Bắc Giang nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn
Tỉnh Bắc Giang có 44 xã miền núi đặc biệt khó khăn với 475 thôn, bản tập trung ở 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam. Cùng với những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến các xã này nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tạo điều kiện để đưa các xã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển. Tuy nhiên hiệu quả của các chính sách vẫn còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức khu vực này thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trong tỉnh.
Qua số liệu điều tra về đội ngũ cán bộ, công chức 44 xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh cho thấy: nếu so với yêu cầu cán bộ cấp xã phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị, trình độ văn hoá hết phổ thông trung học, trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên thì nhiều cán bộ chưa đáp ứng tiêu chuẩn đề ra. Trình độ quản lý của nhiều cán bộ, công chức cơ sở, do không được đào tạo cơ bản nên còn làm việc theo kinh nghiệm. Khi được tuyển chọn thì các cán bộ, công chức mới được đi học "lớp ngắn hạn" về những công việc cụ thể theo từng chức danh, nên giải quyết xử lý tình huống chưa đạt hiệu quả cao, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn lãnh đạo, điều hành còn yếu và lúng túng. Tuổi đời cán bộ bình quân cao, phần đông gia đình cán bộ còn nghèo. Một số cán bộ quản lý điều hành còn tuỳ tiện, chưa nắm vững và thực hiện theo pháp luật. Một số xã quan hệ giữa cán bộ và nhân dân vẫn còn khoảng cách... Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh đang đứng trước những thách thức.
Thứ nhất, đây là các xã có vị trí địa lý và địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, tạo nên sự cách biệt với bên ngoài. Người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn (49,1%), các dân tộc sống xen kẽ với những đặc thù văn hóa khác nhau. Mật độ dân cư rất thấp, người dân sống không tập trung, lại ở nơi hẻo lánh và ít giao tiếp với bên ngoài. Điều đó gây khó khăn cho cán bộ, công chức khi xuống các thôn, bản công tác, khó khăn trong việc bảo đảm an ninh - trật tự và vận động tuyên truyền thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, do các xã này ở xa trung tâm, điều kiện đi lại, liên lạc khó khăn, nên không được thường xuyên tiếp xúc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Sự kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời của chính quyền cấp trên đối với cán bộ, công chức cấp xã cũng bị hạn chế.
Thứ ba, các xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, dựa vào điều kiện tự nhiên, tự túc tự cấp; thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh. Sự nghèo nàn, lạc hậu làm cho trình độ dân trí thấp, nhất là trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy khả năng tiếp thu tri thức để áp dụng trong quá trình quản lý, điều hành của cán bộ, công chức còn hạn chế. Điều này cản trở rất lớn việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Bên cạnh đó, một số hủ tục và tệ nạn xã hội còn tồn tại, đời sống văn hóa xã hội chậm được cải thiện, thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình còn yếu kém so với miền xuôi, y tế, giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thiếu thốn... cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Những vấn đề thực tế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cho Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục có các chính sách phù hợp nhằm từng bước nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, gồm: năng lực nhận thức, tổ chức thực hiện, điều hành, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để thực hiện nhiệm vụ. Giải quyết tình hình trên Bắc Giang đã xây dựng và thực hiện các giải pháp:
- Đối với cán bộ, công chức trong quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi để an tâm học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất và năng lực. Đối với những cán bộ trên 50 tuổi, không nhất thiết phải đưa đi đào tạo mà chỉ bồi dưỡng, cập nhật những tri thức mới, bổ sung nghiệp vụ theo từng lĩnh vực và kỹ năng thực hành. Đối với cán bộ, công chức còn trẻ, giữ các cương vị công tác khác nhau cần được đưa đi đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội đạt trình độ từ trung cấp trở lên.
- Lập kế hoạch đào tạo nguồn đối với những cán bộ trẻ trải qua họat động thực tiễn ở cơ sở, có khả năng phát triển, tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế cận và thay thế ngay cho số cán bộ, công chức không đủ năng lực hoặc bị thoái hóa, biến chất không còn tín nhiệm.
- Lựa chọn những người có trình độ, có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt trong hàng ngũ đoàn viên thanh niên và cả số thiếu niên là con em ở địa phương đang học ở các trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh; trung học, cao đẳng, đại học đã ra trường để đào tạo, tạo nguồn cán bộ kế cận lâu dài.
 Tỉnh đầu tư thêm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đối với những cán bộ là người dân tộc thiểu số thực hiện chế độ cử tuyển và cam kết bằng văn bản khi học xong phải trở về địa phương, nếu không sẽ phải  bồi hoàn kinh phí đào tạo.
- Chỉ đạo các trường trung học chuyên nghiệp của tỉnh tăng cường mở lớp đào tạo tập trung cho đội ngũ cán bộ, công chức các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Mở lớp tại chức ở huyện để sớm phổ cập trình độ trung cấp về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã. Tăng cường mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, kiến thức chuyên ngành cho cán bộ, công chức. Có chính sách hàng năm đưa cán bộ, công chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở tỉnh bạn.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng chú trọng chất lượng, không hình thức, mở lớp tràn lan, chạy theo bằng cấp. Nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng  phù hợp với khả năng tiếp thu của cán bộ cơ sở, tăng cường kiến thức giải quyết tình huống cụ thể, sát thực tiễn, đặc điểm địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất