Số bệnh nhân thở máy và bệnh nhân tử vong giảm nhiều ngày liên tiếp Thông tin về tình hình dịch bệnh Thành phố trong 24 giờ qua, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 20-10-2021 có 421.491 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 420.992 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 11.516 bệnh nhân, trong đó: có 830 trẻ em dưới 16 tuổi, 333 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 20-10: có 748 bệnh nhân nhập viện, 630 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 244.031), 41 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 16.369). Số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm qua nhiều ngày liền (16-10 là 430, 17-10 là 404, 18-10 là 369, ngày 19-10 là 337 và ngày 20-10 là 333). Số bệnh nhân tử vong giảm xuống từng ngày và giảm xuống còn 2 con số (ngày 17-10 là 51, ngày 18-10 là 47, ngày 19-10 là 43, ngày 20-10 là 41). Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai, tính đến ngày 20-10, tổng số mũi tiêm 1 là 7.133.331, mũi 2 là 5.538.828.
Đã chi trả được 5.248.862 người cho gói hỗ trợ đợt 3 Cho biết về tình hình chi trả gói hỗ trợ đợt 3, đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB &XH) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố đã chi trả được 5.248.862 người cho gói hỗ trợ đợt 3. Việc chi trả này lúc đầu gặp một số khó khăn về hạ tầng do cùng lúc có quá nhiều người truy cập nhưng sau đó sự cố này đã được khắc phục. Đến thời điểm này đã có 17 quận, huyện chi trả trên 80%; các quận, huyện còn lại chi trả có chậm hơn do địa bàn dân cư đông, có nhiều ngõ hẽm; có trường hợp chưa nhận là do người được hưởng đang nằm viện; ngoài ra, còn do nguồn kinh phí chuyển về địa phương chưa kịp. Tuy nhiên, với tiến độ này thì việc chi trả sẽ hoàn thành theo đúng chỉ đạo của UBND. Về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ được Chính phủ, Bộ LĐ - TB & XH rất quan tâm, hiện đã có Nghị định 103 của Chính phủ và Thông tư 23 của Bộ LĐ - TB & XH hướng dẫn các trình tự, thủ tục về lãnh vực này. Riêng tại TPHCM, công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em đến giờ phút này diễn ra thuận lợi, không có vấn đề gì khó khăn. Theo thống kê, TPHCM có 1.933.308 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 21,49% dân số, trong đó có 935.141 trẻ em gái. Hiện nay, Thành phố có 16 cơ sở bảo trợ xã hội, có 8 cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em. Ngoài ra, trên toàn Thành phố còn có 56 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng và 35 cơ sở mái ấm nhà mở nuôi dưỡng tổng cộng là 2.968 em.
Đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH phát biểu tại buổi Họp báo.
Hiện đã có 5 trẻ được làm hồ sơ đầy đủ để tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở xã hội và 4 trẻ khác thì đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Trong đợt tiếp nhận người lang thang nơi cộng cộng, Sở có tiếp nhận 9 trẻ đi một mình và 4 trẻ đi cùng với mẹ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để triển khai chăm sóc cho các em. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em lang thang được thực hiện thuận lợi theo đúng quy định của Luật Dân sự, Luật Trẻ em và các thông tư, nghị định có liên quan - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH chia sẻ. Có khoảng 3.500 hành khách lưu thông qua lại trên 15 tỉnh thành Về tình hình giao thông vận tải liên tỉnh giữa TPHCM và các địa phương, đồng chí Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, từ 13-10 đến nay, tình hình giao thông vận tải liên tỉnh giữa TPHCM và các địa phương vẫn được tiếp tục triển khai và phối hợp chặt chẽ, đảm bảo được nhu cầu đi lại giữa các địa phương của người dân nhưng cũng phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do các quy định về phòng, chống dịch của từng địa phương có khác nhau nên việc phối hợp còn nhiều hạn chế, khó khăn; chưa tăng được lượng hành khách lưu thông. Đến thời điểm này mới có khoảng 3.500 hành khách lưu thông qua lại trên 15 tỉnh thành. Hy vọng trong thời gian tới các địa phương thống nhất với nhau về Bộ tiêu chí về phòng, chống dịch, lúc đó việc phối hợp giữa các địa phương sẽ được thuận lợi hơn và số lượng hành khách lưu thông qua lại giữa các địa phương được nhiều hơn. Đối với TPHCM, Bộ tiêu chí về giao thông vận tải cũng đã được ban hành, Sở đã tiến hành kiểm tra tại các bến xe và không có vi phạm nào xảy ra. - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định. Đã có 96 chợ truyền thống hoạt động Ngày 15-10 UBND thành phố có ban hành Quyết định 3589 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố. UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí này để phù hợp với các quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức căn cứ theo Quyết định 3589 để tự xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại cơ sở kinh doanh của mình. Trao đổi về việc có nhiều đề xuất xin mở lại việc buôn bán với hình thức phục vụ tại chỗ, đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương biết, Sở chỉ mới trình để xin ý kiến của UBND thành phố, UBND thành phố đang đề nghị các cơ quan chuyên môn, Sở Y tế đánh giá lại việc này, trong tình hình dịch bệnh như thế thì sẽ tổ chức như thế nào. UBND thành phố cũng sẽ xem xét và đánh giá cụ thể; vừa qua, Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cũng có văn bản gởi UBND thành phố đề nghị cho phép được bán với hình thức phục vụ tại chỗ.
Đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu. Trong 24 giờ qua, tổng lượng hàng hóa cung ứng và tiêu thụ trên địa bàn Thành phố ước đạt 5.900 tấn, tăng so hôm qua là 2%. Lượng hàng về các điểm tập kết, trung chuyển ở 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn tăng lên mỗi ngày. Trong thời gian giãn cách (trước 1-10) lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối chỉ khoảng 1.000 tấn mỗi ngày, hiện nay đã lên 1.800 tấn - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết. Thành phố đã mở được 96 trên 234 chợ truyền thống, còn 4 quận, huyện chưa mở được chợ truyền thống. Vừa qua, tại cuộc của UBND thành phố về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021, thường trực UBND thành phố cũng có nhắc nhở các địa phương cần xem xét, đánh giá tình hình an toàn phòng, chống dịch để sớm mở lại chợ truyền thống. Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ, không phải là 4 quận, huyện này không chịu mở mà cần phải rà soát, đánh giá lại tình hình dịch và bảo đảm an toàn thì từng bước mở lại. Đối với những địa phương chưa mở lại chợ truyền thống cũng không được cho phép các chợ tự phát được hoạt động vì các chợ tự phát không bảo đảm được an toàn về phòng, chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến đến ngày 25-10 sẽ có thêm 16 chợ truyền thống sẽ được mở trở lại. Ban hành 4 bộ tiêu chí về lĩnh vực văn hóa - thể thao Theo đồng chí Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, UBND thành phố đã ban hành 4 quyết định liên quan đến các Bộ tiêu chí về lĩnh vực văn hóa và thể thao; trong đó, Quyết định 3580 liên quan đến Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động lễ hội, sự kiện, văn hóa và thể thao; Quyết định 3581 liên quan đến việc tổ chức, tập luyện, hoạt động thể dục, thể thao; Quyết định 3582 liên quan đến các hoạt động về thư viện, đọc sách, nghệ thuật biểu diễn, địa điểm triển lãm, nhiếp ảnh, mỹ thuật, bảo tàng và di tích; Quyết định 3583 liên quan đến cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, trò chơi điện tử. Riêng Quyết định 3583 đang được Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng Bộ tiêu chí để khi được phép thì các cơ sở liên quan áp dụng thực hiện theo Bộ tiêu chí này. Cả 4 bộ tiêu chí này đều tập trung vào 10 tiêu chí, trong đó có 6 là bắt buộc, 4 tiêu chí là thực hiện bổ sung. Các tiêu chí bắt buộc là thực hiện mã QR đối người tham gia, tập luyện, người tổ chức và phải thực hiện 5K. Các tiêu chí bổ sung như việc tổ chức, sắp xếp lối ra vào, tổ chức truyền thông, tuyên truyền tại địa điểm kinh doanh, phải thành lập tổ COVID tại cơ sở kinh doanh.
Khi phát hiện hộ gia đình có F0 thì khu vực có F0 không bị rào lại, không bị phong tỏa Về tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho các cháu từ 12 đến 17 tuổi, đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, ngày 14-10 Bộ Y tế có Văn bản 8688, theo đó Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế các địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị kế hoạch tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi cư ngụ trên địa bàn quản lý. Trên tinh thần đó, Sở Y tế thành phố đã có trình dự thảo kế hoạch này cho UBND thành phố. Khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, phê duyệt vắc-xin thì Thành phố sẽ tiến hành tiêm ngay vắc-xin cho các cháu trong độ tuổi nêu trên. Thành phố hiện có khoảng 780.000 cháu trong độ tuổi cần được tiêm vắc-xin, chủ yếu là học sinh phổ thông và có hơn 10.000 trẻ em không đi học. Về địa điểm tiêm, sẽ tổ chức tiêm cho các cháu tại các địa điểm tiêm chủng cộng đồng, trạm y tế, bệnh viện, trường học và trước khi tiêm phải có sự đồng ý của phụ huynh. Về tỉ lệ bao phủ vắc-xin tại Thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến nay, khoảng 99% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, 76,8% người được tiêm mũi 2. Với những trường hợp chưa tiêm mũi 1 hoặc đến hạn tiêm mũi 2, người dân có thể đến đăng kí tiêm tại UBND địa phương hoặc đăng kí thông qua đầu số 8066 của Sở Thông tin - Truyền thông. Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện tạo điều kiện tiêm chủng cho những đối tượng làm mất giấy chứng nhận tiêm mũi 1. Sau khi tình hình dịch Thành phố đã được kiểm soát hiện có nhiều người quay trở lại Thành phố để học tập, lao động... Thành phố cũng có chủ trương tiêm vắc-xin cho các trường hợp này. Sở Y tế đang thống kê số lượng người dân trở về, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp lập danh sách lao động để bố trí địa điểm tiêm sao cho thuận tiện. Thành phố cũng tổ chức các xe tiêm chủng lưu động đến các địa bàn giáp ranh với các tỉnh thành để người dân thuận tiện khi tiêm - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu. “Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế, khi phát hiện một ca F0 trong cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp cần xử lý thế nào? Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: việc xử lý F0 theo Nghị quyết 128 sẽ có sự khác biệt so với trước đây. Trước đây khi phát hiện ca F0 thì sẽ xử lý triệt để theo tinh thần zero COVID, các F0 sẽ được đưa đi cách ly tập trung, điều trị tại các bệnh viện, đối với F1 cũng được đưa đi cách ly, đối với khu vực có F0 thì phong tỏa trên diện rộng; đều này sẽ ảnh hưởng lớn sinh hoạt của người người dân, đôi khi cũng không thực sự cần thiết. Áp dụng Nghị quyết 128 và các quy định liên quan của Bộ Y tế, khi phát hiện hộ gia đình có F0 thì khu vực này không bị rào lại, không bị phong tỏa mà chỉ những hộ có F0 tự cách ly trong nhà của họ, còn những hộ, những gia đình không có F0 thì chỉ hạn chế tiếp xúc với các các hộ có F0. Để xác định F0 thì có nhiều cách để phát hiện, nguồn thứ nhất để phát hiện F0 là tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận, khi xét nghiệm và phát hiện được F0 thì danh sách F0 sẽ đưa về các trạm y tế địa phương nơi F0 cư trú; nguồn thứ 2 để phát hiện F0 là xét nghiệm tầm soát đối với nhóm nguy cơ và nhóm nguy cơ cao như các chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…, khi phát hiện F0 thì báo ngay cho các trạm y tế địa phương nơi F0 cư ngụ; nguồn thứ 3 để xác định F0 là khám sàng lọc tại các bệnh viện. Khi người dân đến khám tại các bệnh viện, không xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho tất cả những người đến khám tại các bệnh viện mà chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng nghi ngờ hoặc những người có yếu tố dịch tễ. Khi phát hiện F0 thì bệnh viện phát hiện phải báo số liệu F0 về cho trạm y tế địa phương nơi F0 cư ngụ; ngoài ra người dân khi triệu chứng hoặc có tiếp xúc gần với F0 hoặc có nghi ngờ nên tự xét nghiệm tại nhà, khi có kết quả dương tính thì phải báo ngay cho trạm y tế địa phương, nếu trạm y tế xác định dương tính là có cơ sở thì không cần xét nghiệm lại. Sau khi tiếp nhận được F0 thì trạm y tế cần cập nhật danh sách những người tiếp xúc gần (F1) để có hướng xử lý. Khi phát hiện F0 thì cơ quan y tế sẽ đến để khám, đánh giá tình trạng F0, nếu có đủ điều kiện thì cho F0 cách ly tại nhà, nếu F0 có triệu chứng nặng hoặc chỉ số SPo2 dưới 96% thì báo cho tổ phản ứng nhanh đến để cấp cứu. Khi cách ly tại nhà thì quyền lợi của bệnh nhân như thuốc, theo dõi điều trị được đảm bảo để bệnh nhân an tâm điều trị tại nhà. Đối với F1 cũng được theo dõi, xét nghiệm định kỳ và cách ly tại nhà - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ”. |
Việc tiêm vắc-xin Sputnik V tại TP. Thủ Đức là đúng quy định Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TPHCM tài trợ 20.000 liều vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất, ngày 8-10-2021, UBND thành phố có Văn bản số 3320 giao UBMTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Y tế và UBND TP. Thủ Đức tiếp nhận số vắc-xin này. Vắc-xin Sputnik V nằm trong danh mục 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Sau đó UBND thành phố đã giao số vắc-xin này cho UBND TP. Thủ Đức và UBND TP. Thủ Đức chỉ đạo Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức tổ chức tiêm chủng cho người dân trên địa bàn. Như vậy, việc TP. Thủ Đức tổ chức tiêm vắc-xin Sputnik V như phản ánh là hoàn toàn đúng quy định. Hoàng Hào |