Tỉnh Bình Định có 31 dân tộc thiểu số với 39.073 người, trong đó 4 dân tộc chính là Kinh, Bân, H’rê và Chăm. Toàn tỉnh có 723 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trong đó 268 người là cán bộ nữ. Do một số nguyên nhân, đến nay mới có 186/268 đồng chí có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm tỷ lệ 69,4%); 142/268 đồng chí có trình độ lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 52,98%). Cán bộ nữ dân tộc thiểu số giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 32 đồng chí, trong đó ở cấp huyện có 12 đồng chí, cấp xã có 20 đồng chí.
Triển khai quyết liệt
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số, những năm qua Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng ở Bình Định đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; phổ biến, quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhiều văn bản quan trọng, như: Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII)…và gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Qua đó, đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành một số văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó có nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số: Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 16-12-2014 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 ban hành Quy định về chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; Quyết định số 2061/QĐ-UBND ngày 16-6-2016 về việc ban hành Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 về việc ban hành Kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 – 2021; Quyết định số 2769/QĐ-UBND ngày 4-8-2017 và Quyết định số 1790/QĐ-UBND ngày 29-5-2018 về việc ban hành Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017- 2020…
Kết quả bước đầu
Các cấp ủy đảng của Bình Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ nữ dân tộc thiểu số. Vì thế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh theo hướng đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn.
Việc đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh được cụ thể hóa bằng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm và theo từng giai đoạn. Bình Định cũng đã xây dựng một số chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ đi học, góp phần khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm học tập. Kết quả, về đào tạo chuyên môn: 1 đồng chí được đào tạo chương trình thạc sỹ; 105 đồng chí được đào tạo cao đẳng, đại học; 80 đồng chí được đào tạo trình độ trung cấp. Về đào tạo lý luận chính trị: 10 đồng chí được đào tạo cao cấp; 79 đồng chí được đào tạo trung cấp; 53 đồng chí được đào tạo sơ cấp. Về bồi dưỡng kiến thức theo chức danh: 299 đồng chí được bồi dưỡng chuyên môn; 209 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh; 6 đồng chí được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; 1 đồng chí được bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
Nhìn chung, các đồng chí cán bộ nữ dân tộc thiểu số của Bình Định đã nỗ lực cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại để học tập, tiếp thu kiến thức, phấn đấu vươn lên. Đa số các đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, kỹ năng công tác được nâng lên, trong đó có kỹ năng dân vận để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số của Bình Định chưa thật sự phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của người học; chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ tham mưu giỏi trên các lĩnh vực; còn một số cán bộ coi việc đi đào tạo, bồi dưỡng là để có bằng cấp. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới. Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bài học kinh nghiệm
Một là, cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung công tác cán bộ, quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ nữ theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hai là, cấp ủy đảng cần có chủ trương đúng và chỉ đạo quyết liệt, nhất quán. Coi trọng xây dựng đồng bộ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, trong đó có cán bộ nữ; chú ý đến chính sách đối với cán bộ nữ.
Ba là, phải bám sát quy định của Trung ương, vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn của địa phương. Chú trọng việc ban hành, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ; việc quản lý, sử dụng cán bộ.
Ngọc Thảo
Ban Tổ chức Trung ương