Thách thức và giải pháp phát triển y tế Việt Nam trong tình hình mới

Trong nhiều năm qua, Y tế Việt Nam đã có nhiều đổi mới, phát triển hệ thống y tế và BHYT theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Y tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới y tế, trong dự phòng bệnh tật và trong khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố, tăng cường, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới. Năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh của các cơ sở y tế dự phòng đã được cải thiện rõ rệt; đã khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và được thế giới đánh giá cao. Có bước đột phá trong đầu tư cho hệ thống bệnh viện, hầu hết các bệnh viện đã và đang được cải tạo, nâng cấp từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách cho phép các bệnh viện công lập vay vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân. Tài chính y tế đã có những bước phát triển cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách BHYT có bước phát triển mạnh mẽ, số người tham gia BHYT đã tăng từ 28% năm 2005 đến nay đạt trên 82%. Y tế tư nhân đã được hình thành, không ngừng phát triển và trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế nước ta. Nhờ đó, Y tế nước ta đã đạt và vượt các mục tiêu Thiên niên kỷ và các chỉ tiêu Quốc hội giao; được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nhiều chỉ số y tế của nước ta cao hơn các nước có cùng mức thu nhập. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận. Tuy nhiên, trước biến đổi khí hậu toàn cầu và các yếu tố bất lợi khác, y tế nước ta đang đứng trước những thách thức cần phải nhanh chóng được khắc phục để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn.

Thách thức đối với y tế Việt Nam hiện nay

1. Hệ thống y tế cồng kềnh, nhiều đầu mối, chưa đồng bộ, thiếu ổn định, hoạt động chưa hiệu quả, phối hợp công tư chưa chặt chẽ để phù hợp với biến đổi mô hình bệnh tật, mất an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Hiện nay, y tế dự phòng chia tách thành nhiều bộ phận, manh mún trong khi nguồn lực thiếu và yếu. Ở địa phương tồn tại nhiều bệnh viện chuyên khoa có quy mô nhỏ lẻ chưa bảo đảm được về các nguồn lực nên không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống y tế tuyến huyện nhiều đầu mối, không ổn định trong những năm qua, đồng thời, trạm y tế xã, phường thay đổi cơ quan chủ quản nhiều lần dẫn đến tình trạng không ổn định về chất lượng dịch vụ và nguồn lực y tế. Chất lượng dịch vụ y tế thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân, người có thu nhập cao; vẫn còn sự chênh lệch về chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền nên thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vẫn rất khó khăn. Công nghiệp dược chưa phát triển, chính sách vacxin, chính sách dự phòng chưa rõ ràng và nhiều thay đổi, còn phụ thuộc vào ngân sách. Nhân lực y tế còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công tác đào tạo của ngành y tế còn đang trong giai đoạn hoàn thiện; vấn đề cấp phép hành nghề phù hợp với thực tiễn còn đang thảo luận, bàn cãi. Hệ thống y tế tư nhân còn manh mún, giường bệnh tư nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 3,6%), điều kiện hoạt động gặp khó khăn về nhiều mặt. Mặt khác, việc quy định viên chức y tế làm hạn chế quyền chủ động tuyển dụng, hạn chế hợp tác công tư. Cơ chế chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh. Chưa thực hiện được quan điểm của Đảng: “nghề y là nghề đặc biệt, cần được đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Trong khi đó, trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, cơ cấu bệnh tật thay đổi, xuất hiện nhiều bệnh dịch lạ, mới; an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập gây bức xúc trong xã hội đòi hỏi hệ thống y tế phải có những đổi mới mạnh mẽ cho kịp với những thay đổi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; đồng thời phù hợp với quá trình già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta với tỷ lệ người cao tuổi vào năm 2016 đã chiếm 11% dân số trong điều kiện hệ thống y tế chưa chuẩn bị kịp cho một xã hội dân số già.
2. Cơ chế tài chính, BHYT còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế công lập còn lúng túng, mô hình quản lý, cơ chế quản lý y tế tư nhân còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Cơ chế tài chính còn lúng túng trong việc chuyển đổi từ “ngân sách nhà nước” sang “xã hội hóa”; từ cơ chế phí dịch vụ sang giá dịch vụ, chuyển dần ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Lúng túng trong xã hội hóa và hợp tác công tư cũng như trong việc đổi mới cơ chế hoạt động và giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập.

BHYT còn nhiều bất cập: Năm 2016, do có nhiều chính sách mới nên tần suất khám, chữa bệnh tăng cả ngoại trú và nội trú. Nhiều địa phương có mức gia tăng bất thường và không được kiểm soát dẫn đến chi phí gia tăng mạnh: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tần suất khám, chữa bệnh cao ở ngoại trú (từ 2,5 -3 lượt /thẻ/năm); các tỉnh miền trung, miền bắc có xu thế gia tăng tần suất bệnh nhân nội trú. Theo kết quả báo cáo năm 2016, có 147 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng 13% so với năm 2015 trong đó số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 133 triệu lượt tăng 13% và số lượt khám, chữa bệnh nội trú là 14 triệu lượt tăng 15% so với năm 2015. Số chi khám, chữa bệnh BHYT tăng 44.6% so với năm 2015.
Năm 2016 chi phí bình quân 01 đợt điều trị ngoại trú là 218.000đ, nội trú là 3.420.000đ. So với năm 2015, chi phí bình quân một đợt điều trị ngoại trú tăng 24% (175.000đ), nội trú tăng 26% (2.712.000). Các đơn vị có chi phí bình quân một đợt điều trị ngoại trú cao năm 2016: Đa tuyến Bắc 1.480.000 đồng/lượt, Đa tuyến Nam 890.000 đồng/lượt, Hà Nội 504.000 đồng/lượt, Phú Thọ 341.000 đồng/lượt, TP.Hồ Chí Minh và Bắc Ninh 325.000 đồng/lượt, Hưng Yên 323.000 đồng/lượt, Thanh Hóa 300.000 đồng/lượt, Nghệ An 271.000 đồng/lượt. Sử dụng Quỹ BHYT: năm 2016 ước có trên 45 địa phương bội chi quỹ khám, chữa bệnh với số tiền trên 7.376 tỷ đồng và có 15 tỉnh có số bội chi khám, chữa bệnh BHYT trên 200 tỷ.

Một số người dân vẫn còn tư tưởng đau ốm mới mua BHYT; ngân sách hỗ trợ đối tượng khó khăn còn thấp; chưa thực hiện nguyên tắc đóng, hưởng mà từ mức đóng đưa ra cơ chế hưởng, đồng thời chưa có các mức đóng, hưởng khác nhau để người dân lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của mình và gia đình; chưa có Quỹ dự phòng của BHYT.

BHYT chỉ có một mệnh giá duy nhất 720.000 đồng/người/năm nhưng đa số người mua thẻ là người có bệnh nặng, bệnh mạn tính và khi điều trị thì dùng rất nhiều tiền như: chụp CTscanner, MRI, thông tim đặt stent, thay khớp gối, khớp háng, thay đốt sống, thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo… với số tiền điều trị lên hàng triệu, hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng thì nguy cơ vỡ Quỹ BHYT là tất yếu. Lẽ ra phải có nhiều mệnh giá BHYT để người dân lựa chọn; mệnh giá BHYT nào thì ứng với gói đã mua BHYT mới phù hợp.

Chưa có giải pháp, chế tài cụ thể đối với những người không tham gia BHYT và để tránh lạm dụng với những hành vi lạm dụng, sử dụng Quỹ BHYT chưa đúng mục đích, lợi dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Hiện nay, tại một số bệnh viện, một số cơ sở y tế địa phương có hiện tượng tổ chức thu gom người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh bằng nhiều hình thức như: tặng quà, miễn phí xe đưa đón, không thu phần đồng chi trả, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật, thuốc...; thực hiện các chương trình phẫu thuật nhân đạo (như Phẫu thuật Phaco) nhưng vẫn thống kê thanh toán BHYT; cung cấp các dịch vụ kỹ thuật vượt quá khả năng cho phép về nhân lực, không đủ thời gian quy định và không đảm bảo chất lượng; trong khi đó, công tác thống kê tổng hợp, báo cáo số liệu chi phí khám, chữa bệnh còn chậm, chất lượng chưa tốt với việc gửi dữ liệu riêng lẻ từng cơ sở, không tổng hợp chung toàn tỉnh; các trường dữ liệu không đầy đủ; dữ liệu nhiều sai sót...; công tác phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan còn hạn chế trong việc xếp hạng bệnh viện thấp hơn để lợi dụng, trục lợi Quỹ BHYT; cung cấp dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình, thời gian thực hiện dẫn đến chất lượng không đảm bảo: Tình trạng khám quá nhiều bệnh nhân/bàn khám/ngày (từ 80 đến trên 100 bệnh nhân). Thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo thời gian quy định. Thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định: Tách 01 dịch vụ kỹ thuật thành nhiều dịch vụ kỹ thuật; ghi tên một dịch vụ kỹ thuật thành một dịch vụ kỹ thuật khác với giá cao hơn. Trong khi đó, kiểm soát chỉ định dịch vụ kỹ thuật còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là, BHXH phát hiện chưa kịp thời, chưa báo cáo Tỉnh ủy, UBND và tham mưu xử lý các vi phạm trong sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Phối hợp giữa các ngành, các cơ sở chưa kịp thời, chưa chặt chẽ... Văn bản hướng dẫn chưa phù hợp, chậm khắc phục; nhiều văn bản của Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện chưa đúng thời điểm gây rất nhiều khó khăn trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT như Quyết định 3959/QĐ - BYT ngày 22/09/2015 quy định các định mức như bệnh viện hạng II khám 35 bệnh/ngày; bệnh viện hạng I khám 45 bệnh/ngày; siêu âm tim mạch 16 trường hợp/ngày, siêu âm thường 32 trường hợp/ngày, Xq thường 48 trường hợp/ngày; xquang có thuốc cản quang 16 trường hợp/ngày; CTscanner thường 16 trường hợp/ngày, CTscanner có thuốc 11 trường hợp /ngày; MRI 16 trường hợp /ngày; DSA 3 trường hợp /ngày. Các bệnh viện tuyến tỉnh còn có nguồn nhân lực, các bệnh viện tuyến huyện thì không thể có đủ các bác sĩ cho các kỹ thuật này.

Quản lý bệnh viện còn nhiều khó khăn, thiếu bác sỹ có trình độ trong bệnh viện công, lương thấp, an toàn trong bệnh viện bất cập, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa trong khám, chữa bệnh, thiếu sự thống nhất trong thực hiện thanh toán BHYT tại mỗi địa phương, không có hệ thống công nghệ thông tin thống nhất từ bộ đến các cơ sở y tế, thời điểm thông tuyến sớm khi chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm kèm theo để người bệnh và các cơ sở y tế lợi dụng sử dụng quỹ BHYT chưa đúng mục đích; phân thẻ BHYT chưa hợp lý giữa các bệnh viện hạng I, II và từ hạng III, IV; quy trình khám chữa bệnh BHYT còn phức tạp, chưa thuận tiện cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Nhiều văn bản ra không đúng thời điểm gây ảnh hưởng đến các bệnh viện trong khám chữa bệnh; bác sỹ bệnh viện công dịch chuyển sang bệnh viện tư.

Phần lớn các cán bộ lãnh đạo tại các bệnh viện thiếu kiến thức và kỹ năng về quản lý (tỷ lệ cao giám đốc các bệnh viện là các nhà chuyên môn lâm sàng hoặc cận lâm sàng và thường không được đào tạo chuyên sâu về quản lý bệnh viện), 73% cán bộ là trưởng, phó phòng và y tá trưởng các bệnh viện không được đào tạo về quản lý bệnh viện.

Chưa phát triển cân đối về tổ chức và cơ chế trong hệ thống khám, chữa bệnh, gây nên tình trạng vượt tuyến, quá tải tuyến trên, trong khi không sử dụng hết công suất tuyến dưới. Hiện tượng lạm dụng kỹ thuật trong khám chữa bệnh vẫn còn tồn tại ở các cơ sở y tế.

Quản lý y tế tư nhân còn yếu: Cả nước năm 2014 có trên 100 bệnh viện, trên 3.000 phòng khám đa khoa tư nhân; 20.000 phòng khám chuyên khoa tư nhân và gần 10.000 loại hình cơ sở khám chữa bệnh khác; chiếm tỷ lệ 3,6 % so với tổng số giường bệnh viện công lập (129.082), đạt 0,7 giường bệnh tư nhân cho 10.000 dân. Trong khi đó, hệ thống tổ chức quản lý y tế tư nhân chưa đủ mạnh để đảm đương công việc giám sát, đồng thời, vai trò của hội chuyên môn với quản lý y tế tư nhân chưa được chú trọng.

3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe chưa phong phú, đa dạng; truyền thông các yếu tố nguy cơ còn hạn chế, trong khi người dân nhận thức chưa đầy đủ về bảo vệ và nâng cao sức khỏe, thậm chí người dân còn chủ quan với sức khỏe, sử dụng kháng sinh bừa bãi và lạm dụng xét nghiệm.

Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đã được đổi mới song chưa thực sự mạnh mẽ theo hướng chủ động, tích cực cung cấp các thông tin để người dân có kiến thức về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sống. Truyền thông các yếu tố tác động đến sức khỏe như lối sống, an toàn thực phẩm… còn hạn chế, chưa có nhiều giải pháp truyền thông hữu hiệu, có hiệu quả nên nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về tự bảo vệ, thực hiện lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe của mình, của các thành viên trong gia đình và toàn xã hội còn hạn chế và thụ động. Có phối hợp với một số ban của Đảng; tổ chức chính trị, xã hội; bộ, ngành có liên quan trong truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong xã hội về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, song chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Khi có các vụ việc, các vụ dịch lớn xảy ra chưa kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho các cơ quan có liên quan và các cơ quan truyền thông, báo chí để tạo dư luận đúng trong xã hội. Trong khi đó, nhận thức của người dân về phòng bệnh, về tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe còn quá kém; chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa nhân đạo của BHYT dẫn đến lạm dụng và sử dụng Quỹ BHYT chưa đúng mục đích. Hiện tượng lạm dụng kháng sinh; mất an toàn trong tham gia giao thông, mất vệ sinh trong sinh hoạt và trong ăn, uống, dinh dưỡng; chủ quan, coi thường sức khỏe nên dẫn đến nhiều bệnh tật và tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng ngày càng nghiêm trọng làm cho chênh lệch chỉ số sức khoẻ giữa các vùng, miền còn lớn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao; tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện và số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.

Định hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Giải quyết triệt để những thách thức đã nêu ở trên dựa vào các bằng chứng khoa học, đồng thời khắc phục triệt để 05 nguyên nhân của các hạn chế yếu kém trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe và thực hiện 09 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đã được nêu ra trong Nghị quyết là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân;

2. Nâng cao sức khỏe nhân dân;

3. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở;

4. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện;

5. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế;

6. Phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế;

7. Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế;

8. Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế

9. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Tập trung vào một số định hướng, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Phát triển mạnh mẽ y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế nước nhà để thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng hình thành mạng lưới bác sỹ gia đình.

Hai là, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế. Tăng cường quản lý nhà nước về BHYT với sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền các cấp. Đối với cơ quan y tế cần tách bạch rõ quản lý nhà nước về y tế và quản lý chuyên ngành, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa quản lý nhà nước vừa thực hiện các chương trình, dự án, … Cải tiến mạnh mẽ hơn nữa quy trình khám chữa bệnh BHYT cho đơn giản hơn, nhanh chóng, thuận tiện cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Đẩy mạnh tin học hóa hệ thống quản lý y tế nói chung, quản lý bệnh viện nói riêng để minh bạch hóa thông tin và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý các cơ sở y tế.

Ba là, giao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Ban Tuyên giáo, Ngành Y tế và Ngành Thông tin, Truyền thông các cấp trong định hướng thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe; tăng cường công tác phối hợp đa ngành trong thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe với vai trò chủ trì của Ban Tuyên giáo; vai trò tham mưu nòng cốt của ngành Y tế và sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, trước hết là trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng và chữa bệnh.

Để đạt được mục tiêu “Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế” do Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 toàn thể đảng viên và nhân dân, các tổ chức của Đảng và chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở và toàn xã hội chung tay, chung sức, đồng thuận, đồng lòng đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất