Kỳ 1: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa
Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã xây dựng, triển khai và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, định hướng tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Từ nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở của Thủ đô ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả.
Vai trò trong xây dựng đời sống mới
Các em nhỏ đọc sách ở Nhà văn hóa thôn Bắc Võng Ngoại (Ảnh: Hàm Đan).
Nhà văn hóa thôn Bắc Võng Ngoại và Nhà văn hóa thôn Nam Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) không chỉ là địa điểm hội họp của người dân triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là nơi tập luyện của thành viên các câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh và tổ chức thi đấu thể thao của thôn. Tại mỗi nhà văn hóa còn đặt một tủ sách, mỗi tủ sách sở hữu 200 đến 300 đầu sách có thủ thư quản lý và được đầu tư bàn, ghế để độc giả có chỗ ngồi đọc sách. Nhờ sự đầu tư và quan tâm của UBND huyện Phúc Thọ, hoạt động đọc sách tại chỗ và mượn sách về đọc của người dân làng Võng Ngoại trở nên nhộn nhịp, chuyên nghiệp hơn trong hơn một năm qua. Đồng chí Lê Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên cho biết: “Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát, nhà văn hóa các thôn trở thành địa điểm họp của các tổ COVID-19 cộng đồng, nơi tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Người dân rất mong dịch bệnh sớm qua đi để các hoạt động văn hóa, thể thao được trở lại bình thường, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới”.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến tháng 8-2020, sau khi kiện toàn, sáp nhập các thôn, làng (theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 26-12-2019 của HĐND TP. Hà Nội), thành phố có 2.155/2.394 thôn có nhà văn hóa (chiếm 90%). 239 thôn chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn sử dụng được. Đến hết năm 2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng được 109 nhà văn hóa với mức 2,5 tỷ đồng/nhà; số nhà văn hóa còn thiếu là 130 được hỗ trợ trong năm 2021. Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Các địa phương cần nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng các địa điểm dự kiến xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, hội họp và làm phong phú hoạt động của nhà văn hóa”.
Bên cạnh các nhà văn hóa thôn, làng, thời gian qua hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, viên chức, người lao động được cấp ủy và chính quyền thành phố quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa. Tính đến thời điểm hiện tại, Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo công nhân, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn thành phố đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh. Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô là một trong số ít đơn vị sự nghiệp văn hóa thực hiện tự chủ về chi thường xuyên. Hằng năm, đơn vị dành một phần kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho các hoạt động, như: Duy trì hoạt động của 24 câu lạc bộ sở thích; 25 lớp văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các hội nghị, sự kiện trong hệ thống công đoàn các cấp thành phố, phục vụ công nhân, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, các quận, huyện trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp đào tạo cán bộ là những hạt nhân văn hóa, văn nghệ cơ sở…
Hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn thành phố cơ bản được đầu tư xây dựng. Hiện nay, các đơn vị cơ sở phục vụ thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn nội thành Hà Nội chủ yếu là Cung thể thao Thiếu nhi Hà Nội, Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội. Các đơn vị này đều có bề dày truyền thống trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi, hằng năm đều thu hút được rất đông đoàn viên, thanh, thiếu niên và nhi đồng tham gia.
Nỗ lực “phủ sóng” nhà văn hóa
Các nhà văn hóa tại Hà Nội đạt các tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, nhiều hội trường các nhà văn hóa có sức chứa trên 100 người và đầy đủ các công trình phụ trợ, như: nhà vệ sinh, nhà xe, sân thể thao đơn giản, các phòng chức năng, các trang thiết bị cơ bản phục vụ các hoạt động của thôn… Phần lớn các nhà văn hóa đều được trang bị các thiết bị thiết yếu là bộ thiết bị âm thanh, khánh tiết, bàn ghế, tủ sách, tranh, ảnh. Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng, đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao, như xà đơn, xà kép, sân cầu lông, sân bóng đá phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các huyện, thị xã thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Những năm qua, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, kết hợp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống nhà văn hóa ở các thôn, xã thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội đã được cải thiện đáng kể. Tại các huyện Ðan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì mỗi thôn có một nhà văn hóa; một số địa bàn còn kết hợp xây dựng nhà văn hóa thôn thành thư viện, hoặc tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao. Hiện tại, vẫn còn một số huyện, thị xã chưa bao phủ hết số thôn, xã có nhà văn hóa. Trong đó, nổi bật có huyện Ba Vì còn 35/206 thôn, làng chưa có nhà văn hóa; huyện Ứng Hòa còn 38/140 thôn, làng chưa có nhà văn hóa… Tuy nhiên, vừa qua UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí xây dựng các nhà văn hóa cho các thôn, xã trên địa bàn thành phố chưa có nhà văn hóa.
Nhìn chung, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt. Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và các ngành, đơn vị chức năng của thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Các đơn vị chức năng cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Một trong những yếu tố mang tính quyết định, ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao chính là vấn đề năng lực cán bộ. Do vậy, cần phải đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao phải thực sự trở thành nơi giao lưu, sáng tạo, rèn luyện cả về thể chế lẫn tinh thần cho người dân. Thành ủy, UBND thành phố cần xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quỹ hoạt động văn hóa của các tổ chức quốc tế, các tình nguyện viên quốc tế tham gia vào việc hỗ trợ phát triển hoạt động ở các trung tâm văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.
Mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tổng thể nhà văn hóa trên địa bàn các huyện. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân loại, tổng hợp danh mục, báo cáo UBND thành phố về việc hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa theo quy định. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả thôn, làng đều có nhà văn hóa đạt chuẩn.
(Còn nữa)
Ngô Khiêm - Hoài Phương