TP.HCM: 150.000 trường hợp F0 được phát hiện qua test nhanh chưa được cấp mã số quốc gia

Toàn cảnh buổi Họp báo chiều 27-9.

Số người bệnh nhân nhập viện đã ít hơn số số xuất viện, số bệnh nhân tiếp tục giảm

Thành phố đang điều trị 38.659 bệnh nhân (BN), trong đó: có 3.612 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.856 BN nặng đang thở máy và 22 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 26-9, có 2.805 BN nhập viện, có 2.936 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 193.509 người), 122 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 14.500).


Tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm đang giảm từng ngày

Về chiến lược xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 trong cộng đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm cho hay, tính từ 18 giờ ngày 25-9-2021 đến 18 giờ 26-9-2021: đã lấy 1.132.138 mẫu, trong đó có 4.182 mẫu đơn và 78 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 1.127.783 mẫu.

Tại “vùng đỏ” và “vùng cam” thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính lần lượt là 0,4% và 0,2%; đối với "vùng xanh", "cận xanh và vàng", thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình có tỷ lệ dương tính là 0,1%. Tỷ lệ này đang giảm từng ngày theo số lượng F0 phát hiện trong cộng đồng.

Trong công tác tiêm chủng, các quận, huyện vẫn đang tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian. 

Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 26-9-2021: 9.625.808 (tăng 183.993 mũi vắc-xin so với ngày 25-9-2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.816.113 (tăng 1.426 mũi vắc-xin so với ngày 25-9-2021), mũi 2 là 2.809.695 (tăng 182.567 mũi vắc-xin so với ngày 25-9-2021), số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vắc-xin là 1.116.257 người.

150.000 trường hợp F0 được phát hiện qua test chưa được cấp mã số quốc gia

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: Đối với 150.000 F0 tại TP.HCM được phát hiện do test nhanh chưa được cấp mã bệnh nhân, theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xét nghiệm bằng kỹ thuật RT- PCR. Test nhanh có hạn chế là làm độ nhạy và đặc hiệu không cao. Tuy nhiên, thời gian qua, số ca bệnh tăng nhanh; một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng của mắc COVID-19 qua test nhanh cần được xác nhận nhiễm để điều trị kịp thời. Bộ Y tế đã có Công văn cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0.

Dó đó, TP.HCM đã ghi nhận tất cả trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà, phát gói thuốc A, B, C để chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tất cả những trường hợp F0 đã được Thành phố tiếp nhận, lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ, đúng quy định - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định.

Hiện nay, các trường hợp F0 này chưa được Bộ Y tế công bố và chưa cấp mã số quốc gia. Vì vậy, TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế bổ sung các trường hợp này vào danh sách và cấp mã số để Thành phố quản lý bằng mã số quốc gia. Theo thống kê của Thành phố có khoảng 150.000 F0 thuộc trường hợp này.

Tất cả những trường hợp F0 đã được Thành phố tiếp nhận, lập danh sách và được điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ.

Triển khai chi gói hỗ trợ lần 3 đầu tháng 10


Liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các sở, ngành, địa phương đang rất khẩn trương để triển khai thực hiện. Tiền đã chuyển đến các quận - huyện, TP. Thủ Đức; tuy nhiên, danh sách hỗ trợ đợt này hơn 7 triệu người, công tác lập, rà soát, đối chiếu, cập nhật danh sách để tích hợp lên phần mềm giám sát hỗ trợ cần có thời gian để không bỏ sót, trùng lắp đối tượng.


Đến ngày 1-10, rà soát xong phần nào lập tức sẽ thông báo để địa phương triển khai chi hỗ trợ phần đó.

Trong ngày 27-9, Trung tâm An sinh thành phố đã tiếp nhận các mặt hàng như đồ bảo hộ, khẩu trang 3M, găng tay, gạo, sữa... do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố vận động Công ty Thế giới sữa, tỉnh Tuyên Quang, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 hỗ trợ ước tính trị giá 8.465.400.000 đồng.

Sữa hộp được phân phối đến 22 đơn vị quận huyện và TP. Thủ Đức, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các cơ sở bảo trợ xã hội và con em lực lượng tình nguyện viên; gạo chuyển về các bếp ăn từ thiện như: bếp Chùa Hương Thiền, bếp Moon, bếp ăn Bệnh viện Trưng Vương - Hùng Vương với tổng trị giá phân phối ước tính 8.165.400.000 đồng.

Lũy kế từ ngày 15-8-2021 đến 27-9-2021: Tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP. Thủ Đức là 1.996.160 túi (tăng 14.000 túi so với ngày 26-9-2021).

Triển khai chi gói hỗ trợ đợt 3 đầu tháng 10.

Từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống

Trao đổi về hoạt động cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Sở đã làm việc với các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt các vướng mắc và cùng tháo gỡ, nhất là trong việc xét nghiệm, tiêm vắc-xin tại các đơn vị. Lực lượng shipper và hệ thống phân phối hàng hóa đều đang được khẩn trương hoàn thành công tác tiêm vắc-xin.

Trong chuẩn bị nguồn hàng, Sở Công thương đã tổ chức các điểm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối với khối lượng khoảng 300 tấn/ngày để cung ứng cho toàn Thành phố.

Đồng thời, rà soát các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống để xem xét tổ chức lại các đơn vị đang đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19 theo tiêu chí an toàn của Thành phố.

Về hệ thống phân phối, các kênh “đi chợ hộ”, “siêu thị 0 đồng”, “Chợ nghĩa tình”… vẫn đang được thực hiện, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

H.Hào


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất