|
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028.
|
Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện
Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động và 10 nghị quyết chuyên đề, với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; UBND ban hành Kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đề ra mục tiêu, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chủ yếu và 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 3 năm (2021-2023) là 5,76%/năm, đạt 72% so với chỉ tiêu Nghị quyết. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 60,3 triệu đồng, tăng 1,3 lần so năm 2020. Thu ngân sách nhà nước đến cuối năm 2023 ước đạt 4.420 tỷ đồng, bằng 68% chỉ tiêu Nghị quyết. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1,50 tỷ USD, tăng 1,3 lần so năm 2020, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025; trong đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản là 1,05 triệu USD, tăng 1,25 lần so năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng giá trị khu vực I, II, III, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong GRDP ước thực hiện năm 2023 tương ứng là 42,50% - 16,29% - 38,14% - 3,08%. (năm 2020 là 45,18% - 14,05% - 37,37% - 3,40%), cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Nửa đầu nhiệm kỳ qua đánh dấu bước phát triển toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, với sự phát triển nhanh, bền vững của cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Từ các nguồn lực từ ngân sách và ngoài xã hội được huy động tối đa và sử dụng hiệu quả, nhiều chương trình, đề án trọng điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng ngành nghề. Sản lượng lúa hằng năm đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết, đưa Sóc Trăng có vùng lúa đặc sản nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long. Cây ăn trái tiếp tục phát triển với diện tích 29.000ha, trong đó có 584ha đã được cấp 94 mã số vùng trồng; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ 4.390 tấn trái cây. Tỉnh quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 13,9% năm 2020 lên 20,6% vào năm 2023. Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục là thế mạnh của tỉnh với nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả được nhân rộng. Tổng sản lượng thuỷ hải sản năm 2023 ước đạt 362.000 tấn, tăng 11,6% so với năm 2020, đạt 86,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nhờ đó, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng cuối năm 2023 đạt khoảng 2,6%.
Dấu ấn đậm nét là chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP sau hơn 3 năm triển khai đã có nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là Gạo ST25 - Gạo ngon nhất thế giới này đã nhanh chóng có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu, góp phần làm rạng danh hạt gạo Việt Nam và đưa tỉnh Sóc Trăng vươn tầm khắp năm châu. Đến nay, toàn tỉnh có 189 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 169 sản phẩm hạng 3 sao của 102 chủ thể (20 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 62 hộ kinh doanh).
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sản xuất của nhiều địa phương trong nước gặp khó, Sóc Trăng vẫn có sự phát triển khá cao của ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 28.200 tỷ đồng, tăng 12%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo trong ngành sản xuất công nghiệp, đạt 96,7% giá trị toàn ngành.
Nhờ làm tốt công tác thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp, đến nay tỉnh đã lấp đầy 97% Khu công nghiệp An Nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động/năm. Hiện Khu công nghiệp Trần Đề đang khẩn trương hoàn thiện kết cấu hạ tầng, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2023, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mặt bằng. Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp sông Hậu, Đại Ngãi và Mỹ Thanh; thành lập 6 cụm công nghiệp, trong đó có 2 cụm công nghiệp giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Cụm công nghiệp Xây Đá B, Cụm Công nghiệp Xây Đá B mới), 2 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp.
Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết thực; các cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư cho hơn 1.235 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong 2 năm (2021-2022), số doanh nghiệp thành lập mới là 805 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 4.929 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023, tỉnh sẽ có thêm 500 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 2.900 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2023 là 1.305 doanh nghiệp với vốn đăng ký khoảng 7.829 tỷ đồng. So cùng kỳ (giữa nhiệm kỳ 2015-2020), số doanh nghiệp thành lập mới của Sóc Trăng tăng 21%.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác phát triển đô thị với tỉnh đồng bằng vùng sâu, vùng xa, Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh mới. Năm 2022, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,9%, tăng 0,5% so năm 2021. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 11/7/2021 về xây dựng TP. Sóc Trăng phát triển bền vững đạt tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 16/3/2023 về xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, định hướng thành lập thị xã Trần Đề đến năm 2030.
Trong lĩnh vực xã hội, dấu ấn trước hết là thành công của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Sóc Trăng đã kiểm soát được dịch bệnh. Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Nhiều sự kiện văn hóa quy mô khu vực, toàn quốc được tổ chức thành công đã góp phần quảng bá thế mạnh phát triển cũng như hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Sóc Trăng, từng bước đưa Sóc Trăng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Về thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá, tỉnh Sóc Trăng để lại dấu ấn với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, Sóc Trăng giành kết quả toàn diện trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1). Trong đó, Chương trình giảm nghèo bền vững đã đạt hiệu quả cao với tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt trên 2%; tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm trên 3%. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 13.929 hộ nghèo, từ 22.409 hộ (tỷ lệ 6,73%) xuống còn 8.480 hộ (tỷ lệ 2,54%); trong đó, hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm.
Chăm lo công tác xây dựng Đảng
Với quyết tâm chính trị cao, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức biên chế, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng về thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức - cán bộ và các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội chi bộ, gắn với cuộc bầu cử trưởng ấp khóm; đã chỉ đạo thực hiện thống nhất mô hình bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân, trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm với 3 chức danh độc lập (theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24-4-2019 của Chính phủ); hiện nay, có 775/775 bí thư chi bộ ấp, khóm, trong đó có 4 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban nhân dân ấp, khóm, 1 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận.
|
Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm theo quy định. Trong đó, công tác luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, kịp thời, đúng quy định, ngày càng chặt chẽ, thực chất, sát với thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị giao. Kết quả bình quân hằng năm, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 97,94% (trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 20,81%); hoàn thành nhiệm vụ đạt 1,42%.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động hướng theo hướng sâu sát cơ sở; kịp thời xem xét, xử lý những vấn đề bức xúc trong nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, qua tổ chức thực hiện tốt các mô hình, phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; tăng cường việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tuyên truyền, vận nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới.
PV