Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 06-HD/TCTW của Ban Tổ chức Trung ương về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và căn cứ vào quy hoạch cán bộ của huyện, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã xây dựng Kế hoạch luân chuyển cán bộ và tổ chức hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt toàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở, các cơ quan, đoàn thể huyện nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa của công tác luân chuyển cán bộ. Ban Tổ chức Huyện uỷ tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ của huyện, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra tình hình, triển khai thực hiện ở các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong huyện.
Từ khi có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (tháng 1-2002) đến nay, Đảng bộ huyện đã thực hiện luân chuyển được 19 lượt cán bộ. Trong đó, luân chuyển từ huyện về xã 6 đồng chí, luân chuyển từ xã lên huyện 1 đồng chí, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, các ngành trong huyện 12 đồng chí. Kết quả, đa số cán bộ luân chuyển tiếp cận nhanh với công việc và môi trường công tác mới, thể hiện rõ năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc, tạo được uy tín ở nơi luân chuyển đến, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; Cán bộ qua luân chuyển trưởng thành về mọi mặt, tích luỹ được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm, cách nhìn nhận, phong cách làm việc và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn. Trong số 19 cán bộ luân chuyển, có 12 đồng chí được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn trước khi luân chuyển.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch; xem xét năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển và bố trí công việc cho phù hợp. Thông qua thực tế luân chuyển cán bộ đã nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về luân chuyển cán bộ, góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, tình trạng khép kín về cán bộ trong từng ngành, từng xã, từng cơ quan. Mặt khác, qua công tác luân chuyển từng bước điều chỉnh, bố trí cán bộ một cách hợp lý hơn giữa các cơ quan, địa phương; ở một số xã trước đây yếu kém do công tác cán bộ, sau khi những cán bộ có phẩm chất và năng lực được luân chuyển về làm lãnh đạo chủ chốt đã có những chuyển biến tích cực như Ma Quai, Nậm Ban, Chăn Nưa.
Để công tác luân chuyển cán bộ thực hiện có hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tiến hành từng bước, thận trọng, đảm bảo yêu cầu ổn định và phát triển: Trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đồng chí được luân chuyển; làm việc trước với cấp uỷ cơ sở và tập thể lãnh đạo các cơ quan quản lý cán bộ và nơi cán bộ luân chuyển đến để nắm bắt tư tưởng cán bộ, xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc thực hiện luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thích nghi với môi trường công tác mới. Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều phấn khởi, an tâm công tác, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường công tác mới, tạo được phong trào và cách làm mới, được cấp uỷ và nhân dân tín nhiệm.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển; đồng thời, có chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách huyện cho các đồng chí được luân chuyển đến công tác ở những xã khó khăn. Theo đó, cán bộ luân chuyển xuống xã giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt được giữ nguyên lương, phụ cấp và biên chế ở cơ quan cũ, trường hợp phụ cấp khu vực ở nơi đến cao hơn thì được hưởng hệ số phụ cấp khu vực nơi đến công tác; được trợ cấp hàng tháng từ năm trăm đến một triệu đồng tùy theo mức độ khó khăn của xã đến công tác, đã góp phần giải quyết những khó khăn ban đầu về điều kiện công tác, sinh hoạt của cán bộ, động viên cán bộ yên tâm công tác. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn của huyện nên một số chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển vẫn chưa thực hiện được như làm nhà công vụ, chế độ trợ cấp khó khăn ban đầu.
Cùng với công tác luân chuyển cán bộ, từ năm 2006 đến nay, tại Đảng bộ huyện đã bố trí 2 chức danh Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện không phải là người địa phương. Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện với 3 chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện. Đối với 2 xã biên giới đã thực hiện có hiệu quả việc tăng cường cán bộ bộ đội Biên phòng về làm phó bí thư thường trực đảng ủy.
Từ thực tế của Sìn Hồ có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Trung ương và kế hoạch luân chuyển cán bộ của huyện, từ đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, các cơ quan và mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện luân chuyển cán bộ.
Xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ phải tiến hành đồng bộ, kết hợp chặt chẽ các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bố trí cán bộ trước và sau luân chuyển. Bám sát quy hoạch và căn cứ vào năng lực, sở trường của cán bộ, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị mới để bố trí công việc phù hợp. Trong thời gian luân chuyển, cấp uỷ phải thường xuyên kiểm tra,theo dõi, kịp thời giúp đỡ cán bộ luân chuyển vượt qua khó khăn, khắc phục những mặt yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến những xã khó khăn, phức tạp; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ không chấp hành quyết định luân chuyển mà không có lý do chính đáng, những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển.
Đổi mới công tác chỉ đạo của cấp uỷ theo hướng trực tiếp, sâu sát; tăng cường công tác kiểm tra và uốn nắn kịp thời những lệch lạc từ khâu xây dựng kế hoạch đến thực hiện kế hoạch luân chuyển.
Nguyễn Văn Thành
Phó bí thư Huyện ủy Sìn Hồ (Lai Châu)