Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thuộc đồng bằng sông Hồng và nằm trên vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước hiện nay, Bắc Ninh đang ra sức phấn đấu trở thành vùng đô thị văn minh, giàu bản sắc (văn hóa Kinh Bắc), hiện đại, sinh thái và bền vững, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức; có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại; có môi trường sống tiện nghi, trong lành đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Ninh đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển nguồn nhân lực được coi là một trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chính sách
Từ năm 2008 đến nay Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản có tính pháp quy về chính sách đào tạo, thu hút nhân lực, nhân tài cho tỉnh. Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 8-6-2012 của UBND tỉnh về việc quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; Nghị quyết số 83/2013/NQ-HĐND ngày 23-4-2013 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43/2012/QĐ-HĐND ngày 25-4-2012 của HĐND tỉnh về quy định chế độ, chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài.
Điểm nổi bật trong chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là:
Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và các địa phương trong tỉnh.
Đối tượng áp dụng của các văn bản này là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan đảng, nhà nước, các đoàn thể tỉnh Bắc Ninh, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính; các ban quản lý dự án trực thuộc các sở, UBND cấp huyện và các tổ chức khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập; cán bộ, công chức, viên chức thuộc một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, những người không phải là cán bộ, công chức, viên chức, đang sinh sống, học tập, làm việc tại Bắc Ninh được phong tặng danh hiệu của Nhà nước; các tổ chức, cá nhân đạt các giải quốc gia, quốc tế; những người thuộc diện thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh Bắc Ninh.
Quyết định số 33 nêu rõ các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi đào tạo sau đại học; quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của các cơ quan được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn lực, nhân tài…
Quyết định số 33 còn đưa ra chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Theo đó, những người đang là cán bộ, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương khác và các doanh nghiệp, bao gồm giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II; nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc ưu tú… sẽ được tiếp nhận về công tác lâu dài tại tỉnh Bắc Ninh. Tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chính quy, sinh viên tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc (trừ hệ liên thông) sẽ được tuyển mới.
Đối tượng thuộc diện thu hút cần có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cam kết công tác lâu dài tại tỉnh (từ 10 năm trở lên). Về tuổi đời, với trường hợp tiếp nhận: không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ; trường hợp tuyển mới: không quá 40 tuổi đối với tiến sỹ, 35 tuổi đối với thạc sỹ, 30 tuổi đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và bác sỹ chính quy hệ 6 năm về công tác tại các cơ sở y tế tuyến huyện.
Những trường hợp được tiếp nhận sẽ hưởng trợ cấp một lần theo các mức: giáo sư (nam: 70 triệu đồng, nữ: 75 triệu đồng); phó giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân (nam: 50 triệu đồng, nữ: 55 triệu đồng); nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, bác sỹ chuyên khoa cấp II, dược sỹ chuyên khoa cấp II (nam: 40 triệu đồng, nữ: 45 triệu đồng). Với trường hợp tuyển mới, được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển và được hỗ trợ một lần theo các mức: tiến sỹ (nam: 40 triệu đồng, nữ: 45 triệu đồng); thạc sỹ (nam: 20 triệu đồng, nữ: 25 triệu đồng). Ngoài ra, những trường hợp có nhu cầu về đất ở sẽ được ưu tiên giải quyết (áp dụng hình thức trả chậm), sắp xếp việc làm cho vợ (chồng), con.
Kết quả thực hiện
Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cơ quan, đơn vị về số lượng cán bộ cần bổ sung, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch xét, thi tuyển công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh khối nhà nước; Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng kế hoạch xét, thi tuyển công chức, viên chức cho khối đảng, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Trong đó đặc biệt chú trọng những đối tượng thuộc diện thu hút nhân tài theo chính sách của tỉnh.
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã cử 679 cán bộ đi học sau đại học. Trong đó có 19 nghiên cứu sinh, 514 người học thạc sỹ, 146 bác sỹ chuyên khoa và dược sỹ chuyên khoa cấp I, II. Trong 3 năm gần đây, Bắc Ninh đã thu hút 129 người, trong đó, 72 người có trình độ chuyên môn sau đại học và 57 người tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi về công tác.
Chỉ tính trong hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 33, Bắc Ninh đã thu được một số kết quả khả quan(1) như:
Số cán bộ được cử đi học sau đại học tổng số 152 người, trong đó: công chức 25 (tiến sĩ 3, thạc sĩ 22); viên chức là 127 người (trong đó tiến sĩ 5, thạc sĩ 83, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 33, thạc sĩ chuyên khoa cấp II là 2).
Số công chức, viên chức được thu hút là 183 người, trong đó công chức 84 người (có 56 thạc sĩ, 28 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi); tiếp nhận từ cơ quan, địa phương khác 3 thạc sĩ, chuyển viên chức sang công chức 8 thạc sĩ, tuyển mới 73 người (3 người từ tỉnh khác)…
Cán bộ đi học về được sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo và được bổ nhiệm vào những chức danh theo quy hoạch, đảm bảo đúng người, đúng việc. Cán bộ được xét tuyển mới có công việc ổn định, đúng chuyên ngành đào tạo nên phấn khởi công tác, phát huy những kiến thức đã học vào thực tiễn, được các cơ quan, đơn vị đánh giá tốt.
Vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách còn gặp một số khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải điều chỉnh, vận dụng một cách linh hoạt để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Việc thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao vẫn còn bất cập, chưa thu hút được người tài thực sự về tỉnh. Hằng năm số sinh viên là con em Bắc Ninh tốt nghiệp ra trường nhiều, trong đó có nhiều sinh viên giỏi, nhiều bác sĩ, kiến trúc sư thuộc diện nguồn nhân lực tỉnh đang cần nhưng không về địa phương.
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài chưa thật sự “đủ mạnh” để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ của tỉnh tích cực đi học sau đại học, chưa thu hút được nhiều người có học hàm, học vị, trình độ chuyên môn cao về địa phương.
Đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ thuộc đối tượng thu hút nhân tài sau khi vào cơ quan, đơn vị, được bổ nhiệm rồi thì có tư tưởng an phận, giữ chỗ, bằng lòng, ỷ lại, tính toán…
Một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ sau khi học trở về phát huy năng lực; việc bố trí công tác chưa phù hợp, chưa sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo, vừa gây lãng phí vừa làm mất tính hấp dẫn của chính sách thu hút.
Cách thức tìm kiếm cán bộ có khi vẫn dựa vào các mối quan hệ, nặng về lý lịch. Mặt khác, còn quá coi trọng bằng cấp, thiếu kiểm chứng năng lực thực tiễn nên có người được thu hút chưa thực sự tài năng.
Nguồn lực về tài chính có hạn, chủ yếu từ ngân sách mà chưa có sự chung tay của toàn xã hội, do đó mức hỗ trợ còn thiếu sức thu hút.
Giải pháp
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần Bắc Ninh tiếp tục bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân tài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Một số quy định, điều kiện, tiêu chuẩn, mức hỗ trợ đối với từng đối tượng sẽ được thay đổi cho phù hợp. Khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ bằng việc tuyển thẳng đối với tiến sỹ, thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi ở trong nước vào biên chế qua kiểm tra, sát hạch.
Nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng và các loại phụ cấp khác cho những chuyên gia, nhân tài về tỉnh công tác. Thu hút chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi từ bên ngoài (kể cả Việt kiều và người nước ngoài), có chính sách riêng cho những đối tượng này. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ khác như: bổ nhiệm vào vị trí phù hợp với năng lực chuyên môn; giao nhiệm vụ quan trọng để phát huy khả năng vốn có; cấp đất làm nhà ở, bố trí phương tiện đi lại...
Tổ chức thi tuyển, thử việc, giao đơn đặt hàng, luân chuyển vị trí để tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện. Tạo môi trường cởi mở, dân chủ, khuyến khích và coi trọng sáng tạo, tính vượt trội, độc đáo của cá nhân. Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để kiểm chứng tài năng, những thực chứng có thể đo đếm được.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ngành, các cấp trong tỉnh. Các cấp, các ngành có kế hoạch bố trí đủ nguồn kinh phí, biên chế cho việc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
-----
(1) Báo cáo số 180/BC-SNV ngày 1-10-2013 của Sở Nội vụ về tình hình thực hiện Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND về chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh.
TS. Cầm Thị Lai