|
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; lãnh đạo tỉnh Bình Dương và đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo (Ảnh: H. Hào).
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Bình Dương được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Sông Bé từ ngày 1-1-1997. Thời điểm đó, kinh tế Bình Dương chủ yếu là nông nghiệp; cơ sở hạ tầng chưa phát triển; đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đến nay, sau hơn 25 năm nỗ lực, phấn đấu bền bỉ Bình Dương đã đạt được một số kết quả bước đầu khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình tiếp tục có rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên, kịp thời của Trung ương; cùng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đến nay đã thực hiện đạt và vượt 17/20 chỉ tiêu phát triển của cả năm. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển ở mức 6%. Thu ngân sách đạt 73.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, với tổng vốn đầu tư trong năm khoảng 22.000 tỷ đồng.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu khai mạc tại Hội thảo (Ảnh: H. Hào).
|
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tiếp tục quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Chủ trì Hội thảo, đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Hội thảo khoa học: “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” là dịp để tỉnh Bình Dương chia sẻ những kinh nghiệm đặc sắc và thực tiễn phát triển phong phú của mình phục vụ cho việc tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, chuẩn bị một bước cho việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bình Dương tuy không phải là một địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng không phải là địa phương có những cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, nhưng Bình Dương lại được coi là nơi “đất lành chim đậu”, là điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược; là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới, sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và cả những người lao động cần cù, chịu khó với mong muốn nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo.
Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật; vươn lên, trở thành một trong những tỉnh năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; một trong những cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của vùng Đông Nam Bộ; vùng động lực trong tứ giác phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 117 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo, theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. An sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm. Các tiềm năng, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, con người không ngừng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên, đất đai và nguồn nước được triển khai đồng bộ, kịp thời. Xây dựng đảng và hệ thống chính trị có nhiều điểm mới. Trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.
|
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo (Ảnh: H. Hào).
|
Bình Dương hiện là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Từ năm 1997 đến nay, hơn 2 triệu người đã chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc; và mảnh đất ấy đã không phụ lòng người, giúp họ hiện thực hoá “giấc mơ” và khát vọng đổi đời. Hôm nay, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045 - GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn manh.
Nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển, điểm sáng trong cách thức phát huy lợi thế vị trí của một tỉnh sát gần một đô thị lớn; trong huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá. Nỗ lực vượt bậc để vươn lên đó là động lực và là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển không chỉ trong mỗi người dân Bình Dương mà cho nhân dân cả nước về tư duy đột phá, mô hình độc đáo và cách làm sáng tạo của tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự kết hợp thành công giữa khả năng khai thác, chắt chiu những lợi thế hiếm hoi, hoán chuyển được bất lợi thế thành lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên; giữa khát vọng chinh phục những đỉnh cao phát triển với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của trung ương được thể chế hoá, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương; giữa sự đồng hành, chia sẻ của chính quyền với doanh nghiệp và người dân; giữa sự gắn kết chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, v.v.
Theo GS, TS. Nguyễn Xuân thắng, những kỳ tích phát triển mà Bình Dương đạt được hôm nay chắc chắn không đơn giản là kết quả của việc áp dụng một mô hình lý thuyết mang tính trừu tượng. Về thực chất, đây chính là sự hội tụ, kết tinh những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, cụ thể đã được tổng kết, kiểm nghiệm là đúng từ thực tiễn phát triển của Bình Dương qua hơn một phần tư thế kỷ; và bởi vậy, nó có thể trở thành hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng.
Tại Hội thảo lần này, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban Tổ chức cần tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số vấn đề trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, phân tích, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình phát triển cấp tỉnh trong tiến trình đổi mới đất nước.
Thứ hai, từ thực tiễn phát triển của tỉnh Bình Dương, làm rõ nội hàm, khắc hoạ mô hình phát triển của tỉnh; chỉ ra những vấn đề đặt ra đối với mô hình này khi Bình Dương bước vào giai đoạn phát triển mới; đề xuất các quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương đến giữa thế kỷ XXI, đóng góp cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Thứ ba, từ những hạt nhân hợp lý của mô hình phát triển, những kinh nghiệm hay, cách làm đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Dương, nghiên cứu những điều kiện, khả năng vận dụng cho những địa phương khác trong cả nước; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng cho rằng, thành công của tỉnh Bình Dương ngày hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt kinh tế của tỉnh Bình Dương, phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Bình Dương…
Trình bày tham luận tại Hội thảo về Mô hình phát triển của Tổng Công ty Becamex IDC, đồng chí Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: Qua gần 30 năm phát triển, Becamex IDC không ngừng lớn mạnh, là tài sản chung của cộng đồng người dân Bình Dương, là nền tảng để chính quyền Bình Dương thu hút nguồn lực, tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, bệnh viện, trường học. Đây chính là điểm tựa quan trọng giúp Becamex phát triển hệ sinh thái Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ trong nội tỉnh và triển khai ra nhiều tỉnh thành phố trên cả nước thông qua mô hình Khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Thông qua hệ sinh thái này, Becamex đã thu hút 19.5 tỷ USD vốn FDI, tạo ra hàng triệu việc làm trong các khu công nghiệp và lan tỏa phát triển dịch vụ tới khắp các khu vực dân cư, đô thị lân cận. Cho tới nay, Becamex đã xây dựng hơn 100 ngàn căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để giải quyết nơi ăn chốn ở cho hàng trăm ngàn lao động. Riêng tại Bình Dương, Becamex đã hoàn thành hàng trăm tuyến đường nội khu công nghiệp, đô thị, cũng như các tuyến liên khu vực tạo động lực phát triển trong vùng với tổng chiều dài hơn 1.400km.
|
Đồng chí Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Becamex IDC trình bày tham luận tại Hội thảo (Ảnh: Ban Tổ chức).
|
Qua gần 30 năm phát triển, với triết lý “liên tục đổi mới để phát triển”, Becamex IDC luôn tìm tòi và sáng tạo các mô hình mới, thích nghi với sự biến đổi qua từng thời kỳ; Từng bước chắt chiu, xây dựng lợi thế cạnh tranh, mở rộng hợp tác, thu hút nguồn lực, tạo nền tảng tốt nhất cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp cùng phát triển. Quá trình đóng góp của Tổng Công ty Becamex được khái quát qua từng giai đoạn như sau:
Với vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương, cũng như đầu tư mở rộng ra hơn 20 tỉnh, thành phố của các công ty liên doanh thành viên. Becamex đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể hoàn thành được trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tuy nhiên, sau quá trình tăng vốn chủ sở hữu nhanh chóng 47.53 lần từ 213 tỷ năm 2005 lên đến 10.125 tỷ năm 2018 - Thời điểm cổ phần hóa, cho đến nay Nhà nước vẫn nắm giữ 95.44% cổ phần của Becamex. Tốc độ gia tăng vốn chủ sở hữu của Becamex 5 năm qua từ khi cổ phần hóa gần như đi ngang, dẫn đến việc Becamex thiếu hụt nguồn lực trong việc thực hiện các chiến lược đầu tư, mở rộng và tạo động lực phát triển cho các địa phương mà Becamex hiện diện.
Becamex đang đề xuất một kế hoạch tăng vốn lớn, mặc dù tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm xuống nhưng vốn hóa thị trường của Nhà nước ước tính từ khoảng 3 tỷ USD hiện nay sẽ có thể tăng lên 9.5 tỷ USD vào năm 2026 và 13.6 tỷ USD vào năm 2028 nếu kế hoạch được phê duyệt và thực hiện theo đúng lộ trình, việc được phê duyệt tăng vốn sẽ giúp Becamex có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, và xã hội của mình.
Becamex với phương châm luôn năng động, sáng tạo để vượt các khó khăn, thách thức, đồng thời vẫn lồng ghép để thực hiện các nhiệm vụ chính trị; thực hiện vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư; cùng với đó luôn quan tâm đến đời sống, nơi ăn chốn ở của người lao động để đảm bảo cho phát triển bền vững.
Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Học viện Chính trị khu vực II với Trường Chính trị tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương.
|
Lễ ký kết về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa Học viện Chính trị khu vực II với Trường Chính trị tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương (Ảnh: Ban Tổ chức).
|
Hoàng Hào