Tín dụng chính sách xã hội là chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Kết quả đạt được

Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban đảng của Tỉnh ủy, các ban thuộc HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh; trưởng ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thành phố.

Qua 20 năm hoạt động (2002-2022) đã khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác và mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002 của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, có hiệu lực và hiệu quả; việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là đúng đắn, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao và đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Việc ra đời Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang triển khai thực hiện trên 20 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, kết quả đạt được một số chương trình như sau: (1) Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo: Doanh số cho vay đạt 1.861.503 triệu đồng, với 65.850 lượt hộ đã được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 524.509 triệu đồng. (2) Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Doanh số cho vay đạt 1.824.259 triệu đồng, với 165.021 lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 743.265 triệu đồng. (3) Chương trình cho vay giải quyết việc làm: Doanh số cho vay đạt 1.193.640 triệu đồng, với 68.345 lượt khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 1.170.300 triệu đồng; đã góp phần quan trọng giúp cho 64.073 lao động có việc làm, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện việc cho vay khác như: Tín dụng hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay học sinh sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 42/NQ-CP,... 

Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau đã giải ngân cho 716.769 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp cho 356.966 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn (số hộ vượt qua ngưỡng nghèo là 81.566 hộ); kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, năm 2002 từ 15,5% giảm còn 3,12% năm 2021; giải quyết việc làm cho 64.073 lao động; giúp cho 44.653 học sinh sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; có 150.339 hộ được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và cầu vệ sinh, với tổng số 140.854 công trình (trong đó: nước sạch 85.713 công trình, vệ sinh 55.141 công trình); xây dựng trên 12.259 căn nhà cho người nghèo theo Quyết định số 167 và 33/QĐ-TTg.

Vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng màu, cây ăn trái, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện. Nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả được nhân rộng, như: Nuôi tôm cua kết hợp thâm canh, quảng canh cải tiến; trồng đa cây, đa con lấy ngắn nuôi dài... được hộ vay vốn, thành viên các hội đoàn thể thực hiện đại trà và đều đạt hiệu quả cao. Từ đó, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.  

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các hội đoàn thể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được cải thiện, củng cố và nâng cao theo chiều hướng phát triển và bền vững. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng các hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, quá hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; luôn chú trọng tới việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp.

Hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được còn một số hạn chế như: Đối tượng phục vụ chủ yếu của Ngân hàng Chính sách xã hội là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu sinh sống tại các xã vùng sâu, vùng xa, một bộ phận ý thức của người dân còn thấp, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh; là đối tượng thường xuyên phải chịu thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế, xã hội, công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ với hoạt động vay vốn để giúp đỡ người nghèo còn hạn chế dẫn đến hiệu quả của vốn vay ưu đãi còn chưa cao. Nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn còn nhiều, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng hết nhu cầu của người vay, do nguồn vốn của chương trình này còn hạn chế. Một số nơi hội đoàn thể quản lý chưa bao quát toàn diện đến các công việc được ủy thác trong quy trình cho vay. Chất lượng tín dụng trên địa bàn có một số nơi còn chưa tốt, một bộ phận hộ vay vốn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm có vay, có trả, ít tích lũy, nên chưa chấp hành tốt việc trả lãi, trả nợ gốc đầy đủ đúng kỳ hạn; nhiều hộ vay sản xuất - kinh doanh thua lỗ, bỏ đi khỏi nơi cư trú, bỏ đi làm ăn xa không xác định được thông tin, địa chỉ; bên cạnh đó một số trường hợp có điều kiện nhưng thiếu ý thức trả nợ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước nên gây khó khăn trong công tác xử lý, thu hồi nguồn vốn chính sách.

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (đứng giữa) trao các quyết định khen thưởng.

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (đứng giữa) trao các quyết định khen thưởng.

Mục tiêu chung đến năm 2030

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Luân, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những công cụ tài chính hoạt động hiệu quả nhất góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội là chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Ngoài sứ mệnh tạo điều kiện để người nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận các chương trình tín dụng, nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo hiện nay ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Hoạt động tín dụng chính sách tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo bền vững, ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Hướng đến mục tiêu chung đến năm 2030, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước vì vậy cần phải tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả chính sách này.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Xây dựng hình ảnh Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Dịp này, UBND tỉnh công bố Quyết định khen thưởng cho 13 tổ chức và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP.

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đứng giữa) trao các quyết định khen thưởng

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đứng giữa) trao các quyết định khen thưởng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất