Qua 16 năm tái lập, Lai Châu là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, trong đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp cơ sở nói riêng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Lai Châu là tỉnh có đặc thù đa dân tộc cùng sinh sống và có đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc, do vậy, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở không chỉ có vai trò kiến tạo những tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ở cơ sở, mà còn góp phần ổn định an ninh chính trị nơi phên dậu biên giới của Tổ quốc. Chính vì thế, trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt.
Nhận thức được vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu luôn xác định học viên là cán bộ, công chức cấp cơ sở là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong giảng dạy và phục vụ. Nhà trường đã chú trọng đến phân loại đối tượng lớp học là cán bộ, công chức cấp cơ sở để xác định phương pháp giảng dạy phù hợp. Đồng thời, đối tượng này được bố trí học tập trung tại trường với đầy đủ những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt. Với nhóm đối tượng học viên này, nhà trường luôn xác định, giảng dạy lý luận chính trị là nhiệm vụ trọng tâm và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống là then chốt. Để kết quả sau đào tạo là những cán bộ, công chức cấp cơ sở có kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn tại địa phương.
Mục tiêu cụ thể
Thứ nhất, tác động vào nhận thức và tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở nhằm làm rõ vị trí và vai trò của đội ngũ này trong hệ thống chính trị cấp cơ sở. Để từ đó có những sự thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực, chủ động trong quan hệ với nhân dân, với đồng nghiệp và với cấp trên.
Thứ hai, làm cho cán bộ, công chức cấp cơ sở hiểu và biết gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, tiến tới hoàn thiện kỹ năng giải quyết công việc trong lãnh đạo, điều hành ở cơ sở địa phương.
Thứ ba, cán bộ, công chức cấp cơ sở có cơ sở củng cố tình yêu đối với chế độ, tin, yêu Đảng và kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đồng thời truyền được cảm hứng đó vào trong cộng đồng xã hội tại địa phương cơ sở.
Thứ tư, trang bị kiến thức về lý luận chính trị giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở có năng lực tư duy đột phá, sáng tạo trong quản lý và điều hành tại địa phương cơ sở; giúp đội ngũ cán bộ, công chức cáp cơ sở nhận thức rõ được những bước đi và cách làm phù hợp nhằm khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cơ sở.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp
Một là, truyền tải thông điệp, tìm mọi cách để cán bộ, công chức cấp cơ sở nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao trình độ lý luận chính trị đối với bản thân họ. Trên cơ sở đó, từng bước khơi dậy tinh thần ham học, khắc phục khó khăn, hạn chế những biểu hiện của sự lười học và ngại học lý luận chính trị.
Hai là, nội dung, chương trình giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cấp cơ sở phải bám sát các nội dung kiến thức trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đồng thời phải bám sát các yêu cầu thực tiễn địa phương cơ sở ở Lai Châu. Giảng dạy lý luận chính trị phải luôn chú ý kết hợp giữa lý luận với thực tiễn địa phương, phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, yêu cầu xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương xã, từng bản để bổ sung, làm rõ, làm sinh động trong nội dung bài giảng với những phương pháp giảng dạy sinh động, làm cho học viên – những cán bộ, công chức cấp cơ sở ở các đơn vị cơ sở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu còn hạn chế về trình độ học vấn sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức lý luận và biết cách vận dụng vào cơ sở sau khi được học tập.
Ba là, nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy lý luận chính trị phải phù hợp với trình độ học vấn, khả năng nhận thức của cán bộ, công chức cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục lý luận chính trị là phải có phương pháp phù hợp đối với từng đối tượng cán bộ, công chức cấp cơ sở. Sự phù hợp ở đây được thể hiện trên nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là phù hợp với trình độ học vấn và khả năng tiếp thu tri thức mà giảng viên truyền đạt cho người học. Vì chỉ trên cơ sở đó, người học mới có thể tiếp thu, nhận thức được đầy đủ, học tập mới có hiệu quả. Chẳng hạn, với đối tượng cán bộ, công chức cấp xã miền núi Lai Châu có cả cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách thì phương pháp giảng dạy phải bảo đảm các kiến thức lý luận nền tảng song phải hết sức chú ý về tính cụ thể, đơn giản hóa vấn đề nhưng không thô thiển để người học dễ tiếp nhận thông tin, dễ hiểu.
Bốn là, cần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở cần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên về phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức cũng như năng lực chuyên môn, nhất là phương pháp giảng dạy. Giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở còn nhiều hạn chế về mọi mặt đòi hỏi người giảng viên phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, phải biết truyền đạt những kiến thức cơ bản, nền tảng đi cùng với những ví dụ hết sức trực quan, sinh động, dễ hiểu. Cùng với việc đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, phải xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, từng bước hiện đại phòng học, thư viện, nơi ở của học viên nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học lý luận chính trị.
Năm là, chú ý công tác tổng kết thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn Lai Châu, từ đó rút kinh nghiệm để tìm ra cách thức và phương pháp tác động tới học viên là cán bộ, công chức cấp cơ sở sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Giảng viên Trường Chính trị, với mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, thực hiện giảng dạy lý luận chính trị là thực hiện sứ mệnh đầy vinh quang và cao cả. Qua giảng dạy lý luận chính trị để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Vì vậy, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị phải thường xuyên tổng kết thực tiễn việc giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị để rút ra các bài học kinh nghiệm cho bản thân nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, cán bộ, công chức cấp cơ sở nói riêng.
ThS. Nguyễn Thị Hồng
Trường Chính trị tỉnh Lai Châu