Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực đang được triển khai mạnh mẽ trên địa toàn quốc. Tỉnh Thái Nguyên cũng đang đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá hệ thống truyền thanh cấp xã nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.
|
Cán bộ phụ trách đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thực hành sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh.
|
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5-7-2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, những năm qua, thông tin cơ sở đã phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế nhất ở cơ sở là gần dân, sát dân, tuyên truyền hiệu quả đến người dân nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truuyền thông, tính đến tháng 6-2023, cả nước có: 9.959 đài/10.598 xã, phường, chiếm 94% (tăng 1,4% so với năm 2022); còn 639 xã, phường chưa có đài, trong đó có 459 xã chưa có đài (chủ yếu là các xã khu vực miền núi, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Đài ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (đài truyền thanh thông minh) trong toàn quốc là 1.757 đài, chiếm 17,6% (tăng 4,4% so với năm 2022); trong đó có 1.386 đài của xã nông thôn, miền núi (thuộc 51 tỉnh), chiếm 13,92%, đài truyền thanh thông minh, tăng 460 đài so với cùng kỳ (tăng 35,5%).
Đối với tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30-9-2023, trên địa bàn tỉnh có 137/177 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cấp xã, trong đó: 94 đài truyền thanh không dây/FM, 26 đài truyền thanh hữu tuyến/có dây và 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Tuy nhiên, các xã đã được đầu tư đài truyền thanh có dây và không dây từ những giai đoạn trước đã hết khấu hao, phần lớn là cũ, lạc hậu, xuống cấp, nhiều đài hư hỏng một phần hoặc hư hỏng không còn sử dụng được, ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý, hoạt động còn hạn chế cần phải chuyển đổi hoặc đầu tư mới. Nguồn nhân lực làm công tác truyền thanh cấp xã vẫn còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc không chuyên trách, chưa được đào tạo nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ, luôn có sự thay đổi vị trí.
Nhằm triển khai nhiệm vụ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng côn nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh thông minh) theo Quyết định số 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông minh, trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu tư 4 đài cho các xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai); xã Cù Vân, Ký Phú (huyện Đại Từ); xã Trung Hội (huyện Định Hóa); 6 đài được đầu tư từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu và 7 đài từ nguồn ngân sách của các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa.
Chia sẻ về hoạt động của đài truyền thanh thông minh, đồng chí Ma Đức Cao, công chức văn hóa xã Định Biên (huyện Định Hóa) cho biết, trước đây mỗi khi cần triển khai công tác tuyên truyền, UBND xã phải ban hành văn bản gửi về cấp xóm, rồi phải gọi điện đôn đốc trưởng xóm. Bây giờ thì khác, chỉ cần biên tập tin, đẩy lên phần mềm, phát thanh viên ảo sẽ đọc tin và phát đến các cụm loa, tất cả người dân trong xã đều nắm được chủ trương một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và thực hiện kịp thời.
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đang triển khai Dự án phát triển thông tin cơ sở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, trong đó đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh cho 39 xã, phường, thị trấn chưa có đài hoặc đã có đài nhưng hư hỏng hoàn toàn không sử dụng được vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang thực hiện nhiệm vụ “Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động đài truyền thanh” cho các xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó lắp đặt đài truyền thanh thông minh cho 6 của các huyện Võ Nhai, Định Hoá và Đồng Hỷ nhằm đảm bảo mục tiêu “100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt công tác thông tin tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương” tại Dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.
Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên trao đổi: Sở đang xây dựng Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, tích hợp với hệ thống thông tin nguồn Trung ương để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông cơ sở; nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Việc đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh ở cấp xã đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở, giải quyết được bài toán thiếu nhân lực trong quản lý, vận hành, tổ chức sản xuất nội dung thông tin, vừa đảm bảo tiêu chí nông thôn mới và tiêu chí công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh và loa truyền thanh thông minh đến các tổ dân phố) theo Quyết định số 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
|
Đồng chí Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra thiết bị đài truyền thanh thông minh tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.
|
Đồng chí Hoàng Thị Ngà, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Định Hoá chia sẻ, để đạt các chỉ tiêu thuộc tiêu chí thông tin và truyền thông (tiêu chí số 8) trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, huyện Định Hoá đã đầu tư đài truyền thanh thông minh cho 4 xã Tân Dương, Định Biên, Phú Tiến, Bình Yên từ nguồn ngân sách huyện. Đây cũng là một tiêu chí để góp phần đưa huyện Định Hoá đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh thông minh; sử dụng phổ biến trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số. Để làm được điều này thì nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin ở cơ sở cần được quan tâm. Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, cách viết, biên tập tin, bài, xây dựng bản tin, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật cho 100% cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã.
Hiện đại hoá hệ thống thông tin cơ sở trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để đảm bảo có một kênh thông tin hiện đại, truyền tải kịp thời những thông tin chỉ đạo điều hành của các cấp và chính quyền địa phương đến người dân; giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thị trường, tiếp nhận các kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội... Qua đó, nâng cao trình độ dân trí, thay đổi ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao năng suất lao động, cải thiện và phát triển đời sống. Đồng thời, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân trong thời đại kỷ nguyên số.
Thu Hương
Sở Thông tin và Truyền thông