Tổng kết thí điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng Thẻ chi trả điện tử

Từ tháng 5-2017, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện thực hiện thí điểm ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) và huyện Bình Giang (Hải Dương). Theo đó, tại hai huyện có 19.272 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt, trong đó Thanh Trì có 16.022 người và Bình Giang có 3.705 người. Đến này, phía Bưu điện đã phát hành được 19.086 Thẻ chi trả lương hưu điện tử (Hà Nội 15.964 thẻ, Hải Dương 3.122 thẻ), trong đó có 14.971 thẻ có ảnh (Hà Nội 12.676 thẻ, Hải Dương 2.295 thẻ).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Để phát hành Thẻ chi trả, cơ quan BHXH đã cung cấp dữ liệu thông tin của người hưởng cho cơ quan Bưu điện để cập nhật làm cơ sở phát hành thẻ và thực hiện quản lý người hưởng. Hiện nay, Bưu điện đang tiếp tục tiến hành chụp ảnh người hưởng, bổ sung thông tin để hoàn thiện dữ liệu người hưởng, đảm bảo khi người hưởng làm thủ tục nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng chỉ cần sử dụng Thẻ chi trả.

Tại hai địa bàn thực hiện thí điểm có tổng số 73 điểm chi trả, trong đó có 70 điểm được Bưu điện dùng công cụ chi trả online (Thanh Trì 38 điểm, Bình Giang 32 điểm). Thời gian đầu triển khai thí điểm, các điểm chi trả chủ yếu sử dụng phần mềm kết nối với mạng di động 3G, 4G. Từ tháng 8/2017, cùng với sử dụng mạng di động, Bưu điện đã thực hiện trang bị bổ sung kết nối thông qua cáp quang để nâng tốc độ, chất lượng đường truyền internet. Bên cạnh đó, xây dựng công cụ chi trả offline để sử dụng tại những điểm chi trả không đáp ứng được việc kết nối dữ liệu thông qua mạng di động hoặc cáp quang.

Chủ tịch Tổng Công ty Bưu điện cam kết đầu tư nâng cấp ứng dụng CNTT.

Đến nay, hạ tầng CNTT về cơ bản đã đáp ứng việc ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt cho người hưởng. Trong thời gian tới, Tổng Công ty Bưu điện sẽ tiếp tục hoàn thiện công cụ chi trả offline để hỗ trợ tốt nhất cho công tác cập nhật thông tin, ảnh người hưởng để phục vụ việc cấp Thẻ chi trả và thực hiện chi trả.

Nhìn chung, cơ quan Bưu điện hai địa phương trên đã thực hiện đúng quy trình chi trả do BHXH Việt Nam quy định. Việc chi trả được thực hiện tại các điểm chi trả trong vòng 10 ngày đầu của tháng. Sau thời gian đó, Bưu điện huyện tiếp tục chi trả tại các Bưu cục của Bưu điện đến ngày 20 hàng tháng cho người hưởng, thay cho việc chuyển về chi trả tại cơ quan BHXH huyện như trước đây. Việc thanh quyết toán giữa Bưu điện và BHXH huyện cũng được thực hiện theo đúng phương án. Do số người hưởng chưa nhận hàng tháng tại các huyện thí điểm không nhiều (khoảng 350 người chưa lĩnh với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng/tháng), nên việc báo giảm người hưởng, tổng hợp số người hưởng chưa lĩnh được thực hiện kịp thời, không ảnh hưởng đến việc tổng hợp danh sách chi trả tháng sau của tỉnh, thành phố.

Hội nghị tổng kết thí điểm ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu.

Mặc dù còn một số hạn chế, tồn tại nhất định, nhưng phương án này đã cho thấy hiệu quả rõ nét, nhất là góp phần thực hiện cải cách TTHC, linh hoạt về thời gian, địa điểm nhận tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. Phương án này đã được hầu hết người hưởng đồng tình, đánh giá cao. Mặt khác, giúp cơ quan Bưu điện và BHXH quản lý được chính xác thông tin người hưởng trên hệ thống CNTT.

Từ kết quả thí điểm, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện tiếp tục thống nhất mở rộng thí điểm trên toàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương trong quý I/2018. Theo kế hoạch, BHXH Việt Nam sẽ hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thí điểm, cập nhật dữ liệu người hưởng; kịp thời cung cấp cho Bưu điện để quản lý người hưởng và cấp Thẻ chi trả. Còn phía Tổng Công ty Bưu điện chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, đào tạo nhân lực đảm bảo khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người hưởng về nguyện vọng nhận tiền qua các hình thức: Tài khoản cá nhân, tiền mặt, sử dụng Thẻ chi trả. Tuyên truyền đến người hưởng về hình thức nhận tiền lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt qua Thẻ chi trả. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Bưu điện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các tỉnh đủ điều kiện triển khai để BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện thống nhất lựa chọn địa bàn mở rộng.

Theo ông Đỗ Ngọc Bình- Chủ tịch Tổng Công ty Bưu điện, phía Bưu điện cam kết sẽ đầu tư toàn diện, trong đó có việc nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng trên 11.000 điểm giao dịch của Bưu điện; hợp tác với đối tác Nhật Bản nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá cao sự nỗ lực của Bưu điện trong việc ứng dụng CNTT và thí điểm chi trả lương hưu bằng Thẻ chi trả. Đồng thời, Tổng Giám đốc đề nghị Bưu điện và các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ để tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến nhân dân; từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.

“Mục tiêu của chúng ta là hướng đến người dân, coi sự hài lòng của người dân là thước đo để phấn đấu. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH một cách toàn diện, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Lê An

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất