Thành ủy Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Chương trình hành động thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên; gương mẫu thực hiện 8 nội dung cơ bản trong Quy định, được thể hiện ở các nội dung: (1) Trước hết phải nghiêm khắc đối với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức; (2) Kiểm soát bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; (3) Kiểm soát đối với gia đình và người thân.
Chương trình hành động đã nêu rõ các mục tiêu và đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện như sau:
Một là, trách nhiệm của các cấp ủy trong việc tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và hành động
Tổ chức học tập quán triệt Quy định 08-QĐi/TW thực sự có hiệu quả để nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên, khi triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW cần tiếp tục tuyên truyền thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Nghị định số 157/2007NĐ-CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó chú trọng việc nêu gương của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị và đảng viên; đồng thời, từng cá nhân phải nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết chống 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua 82 biểu hiện cụ thể được nêu trong Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24-9-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Hai là, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, đơn vị các cấp
Tiếp tục đề cao phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị các cấp trong việc triển khai và chỉ đạo thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Coi đây vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách phải được tiến hành thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp. Đồng thời, chủ động, tích cực sáng tạo trong triển khai thực hiện các Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng.
Hằng năm, bí thư cấp ủy, người đứng đầu, địa phương, cơ quan, đơn vị gương mẫu cam kết rèn luyện, phấn đấu nêu gương sáng, tiêu biểu về những nhiệm vụ được giao, làm tốt trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống, lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân.
Gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Cùng tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo chỉ đạo việc thực hiện nêu gương thông qua việc làm cụ thể, gắn với quyền, lợi ích của tập thể, của nhân dân. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Ba là, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp
Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Đảng, của nhân dân. Nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có chương trình hành động cụ thể thực hiện trách nhiệm nêu gương của mình. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và nhất là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải trở thành việc làm tự giác, thường xuyên; gương mẫu thực hiện 8 nội dung cơ bản trong Quy định được thể hiện ở các nội dung: (1) Trước hết phải nghiêm khắc đối với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức; (2) Kiểm soát bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; (3) Kiểm soát đối với gia đình và người thân.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra của Đảng và vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân
Các tổ chức đảng phải tăng cường kiểm tra, giám sát những biểu hiện suy thoái và “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc manh nha để ngăn chặn kịp thời. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, trong đó tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhắc nhở xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Kịp thời kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong việc nêu gương, không nể nang “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, để đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tạo mọi điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân tham gia giám sát thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, trong đó đề cao vai trò giám sát của nhân dân và có cơ chế thiết thực để nhân dân phát huy được vai trò của mình trong việc giám sát trách nhiệm nêu gương.
Căn cứ các giải pháp trọng tâm trong Chương trình hành động của Thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.
Ngọc Thảo