Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện và 1 thành phố, với 230 xã, phường, thị trấn, 2.495 thôn, bản, trong đó có 188 xã, 2.113 thôn, bản miền núi (540 thôn, bản có nhiều đông bào dân tộc thiểu số), 36 xã, 94 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh trên 1,6 triệu người; các dân tộc thiểu số có hơn 2 vạn người, bằng 12,5% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú tập trung chủ yếu ở 4 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU và Chương trình hành động số 40-CTr/TU để thực hiện Nghị quyết. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 24, Bắc Giang đã triển khai trên 20 nhóm chính sách và đầu tư trên 8.000 tỷ đồng cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách dân tộc đã tác động làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình mỗi năm từ 3-4%, không còn hộ đói. Đến hết năm 2014, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm cho 3.815 hộ nghèo dân tộc thiểu số; 100% số xã miền núi, vùng cao có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, trên 99% số hộ trong vùng dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia.
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, trên 80% các phòng, lớp học được kiên cố hóa; 100% trạm y tế được kiên cố hóa; 100% hộ gia đình là người dân tộc thiểu số ở các xã khu vực II, khu vực III được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hoạt động văn hoá thể thao được quan tâm, ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức định kỳ hằng năm. Đến nay đã thành lập được 48 câu lạc bộ dân ca dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế (trước năm 2003 chưa có câu lạc bộ). Năm 2012, dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng; tỉnh có chính sách khuyến khích cộng điểm thi tuyển công chức cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Một số huyện miền núi số lượng công chức người dân tộc thiểu số tăng nhanh, trong 10 năm huyện Sơn Động tăng thêm 670 biên chế người dân tộc thiểu số; huyện Yên Thế tăng 235 biên chế...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc ở Bắc Giang còn một số hạn chế, khó khăn: Công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc chưa được thường xuyên, liên tục; kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã có bước phát triển nhưng chưa toàn diện; đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (38,8%); trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa còn ở mức thấp. Tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn một số vấn đề phức tạp như tranh chấp đất đai, truyền đạo trái pháp luật... Một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, kém hiệu quả. Việc đầu tư một số dự án phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn di tích văn hóa và sưu tầm, tôn tạo, phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa phù hợp. Tiềm năng du lịch chưa được khai thác triệt để; văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang dần bị mai một. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tạo được sự chuyển biến mạnh. Tỷ lệ phần trăm cán bộ, công chức, cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số chưa tương xứng so với tỷ lệ dân số; hiện nay số cán bộ công chức người dân tộc thiểu số mới bằng 8,3% cán bộ, công chức của tỉnh; số tham gia cấp ủy nhiệm kỳ (2015-2020) ở cấp huyện là 9,6%, cấp tỉnh 7,5%...
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020, trong đó tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân từ 4-5%; cơ bản không còn nhà dột nát; trên 50% lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; 100% xã miền núi có trường học kiên cố; 99% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo chuyên môn, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; 100% trục đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, trên 50% đường liên thôn được cứng hóa; trên 95% số hộ gia đình có nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Từ thực tiễn công tác dân tộc ở tỉnh Bắc Giang sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, phải quán triệt sâu sắc quan điểm công tác dân tộc của Đảng, thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đồng thời là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, điều hành các chính sách dân tộc; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở.
Ba là, chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình dự án; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, người uy tín trong việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, quan tâm công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Lý Văn Thân
Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang