Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở.
Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá có 1.727 tổ chức cơ sở đảng (635 đảng bộ xã, phường, thị trấn; 417 đảng bộ cơ sở và 675 chi bộ cơ sở), với 13.713 cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn. Thực hiện chủ trương chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ CBCC cấp xã, ngày 12-3-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU "Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hoá thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020". Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, tạo chuyển biến tích cực từ cơ sở.
Tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị
Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị của đội ngũ CBCC cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ CBCC cơ sở. Phát huy sức mạnh của các cơ quan báo chí gắn với hoạt động của hệ thống tuyên giáo các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Hằng năm, toàn tỉnh mở hơn 500 lớp chuyên đề cập nhật kiến thức mới cho hơn 60.000 lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở (nhiều đơn vị cấp huyện mời các chuyên gia cao cấp của Trung ương về giới thiệu).
Bên cạnh đó là đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị theo hướng bám sát đối tượng người học, phù hợp với thực tiễn gắn với siết chặt công tác quản lý đào tạo, quản lý học viên; do đó, chất lượng dạy và học lý luận chính trị từng bước được nâng cao. Sau đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, đảng viên đã vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Hiện, có trên 95% đội ngũ giảng viên các cấp trong tỉnh đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; 26/27 trung tâm bồi dưỡng chính trị có trụ sở khang trang; 17/27 Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn cấp tỉnh giai đoạn 2009 - 2015.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị cho đội ngũ CBCC cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đề ra. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan tỏa, với phương châm "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực".
Thu hút cán bộ có trình độ cao về xã
Để thu hút người có trình độ đại học chính quy trở lên về công tác tại cấp xã, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND ngày 11-12-2009; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 798/2010/QĐ-UBND ngày 11-3-2010; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 22-KL/TU ngày 2-5-2012 về thu hút người có trình độ về công tác tại tỉnh. Kết quả thực hiện, đã có 1.824 người có trình độ đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn.
Việc đưa trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo Đề án của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 5 đợt tuyển chọn 183 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã thuộc các huyện 30a. Cụ thể, đợt 1 (năm 2000) có 56 trí thức trẻ về xã; đợt 2 (năm 2001) có 28 y, bác sỹ trẻ về xã; đợt 3 (năm 2010) có 24 tri thức trẻ về các khu kinh tế quốc phòng thuộc các xã biên giới; đợt 4 (năm 2011) có 60 cán bộ trẻ về làm phó chủ tịch UBND xã; đợt 5 (năm 2013) có 15 trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Kết thúc Dự án, trí thức trẻ tình nguyện được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tuyển dụng, trong đó, 100% y, bác sỹ trẻ tình nguyện về xã đã được tuyển dụng làm việc tại các trạm y tế các xã. Đến nay, nhiều trí thức trẻ tình nguyện trưởng thành, đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp cấp xã.
Đào tạo bồi dưỡng theo nhu cầu vị trí việc làm
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chọn chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh là một trong 5 chương trình trọng tâm. Ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy đã tâp trung lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện; UBND tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sau khi đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ cơ sở, xác định số cán bộ cần đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để bố trí trong thời gian tới; đào tạo cán bộ trẻ để từng bước thay thế số cán bộ tuổi cao, sức yếu, nghỉ hưu theo chế độ…, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện có lộ trình tổ chức cử CBCC cơ sở đi đào tạo trên cơ sở nhu cầu vị trí việc làm. Từ năm 2016 đến tháng 8-2018, đã có 2.108 CBCC cơ sở được cử đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp (vượt mục tiêu chương trình đề ra).
Căn cứ Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 29-9-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2008-2015; Quyết định số 1254-QĐ/TU ngày 24-1-2013 quy định chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 3-2-2012 về đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh giai đoạn 2012-2016, đã có 17.880 đại biểu HĐND cấp huyện, xã được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và điều hành; 19.418 lượt CBCC cơ sở được tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay Thanh Hóa số CBCC cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 93,5%, trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên đạt hơn 80%. Chất lượng CBCC cơ sở được nâng lên, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, có ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, giữ gìn nếp sống văn hóa nơi công sở. Bên cạnh đó, chất lượng đại biểu HĐND cấp xã được nâng lên đáng kể, vai trò, trách nhiệm và hiệu quả của HĐND trong việc ra nghị quyết và kiểm tra, giám sát các hoạt động của UBND cùng cấp được nâng lên.
Lê Việt
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa