Tin tưởng báo chí nước ta nhất định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Thưa các đồng chí,

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác báo chí năm 2010, triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2011 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, trước hết, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị những lời chào mừng nồng nhiệt nhất và qua các đồng chí, gửi tới toàn thể anh chị em làm báo cả nước những tình cảm thân thiết, chân thành nhất.

Thưa các đồng chí,

Năm 2010 vừa qua là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, năm Đảng ta tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Đảng ta, nhân dân ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Đảng, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 65 năm Cách mạng tháng 8 và Ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, năm tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII... Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, sự chống phá của các thế lực thù địch đã gây ra rất nhiều khó khăn thách thức cho nước ta, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong thành tựu và kết quả chung đó, có sự đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ những người làm báo, của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí.

Trong năm qua, sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí để chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với các sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; để biểu dương, động viên kịp thời những cơ quan báo chí có nhiều bài viết hay, có chất lượng và nhắc nhở, xử lý sai phạm của các cơ quan báo chí được thực hiện tốt hơn, thường xuyên, chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Công tác xây dựng các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách đối với báo chí; quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên; thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí đều được tăng cường…những điều này đã tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan báo chí, hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các báo.

Hoạt động báo chí đã diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin đúng đắn, kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Báo chí đã tập trung tuyên truyền về đại hội đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đóng góp vào thành công của Đại hội; tuyên truyền về các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ; tích cực tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, nhất là các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010; kịp thời phát hiện, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong các lĩnh vực, ở mọi miền của đất nước; cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhiều cơ quan báo chí đã tham gia, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn, tiêu cực xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch và những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ cán bộ, đảng viên; tăng cường thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài… Đây là những nỗ lực cố gắng và thành tựu đáng ghi nhận.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi biểu dương và chúc mừng những kết quả tích cực của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và các hoạt động báo chí đạt được trong năm 2010 vừa qua.

Thưa các đồng chí,

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả nêu trên, chúng ta cần phải nghiêm túc thấy rằng công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí năm qua vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, trên một số mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mong muốn của nhân dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực chưa thường xuyên, chặt chẽ; chỉ đạo, định hướng thông tin cho báo chí, nhất là đối với các sự kiện lớn, phức tạp, nhạy cảm, có lúc, có việc chưa kịp thời. Có tình trạng buông lỏng quản lý đối với hoạt động báo chí, nhất là quản lý việc liên kết trong sản xuất các chương trình truyền hình. Một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế do Ban Bí thư ban hành về quan hệ phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Quy định của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Một số cơ quan chủ quản báo chí xử lý các sai phạm của cơ quan báo chí của mình chưa nghiêm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức…

Trong hoạt động báo chí, một số cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên, cả báo viết và báo mạng, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí, thiếu nhạy cảm về chính trị, có những bài viết không phù hợp với định hướng thông tin, với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của tờ báo; đưa tin quá nhiều về các vụ án, các vụ việc tiêu cực trên một số báo, một trang báo gây cảm giác nặng nề, phản ánh không đúng không khí xã hội và tình hình đất nước; thông tin sai sự thật, sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, đi sâu vào đời tư của cá nhân, mô tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, đưa thông tin và những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam v.v... Tuy chỉ có một số ít cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên có sai phạm nhưng gây ra ảnh hưởng và tác động xấu đối với tư tưởng và dư luận xã hội; trong đó có tờ báo sai phạm kéo dài, chậm khắc phục; có phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý theo pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của người cán bộ báo chí và nền báo chí cách mạng. Tôi đề nghị hội nghị chúng ta cần thảo luận kỹ, đánh giá đầy đủ về những thiếu sót, khuyết điểm này để quyết tâm khắc phục trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ ''tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại'' mà Đại hội đã đề ra cho nhiệm kỳ khoá XI. Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng ta, nhân dân ta trong những năm tới là hết sức to lớn, nặng nề, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, những hạn chế, yếu kém trong tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự chống phá của các thế lực thù địch… gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với đất nước ta. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra đòi hỏi sự đồng tâm hợp lực, nỗ lực phấn đấu rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, toàn thể đội ngũ những người làm báo cần phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nghị quyết, các văn kiện của Đại hội, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đề ra. Tôi tán thành những nhiệm vụ trong năm 2011 của công tác báo chí được nên trong báo cáo trình bày tại Hội nghị và các ý kiến bổ sung, góp ý của các đại biểu. Sau đây tôi xin nêu và nhấn mạnh thêm một số nội dung để các đồng chí cùng thảo luận.

Thứ nhất, báo chí phải tập trung tuyên truyền phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân; tuyên truyền, giới thiệu các nội dung lớn, quan trọng, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội; phản ánh không khí sôi nổi, thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội của các cấp, các ngành, các địa phương; góp phần để các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng được nhận thức, quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất chính trị tư tưởng trong Đảng và toàn xã hội, được tổ chức thực hiện thắng lợi trong cuộc sống.

Đồng thời, báo chí cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội khoá XIII và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, làm cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII và hội đồng nhân dân các cấp thật sự là ngày hội của toàn dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Thứ hai, hiện nay, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, do những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế đất nước và của công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ở nhiều cấp, nhiều ngành, kinh tế nước ta đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/CP, đề ra nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Báo chí cần tuyên truyền, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã đề ra, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đưa kinh tế đất nước ra khỏi tình hình khó khăn, tiếp tục phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2011 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, báo chí cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước trong năm 2011, như tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước gắn với tuyên truyền kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Bác, về việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, những thành tựu đổi mới của đất nước trên các lĩnh vực; cổ vũ, động viên, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt để tăng cường sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, tương lai của đất nước, để quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam, truyền thống văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thứ ba, báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò tích cực của báo chí phát hiện, phê phán, lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực này, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh này, báo chí cần xác định và thực hiện đúng phương châm "chống để xây”; phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực để giữ vững ổn định xã hội, để tăng thêm sự thống nhất tư tưởng, đồng thuận xã hội, tăng thêm niềm tin, để xây dựng xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Để làm được điều này đòi hỏi bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, của tổng biên tập các cơ quan báo chí.

Đồng thời, báo chí cần phải tham gia tích cực, bằng nhiều hình thức phong phú vào cuộc đấu tranh chống lại âm mưu ''diễn biến hoà bình'', đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước ta của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chống phá ta hết sức quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng, nhưng việc đấu tranh phản bác của ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đội ngũ đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí phải là một trong những lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh này.

Thứ tư, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ các cơ quan báo chí, đồng thời đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo chính quyền ở các ngành, các địa phương đối với hoạt động báo chí.

Cấp uỷ đảng, chính quyền ở các ngành, các địa phương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí; khen thưởng, động viên kịp thời khi có thành tích, nhắc nhở, xử lý kịp thời khi có sai phạm. Chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với Ban Tuyên giáo và Hội Nhà báo cùng cấp trong lĩnh vực công tác tư tưởng.

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm sát tình hình hoạt động báo chí, chỉ đạo, định hướng thông tin kịp thời, nhất là với các vụ việc quan trọng phức tạp mới nảy sinh trong nước và trên thế giới; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; quản lý đội ngũ phóng viên, cơ quan thường trú các báo ở địa phương; phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi sai phạm. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời phóng viên, biên tập viên có bài viết hay, có giá trị, các cơ quan báo chí có nhiều đóng góp tích cực.

Thưa các đồng chí,

Với truyền thống vẻ vang hơn 80 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy những kết quả công tác báo chí đạt được trong năm 2010 và những năm vừa qua, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng báo chí nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010 và những năm tiếp theo, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, sáng tạo được nhiều tác phẩm báo chí có giá trị cao. Chúc hội nghị thành công.

Xin cảm ơn các đồng chí. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất