Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 68 của Quốc hội: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT

Ngày 29-11-2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2015 phải đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT; đến năm 2020 giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương; khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc, vật tư y tế giữa các địa phương. Đồng thời, trước năm 2018 phải hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm CNTT giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB nhằm cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy thực hiện BHYT.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1584/QĐ-TTg giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020 cho từng địa phương, trong đó năm 2015 phải đạt 75,4% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 84,3% dân số tham gia BHYT. Ngày 28-6-016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó đề ra mục tiêu hết năm 2016 đạt 79% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt 90,7% dân số tham gia BHYT…

Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tiến tới BHYT toàn dân. Đối với các địa phương có tỉ lệ tham gia BHYT thấp hơn tỉ lệ bình quân chung cả nước, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành để thống nhất các giải pháp phát triển đối tượng tham gia phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng nguồn kết dư quỹ KCB năm 2015 và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT (cận nghèo, người cao tuổi dưới 80 tuổi...). Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng; mở rộng đại lý thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các đơn vị SDLĐ để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đóng BHYT…

Nhờ đó, năm 2015, cả nước đã đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 76,52% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 1,12%. Đặc biệt, một số tỉnh trước đó có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp như Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang đều tăng trên 10%. Đến 31/12/2016, cả nước có 75,93 triệu người tham gia BHYT (tăng 6,25 triệu người so với năm 2015), nâng tỉ lệ bao phủ BHYT lên 81,9% dân số- vượt 2,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định 1167. Các tỉnh có tỉ lệ bao phủ BHYT cao trên 90% như: Điện Biên 99,2%, Lào Cai 99,2%, Sóc Trăng 99%, Cao Bằng 97,9%, Thái Nguyên 97%, Lai Châu 94,2%, Thừa Thiên Huế 94,6%, Trà Vinh 92,2%, Quảng Nam 91,4%. Đã có 49/63 tỉnh, thành phố hoàn thành hoặc hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định 1167.

Theo thống kê, các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) như: Nhóm NLĐ thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm được tổ chức BHXH và NSNN đóng BHYT; nhóm được NSNN hỗ trợ đóng. Tuy nhiên, nhóm NLĐ trong các DN ngoài quốc doanh; hộ kinh doanh cá thể; nhóm hộ gia đình có tỉ lệ tham gia BHYT vẫn còn thấp. Đến hết tháng 6/2017, cả nước có 77,81 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 83,4%); dự kiến hết năm 2017 cả nước có 78,195 triệu người tham gia BHYT (ước đạt tỉ lệ bao phủ 83,8%- vượt chỉ tiêu tới 1,6%). Mặc dù vậy, một số địa phương nếu không quyết liệt chỉ đạo, phối hợp triển khai thì khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu, bởi đến hết ngày 30/6/2017, tỉ lệ bao phủ tại một số địa phương thấp nhiều so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, thậm chí có nơi đạt thấp hơn từ 4,5% đến 6,3%...

Tiếp tục huy động cả xã hội vào cuộc

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tình trạng nợ BHYT vẫn diễn biến phức tạp với số tiền lớn. Cụ thể: Năm 2015, tổng nợ BHYT là 2.548 tỉ đồng, trong đó các đơn vị, DN nợ tới 592 tỉ đồng. Năm 2016, tổng số nợ BHYT là 2.957 tỉ đồng, trong đó các đơn vị, DN nợ 619 tỉ đồng. Thậm chí, tại nhiều nơi, NSNN cũng nợ, chậm chuyển kinh phí tham gia BHYT cho một số nhóm đối tượng với số tiền lớn. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng BHYT cũng diễn ra phổ biến, nhất là ở khối DN tư nhân, DN NVV- do cơ quan BHXH không xác định được số NLĐ làm việc tại những DN này. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có khoảng 16 triệu người đang làm việc thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, nhưng đến hết 30/6/2017 mới chỉ có 13,5 triệu người tham gia BHYT, còn khoảng 2,5 triệu người chưa tham gia.

Cùng với đó, hiện nay cơ quan BHXH rất khó xác định đối tượng tham gia BHYT do các bộ, ngành quản lý như: NLĐ trong các DN, HSSV, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, trẻ em dưới 6 tuổi, cựu chiến binh, thân nhân NCC, thân nhân liệt sĩ, thân nhân quân nhân…, nhất là khi giữa các nhóm đối tượng có sự chồng chéo. Điều đó đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc lập danh sách tham gia BHYT, dễ xảy ra cấp trùng thẻ BHYT hoặc phải chuyển đổi mã quyền lợi cho họ. Một số đối tượng dù được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, nhưng tỉ lệ tham gia vẫn chưa đầy đủ như: HSSV, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình…

Nghị quyết 68 quy định, đến năm 2020 giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở BV tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Dù đã có nhiều giải pháp, song vẫn dễ dàng nhận thấy, tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng do số người tham gia BHYT tăng, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm (trung bình 2 lượt KCB/thẻ/năm); đồng thời nhiều người dân vẫn có tâm lý muốn lên tuyến trên để KCB...

Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68/2013/QH13 về phát triển đối tượng tham gia BHYT, thiết nghĩ các bộ, ngành cần chủ động cung cấp số lượng, danh sách đối tượng do bộ, ngành mình quản lý để cơ quan BHXH tiếp cận vận động, đôn đốc mọi người dân tham gia BHYT. Các bộ, ngành cũng cần chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định về đối tượng tham gia nhằm thay thế các văn bản đã hết hiệu lực. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các nguồn lực hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT để mở rộng phạm vi bao phủ BHYT; có chế tài mạnh hơn đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng BHYT. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chuyển kịp thời kinh phí mua thẻ BHYT đối với các nhóm đối tượng do NSNN đóng, hỗ trợ đóng vào quỹ BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT, bởi hiện nay số tiền chậm đóng BHYT do NSNN đảm bảo đang rất lớn.

Việc lập danh sách và quản lý đối tượng tham gia BHYT được thực hiện do nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức. Do đó, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể nội dung này, nhất là quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, tránh tình trạng khi cơ quan BHXH nhận được danh sách tham gia BHYT và thực hiện cấp thẻ, thì giá trị của thẻ BHYT đã gần hết hạn sử dụng;  qua đó còn góp phần hạn chế trùng lặp thẻ, tránh gây lãng phí ngân sách.

Nguyệt Hà


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất