) rất đáng trách bởi thực lực học quá “non” hoặc ý thức thức học tập quá kém cũng cần ghi nhận rất nhiều học sinh khẳng định điểm thi của mình bằng thực lực và nỗ lực, là thành quả của ý chí và thái độ học hành nghiêm túc để làm nên những điểm 9, điểm 10 quý giá.
Đứng trước kết quả trên, không ít người đã “hoài nghi” tính nghiêm túc của kỳ thi ở các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi nhưng thiết nghĩ là khả năng để có thể “gian lận” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 này là không cao. Bài học đáng xấu hổ về sự gian lận của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La luôn tươi nguyên giá trị để trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2021, các địa phương sẽ phải tổ chức thi nghiêm túc hơn. Có những người hỏi, có phải chất lượng học sinh lớp 12 năm nay giỏi hơn năm ngoái nên điểm 10 năm nay tăng bất thường? Chúng tôi xin khẳng định là không có chuyện đó.
Yếu tố mấu chốt, căn cơ của vấn đề ở đây chính là đề thi. Qua 5 năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT (2017-2021) yếu tố cơ bản tạo nên nhiều biến đổi thắng trầm của điểm thi chính là cách ra đề thi và mức độ của đề thi mỗi năm. Theo đánh giá của rất nhiều thí sinh và giáo viên thì đề thi năm nay nhìn chung là dễ hơn, nhẹ nhàng hơn năm ngoái. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc điểm thi cao bất ngờ, số điểm 10 tăng không ngờ.
Có 2 lý do cơ bản tác động đến việc ra đề thi năm 2021 (đợt 1) dễ hơn năm 2020.
Thứ nhất, 2 năm học 2019-2020, 2020-2021 đều diễn ra trong đại dịch COVID-19 với nhiều diễn biến lan rộng, phức tạp và khó lường. Chất lượng dạy học bị chi phối bởi sự đan xen 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến của nhiều trường, nhiều địa phương.
Thứ hai, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 như tên gọi của nó thì đã đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc xét tốt nghiệp trong xu hướng chuyển giao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện từng bước. Tuyển sinh đại học không còn nhất thiết phải dùng kết quả của kỳ thi chung nữa mà thay vào đó các trường đại học được quyền dùng phương án của mình để lấy đầu vào sao cho đạt được chỉ tiêu cũng như các tiêu chí về năng lực.
Từ thông điệp của Thủ tướng
“Học thật, thi thật, nhân tài thật” là thông điệp, là mệnh lệnh của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ngành Giáo dục và Đào tạo, bởi người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy thực trạng “Học giả, thi giả, nhân tài giả” đã và đang tồn tại rất nhiều năm qua, gây nhiều hệ lụy và bức xúc trong dư luận xã hội. Khi kỳ thi đầu tiên diễn ra trong bối cảnh mệnh đề đó thì việc có quá nhiều điểm 10 làm chúng ta cần phải có suy nghĩ rất nghiêm túc, thẳng thắn. Câu hỏi đặt ra là liệu điểm thi cao như vậy, quá nhiều thí sinh đạt điểm 10 như vậy đã phản ảnh việc “học thật” chưa? Có phải năm nay số lượng và chất lượng điểm cao thì lại khẳng định học sinh lớp 12 năm nay giỏi hơn học sinh lớp 12 năm ngoái? Chắc chắn là không.
Muốn có nhân tài thật thì phải học thật, thi thật. Học sinh bây giờ khác nhiều với học sinh hàng chục năm trước về mục tiêu học và mục đích thi. Mục tiêu học và mục đích thi sẽ quyết định đến ý thức, thái độ học. Trước đây học gì, thi nấy còn bây giờ thi môn gì, học môn ấy, thi kiểu gì, học kiểu ấy. Một kiểu học theo lối “ứng thi” chứ không còn là học để có kiến thức, học nên người, học để cống hiến có ích bản thân, cho gia đình và xã hội.
Theo “Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021”, kỳ thi có 3 mục tiêu chính: Đánh giá kết quả dạy và học chương trình giáo dục phổ thông, xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Trong 3 mục tiêu đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đã có thành công ở 2 mục tiêu sau, nhưng sẽ rất không chính xác ở mục tiêu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá kết quả dạy và học chương trình giáo dục phổ thông.
Môn thi có nhiều điểm 10 nhất là môn Giáo dục công dân có 18.860 điểm 10, chiếm hơn 76% tổng số điểm 10, không có nghĩa là đây là môn học, môn thi mà học sinh giỏi nhất. Mặt khác, một thực tế đã diễn ra trong những năm gần đây là có “độ vênh” giữa kết quả thi tốt nghiệp với điểm trung bình lớp 12 trong học bạ có sự chênh lệch khá cao ở nhiều trường, nhiều địa phương.
Đến thời điểm này, hàng loạt các địa phương đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT (đợt 1) cao hơn 99%, như: Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... Hà Giang là địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhưng cũng đạt 93,22%. Nhìn vào tên các tỉnh, thành nằm trong danh sách có tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99% để khẳng định chất lượng giáo dục cao, đánh giá kết quả dạy và học chương trình giáo dục phổ thông tốt, thậm chí tốt hơn tất cả các tỉnh, thành còn lại là hoàn toàn sai lầm.
Với thực trạng “bão” điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (đợt 1) vừa qua không thể là căn cứ duy nhất mặc định cho chất lượng giáo dục suốt 3 năm học phổ thông. Hình thức thi trắc nghiệm thay thế cho thi tự luận là một trong những nhân tố quan trọng làm nên sự gia tăng điểm 10 theo kiểu “đột biến”, “bất thường”.
Hình thức thi và mức độ ra đề thi đã làm nên đồ thị điểm thi mấy năm gần đây diễn ra theo kiểu thăng và trầm. Năm nào đề thi nhẹ nhàng, điểm thi sẽ cao, năm nào đề tương đối khó và có sự phân hóa thì điểm sẽ thấp hơn, điểm 10 sẽ ít đi.
Đề thi năm 2017 khá dễ khiến “điểm 10 như mưa”. Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm từ 2017 để đến năm 2018 lại ra đề khó hơn dẫn đến tình trạng “hạn hán” điểm 10 và rất nhiều thí sinh dính điểm 0. Và đây là một trong những lý do dẫn đến gian lận kinh hoàng trong khâu chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Năm 2019, đề thi lại nhẹ nhàng hơn năm 2018 và lại xuất hiện nhiều điểm 10. Năm 2020, điểm 10 vẫn “hoành tráng”. Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 nên đề thi ở nhiều môn lại nhẹ nhàng hơn và cơn “bão” điểm 10 lại bùng phát một cách không bình thường.
Và khi đón nhận thông tin điểm 10 tăng đột biến trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhóm tác giả không thấy ngạc nhiên, cũng không mừng, cũng không buồn mà thấy lo lắng. Như một nghịch lý, giáo viên bây giờ suốt ngày kêu áp lực đòi Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tải. Học sinh và phụ huynh bốn mùa than thở chương trình sách giáo khoa nặng quá, nhiều quá, khó học, khó nhớ nhưng tại sao học sinh lại làm được rất nhiều điểm 9, điểm 10 ở nhiều bài thi, môn thi thế?
Trung Hiếu - Ngô Khiêm