Đứng trước những hệ lụy của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn chính trị, năm 2023 đặt ra nhiều thử thách trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trước đó, Thái Nguyên là địa phương có nền kinh tế có độ mở cao, là đất lành cho nhiều “đại bàng” về làm tổ nên những khó khăn, thách thức trong nước và quốc tế càng tác động khá trực tiếp và mạnh mẽ hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Công nghiệp - dịch vụ là điểm sáng
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên có sự đóng góp rất lớn vào khối doanh nghiệp FDI, nhưng các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm, số lượng đơn hàng giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các thị trường vốn là đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thái Nguyên thống nhất không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, không đề xuất điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng yếu nhằm thể hiện quyết tâm đến cùng.
|
Thái Nguyên chính thức lọt Top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi.
|
Năm 2023, Thái Nguyên ước đạt mức tăng trưởng trên 5%, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Thu ngân sách toàn tỉnh dự ước đạt 20.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Thái Nguyên chính thức lọt Top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi. Con số này cũng cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế, tính ổn định, bền vững và khả năng vượt qua khó khăn đảm nhiệm trọng trách trong tỷ lệ thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP), Thái Nguyên ước đạt 113 triệu đồng/người/năm, cho thấy đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người khá của cả nước và là tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 35 tỷ USD, tăng 9% so với thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn tỉnh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác ước đạt 24,8 tỷ USD. Các nhóm hàng khác có giá trị xuất khẩu trong năm 2023 ước giảm so với năm 2022 gồm: Sản phẩm từ sắt thép; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu và tinh quặng kim loại; chè các loại; phụ tùng vận tải… Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu ước tính năm 2023 đạt cao hơn năm 2022 như sản phẩm may mặc đạt 499,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 16,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 510,9 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15,8 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ổn định, bình quân tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng; 2 nhóm có chỉ số giá giảm; 1 nhóm ổn định chỉ số giá.
Nông nghiệp là trụ đỡ
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,04% (kế hoạch 3,5%). Để thực hiệu quả Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi theo hướng đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương vào sản xuất... Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp cùng các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng chuyên canh, sản xuất an toàn, hữu cơ. Điển hình là vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích khoảng 2.720ha với các giống lúa nếp Thầu Dầu (Phú Bình), nếp Vải (Phú Lương), gạo Bao Thai (Định Hóa); áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào sản xuất cây chè với diện tích khoảng 17.800 ha; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với 116/752 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong toàn tỉnh; hình thành và duy trì 22 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ động vật, chế biến - tiêu thụ...
|
Hình thành vùng sản xuất chè tập trung áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
|
Cùng với thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương để kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động như: Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023; Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương; Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023; Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023...
Năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023. Song từ những kết quả khả quan đã đạt được và động lực tăng trưởng của 2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 7,5% trong năm 2024.
PV