Đào tạo cán bộ là công tác quan trọng trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cho hiện tại và tương lai. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ của tỉnh Sóc Trăng còn những mặt hạn chế và bất cập, kinh nghiệm, trình độ, kiến thức không đồng đều, phần lớn chưa được đào tạo hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn ngạch bậc, theo chuyên môn nghiệp vụ; một bộ phận có trình độ lý luận chính trị lại thiếu trình độ chuyên môn và ngược lại; một số cán bộ hạn chế về năng lực điều hành, quản lý nhưng chưa thể thay thế nên chất lượng, hiệu quả công tác thấp; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc ở các cấp còn ít so với yêu cầu; đáng quan tâm là đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và năng lực công tác.
Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu phải tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng, có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tỉnh uỷ Sóc Trăng chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và xem đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với ban hành văn bản chỉ đạo, ngày 7-12-2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh gồm 8 thành viên, do đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBNDT, ngày 31-8-2006 về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2006-2010. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 07-KH/BTCTU, ngày 22-1-2008 về Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015; Kế hoạch số 08-KH/BTCTU, ngày 22-1-2008 Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015; ngày 15-5-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1920-QĐ/TU thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH.
Trên cơ sở chủ trương, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy và điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương, các cấp ủy trong tỉnh đã tiến hành quy hoạch cán bộ. Từ kết quả quy hoạch, Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng loại cán bộ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý, tin học, ngoại ngữ (kể cả tiếng dân tộc Khmer)... Trong đó, chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa đào tạo tập trung và đào tạo tại chức. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ của tỉnh theo hướng phát triển nhanh và bền vững, năm 2006 tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực sau đại học đến năm 2015, với chỉ tiêu đào tạo 150 cán bộ nguồn (20 tiến sĩ và 130 thạc sĩ) thuộc những ngành nghề mà tỉnh có nhu cầu sử dụng, trong đó đào tạo trong nước 10 tiến sĩ, 90 thạc sĩ và đào tạo ngoài nước 10 tiến sĩ, 40 thạc sĩ.
Từ 2006 đến 2010 đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ: đào tạo đại học chính trị chuyên ngành 455 cán bộ; cao cấp lý luận chính trị, hành chính: 384; hệ đào tạo tập trung: 102; hệ đào tạo tại chức: 282 cán bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng đảng: 1.714 lượt cán bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn thể chính trị: 14.896 lượt cán bộ; bồi dưỡng về quản lý nhà nước: 375 lượt cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ: 166 lượt cán bộ; bồi dưỡng tin học: 240 lượt cán bộ; bồi dưỡng quốc phòng - an ninh: 18.214 lượt cán bộ… Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và cử đi đào tạo 114 trường hợp, trong đó đào tạo trong nước 75 cán bộ nguồn (4 tiến sĩ, 71 thạc sĩ) và đào tạo ngoài nước 39 cán bộ nguồn (5 tiến sĩ, 34 thạc sĩ).
Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh từng bước đi vào nền nếp, khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể được nâng lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên đạt 100%; chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên chiếm 96,36 %. Trong các ban chấp hành đảng bộ cơ sở, số đồngchí có trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 22,35%; chuyên môn nghiệp vụ từ đại học trở lên chiếm 43,51%.
Kết quả trên có nguyên nhân chủ yếu là được các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xác định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ban chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm; tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, sát với tình hình của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của Trường Chính trị tỉnh…
Bên cạnh những chuyển biến, tiến bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh cũng còn một số hạn chế, yếu kém: Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thật sát với nhu cầu, chưa đáp ứng kịp với thực tiễn đặt ra; kiến thức và năng lực của một bộ phận cán bộ sau đào tạo vẫn còn yếu, đáng chú ý đội ngũ cán bộ cơ sở phần lớn chưa được đào tạo cơ bản, hệ thống; tỷ lệ chưa đạt chuẩn còn cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu phục vụ cho yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà chưa đào tạo theo cơ cấu ngành nghề; kiến thức và năng lực của một bộ phận cán bộ sau đào tạo vẫn còn yếu...
Để đạt được mục tiêu về đào tạo cán bộ thời gian tới, Sóc Trăng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trách nhiệm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cơ sở, nhằm tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu hiện tại và chuẩn bị cho lâu dài.
Hai là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Tổ nghiên cứu sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020 trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm; đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, từng bước cải tiến và nâng cao chất lượng nội dung chương trình, giáo trình đào tạo, đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn. Căn cứ tiêu chuẩn chức danh cán bộ và yêu cầu thực tiễn làm cơ sở để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng loại cán bộ. Các cơ quan liên quan nghiên cứu các chương trình, hướng dẫn của Bộ Nội vụ để vận dụng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, tác nghiệp cho cán bộ cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Năm là, ban chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, theo dõi, chỉ đạo sâu sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án về đào tạo cán bộ; tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả sau đào tạo; đặc biệt là quản lý, sử dụng tốt sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, chủ động phân bổ về các ngành tỉnh, các huyện và cơ sở phù hợp với chuyên môn được đào tạo; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh đối với cán bộ học sau đại học và sinh viên trong tỉnh theo qui định.
Sáu là, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Chú trọng nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy và kinh nghiệm thực tế cho Ban giám hiệu, giảng viên Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố; quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có cơ cấu thích hợp, có đủ trình độ để làm tốt công tác giảng dạy; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học viên. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học phù hợp yêu cầu của từng đối tượng học viên.
Kiều Linh
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng