Từ đại hội các đảng bộ cấp trên cơ sở ở Thừa Thiên Huế...
Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đông - một trong ba đảng bộ được chọn thí điểm trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ

Từ ngày 1-7 đến ngày 10-8-2010, 15 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã hoàn thành tổ chức đại hội, trong đó có ba đảng bộ được chọn thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy (Đảng bộ huyện Phú Vang, Nam Đông và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh). Kết quả quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở ở Thừa Thiên Huế tạo tiền đề quan trọng và đóng góp những kinh nghiệm quý để Thừa Thiên Huế tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2010-2015 vào đầu tháng 9 năm 2010.

Chuẩn bị kỹ

Tỉnh uỷ tổ chức tốt việc quán triệt Chỉ thị 37–CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban tham mưu, UBKT, Văn phòng Tỉnh ủy và đến từng đồng chí uỷ viên thường vụ, từng cấp ủy viên.  Nắm vững các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các đảng bộ trực thuộc đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là hướng dẫn tham gia văn kiện của Trung ương, của tỉnh, chuẩn bị nội dung và thực hiện quy trình công tác nhân sự cấp ủy, phân công nhiệm vụ đến từng đồng chí trong cấp uỷ. Thành lập các tiểu ban, các tổ công tác… giúp cấp ủy trong chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị, tổ chức đại hội.

Báo cáo chính trị của các đảng bộ cấp trên cơ sở được chuẩn bị công phu,  sát với  thực tiễn ở đơn vị mình. Các giải pháp, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới có tính khả thi, toàn diện. Ngay từ tiêu đề của báo cáo chính trị đã thể hiện quyết tâm chính trị của đảng bộ và nhân dân (TP. Huế: Xây dựng thành phố Huế phát triển toàn diện xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, thành phố Festival của Việt Nam; Hương Thủy: Tập trung  cho kinh tế - xã hội quyết tâm xây dựng thị xã Hương Thủy phát triển nhanh, bền vững; Nam Đông: Phấn đấu xây dựng Nam Đông phát triển thành huyện nông thôn mới; Phú Lộc: Trung tâm kinh tế, đô thị mới phía Nam của tỉnh...). Phát huy dân chủ, tổ chức tốt việc lấy ý kiến tham gia của các thành viên trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành nghiêm túc, đánh giá sự lãnh đạo của ban chấp hành, ban thường vụ và từng cấp ủy viên, có tinh thần tự phê bình và phê bình, nêu rõ những ưu điểm để phát huy, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Các báo cáo kiểm điểm đánh giá sâu việc tổ chức chỉ đạo của cấp ủy và từng cấp ủy viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá mới được đầu tư thời gian công sức trong cả nhiệm kỳ, được quan tâm, thực hiện đúng các bước theo quy trình, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và của tỉnh. Đồng thời được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời của các ban đảng trong từng khâu. Danh sách bầu ban chấp hành đảng bộ các đơn vị bảo đảm số dư trên 15%, danh sách bầu ban thường vụ bảo đảm số dư trên 20%.

Kết quả

Do chuẩn bị kỹ nên báo cáo chính trị, báo cáo đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Trung ương khi trình ra đại hội thảo luận được nhất trí nhanh. Các ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị của đại biểu tại đại hội chủ yếu là tham luận theo chuyên đề, nên nội dung khá sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Số ý kiến thảo luận tại đại hội trung bình 12 ý kiến. Các đảng bộ: Đại học Huế, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, Biên phòng tỉnh... có nhiều ý kiến thảo luận có chất lượng. Việc tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tại đại hội đã được đại biểu  thảo luận, góp ý kiến theo đúng hướng dẫn của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các báo cáo tổng hợp chu đáo, đảm bảo yêu cầu, nội dung phản ánh trung thực, đầy đủ.

Tuy nhiên, nội dung báo cáo chính trị ở một số đảng bộ thiếu tính đột phá, còn dàn trải. Nội dung lãnh đạo công tác xây dựng đảng, nhất là công tác chính trị, tư tưởng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có đảng bộ đề cập chưa đúng mức. Một số báo cáo kiểm điểm ban chấp hành còn chung chung, thậm chí có nơi  còn trùng lắp với báo cáo chính trị.

Công tác bầu cử được tiến hành nghiêm túc, mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện đúng Điều lệ Đảng, Quy chế bầu cử trong Đảng tạo không khí đoàn kết, cởi mở, phát huy trí tuệ của đại biểu. Cấp ủy khóa mới bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển. Số cấp ủy viên khóa mới được bầu: 512 đ/c, trong đó tham gia lần đầu chiếm gần 35%, cấp ủy viên nữ, tuổi trẻ đều tăng hơn khóa 2005-2010. Cụ thể: Nữ 63 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,3%; số cấp ủy viên trẻ: 48, chiếm 9,38% (nhiệm kỳ trước 5,3%); cấp ủy viên có trình độ đại học trở lên: 425 đ/c, chiếm 83,01% (nhiệm kỳ trước 75%); trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân: 354 đ/c, chiếm 69,14% (tăng 14,01% ).100% các đồng chí bí thư cấp uỷ có trình độ đại học trở lên. Trong bầu cử ban chấp hành, nhiều cán bộ chủ chốt tự ứng cử (Phú Vang 36 đồng chí, A Lưới 24 đồng chí, Quân sự tỉnh 6 đồng chí, Khối các cơ quan tỉnh 02 đồng chí...), thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng. Kết quả bầu cử ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ mới ở các đảng bộ đều đạt kết quả tốt. Các đại hội chỉ bầu một lần, đủ số lượng, phiếu bầu tập trung cao, đa số đúng dự kiến. Số cấp ủy viên khóa mới là nữ, trẻ nhiều hơn nhiệm kỳ 2005 - 2010 (Đảng bộ huyện Quảng Điền nữ chiếm 21%). Nhưng nhìn chung, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ chưa đạt chỉ tiêu Trung ương đề ra.

Những đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy đã thực hiện đầy đủ và chặt chẽ  các bước quy định tại Hướng dẫn 34-HD/BTCTW và Quy chế bầu cử trong Đảng. Các đồng chí được đề cử vào chức danh bí thư cấp ủy đều được tín nhiệm cao của đại hội. Kết quả bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở các đảng bộ thí điểm đều đúng theo dự kiến và có số phiếu cao.

Bầu đủ số lượng của đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2010 – 2015 gồm những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho Đảng bộ, có khả năng đóng góp vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Các đại hội đã sử dụng máy chiếu, các phần mềm kiểm phiếu, tạo sự sinh động trong minh họa báo cáo chính trị, bầu cử nhân sự, thuận lợi và nhanh chóng trong kiểm phiếu, chính xác về kết quả bầu cử.

Điều hành của đoàn chủ tịch tại đại hội ở các đảng bộ phần lớn tự tin, có phân công cụ thể cho từng thành viên (số lượng đoàn chủ tịch ở mỗi đại hội là 7, có nơi 9 đồng chí), bám sát chương trình điều hành đã được văn bản hoá, thực hiện đúng quy trình, kế hoạch, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Đoàn thư ký đại hội làm việc nghiêm túc, biên bản phản ánh đầy đủ diễn biến của đại hội, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Trung ương, rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cơ bản, lĩnh hội đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết luận của đoàn chủ tịch đại hội cũng như các ý kiến của đại biểu tham gia trong đại hội. Chất lượng hoạt động của đoàn chủ tịch và đoàn thư ký đã góp phần tích cực vào thành công của đại hội, tiêu biểu là ở đại hội các đảng bộ: huyện Phú Vang, huyện Hương Trà, thành phố Huế, Quân sự tỉnh...

             Các đảng bộ đã tập trung tuyên truyền sâu rộng từ cơ sở, trước, trong và sau đại hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực. Việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho đại hội tốt đã tạo bầu không khí sôi nổi ở địa phương, đơn vị, thể hiện được tinh thần đoàn kết, phấn khởi thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của toàn đảng bộ.

Kinh nghiệm

Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Chính trị, nắm vững quy định của Điều lệ Đảng, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tế của đảng bộ để lập kế hoạch chi tiết, chặt chẽ, phân công tổ chức thực hiện cụ thể. Bảo đảm gắn liền quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ với việc đẩy mạnh phong trào thi đua hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, đơn, thư khiếu nại, tố cáo trước lúc bước vào đại hội

Thứ hai, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn kịp thời của các ban đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy từ khâu chuẩn bị, duyệt nội dung, nhân sự, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; sắp xếp và bố trí cán bộ chủ chốt trước đại hội… Đây là nhân tố hết sức quan trọng cho sự thành công của đại hội.

Thứ ba, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đặc biệt là vai trò của bí thư cấp ủy, tinh thần trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến hành tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ trong Đảng, chống các biểu hiện bè phái, cục bộ. Thực tế cho thấy, nơi nào nội bộ đoàn kết, thống nhất, cấp ủy nêu cao trách nhiệm thì nơi đó có kết quả đại hội tốt. Đối với những đơn vị có vấn đề nổi cộm phải tập trung củng cố, giải quyết trước khi tiến hành đại hội.

Thứ tư, công tác nhân sự đại hội phải được quan tâm đúng mức, làm đúng các bước theo quy trình hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề án công tác nhân sự phải bảo đảm số dư, cơ cấu nữ, trẻ, dân tộc thiểu số, đặc biệt coi trọng chất lượng theo đúng yêu cầu Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Công tác nhân sự trước và trong đại hội phải được tiến hành  thận trọng, chặt chẽ theo quy trình. Trên cơ sở nguyên tắc tổ chức của Đảng, phát huy mạnh mẽ dân chủ trong việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo của đảng bộ, bảo đảm đồng chí bí thư, tập thể cấp ủy tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, ý chí và năng lực của đảng bộ. Kết quả bầu cử là kết quả của quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ một cách chặt chẽ, đúng quy trình, coi trọng công tác đánh giá cán bộ và thường xuyên bổ sung quy hoạch cán bộ.

Thứ năm, việc điều hành đại hội cần được coi trọng. Phân công các thành viên trong đoàn chủ tịch đại hội phải hợp lý. Điều hành chặt chẽ, theo đúng chương trình đã được văn bản hóa bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Điều lệ Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để phục vụ tốt cho đại hội.

Đề xuất, kiến nghị       

1. Thực hiện đại trà việc đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ các cấp và thống nhất một quy trình bầu cử cấp ủy, bí thư để phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng.

2. Trong quy trình đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy (Hướng dẫn 34-HD/BTCTW) ở mục 3.4 về ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy tại đoàn đại biểu, nên quy định tiến hành tại các tổ để phù hợp với điều kiện thực tế. Vì các đảng bộ cấp trên cơ sở đều có rất nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc nên rất khó khăn tổ chức phòng họp cho mỗi đoàn đại biểu.

3. Cần có sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất giữa các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Hiện nay, các chi bộ, đảng bộ cơ sở trong quân đội, kể cả các đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở trở xuống “chỉ có dự thảo nghị quyết đại hội và kiểm điểm của cấp ủy trong nhiệm kỳ, không có báo cáo chính trị” (Chỉ thị 377-CT/ĐUQSTW, ngày 23/9/2009 của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương). Cần có sự thống nhất và thực hiện theo đúng Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị.

Phản hồi (2)

Dương Hoàng Quy 27/08/2010

Tạp chí nên có nhiều bài sâu như thế này. Đưa nhiều tin đại hội vắn tắt, nội dung tương tự như nhau, ít hấp dẫn. Đại hội ở Thừa Thiên Huế có nét mới đấy!

Hoàng Chí Bình 27/08/2010

Tôi hoàn toàn nhất trí với kiến nghị "Thực hiện đại trà việc đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ các cấp và thống nhất một quy trình bầu cử cấp ủy, bí thư để phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng". Đại hội XI nên bầu trực tiếp Tổng Bí thư và có 2 ứng cử viên để các đại biẻu lựa chọn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất