Ý Đảng lòng Dân trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật BHXH... 20-10-2017.
1. Thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo

Trong 5 năm qua, để tổ chức triển khai Nghị quyết, đã có gần 1.000 văn bản được ban hành bởi các bộ, ban, ngành, cấp uỷ và chính quyền các cấp. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 10-12-2012, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Công văn số 64-HD/BTGTW hướng dẫn hệ thống tuyên giáo tại các tổ chức đảng trong cả nước triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết. Tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết trong toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương tổ chức ngày 20-3-2013, Ban Bí thư Trung ương khoá XI nêu rõ: Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rất cụ thể mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới. Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ ấy, đòi hỏi các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân mình trong thực hiện chế độ, chính sách. Từ những mục tiêu, giải pháp tổng thể của Nghị quyết, Ban Cán sự đảng các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy cần cụ thể hóa chiến lược phát triển BHXH, BHYT của bộ, ngành, địa phương mình.

Dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng các bộ, ngành, các Thành ủy, Tỉnh ủy đã khẩn trương xây dựng và ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động, triển khai thực hiện Nghị quyết. Ở Trung ương, Ban Cán sự đảng các bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Đảng đoàn các tổ chức hội, đoàn thể như Liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân… cũng nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 21 theo đặc thù từng lĩnh vực được Chính phủ phân công phụ trách và đặc điểm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình. 

2. Chủ động, tích cực và hiệu quả trong tổ chức thực hiện

Là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết, như Chương trình số 373/CTr-BHXH ngày 17-01-2013 của BHXH Việt Nam triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 03-4-2013 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam về tổ chức thực hiện Nghị quyết; Công văn số 97/BHXH-BCS ngày 01-8-2013 về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Công văn số 4757/BHXH-TT ngày 27-11-2013 về việc báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết… Đặc biệt, ngày 20-8-2013, tại Công văn số 3268/BHXH-TĐKT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động Phong trào thi đua chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW… Để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trên cơ sở cụ thể hóa 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường quản lý và giải quyết tốt các chế độ BHXH; giám sát chặt chẽ các chi phí khám, chữa bệnh, chống lạm dụng, trục lợi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, bảo đảm quỹ BHYT được cân đối và có dự phòng; quản lý tài chính chặt chẽ, đầu tư quỹ BHXH hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý của Ngành; không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân…

Trên cơ sở chỉ đạo của Ngành, bảo hiểm xã hội các địa phương đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các Tỉnh, Thành ủy tích cực tham mưu với tỉnh, thành ủy ban hành chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trên địa bàn. Ngay trong nửa đầu năm 2013 - khoảng hơn 6 tháng sau khi Nghị quyết được ban hành, 100% các tỉnh, thành ủy đã ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, tại nhiều địa phương, tỉnh ủy vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các đảng bộ trực thuộc triển khai thực hiện Nghị quyết, vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Thường trực Tỉnh ủy như Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh…; 100% UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các chỉ tiêu và giải pháp hết sức cụ thể và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của địa phương mình. Hầu hết các địa phương đã bám sát thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tương xứng với tiềm năng. Một số địa phương đã mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT cao hơn chỉ tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 21. Đặc biệt, 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các thành phố lớn đi đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Nếu như Hà Nội đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 55% người lao động tham gia BHXH, 45% người lao động tham gia BHTN và đạt độ bao phủ BHYT 85% dân số - đến năm 2014 điều chỉnh chỉ tiêu BHYT lên trên 90% theo Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (chỉ tiêu về BHXH cao hơn 5% so với Nghị quyết, chỉ tiêu về BHYT,  BHTN cao hơn 10% so với Nghị quyết) thì TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mạnh dạn đưa ra con số 90% dân số có BHYT; các chỉ tiêu về BHXH và BHTN khiêm tốn hơn nhưng cũng đều cao hơn con số tương ứng mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. 

Trên thực tế, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến hết 30-6-2017, cả nước đã cơ bản hoàn thành tỷ lệ tham gia BHYT đã đề ra với 83,6% dân số tham gia BHYT; số người tham gia BHXH cũng tăng trưởng từ 3 - 6,2%/năm. Đến hết 30-6-2017, cả nước đã có trên 13 triệu lao động tham gia BHXH, đạt 24,6%. Số người tham gia BHTN khoảng trên 11 triệu lao động, đạt 20,8%. Là địa phương có số người tham gia BHXH, BHYT lớn và số thu chiếm tới 10% tổng thu BHXH, BHYT của cả nước, TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiệm cận rất gần mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH tại Nghị quyết số 21-NQ/TW với 49,69% lực lượng lao động tham gia BHXH, 48,33% lực lượng lao động tham gia BHTN. Một số địa phương có số thu BHXH, BHYT tăng trưởng vượt bậc (gấp từ 1,5 đến 2 lần) so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết như Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương,...

5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 21-NQ/TW đã khẳng định sức sống của nó trong đời sống chính trị. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, 100% quận, huyện, thị xã, thành ủy và chính quyền cùng cấp tiếp tục có văn bản chỉ đạo triển khai Nghị quyết đến các tổ chức cơ sở đảng và cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình quản lý. Tiêu biểu như các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang… Nhiều tổ chức đảng cơ sở có những sáng kiến, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết, đem lại hiệu quả thiết thực. 

Với hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết cũng được triển khai sâu rộng. Nhiều địa phương đã tổ chức được các đợt tuyên truyền đến tổ chức đảng cấp cơ sở. Điển hình như các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…

Trong hệ thống Ngành BHXH, nhận thức sâu sắc rằng việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, khẳng định và nâng cao vị thế của BHXH Việt Nam, việc quán triệt Nghị quyết đã được triển khai đến từng cán bộ, đảng viên. Hệ thống cơ quan truyền thông của Ngành (Báo, Tạp chí BHXH và Website BHXH Việt Nam) đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, viên chức trong Ngành và toàn xã hội. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông Quốc gia, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã có trên 13.000 tin, bài tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện, triển khai Nghị quyết tại hầu khắp các địa phương, tạo nên một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khí thế trong cả nước nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. 

3. Khởi sắc từ cơ sở và những lợi ích thiết thực cho nhân dân

Nghị quyết số 21 với sức mạnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo ra một khởi sắc mới cho công tác BHXH, BHYT. Để thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT mà Nghị quyết đã đề ra và tiếp tục được các địa phương cụ thể hóa trong Kế hoạch, Chương trình hành động của mình, nhiều địa phương đã có những chính sách nhằm tạo ra “cú huých” thúc đẩy lộ trình BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Ví dụ như việc hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo tại TP.Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình; các mô hình phụ nữ giúp nhau tham gia BHYT, tấm thẻ BHYT tặng mẹ, tặng bà, tặng người thân,.... được thí điểm triển khai tại nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hoá, Sóc Trăng đã góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn, cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT… Công tác phối hợp thực hiện chính sách giữa Ngành BHXH và các ngành hữu quan từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về BHXH, BHYT. Trong 5 năm qua, hàng loạt chương trình phối hợp liên ngành giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành được ký kết; trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng ký kết quý chế phối hợp với các sở, ngành tại địa phương, tạo sự gắn kết và phân định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. 

Sức mạnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Nghị quyết được thể hiện qua các con số biết nói. Nếu như ở thời điểm cuối năm 2012 (thời điểm bắt đầu ban hành Nghị quyết), số thu BHXH, BHYT đạt 138.754 tỷ đồng, bằng 103,28% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì năm 2016, số thu BHXH, BHYT của cả nước là 256.874 tỷ đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2012. Theo kế hoạch năm 2017, tổng thu BHXH, BHYT của cả nước là 320.771 tỷ đồng, tăng 2,31 lần so với năm 2012.

Trong 5 năm, toàn quốc có trên 38 triệu lượt hồ sơ hưởng BHXH được giải quyết, trong đó, hồ sơ hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trên 34 triệu lượt; gần 4 triệu hồ sơ hưởng BHXH một lần và 720.641 hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng.Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho người lao động được thực hiện kịp thời, đúng quy định với thủ tục được rút gọn; công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH được đổi mới mạnh mẽ thông qua việc phối hợp chi trả qua hệ thống Bưu điện từ năm 2011, đến nay đã triển khai rộng khắp trên cả nước, được người hưởng chế độ đồng tình, ủng hộ. Công tác điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH cho hơn 3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng theo mức lương cơ sở điều chỉnh hằng năm được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Trong 5 năm qua, toàn hệ thống BHXH thực hiện chi 921.697,6 tỷ đồng các chế độ BHXH, BHYT. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 174.370,3 tỷ đồng; chi từ nguồn Quỹ BHXH bắt buộc là 392.983,9 tỷ. Chi từ Quỹ BHXH tự nguyện với số tiền là 10.208,9 tỷ đồng. Chi từ Quỹ BHYT cho 667,7 triệu lượt người khám chữa bệnh với số tiền là 235.735 tỷ đồng. Hệ thống BHXH hợp tác chặt chẽ với trên 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT.

Thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý BHXH, BHYT, toàn hệ thống BHXH đặc biệt chú trọng rà soát, giảm thiểu bớt các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị sử dụng lao động, người thụ hưởng các chế độ chính sách, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Cùng với việc chuẩn hóa, thống nhất các biểu mẫu hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; cắt giảm, đơn giản hoá và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, quy định rõ ràng thời gian trả kết quả đối với từng trường hợp, đồng thời tổ chức niêm yết công khai các thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT tại trụ sở BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố để nhân dân dễ dàng tra cứu khi cần thiết. Trong 05 năm qua, đã đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng của Ngành BHXH. Số thủ tục hành chính BHXH, BHYT, BHTN giảm từ 118 thủ tục (năm 2012) xuống còn 28 thủ tục (tháng 9-2017); 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã được tiếp nhận, xử lý trên môi trường điện tử, với số lượt hồ sơ xử lý lên đến hàng triệu hồ sơ mỗi tháng; công tác xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 được triển khai thành công trong phạm vi toàn Ngành theo yêu cầu của Chính phủ. Từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện việc quản lý dữ liệu tập trung trong toàn Ngành. Đặc biệt, đã khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành công nghệ thông tin của Ngành với việc tích hợp các phần mềm nghiệp vụ thu, cấp sổ, thẻ, xét duyệt chế độ ngắn hạn, chế độ dài hạn, tiếp nhận và quản lý hồ sơ, hệ thống giám định điện tử, quản lý nhân sự, thi đua khen thưởng. Với đối tượng quản lý là toàn dân tham gia BHYT, tất cả lực lượng lao động tham gia BHXH, hiện nay, BHXH Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, thực hiện cấp mã số BHXH thống nhất trong toàn quốc cho người tham gia. 

Từ những kết quả ban đầu sau 5 năm triển khai Nghị quyết 21, có thể khẳng định rằng Nghị quyết đã tạo ra sức mạnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đi nhanh vào cuộc sống, và là tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi công tác BHXH, BHYT trong những năm tiếp theo, góp phần bảo đảm An sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất