Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 diễn ra trong các ngày từ 18 đến 20-10-2010. Dự Đại hội có 446 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 186.000 đảng viên từ 35 Đảng bộ trực thuộc. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng dự và chỉ đạo Đại hội.
Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với tiêu đề: "Phát huy truyền thống quê hương Thanh Hóa anh hùng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2015 đạt mức thu nhập bình quân cả nước, đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến" do đồng chí Mai Văn Ninh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày nêu rõ: Trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu, có 18 chỉ tiêu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong giai đoạn 2006-2010 ước đạt 11,3%, cao hơn so với giai đoạn 2001-2005. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 810USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển tương đối ổn định. Ngành công nghiệp-xây dựng luôn duy trì đươc tốc độ tăng trưởng cao, giá trị bình quân hằng năm tăng 16%. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp gấp hơn 2,1 lần so với năm 2005. Lĩnh vực dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng. giá trị tăng thêm bình quân hằng năm tăng 12,3%, đạt mục tiêu kế hoạch. Giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ năm 2010 ước đạt 377 triệu USD, vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm luôn vượt dự toán HĐND tỉnh giao. Chi ngân sách đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng được tăng cường. Tổng mức huy động vốn trong 5 năm ước đạt trên 85 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với mục tiêu đề ra. Các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hoá-xã hội có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện. Lĩnh vực quốc phòng-an ninh được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng đảng được coi trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên, công tác tổ chức, cán bộ được đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua, Báo cáo Chính trị cũng đã thẳng thắn nêu lên những yếu kém, khuyết điểm trong phát triển kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh; công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, đồng thời nêu lên 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn nhiệm kỳ qua.
Báo cáo Chính trị đã nêu lên phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời kỳ 2011-2015. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 17 đến 18%; GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt 2.100USD. Giá trị nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 22,3%/ năm. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt 1,6 triệu tấn, tổng giá trị hàng hoá và xuất khẩu năm 2015 đạt 850 triệu USD trở lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt khoảng 310 nghìn tỷ đồng. Báo cáo chính trị tại Đại hội cũng đã nêu ra những mục tiêu cụ thể về văn hoá-xã hội, môi trường và các chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng đảng; trong đó, đề ra mục tiêu hằng năm kết nạp 6 nghìn đảng viên.
Trong nhiệm kỳ 2010 -2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đề ra 5 chương trình trọng tâm là: Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền Tây Thanh Hóa; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng biển và Chương trình phát triển nguồn nhân lực.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các chương trình trọng tâm đã đề ra, Báo cáo Chính trị đã nêu lên 5 nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, 4 nhiệm vụ và giải pháp về công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị; trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, các thành phần kinh tế, tạo bước chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá trong nhiệm kỳ vừa qua. Thành tựu đạt được trong những năm qua là cơ sở, tiền đề để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh hơn, vững chắc hơn trong những năm tới; đồng thời góp phần tích cực vào thành tựu kinh tế-xã hội chung của cả nước. Với những thiếu sót, khuyết điểm đã nêu trong Báo cáo Chính trị, đồng chí nhấn mạnh: Vấn đề quan trong là Đại hội phải thảo luận kỹ, phân tích sâu sắc, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp khắc phục. Đồng chí Nguyễn Văn Chi quan tâm đến hai nội dung: Một là, tốc độ tăng trưởng đạt khá nhưng chưa thực sự bền vững. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển chậm. Hạ tầng kinh tế-xã hội, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Hai là, Thanh Hóa vẫn là một trong các tỉnh nghèo, trình độ phát triển chưa đạt mức trung bình của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của nhân dân vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên một số mặt còn bất cập trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về phương hướng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới, đồng chí đề nghị Thanh Hóa cần chú trọng phân tích, đánh giá, phát huy lợi thế, nhất là về nguồn nhân lực lao động, trình độ dân trí, tiềm năng rừng, vùng biển, đất đai, tiềm năng du lịch; một số dự án lớn cơ bản hoàn thành, một số dự án quan trọng đã và sẽ triển khai… để tạo khí thế và tốc độ tăng trưởng cho tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nông nghiệp, phần lớn dân số, lao động đang sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, nhiều vùng đời sống nhân dân còn khó khăn, lao động thiếu việc làm. Vì vậy, Đại hội cần đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Trong 5 năm tới, Thanh Hóa phải tạo được bước đột phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tạo sự chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Cần chú trọng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạnh các loại hình dịch vụ. Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ cần quan tâm chăm lo phát triển văn hóa-xã hội, phát triển con người, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chú trọng hơn nữa thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức…
Ðại hội đã dân chủ thảo luận, nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ từ nay đến năm 2015 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu đến năm 2015 đạt mức thu nhập bình quân của cả nước. Giải pháp chủ yếu là: Ðẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, thành phần kinh tế, tạo bước chuyển biến rõ nét về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, trợ giúp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề cho đồng bào nghèo ở miền núi, tăng cường đào tạo, hướng nghiệp cho hộ mất đất sản xuất; xây dựng Ðảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa XVII gồm 69 đồng chí. Trong phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 17 đồng chí, bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và bầu Ðoàn đại biểu dự Ðại hội XI của Ðảng. Ðồng chí Mai Văn Ninh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được Ban Chấp hành bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015.
Minh Đức (tổng hợp)
Ảnh: Báo Thanh Hóa điện tử