Chiều 14-7-2021, lãnh đạo Thành ủy TPHCM có buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Tham dự và chủ trì có: đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Đảm bảo sức khỏe của nhân dân là trên hết
Thông tin về dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng chống dịch, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: Hiện nay tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ ngày 27-4-2021 đến 6 giờ ngày 14-7-2021, TPHCM có 17.239 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, có 130 trường hợp tử vong, 168 ca xuất viện. Như vậy, từ ngày 1-7-2021 đến nay, trung bình mỗi ngày TPHCM phát hiện 1.140 ca bệnh.
Hiện nay, ngoài 14 khu cách ly F1 ban đầu do TPHCM quản lý với quy mô 7.000 người, thì tại TP Thủ Đức, quận, huyện có 88 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.000 người; đã vận động 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa 4.000 người. Hiện TPHCM có 24 bệnh viện điều trị Covid-19 với tổng quy mô 44.890 giường (trong đó 19 bệnh viện đang hoạt động, 5 bệnh viện đang thiết lập), đang điều trị cho 16.757 người. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM quyết định đưa vào sử dụng một bệnh viện hồi sức Covid-19 tại TP. Thủ Đức với quy mô 1.000 giường hồi sức.
Khách sạn TTC trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM được trưng dụng dành cho người được cách ly. Về công tác tiêm vắc-xin, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM thông tin: Qua 4 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 991.872 người, trong đó có 943.215 mũi 1 và 48.657 mũi 2.
TPHCM sẽ tiếp tục có kế hoạch để triển khai tiêm vắc-xin trong thời gian tới cho các đối tượng ưu tiên theo thứ tự. Để phòng chống dịch, TP đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND TP để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Nhằm thực hiện nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2. Bên cạnh đó, TPHCM thành lập các: trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP; trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn TP trực thuộc UBND TP để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu trong thời gian đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn; trung tâm điều phối tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của TP.
Đội ngũ y tế tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo quy định tại TPHCM.
Việc thực hiện gói hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng theo Nghị quyết số 09 của HĐND TP, đến nay các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã giải ngân cho hỗ trợ được trên 134,9 đồng. Đối với các đối tượng khác như lao động ngừng việc; hoãn việc; nghỉ không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp… TPHCM giao các sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức lập danh sách.
Để thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khỏe của nhân dân là trên hết, UBND TP cho phép các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ đối với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ”. Và kinh doanh đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân.
Đẩy mạnh truyền thông về sự chung tay đóng góp của các tầng lớp nhân dân
Chia sẻ thông tin về một số ý kiến băn khoăn lo lắng về điều trị F0, F1 tại nhà, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ Y tế Vũ Mạnh Cường cho rằng cần phải hiểu rõ: về chuyên môn gọi là “rút ngắn thời gian điều trị F0” - chứ không phải cách ly F0 tại nhà. Hiện có khoảng 70%-80% F0 không có triệu chứng, 3% trong số các F0 có diễn biến nặng và 30% trong 3% sẽ diễn biến rất nặng. Bộ Y tế vẫn khuyến cáo, yêu cầu tất cả các F0 vẫn phải được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ngày thứ 10 trở đi mới cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu có chỉ số vi-rút thấp.
Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Bộ y tế Vũ Mạnh Cường thông tin tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: chủng Delta với mức lây lan rất nhanh đang là thách thức rất lớn với các nhà khoa học, y học trong và ngoài nước. Trong phòng, chống dịch TPHCM luôn tuân thủ gần như tuyệt đối nguyên tắc của các thầy thuốc đưa ra, làm đúng hướng dẫn ngành y đưa ra dựa trên tác hại của biến chủng. Bên cạnh đó, ngành Y tế TPHCM cùng ngành Y tế cả nước theo dõi nghiên cứu phân tích đánh giá để hiểu được và có đề ra giải pháp sát thực để chuyển hướng chiến lược “đánh” có hiệu quả, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến xã hội thì đây là bài toán khó với TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trọng tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TPHCM đó là giãn cách, cách ly và phong tỏa một số vùng trên địa bàn TP. Nhiệm vụ trọng tâm của TP là truy vết, xét nghiệm, tầm soát số người bị lây nhiễm không để lây ra cộng đồng. Đồng thời tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ tích cực nhằm hạn chế tối đa ca tử vong. Muốn như thế thì phải lo từ xa, lo nâng cao thể trạng để đủ sức đề kháng, phải chăm sóc từ lúc đầu. Một người vượt qua được bệnh tật thì phải có nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu chăm sóc. “Chúng ta cố gắng khắc phục tối đa tử vong do bệnh nền, phải cố gắng điều trị cả bệnh nền cho bệnh nhân. Chúng ta không thiếu tiền, thuốc, chúng ta phải lo khâu này bằng cả trách nhiệm và lương tâm. Tương tự với các F1 cũng phải có kế hoạch chăm sóc chu đáo để họ có thể vượt qua. Rút ngắn và nâng cao thể trạng mới có kết quả”.
Về thực hiện Chỉ thị 16, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, ngoài những việc phải làm thì xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội. Đó là tình huống xuất hiện trong xã hội, từ ăn ở, sinh hoạt, đi lại của người dân nhất là nhóm người bị bệnh. Đối với lực lượng y tế, có nơi quá sức, có nơi quá lực và nguồn lực trang thiết bị, có nơi bổ sung chưa kịp. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị cần quan tâm hơn đến đời sống các đội ngũ y tế, có kế hoạch hỗ trợ thêm cho những người yếu thế, khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tặng quà hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ.Về công tác truyền thông phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định vẫn còn hạn chế. Do vậy, cần tổ chức lại những khâu cung cấp thông tin, chủ động phân phối thông tin thành một mặt trận, phân công họp báo, thời lượng ra sao một cách cụ thể. Trung tâm Báo chí TP cố gắng thể hiện vai trò hợp tác báo chí trên lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần chú ý xác định đối tượng truyền thông, nhắm đến đối tượng lao động tự do, chiến sĩ tuyến đầu,… có trọng tâm, đúng đối tượng. Phải có chương trình, thông điệp để truyền tải đến người dân. Tiếp tục tăng tần suất họp báo lên làm sao thông tin đủ “đậm” đưa đến người dân về công tác phòng chống dịch; làm sao phải bớt thông tin nhiễu. Phải kiên quyết xử lý thông tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, đưa thông tin trên mọi phương tiện, các kênh để người dân được thuận tiện theo dõi, nắm, ghi nhớ hướng dẫn. Truyền thông về sự chung tay đóng góp của các tầng lớp nhân dân, những nghĩa cử cao đẹp; ghi lại việc làm, hình ảnh những tấm gương ấy để lan tỏa. Báo chí cũng nên quan tâm đến hoạt động sự giúp đỡ của các tỉnh thành bạn, những bữa cơm từ thiện, hàng quán hàng ăn; các hội từ thiện. Đây là những điều rất đáng trân quý, là nguồn năng lượng thể hiện TPHCM nghĩa tình, TPHCM sẻ chia để góp phần vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.
P.V