|
Quang cảnh buổi họp báo chiều 23-2-2023 tại Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: H.Hào).
|
Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về tình hình quan hệ lao động, việc làm của Thành phố trong tháng đầu năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố cho biết: Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện và tham gia sàn giao dịch việc làm chuyên đề trong tháng 2-2023, cụ thể:
Ngày 24-2: phối họp với Công an thành phố tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho hạ sĩ quan nghĩa vụ chuẩn bị xuất ngũ, địa điểm tổ chức: Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến sẽ có 700 hạ sĩ quan nghĩa vụ chuẩn bị xuất ngũ tham gia. Ngày 25-2: tham gia cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên thực hiện chương trình “Tiếp sức người lao động và Sàn giao dịch việc làm”, địa điểm tổ chức: Học viện Cán bộ thành phố. Dự kiến số lao động tham gia là 4.500 người, trong đó người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến tìm việc là 300 người.
Ngoài ra, trung tuần tháng 3, Sở LĐTB&XH và Sở Du lịch phối họp tổ chức sàn giao dịch việc làm kết nối nhu cầu nhân lực Ngành Du lịch.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời báo chí tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam dự kiến cắt giảm 2.500 lao động
Trả lời báo chí về việc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm số lượng lớn lao động, đồng chí Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có trụ sở tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân; ngành nghề sản xuất phụ liệu giày; vốn 100% Đài Loan tổng số lao động hiện tại là 50.563 người. Dự kiến Công ty sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động với 2.500 lao động; đồng thời sẽ phối họp với công đoàn cơ sở họp và thông báo đến người lao động về thời gian chấm dứt họp đồng, các chế độ quyền lợi đối với người lao động. Hiện nay, Công ty đang xin ý kiến Tập đoàn tại Đài Loan về các chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động.
Về phía Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố có một số bước chuẩn bị để kịp thời hỗ trợ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng như: Chuẩn bị danh sách doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động có nhu cầu tuyển lao động để tư vấn giới thiệu việc làm; triển khai tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm phù hợp; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, Long An hỗ trợ cho người lao động sinh sống tại địa bàn tỉnh, hằng ngày đi làm bằng xe đưa rước của Công ty tìm kiếm việc làm cũng như tư vấn thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Long An và Tiền Giang.
Sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn còn nhiều
Tại buổi họp báo, đồng chí Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết: thời gian gần đây có nhiều người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn và quy định của pháp luật hiện nay xử lý rất nghiêm, tuy nhiên qua tổng kết kết quả xử lý cho thấy số vi phạm còn nhiều, cụ thể:
Năm 2022: toàn Thành phố 55.555 vụ vi phạm nồng độ cồn và 11 vụ chống người thi hành công vụ, phạt hành chính trên 400 tỷ đồng.
Đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ 15-11-2022 đến 5-2-2023, Công an thành phố đã xử lý: 17.456 vụ vi phạm về nồng độ cồn (tăng 2.180 so với liền kề, giữ 16.456 xe, tước 11.055 GPLX) và 3 trường hợp chống người thi hành công vụ, xử phạt tiền vi phạm nồng độ cồn trên 66 tỷ.
Nói về các biện pháp xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đồng chí Lê Mạnh Hà cho biết: Công an thành phố tăng cường tuyên truyền trực tiếp, thành lập các tổ công tác đến các điểm hàng quán kinh doanh rượu bia để vận động cam kết, treo băng rôn “không lái xe sau khi đã uống rượu bia”, khuyến cáo thực khách sử dụng xe taxi/xe công nghệ sau khi sử dụng đồ uống có cồn tại quán, niêm yết thông tin tai nạn giao thông liên quan cồn tại các tuyến cao điểm.
Về các giải pháp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm: Công an thành phố giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị tại từng ca công tác, xem là chuyên đề trọng tâm hàng đầu; tuần tra xử lý linh hoạt cả ngày lẫn đêm (một số địa phương còn có xảy ra trường hợp vi phạm nồng độ cồn vào buổi sáng); kết hợp giữa kiểm soát tại một điểm và xử lý cồn lưu động; xây dựng mạng lưới các tổ thanh tra kiểm soát liên hoàn, kiểm soát triệt để người vi phạm nồng độ cồn, tránh trường hợp điều khiển xe có nồng độ cồn đi một đoạn dường dài mà không kiểm soát, gây tai nạn.
Đối với việc xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ: Công an thành phố thường xuyên quán triệt, tuyên truyền để lực lượng cán bộ, chiến sĩ khi thực thi công vụ phải giữ vững tư thế, tác phong, lời nói chuẩn mực; Trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng tuần tra kiểm soát; Phối hợp với các lực lượng kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu, không để phát sinh phức tạp, kéo dài; Bố trí các đội hình tuần tra kiểm soát phù hợp, kết hợp các lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự; Nâng cao công tác tuyên truyền: xử lý điểm một số vụ và tuyên truyền rộng rãi để phòng ngừa chung; Tăng cường trang bị hệ thống camerabody ghi nhận hình ảnh, clip trong hoạt động tuần tra kiểm soát – Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết.
|
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. Hồ Chí Minh trả lời báo chí tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).
|
Thời gian gần đây có xảy ra nhiều vụ người giúp việc trộm tài sản của chủ nhà, vấn đề này, tượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý: đối với gia đình thuê người giúp việc cần phải có hợp đồng thuê rõ ràng để biết rõ nhân thân, lai lịch của người giúp việc; thực hiện đăng ký tạm trú theo quy định; Không để tiền, trang sức, vàng và tài sản nhỏ gọn có giá trị cao trong nhà, nếu có phải giữ kín nơi cất giữ an toàn, không để người giúp việc biết nơi cất giấu và tài sản dễ nảy sinh lòng tham dẫn đến vi phạm. Ngoài ra, gia đình cũng cần trang bị camera, thiết bị báo trộm tại nhà.
Hoàng Hào