Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Xây dựng các giải pháp đột phá, tạo đà phát triển bền vững cho Thành phố

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025”.

Xây dựng các giải pháp đột phá, tạo đà phát triển bền vững cho Thành phố

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận nhằm nhận diện, dự báo những thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến tác động tăng trưởng của Thành phố. Qua đó, xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, tạo đà phát triển bền vững cho Thành phố trong thời gian tới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố sau thời gian bị tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đây là nội dung rất quan trọng, chưa bao giờ Thành phố gặp khó khăn, chịu sự tác động, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 như thế. Tình hình dịch tuy đã được cải thiện, có thể nói Thành phố cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh COVID-19 để kết quả phòng, chống dịch được bền vững. Thành phố phải tiến hành song song nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Thành phố phải tính toán kịch bản, kế hoạch, lộ trình; đây là một việc rất khó, rất quan trọng. Vì thế, UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, xin ý kiến góp ý các chuyên gia, các nhà khoa học để chuẩn bị kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố từ nay cho đến 2025 – Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.

“Với nhiệm vụ quan trọng như thế, hôm nay lãnh đạo Thành phố rất vui được chào đón các chuyên gia cùng có mặt cho ý kiến, góp ý chương trình nhiệm vụ quan trọng này. Thứ nhất, chúng tôi rất mong tại Hội thảo này cũng như về sau Thành phố luôn nhận được sư quan tâm góp ý của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học. Trước hết chúng ta cần đánh giá, nhận diện các xu hướng, diễn biến dịch, những tác động tích cực và tiêu cực đối với kinh tế thế giới, đối với kinh tế cả nước và đặc biệt là TPHCM. Nhận diện được vấn đề này thì chúng ta sẽ xây dựng được kế hoạch, chương trình sẽ sát hơn. Thứ 2 là chúng ta phải tính toán làm sao để  Thành phố giữ vững vai trò đầu tàu nền kinh tế đối với kinh tế của cả nước, Thành phố phải giữ vị trí của mình trong mối tương quan với các thành phố trong khu vực và thế giới. Trong giai đoạn ngắn hạn phục hồi kinh tế thì cần tập trung vào những việc trước mắt, khẩn cấp; cần có những tính toán cụ thể để đảm bảo các mục tiêu này. Thứ 3 đó là mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố, khi chuẩn bị Đại hội, chúng ta nghiên cứu rất kỹ, xác định mục tiêu, chỉ tiêu và các đề án rất công phu để Thành phố đạt được các mục tiêu từng giai đoạn.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại phần thảo luận, PGS, TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, trong quá trình xây dựng, tổ chức Viện Nghiên cứu phát triển có tổ chức các buổi tọa đàm với sự hiện diện của 13 nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học trên địa bàn Thành phố đã cho thấy sự chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của Thành phố; chỉ trong vòng 10 ngày các chuyên gia đã gởi đến ban tổ chức 180 trang với các kiến nghị, sáng kiến, những giải pháp để giúp Thành phố khôi phục lại những đứt gãy do tác động của đại dịch COVID-19. Đồng thời cũng hiến kế cho Thành phố những giải pháp mang tính đột phá để Thành phố sớm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu đạt được những kết quả cao nhất về kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI đã đề ra.

PGS, TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Để phát triển bền vững phải có miễn dịch cộng đồng

Tại Hội thảo, PGS, TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y dược TPHCM với tham luận  có chủ đề “TPHCM hướng đến miễn dịch cộng đồng nhằm sống chung an toàn, bền vững với COVID-19”. Đưa ra thông điệp chính là “Để phát triển bền vững phải có miễn dịch cộng đồng, muốn có miễn dịch cộng đồng phải sống chung với COVID, muốn sống chung với COVID phải tiêm vắc-xin cùng với thực hiện 5K”.

Như vậy, chúng ta muốn sống chung với COVID-19 và có miễn dịch cộng đồng thì dù không muốn nhưng phải chấp nhận có số ca mắc trong cộng đồng. Chúng ta có nhiều biện pháp nhưng quan trọng là giảm số ca tử vong, sau khi Thành phố tiến hành tiêm chủng bao phủ vắc-xin thì số ca tử vong đã giảm xuống rõ rệt mặc dù ca mắc còn cao. Theo PGS, TS. Đỗ Văn Dũng, thông điệp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19 của Chính phủ đưa ra là hoàn toàn hợp lý trong thời điểm hiện nay.

Với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vắc-xin cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, chúng ta có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc với một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng. Điều này cho thấy khi chúng ta đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của COVID-19 không chỉ có hại mà còn có mặt có lợi. “Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp phòng, chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, PGS, TS. Đỗ Văn Dũng nhận định.

PGS, TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y dược TPHCM.

PGS, TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị TPHCM tiếp tục thực hiện 5K; cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; chấp nhận số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát; không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vắc-xin 2 mũi.

Đề xuất gói hỗ trợ lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP

Tại Hội thảo, PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật phân tích, GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM đạt hơn 680.300 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, làn sóng COVID-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Trong tháng 8-2021, thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, doanh thu lĩnh vực thương mại, dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 30% doanh thu trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7-2021. Tuy vậy, tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong tháng 9-2021, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8. Phục hồi xuất hiện rõ nét ở một số lĩnh vực trong tháng 9 như dịch vụ ăn uống tăng gần 14% so với tháng trước, các hoạt động sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 5%, các dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 26%. Lưu thông hàng hoá thuận tiện hơn đã giúp doanh thu cho ngành vận tải tăng 57% đối với vận tải hàng hóa đường sắt và gần 28% đối với vận tải đường thủy nội địa - PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh chia sẻ.

Trong tháng 9, lạm phát đã đảo chiều, giảm xuống; lực cầu giảm sâu, mức phục hồi rất chậm, ông cũng đề nghị khẩn cấp triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tại 3 khu vực: cá nhân, doanh nghiệp và Nhà nước. Về việc làm, từ tháng 5 đến nay tình trạng người lao động nghỉ không hưởng lương tăng cao với hơn 1 triệu lao động, đã có 180 ngàn lao động rời khỏi TPHCM sau ngày 23-8 đến nay - PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh cho biết.

Về các chính sách chủ lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế Thành phố, PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, với nguyên tắc tuân thủ mục tiêu tối thượng là đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ, chính sách tiền tệ được sử dụng hạn chế trong việc thiết kế chính sách phục hồi kinh tế do COVID-19. “Kinh nghiệm cho thấy, chính sách của Ngân hàng Trung ương các nước trong bối cảnh này thường hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ COVID-19” - PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh phân tích.

PGS, TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật phát biểu.

“Chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị chính quyền Trung ương sẽ phát hành trái phiếu sau đó sẽ chuyển nguồn này cho TPHCM và TPHCM sẽ thanh toán lại nguồn này, điều này thuận lợi hơn rất nhiều là TPHCM tự phát hành trái phiếu đô thị bởi vì TPHCM phát hành trái phiếu đô thị lãi suất sẽ cao hơn, an toàn thấp hơn, không thu hút được sự quan tâm của các tổ chức tài chính lớn. Ngoài ra, việc chuyển nhượng tài sản công bao gồm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đấu giá quyền sử dụng đất… cũng sẽ tạo ra nguồn vốn cho Thành phố trong việc phục hồi, phát triển kinh tế.

Đã mở cửa thì kiên định là không đóng lại, chấp nhận sống chung với COVID-19

Trình bày tham luận tại Hội thảo, chuyên gia Nguyên Xuân Thành – Trường Đại học Fulbright Viêt Nam cho biết, trước khi xuất hiện chủng Delta từ tháng 6 năm ngoái, kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh, điều này ảnh hưởng đến tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi nền kinh tế thế giới nếu chúng ta mổ sẻ nó sẽ giúp chúng ta trong việc phục hồi nền kinh tế tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu trước chủng Delta đến từ 2 yếu tố chính. Thứ nhất, các nền kinh tế vẫn kiên định với các gói chính sách kích thích kinh tế và song hành với chính sách tiền tệ và hàng hóa, không đặt nặng bên nào. Thứ 2 là tiêm xong vắc-xin và nới lỏng giãn cách. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chững lại nhưng dự báo là vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng vào năm 2022. Những nước nào đã tiêm đủ vắc-xin trên 60% đã mở cửa thì kiên định là không đóng lại, chấp nhận sống chung với COVID-19 cho dù số ca nhiễm có tăng lên nhưng mà có kiểm soát ca chuyển nặng và ca tử vong. Cụ thể như Xin-ga-po đã giãn cách trở lại nhưng không hề đóng cửa nền kinh tế (thay vì 4 người ngồi chung 1 bàn họ cho 2 người ngồi chung 1 bàn). Dự báo hiện nay là kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi cho dù có tác động xấu từ đại dịch COVID-19, điều này sẽ dẫn tới sức cầu đối với ngành xuất - nhập khẩu sẽ tăng mạnh, sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế chúng ta trong thời gian tới.

Cần có chính sách lựa chọn đối tượng để hỗ trợ

Tại buổi Hội thảo, TS. Trần Du Lịch người có nhiều năm gắn bó với kinh tế Thành phố trình bày tham luận “Giải pháp huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế TPHCM”. TS Trần Du Lịch cho biết, chương trình này phải đạt được 2 nội dung, một là trước mắt phải phục hồi việc sản xuất - kinh doanh, những gãy đổ chuỗi cung ứng để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn gia nhập thị trường; hai là từ nền tảng này phải tận dụng cơ hội để đẩy nhanh chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, chuyển đổi số, tái cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng hiệu quả hơn, nâng cao hơn ở giai đoạn tiếp theo.

Về nguyên tắc kinh tế thị trường thì việc gãy đổ không phải do thị trường làm gãy đổ mà do chống COVID-19 Nhà nước không cho mở cửa giờ thì Nhà nước cho mở cửa trở lại, nền kinh tế sẽ phục hồi tự nhiên; nói nôm na là cái lò xo bị nén giờ bật dậy, đây không phải một cái lò xo mà là một chùm lò xo và có cái tự bật dậy được, có cái liệt nên không tự bật được - TS. Trần Du Lịch ví von. Theo ông, chính sách tác động sẽ tác động đến những cái đã liệt không tự bật được, đây là chính sách lựa chọn đối tượng để hỗ trợ chứ không phải tràn lan. Thành phố là đầu tàu kinh tế cả nước, liên quan đến nền kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Kinh tế Thành phố mà “liệt” thì cả nước cũng rất khó khăn; do đó phục hồi kinh tế Thành phố nhưng không phải là vấn đề riêng của Thành phố mà là của quốc gia - TS. Trần Du Lịch khẳng định.

TS. Trần Du Lịch người có nhiều năm gắn bó với kinh tế Thành phố.

Trong cơ cấu kinh tế Thành phố có 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, các nhóm ngành này đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Vì vậy, Thành phố muốn phát triển thì phải lựa chọn những trụ cột mà có tác động chính sách, tạo ra sự phát triển nhanh nhất để Thành phố bật dậy. Cố gắng làm sao để 4 năm còn lại bù vào năm nay, đấy là cái chúng ta muốn, như vậy mục tiêu 5 năm của Thành phố không thay đổi - Theo TS. Trần Du Lịch chia sẻ.


Hoàng Hào


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất