Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu
Chiều tối 7-7-2021, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 0 giờ ngày 9-7-2021, để phòng dịch Covid-19, sẽ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9-7.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố xác định là cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và phải xem đây như là một cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của người dân. Cho nên, Thành phố dự kiến là sẽ áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày trên địa bàn thành phố bắt đầu 0h ngày 9-7-2021.
Lực lượng dân phòng đang phân luồng giao thông trong những khu vực được cách ly
Cũng theo theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống, đảm bảo lượng hàng hóa đủ cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Rất mong người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố phải áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng. Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi: Triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 16 trên toàn TP. HCM
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi
Cũng trong cuộc họp tối 7-7-2021, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: bản thân Chỉ thị 16 không phải là liều “thuốc tiên” đẩy lùi ngay Covid-19, mà chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn. Do đó, cần có sự chung tay của hệ thống truyền thông và MTTQ - các đoàn thể ở cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà nói cho từng người, từng nhà hiểu và thực hiện đúng; trước hết là thực hiện nghiêm 5K: “đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, giữ khoảng cách 2m, không tập trung quá 2 người - khai báo y tế”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng các địa phương, các ngành cần quán triệt đầy đủ, sâu và tổ chức thực hiện triệt để tinh thần Chỉ thị 16 lần này để sau 15 ngày TP. HCM sẽ kiểm soát được tình hình; không để kéo dài hơn nữa vì ảnh hưởng của nó đến đời sống nhân dân và kinh tế, xã hội thành phố là rất to lớn.
Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương và MTTQ - các đoàn thể hết sức quan tâm, tổ chức các hoạt động chăm lo người dân, không để ai bị thiếu đói hoặc khó khăn cùng cực.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi: yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương tập trung làm tốt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực; trong đó, thành phố tập trung nâng cao năng lực cách ly và điều trị phù hợp với tình hình dịch như hiện nay. “Thành phố đang tích cực tiếp cận thêm nguồn vắc-xin và tổ chức tiêm đạt kết quả tốt.” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh và mong muốn hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng và bà con nhân dân thành phố cùng quyết tâm, đồng lòng thực hiện nghiêm, đạt kết quả lần này để tình hình tốt hơn.
Một đoạn đường tại TP. HCM khá vắng vẻ trong những ngày thành phố đang chống dịch Covid-19
“Những điểm chính trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: - Gia đình cách ly với gia đình; Thôn bản cách ly với thôn bản; Xã cách ly với xã; Huyện cách ly với huyện; Tỉnh cách ly với tỉnh; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; Đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. - Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động... - Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. - Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. - Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. - Đồng thời, tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. - Dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất". |
H. Hào