Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hơn 2 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển
Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với Vùng đồng bằng sông Hồng, với “mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía đông,... Ai Lao sát phía tây, núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu”. Được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa là một trong số ít địa phương hội tụ đủ ba vùng địa lý, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, đất liền nhìn ra Vịnh Bắc Bộ với thềm lục địa bao quát 17.000km2. Trên địa bàn tỉnh có Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ loại hình, với nhiều trục tuyến giao thông quan trọng quốc gia đi qua, như Cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 47, Quốc lộ 45, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15, Đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường sắt Bắc Nam...
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra; nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”. Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, tỉnh Thanh Hóa xác định phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh việc xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đề ra 6 chương trình trọng tâm: 1- Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; 2- Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; 3- Chương trình phát triển du lịch; 4- Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; 5- Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; 6- Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ. Ba đột phá trong nhiệm kỳ là: 1- Đột phá về phát triển hạ tầng; 2- Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; 3- Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Những kết quả ấn tượng bước đầu
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, hơn 2 năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung cao độ cho công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX... Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, khuyến khích các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế phát triển,...
|
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kiểm tra tiến độ thi công một dự án đường ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Nguồn: thanhhoa.dcs.vn.
Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục khởi sắc. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 10,49%. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 đạt 252.672 tỷ đồng, gấp 1,34 lần năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.924 USD, gấp 1,32 lần năm 2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước và là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2022 đạt 10,4%; năng suất lao động xã hội bình quân năm 2022 ước đạt 101,5 triệu đồng/người, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2020.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,7%; đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 349/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi-măng Đại Dương 1, Dây chuyền 4 - Nhà máy Xi-măng Long Sơn, Nhà máy Sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Xi-măng Đại Dương 2, Nhà máy Sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam,...; đồng thời, khởi công một số dự án giao thông quan trọng, như đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45... qua đó góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các ngành dịch vụ từng bước phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 7,95%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 172.209 tỷ đồng, gấp 1,42 lần năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân đạt 21,3%/năm, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 5.518 triệu USD, gấp 1,47 lần năm 2020; đã khai thác tốt lợi thế của tỉnh và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, toàn tỉnh hiện nay có 142 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 57 thị trường với 53 mặt hàng. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt, gấp 1,92 lần năm 2020.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh có bước cải thiện rõ rệt; trong đó Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc so với năm 2020. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7.726 doanh nghiệp được thành lập mới, đứng thứ 6 cả nước; thu hút được 154 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.669 tỷ đồng và 193 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,7 tỷ USD. Công tác lập quy hoạch được quan tâm; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27-2-2023. Đây là văn bản rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để tỉnh Thanh Hóa phát triển.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến. Tỉnh chủ động dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực, vì vậy tỷ lệ số ca mắc và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến nay, có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có trên 135 nghìn lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72%, tăng 2% so với năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,5%. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào sinh sống trên sông, đồng bào sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) còn 4,99%, giảm 1,78% so với năm 2021.
Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Một số bài học rút ra và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, củng cố, giữ gìn tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền các cấp, trong tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích chung và vì sự phát triển của tỉnh, của địa phương, đơn vị; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là, luôn luôn bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá đúng tình hình, trên cơ sở đó chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản, giải pháp cụ thể để kịp thời phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả khó khăn, thách thức và những vấn đề phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ; ưu tiên giữ vững ổn định trong bối cảnh có nhiều biến động.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; nắm chắc đường lối chung, xuất phát từ bối cảnh và thực tế để đánh giá nhận diện đúng tình hình; chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, có quyết sách và hành động phù hợp theo quy luật khách quan; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả.
Bốn là, nhận thức đúng vị trí của tỉnh Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Tranh thủ tốt thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần tự lực, tự cường; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh. Chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển với chăm lo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Năm là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời cán bộ sai phạm; điều chuyển, thay thế cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp VAC - sản phẩm nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ cao của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN.
Tỉnh Thanh Hóa nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu; tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là: Các nhân tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, thách thức lớn hơn và khó lường hơn, nhất là biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại lớn dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... Đây là những yếu tố tác động bất lợi đến sự phát triển của tỉnh.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Đổi mới phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn...; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; rà soát, sắp xếp dân cư ở những khu vực thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, bố trí nơi ở ổn định cho đồng bào sinh sống trên sông; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...
Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.
Đỗ Trọng Hưng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa