Năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. UBND tỉnh sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022, đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với HĐND tỉnh; trong điều hành đã bám sát thực tiễn, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của người dân, doanh nghiệp để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các chương trình đột phá của Tỉnh ủy. Tổ chức tốt các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết, chăm lo các đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý và đạt nhiều kết quả khả quan, cơ bản đạt mục tiêu tổng quát đã đề ra.
|
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X khai mạc ngày 7-12: Thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công… năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
|
Nhiều kết quả khả quan
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) có sự chuyển biến rõ nét, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 1,15%, quý II tăng 5,73%, quý III tăng 7,51%, quý IV tăng 8,79% so với cùng kỳ); trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm 66,26% cơ cấu và đóng góp khoảng 70% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm; khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.
Thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, các hoạt động dịch vụ, vui chơi, giải trí diễn ra sôi động; nguồn cung hàng hóa dồi dào; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tiếp tục chuyển giao ứng dụng công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản đã tổ chức 14 phiên họp để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án bất động sản, khu công nghiệp và hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7102023 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
So với năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11%, vốn đăng ký doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đạt khá, đầu tư công đạt giá trị giải ngân cao hơn gần 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Công tác quản lý thu - chi ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo dự toán để bổ sung cho đầu tư phát triển; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chính sách lãi suất và cải tiến thủ tục hỗ trợ tích cực nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.
|
Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình dương phát biểu tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X.
|
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, lao động có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công trong dịp Tết, các ngày lễ, kỷ niệm; thường xuyên nắm tình hình và tổ chức kết nối cung - cầu lao động cũng như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn và chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị vật tư y tế; giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi.
Đề án Thành phố Thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương được ICF vinh danh tiêu biểu năm 2023 (Top 1 ICF 2023). Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; kịp thời rà soát, nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các chính sách đặc thù cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên một số ngành, lĩnh vực; nâng cao chất lượng các nội dung trình HĐND tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Công tác quân sự, quốc phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả tiêu chí. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục có nhiều đổi mới, thiết thực và hiệu quả.
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm quan trọng để tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn; dự báo nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn tác động đến quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. UBND tỉnh xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
UBND tỉnh xác định 36 Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường - đô thị chủ yếu năm 2024. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,5% so với năm 2023.
Phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp năm 2024: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bảo đảm ổn định các cân đối lớn; Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; Quy hoạch và phát triển đô thị; Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
H. Hào