Kết quả đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và tương đương, nhiệm kỳ 2010-2015
Bỏ phiếu bầu trực tiếp bí thư huyện uỷ tại Đại hội Đại biểu đảng bộ huyện Khoái Châu-Hưng Yên

Các cấp ủy trực thuộc đều cụ thể hóa thành văn bản hướng dẫn của cấp mình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; tổ chức tốt việc quán triệt các văn bản chỉ đạo đến cán bộ, đảng viên. Sau khi hoàn thành đại hội đảng bộ cấp cơ sở, các đảng bộ quận, huyện, thành phố, thị xã và tương đương (sau đây gọi tắt là quận, huyện) trong cả nước đã khẩn trương tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2010-2015. Thời gian tiến hành đại hội phổ biến diễn ra trong 2 ngày, những đại hội thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy phải triển khai thêm một số quy trình trong công tác bầu cử nhưng cũng không qúa 2,5 ngày.


1. Những kết quả đại được.


Một là, các văn kiện trình đại hội được các cấp ủy quận, huyện chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, được thảo luận kỹ nhiều lần trong cấp ủy; mở rộng lấy ý kiến tham gia của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, của cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt của địa phương, đơn vị và được tiếp thu, hoàn chỉnh; chất lượng các văn kiện trình đại hội được nâng lên. Việc tổ chức thảo luận các văn kiện tại đại hội được thực hiện ở mức độ khác nhau, trung bình mỗi đại hội có khoảng 8-10 ý kiến; một số nơi có số lượng ý kiến thảo luận nhiều hơn như đại hội các huyện: Thanh Chương, Tương Dương (Nghệ An) có 15-18 ý kiến/đại hội. Các ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: định hướng phát triển đất nước, đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quản lý các hoạt động văn hóa - xã hội, vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển, đảo… và thể hiện chính kiến về những vấn đề cần biểu quyết trong sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.


Hai là, nhân sự cấp ủy khóa mới về cơ bản đảm bảo được các yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu theo quy định. Nhân sự bầu ban chấp hành khóa mới hầu hết có số dư đạt trên 15%. Nhiều đại hội có số dư cao như: huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) 21,6%; Công an tỉnh Lai Châu 20%, bình quân các quận, huyện của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Yên Bái, Cần Thơ, An Giang, Lâm Đồng… đạt trên 17,5%. Số dư bầu cử ban thường vụ đều đạt bình quân trên 20%, cao nhất là Kiên Giang 29,7%, Hải Phòng 26%... Hầu hết bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ chỉ tiến hành một lần là đủ số lượng, số trúng cử cơ bản đúng theo dự kiến.


Ba là, cơ cấu cấp ủy mới tham gia lần đầu (ở 34 tỉnh, thành phố có báo cáo về chỉ tiêu này) đạt từ 40% trở lên; có 2 địa phương (Hà Nam, Cần Thơ) đạt dưới 30%. Cơ cấu cấp ủy là nữ và tuổi trẻ (ở 21 tỉnh, thành phố báo cáo chỉ tiêu này) đạt tỷ lệ nữ từ 15% trở lên, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh (26,5%), Tuyên Quang (19,7%), Sơn La (19,6%), Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (35,9%); có 6 tỉnh, thành phố (có báo cáo chỉ tiêu tuổi trẻ) đạt tỷ lệ từ 15% trở lên, điển hình là Quảng Ninh (27,5%), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (24,3%), Kon Tum (16,6%), Tuyên Quang (15,8%). Bầu bí thư, các phó bí thư hầu hết đều trúng cử với tỷ lệ số phiếu cao; cả nước có 4 bí thư và 11 phó bí thư trúng cử không đúng dự kiến.


Bốn là, việc thực hiện chủ trương chọn 20% đảng bộ cấp trên cơ sở thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố đã chọn 179 đảng bộ quận, huyện (chiếm 17,58) thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy, trong đó có 16 tỉnh, thành phố chọn đạt tỷ lệ 20% trở lên (cao nhất là Thái Nguyên 30,7%, Hậu Giang và Bạc Liêu là 27,2%, Hà Giang 26,6%; Đồng Tháp 11,8%, Nam Định 12,5%, thấp nhất là Quảng Ninh 10,5%).

Qúa trình tổ chức bầu bí thư cấp ủy tại các đại hội đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình, hướng dẫn và đạt kết quả tốt, đảm bảo được mục đích, yêu cầu đề ra. Kết quả bầu trực tiếp bí thư cấp ủy hầu hết đều trúng với tỷ lệ số phiếu cao, phổ biến là trên 90%, một số đạt 100%, thấp nhất là Bí thư Thành ủy Sóc Trăng đạt 68,1%; không có trường hợp nào đại hội phải tiến hành bầu bí thư lần thứ 2. Công tác bầu cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên hầu hết các nơi chỉ bầu 1 lần đủ số lượng (cả đại biểu chính thức và dự khuyết), đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu; tỷ lệ trúng cử nhìn chung đạt cao.


2. Một số hạn chế.


Một là, một số nơi nội dung báo cáo chính trị dàn trải, chưa đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc ở địa phương, đơn vị; báo cáo kiểm điểm cấp ủy còn nặng về kiểm điểm tình hình, chưa kiểm điểm thật rõ nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Lựa chọn hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đưa vào báo cáo chính trị giữa các đảng bộ còn có sự khác nhau, chưa thống nhất nên khó so sánh giữa các đảng bộ hoặc để đánh giá tình hình chung.


Hai là, một số đại hội chưa dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các văn kiện (có đại hội chỉ có 4-5 ý kiến); ý kiến tham luận chủ yếu góp ý vào báo cáo chính trị, ít tham gia vào báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, ban thường vụ và dự thảo nghị quyết đại hội; tranh luận tại đại hội không nhiều. Việc góp ý vào các văn kiện của cấp ủy cấp trên tại đại hội còn ít, chủ yếu là thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các đại hội cấp dưới và tổng hợp phiếu biểu quyết các vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng…


Ba là, ở nhiều nơi, tỷ lệ tuổi trẻ, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy khóa mới không đạt được tỷ lệ theo quy định; đặc biệt tỷ lệ tuổi trẻ nhiều nơi đạt rất thấp (5-7%); một số nơi, tỷ lệ số dư bầu ban thường vụ không đảm bảo theo quy định là 20%; bầu bí thư cấp ủy và bầu phó bí thư cấp ủy ở hầu hết các đại hội đều không có số dư.


Bốn là, chủ trương thí điểm đại hội bầu bí thư cấp ủy không triển khai đồng đều giữa các địa phương, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa chọn đủ số đơn vị thực hiện thí điểm theo quy định Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Quy trình bầu trực tiếp phải qua nhiều bước (6 bước), cần được tổng kết để giảm bớt những bước, những khâu không cần thiết.

Lan Phương (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất