Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ dân gặp khó khăn, trong đó chi phí tiền điện là chi phí cố định phải trả hằng tháng. Chính phủ nhận thức rõ sự vất vả của nhiều người dân trong khu vực đang thực hiện giãn cách, cho nên đã đồng hành để san sẻ một phần khó khăn của người dân.
Hôm qua, 31-7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ tiền điện thứ 4 được đưa ra trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 2-6, Chính phủ có Nghị quyết 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68) đang tích cực được triển khai thì việc có thêm sự hỗ trợ tiền điện là hết sức cần thiết. Tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tiền điện, nước tăng diễn ra phổ biến ở nhiều gia đình do phải ở nhà để phòng chống dịch, đặc biệt lại trong mùa nắng nóng đỉnh điểm. Mà “tiền điện, tiền nước mỗi thứ chỉ tăng vài chục ngàn là đã thấy lo lắm”, như phản ánh của một số người dân gửi đến Báo Điện tử Chính phủ.
Sự lo lắng này cũng là điều mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo. “Chính phủ hết sức thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn về tinh thần và vật chất mà nhân dân phải đối mặt hơn một năm qua do dịch COVID-19 gây ra. Từ thành thị tới nông thôn, những con đường vắng người qua lại, những khu chợ sầm uất, sân bay, bến cảng, sân trường, nhà máy, xí nghiệp... náo nhiệt giờ lặng lẽ; trong khi đó bệnh viện, khu điều trị ở một số nơi có dịch lại trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Những chung cư, sân vận động, nhà thi đấu, ký túc xá, doanh trại quân đội bất đắc dĩ trở thành bệnh viện dã chiến, thành khu cách ly. Bao nhiêu cuộc hội ngộ, đoàn tụ vui buồn trở thành dang dở... Sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập, tích lũy của người dân giảm sút... Đám mây đen COVID-19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở và nêu rõ tinh thần, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn cuộc sống của nhân dân.
Có thể nói nguồn lực còn khó khăn để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân, nhưng chính sách hỗ trợ dẫu ít, cũng luôn được người dân đón nhận và trân trọng. Mức giảm tiền điện như đợt 4 này được đánh giá là giúp nhiều gia đình bớt đi phần nào gánh nặng, nhất là hộ nghèo - những hộ dễ dàng nhận diện qua hóa đơn tiền điện. Đồng thời, nó cũng động viên, khích lệ tinh thần cho người dân cùng nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Việc Nghị quyết nhận được nhiều phản hồi nhất trên trang fanpage Thông tin Chính phủ đã phần nào minh chứng cho sự quan tâm của người dân trước các chính sách hỗ trợ. Sau khi được đăng trên trang Thông tin Chính phủ, trong vòng 1 tiếng đồng hồ, bài viết nhận được 10.000 lượt thích (like), hơn 670 lượt chia sẻ (share) và hơn 50.000 lượt tương tác, bình luận (comment). Đa số ý kiến đánh giá cao, cho đây là sự hỗ trợ cần thiết, sát sườn, là “sự kịp thời của Chính phủ khi phản ánh chính đáng của người dân được lắng nghe”, như tài khoản “Huong Duong Ngay Moi” bình luận. “Đây là thứ tôi mong chờ”, nhiều ý kiến cho rằng vào thời điểm này cần thực hiện giảm tiền dịch vụ thiết yếu như điện, nước để hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo nhất trong xã hội cũng là nhóm dễ tổn thương nhất hiện nay.
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4 với biến thể Delta mạnh nhất, đáng gờm nhất, chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Chính phủ nhận thức đầy đủ về sự vất vả, sức chịu đựng của nhân dân đang ngày đêm lo chống dịch. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhất quán là tập trung chống dịch nhưng cũng cần thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Một lần nữa, trong Công điện 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 ban hành cùng ngày với Nghị quyết 83 về hỗ trợ giảm tiền điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ.
Chính phủ luôn cố gắng rất cao trong việc mang đến cho người dân 3 chữ “an”, đó là an toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ đi qua.
“Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nguồn: chinhphu.vn