Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương chiếm trên 72%, để nâng cao chất lượng giáo dục, Tỉnh ủy lào Cai và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai thực hiện đồng bộ có hiệu quả nhiều giải, trong đó chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học lấy học sinh làm trung tâm theo mô hình trường học mới (VNEN).
VNEN là mô hình trường học mới, nội dung dạy và học tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục, nhằm nâng cao, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho từng cá nhân học sinh. Dạy học theo mô hình mô hình VNEN, giáo viên không nặng về truyền đạt, trang bị kiến thức như những thợ dạy, mà trở thành một nhà sư phạm mang tính chuyên nghiệp cả về chuyên môn, phương pháp, tâm lý...
Cách đây 5 năm, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai bắt đầu đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới ở 4 trường học tiểu học. Sau khi triển khai thực hiện thành công và có hiệu quả, đến nay mô hình trường học mới đã được nhân rộng lên tới 117/238 trường tiểu học với hơn 31.446 học sinh theo học. Đến năm học 2014-2015, Lào Cai là 1 trong 6 tỉnh trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn để triển khai thực nghiệm mô hình trường học mới cấp THCS tại 4 trường. Qua 1 năm triển khai thực nghiệm, cán bộ quản lý, giáo viên đã tiếp cận và có thành công bước đầu để triển khai mô hình. Từ kết quả thí điểm ban đầu ở 4 trường trên, bước sang năm học 2015-2016, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai tiếp tục thí điểm nhân rộng mô hình trường học mới cấp THCS ra 92 trường trong tỉnh, trong đó các huyện như Bảo Thắng 16 trường, Bát Xát 11 trường, Văn Bàn 11 trường, Sa Pa 11 trường, Bắc Hà 9 trường, Bảo Yên 9 trường, Mường Khương 8 trường, Si Ma Cai 7 trường, thành phố Lào Cai 10 trường.
Với phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, cấp tiểu học ở Lào Cai đã xây dựng nhiều mô hình thực tiễn như: trồng một cây, nuôi một con; dinh dưỡng và sức khỏe trẻ mầm non; trường học đổi mới công tác quản lý; trường tiểu học năng động; trường học kết nối. Cấp THCS thực hiện các mô hình như: trường học du lịch, trường học đa văn hóa, trường học sinh thái, trường học nông trại... Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều trường ở vùng cao thuộc các huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa đã có nhiều sáng tạo trong công tác dạy và học được cấp uỷ, chính quyền và đông đảo dư luận quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Trong đó, phải kể đến một số mô hình hiệu quả ở các trường như: Trường tiểu học Lùng Vai, huyện Mường Khương, thực hiện mô hình trường học sinh thái với không gian xanh, sạch, đẹp, mô hình này không chỉ giúp cho các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chăm sóc cây xanh, xử lý rác thải mà còn giúp bố mẹ trong việc chăm sóc cây cối. Trường tiểu học Tả Phìn, huyện Sa Pa, các thầy cô giáo hướng cho các em trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Để thực hiện được mô hình này, hằng tháng, trường đều mời các nghệ nhân đến trình diễn cách làm các sản phẩm văn hóa như dệt vải, múa khèn, nấu nước tắm bằng lá của người Dao đỏ, để giúp các em hiểu về cội nguồn văn hóa ngay từ nhỏ để sau này mỗi em có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Trường tiểu học Trung Chải huyện Sa Pa có 100% học sinh là con em dân tộc người thiểu số, những năm trước đây, việc dạy học sinh đọc thông, viết thạo tiếng việt là rất khó khăn, nhưng thực hiện dạy học theo mô hình mô hình VNEN, các em học sinh của trường không chỉ đọc thông viết thạo, mà tự tin trong giao tiếp, trình bày ý kiến, suy nghĩ một cách mạch lạc, rõ ràng. Còn đối với trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai, các thầy cô giáo hướng cho các em nhận thức rõ được môi trường dạy và học nghiêm túc nhưng luôn sôi nổi và cởi mở, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, thể hiện rõ nhất ở điểm là mỗi khi có khách thăm trường, hội đồng tự quản là các học sinh tự tin giới thiệu về trường, về lớp và bản thân...
Tuy mới là những kết quả, thành công bước đầu, nhưng việc phát triển và thực hiện mô hình trường tiểu học mới đã tạo được những đổi mới tích cực trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các trường tham gia thực hiện VNEN đã có những chuyển biến, quang cảnh trường lớp khang trang, việc trang trí lớp học theo mô hình trường học mới sinh động, đẹp, thực tế; góc học tập, thư viện lớp học được sắp đặt theo chủ đề, chủ điểm, giúp cho các em học sinh thuận tiện tra cứu, nghiên cứu trải nghiệm; học sinh tự tin hơn được thể hiện chính bản thân mình trong các hoạt động tìm tòi, chủ động tiếp thu kiến thức nội dung các môn học.
Thực hiện mô hình trường học mới, thầy cô giáo không chỉ có truyền thụ tri thức cho học sinh, mà còn hướng dẫn học sinh làm việc với bản hướng dẫn học tập, cá nhân học sinh tự nghiên cứu, cùng nhau thảo luận nhóm kết hợp vận dụng các đồ dùng học tập liên quan để tự mình lĩnh hội kiến thức. Các trường thực hiện VNEN đã xây dựng mô hình giáo dục gắn với địa phương mình. Mỗi mô hình có một ý tưởng riêng, sáng tạo, độc đáo phát huy thế mạnh từng lớp, từng trường, qua đó đã phát huy được vai trò và đề cao tư tưởng, ý tưởng của học sinh, của cộng đồng cùng tham gia xây dựng kế hoạch, hợp tác cùng thực hiện. Với kết quả đạt được trên, đội ngũ giáo viên của Lào Cai không chỉ áp dụng mô hình tốt ở địa phương trong tỉnh mà còn trở thành đội ngũ cốt cán trong tập huấn mô hình trường học mới cho các địa phương khác.
Minh Phương