Thành ủy Hà Nội sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW .

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban ngành, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân đều có sự chuyển biến rất tích cực từ nhận thức cho đến hành động. Hà Nội hiện đã có 64.709 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT; là địa phương có số đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất nước (570.340 người), với tổng số tiền chi trả trung bình 2.400 tỉ đồng/tháng. Toàn thành phố đã có hơn 6 triệu người có thẻ BHYT (đạt 82,6% dân số). Từ năm 2013 đến tháng 7-2017, BHXH Hà Nội đã thu đạt 108.508 tỉ đồng (tăng 93.175 tỉ đồng và tăng 30.575 đơn vị với 277.111 lao động tham gia BHXH so với năm 2012). Một số nhóm đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh như: HSSV, người cận nghèo, người thuộc hộ gia đình. BHXH Hà Nội cũng đã chi trả đầy đủ, an toàn 116.763,6 tỉ đồng các chế độ cho 5.389.869 lượt người thụ hưởng…

BHXH Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường cải cách hành chính như: Vận hành hệ thống thông tin giám định, kết nối liên thông dữ liệu với 725 cơ sở KCB BHYT (đạt 100%). Trong 5 năm qua, có gần 26 triệu lượt người KCB BHYT. Có 94 bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo được chi trả với mức từ 262 triệu đồng đến 1,24 tỉ đồng (tổng số 41 tỉ đồng), trong đó có 5 bệnh nhân được thanh toán trên 1 tỉ đồng/người.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ, BHXH Hà Nội luôn coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua Bưu điện, liên thông thủ tục khai sinh- hộ khẩu- cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, thí điểm kết nối dữ liệu với ngân hàng, kho bạc; kết nối giữa phần mềm xét duyệt chế độ ốm đau, thai sản với hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát, sàng lọc, phát hiện các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Tiếp tục tăng độ bao phủ BHXH, BHYT

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Tổng số tiền nợ BHXH trong 7 tháng đầu năm 2017 vẫn còn cao (3.361,7 tỉ đồng, chiếm 10,1% số phải thu), khiến Hà Nội vẫn là địa phương có số tiền nợ cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có tới 23.955 DN nợ với số tiền 2.612 tỉ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gần 335 nghìn LĐ. Đặc biệt, có 4.569 DN đã ngừng giao dịch, bỏ trốn, phá sản, giải thể với số tiền nợ 478,8 tỉ đồng khó thu hồi. Nhiều DN khu vực ngoài nhà nước chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho NLĐ. Công tác khởi kiện DN nợ BHXH còn vướng mắc. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đạt 100%. Chi phí KCB BHYT đang có xu hướng tăng nhanh, gây mất cân đối quỹ BHYT…

Trước thực trạng trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh: BHXH Hà Nội cần phải tập trung, huy động sức mạnh tổng hợp để giảm nhanh số nợ BHXH. Để làm được việc này, cần quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong các DN ngoài quốc doanh, tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình... Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH; phối hợp lồng ghép chính sách BHXH, BHYT với các chương trình chung của thành phố như: Xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; quan tâm chỉ đạo việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng khẳng định, Nghị quyết 21 đã tác động rất tích cực, tạo bước tiến mới trong công tác BHXH, BHYT, góp phần ổn định chính trị và đảm bảo ASXH trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, theo ông Toàn, trong những năm tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 19-Ctr/TU của Thành ủy, nhằm đạt các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2020 đạt từ 55% trở lên số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, đạt từ 45% trở lên lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, đạt trên 90,1% dân số tham gia BHYT, đạt từ 70% trở lên DN tham gia BHXH, đạt 100% HSSV tham gia BHYT từ năm học 2017-2018 và giảm tỉ lệ nợ BHXH xuống dưới 4% số phải thu.

Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết 21 và Chương trình hành động số 19 của Thành ủy. Bên cạnh đó, BHXH thành phố phải chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, đối thoại với DN và NLĐ; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Thảo Linh


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất