Kỳ 2: VietinBank cùng ngành Ngân hàng phát triển, đồng hành với phong trào thi đua yêu nước
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. VietinBank và các ngân hàng đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành để tận dụng tốt các cơ hội, phát huy sức mạnh nội lực, tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế nước nhà. Đóng góp vào việc hoàn thành kết quả phong trào yêu nước toàn quốc thời gian qua chính là nhờ VietinBank cùng ngành Ngân hàng đã tổ chức phát động nhiều chương trình thi đua thông qua các hội nghị người lao động, hội nghị tổng kết, hội nghị điển hình tiên tiến... VietinBank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quy chế thi đua khen thưởng, vừa triển khai sâu rộng các phong trào thi đua vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh được giao.
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh các phong trào thi đua
Những kết qua đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 75 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hòa cùng với phòng trào thi đua sôi nổi trên khắp cả nước, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra.
Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng tín dụng phù hợp, gắn với chất lượng và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các tổ chức tín dụng tiếp tục được cơ cấu lại nhằm củng cố năng lực, bảo đảm giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; nợ xấu được kiểm soát và tiếp tục duy trì ở mức ổn định, an toàn; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, ấn tượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại.
Phong trào thi đua lan toả sâu rộng trong toàn hệ thống ngân hàng, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị, các ngân hàng trên toàn quốc. Việc phát động các phong trào thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được tổ chức thiết thực, hiệu quả, kịp thời, hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và thúc đẩy các tổ chức tín dụng lớn mạnh, ổn định và phát triển.
Thấm nhuần lời dạy “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Ngân hàng trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều đổi mới thiết thực, đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế. Các phong trào thi đua đã có nhiều chuyển biến tích cực với nội dung, hình thức thi đua phong phú, mục tiêu thi đua thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị.
Trong triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngành Ngân hàng đã có nhiều thành tích, góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngành Ngân hàng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá phong trào; huy động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực, đóng góp, hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo nhờ đó đã đạt được nhiều thành tựu lớn như: các hộ nghèo đã có xu hướng giảm; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương đã có các chính sách hỗ trợ để người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng chuẩn nông thôn mới.
Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, trong cộng đồng doanh nghiệp, phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ trên các phương diện: Thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng doanh thu, lợi nhuận. Cải tiến khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh doanh thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Ngành Ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” đến nay đã tạo chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng. Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở của cán bộ ngành Ngân hàng; nâng cao ý thức trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phấn đấu xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ cán bộ ngân hàng thật chuẩn mực, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, thân thiện trong hoạt động công vụ.
Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, mô hình mới, những cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng học tập. Các cụm, khối thi đua đã có cách thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với chương trình, kế hoạch theo từng kế hoạch công tác, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Ngân hàng hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Ngân hàng trong 5 năm qua cũng để lại nhiều dấu ấn tích cực. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều phong trào thi đua với nội dung tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, như xây dựng cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; văn hoá công sở, đạo đức của cán bộ, công nhân viên tiêu biểu như: “Hậu cần vững chắc, chủ động sáng tạo, phát huy trí tuệ, quyết tâm vượt mọi khó khăn thi đua thực hiện xuất sắc nhiệm vụ”; “Cơ quan văn minh hiện đại, cán bộ, công chức công tâm, chuyên nghiệp”…
Các phong trào: Phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, Lao động giỏi - sáng tạo - quản lý tốt, Thi đua thực hiện thành công tái cơ cấu ngân hàng, thi đua thực hiện chuyển đổi thành công mô hình hoạt động kinh doanh, thi đua nâng cao chất lượng quản trị rủi ro… cũng trở thành động lực thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch kinh doanh hằng năm của từng đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng nói chung và của các đơn vị ngân hàng trực thuộc.
Nỗ lực của VietinBank
Những năm qua, Công đoàn VietinBank tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Học tập nâng cao đạo đức nghề nghiệp, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và xây dựng văn hóa VietinBank, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn thể đoàn viên, người lao động.
|
Với đặc thù nghiệp vụ của ngành Ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, lĩnh vực luôn chứa đựng nhiều rủi ro, nên yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng luôn được đặt lên hàng đầu và cũng là một trong những yếu tố tạo động lực cho người lao động vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng hành cùng khách hàng phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, Công đoàn VietinBank đã triển khai thực hiện Nghị quyết 4c/NQ-BCH ngày 30-6-2019 của Ban Chấp hành Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về “Xây dựng và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới”; đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội trong đoàn viên, người lao động nhằm tích cực rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Sau 4 năm thực hiện, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt được kết quả tốt đẹp. Các công đoàn cơ sở đã thường xuyên kịp thời tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tham gia hưởng ứng, tích cực học tập nâng cao đạo đức nghề nghiệp, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên nghiên cứu, học tập, nắm bắt và thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành; thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan và cẩm nang văn hóa doanh nghiệp VietinBank; xây dựng được hình ảnh người cán bộ VietinBank giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên nghiệp trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng; khẳng được được vị trí thương hiệu, góp phần nâng cao uy tín của VietinBank.
Hưởng ứng và triển khai toàn bộ nội dung phát động thi đua tại Công văn số 827/CĐNH ngày 30-12-2021 của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về việc phát động thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hệ thống công đoàn Ngân hàng Việt Nam năm 2021 và Kế hoạch số 124/HĐQT-NHCT1.2 ngày 30-1-2021 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam về việc Phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Công đoàn VietinBank đã triển khai phát động Đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung cụ thể hóa hoạt động trong năm với chủ đề “Cán bộ, đoàn viên, người lao động Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu lập thành tích chào mừng 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam và nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2025”. Các phong trào thi đua gắn với chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị nổi bật của đất nước, ngành Ngân hàng, của VietinBank để đoàn viên, người lao động tích cực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Công đoàn VietinBank còn tích cực hưởng ứng và triển khai phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hệ thống công đoàn Ngân hàng Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành Ngân hàng đoàn kết sáng tạo, thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình mới, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2022”; đồng thời tiếp tục triển khai các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” phát huy sáng kiến cải tiến trong mọi lĩnh vực hoạt động ngân hàng; “Học tập nâng cao trình độ”; “Người tốt việc tốt”; “Thực hành tiết tiệm chống lãng phí”; “Phòng chống tham nhũng”; “Đoàn viên lao động nói không với tiêu cực”; chuyên đề nữ công “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”; “Thực hiện văn hóa doanh nghiệp VietinBank”; Phát động các phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp”; “An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn”…
Để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và tầm nhìn mục tiêu của VietinBank trở thành “Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đến năm 2030 thuộc Top 20 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đến năm 2045 là ngân hàng mạnh và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới”, với sứ mệnh là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động. Công đoàn cơ sở toàn hệ thống VietinBank đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đơn vị để triển khai, cụ thể hóa các nội dung thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tập trung thực hiện nhiệm vụ kinh doanh bảo đảm tăng trưởng có hiệu quả và an toàn, phù hợp với kế hoạch được giao nhằm tuân thủ các tỷ lệ an toàn quy định và triển khai có kết quả, động viên đoàn viên, người lao động ra sức thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình làm việc, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch của từng đơn vị và toàn hệ thống. Giai đoạn 2021-2022, đã có 125 sáng kiến và ý tưởng được đoàn viên, người lao động tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “ Lao động sáng tạo” đã được áp dụng đem lại hiệu quả kinh doanh tại đơn vị và toàn hệ thống.
Công đoàn VietinBank đã đẩy mạnh các phong trào thi đua khác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát động. Cụ thể hóa các phong trào thi đua: “Cán bộ, đoàn viên và người lao động VietinBank nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Các phòng trào thi đua đặc biệt trong lúc đại dịch đã kịp thời vận động, cổ vũ công nhân, viên chức, người lao động thực hiện tốt đồng thời cả 2 mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, thông suốt, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Trong đợt 1 của đợt phát động, Công đoàn VietinBank đã cập nhật lên hệ thống 230 sáng kiến, hoàn thành kế hoạch 100%. Tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” và triển khai chương trình an sinh xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 theo chỉ đạo của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Bên cạnh việc tích cực học tập nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đoàn viên, người lao động luôn tích cực thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, kỹ năng. Giai đoạn năm 2021-2022, có tổng cộng 85.051 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo của VietinBank đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phong trào “Người tốt, việc tốt” do Công đoàn VietinBank phát động hằng năm gắn với thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy nét đẹp truyền thống, giá trị đọa đức nghề nghiệp trong công tác tiền tệ kho quỹ của hệ thống VietinBank, nhiều gương sáng trả lại tiền thừa cho khách hàng với số tiền rất lớn. VietinBank luôn được Ngân hàng Nhà nước khen thưởng vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trả lại tiền thừa cho khách hàng. Trong năm 2021, có 1.488 lượt cán bộ tại các đơn vị trong hệ thống đã trả trên 31.623 món tiền thừa cho khách hàng với tổng số tiền trên 118 tỷ đồng. Năm 2022, các đơn vị trên toàn hệ thống đã trả trên 9.000 món tiền thừa cho khách hàng với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng.
|
Tuổi trẻ VietinBank xung kích trong các hoạt động thiện nguyện.
|
Phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” luôn được chú trọng, các công đoàn cơ sở phối hợp chuyên môn đơn vị thực hiện tốt quản trị tài chính, thực hiện nghiêm túc kế hoạch chi phí hoạt động được VietinBank giao cho đơn vị; kiểm soát chặt chẽ mọi chi phí hoạt động bảo đảm thiết thực, phục vụ hiệu quả hoạt động kinh doanh. Quán triệt toàn thể đoàn viên, người lao động nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí trong toàn hệ thống. Đoàn viên, người lao động VietinBank luôn ý thức thực hành tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc; phương tiện, cước thông tin liên lạc; bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đi lại; sử dụng điện, nước sạch, văn phòng phẩm; tiết kiệm trong chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ tân, khánh tiết…
Một trong những nét đẹp của phong trào đó là đoàn viên, người lao động VietinBank tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động là một nét đẹp của đoàn viên, người lao động VietinBank trong lao động; góp phần tạo môi trường giao dịch và làm việc tốt thu hút khách hàng và bảo đảm đời sống môi trường làm việc chung của đơn vị. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể được đoàn viên, người lao động thực hiện thường xuyên… góp phần cùng các đơn vị và VietinBank đạt được thành tích cao trong các hoạt động chung của Ngành, cũng như tại các địa phương, tô thắm thêm nét đẹp văn hóa và xây dựng thương hiệu VietinBank.
Cùng với việc tích cực tham gia các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đoàn viên, người lao động luôn chủ động, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xã hội từ thiện, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu VietinBank. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Công đoàn VietinBank tiếp tục phối hợp với các phòng ban chuyên môn triển khai thực hiện hỗ trợ các địa phương để chung tay chống dịch cùng Chính phủ. Đồng thời, hỗ trợ bằng tiền để mua vắc-xin, hỗ trợ bằng tiền và hiện hiện vật y tế cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Bệnh viện Lao và phổi tỉnh Ninh Thuận, Bệnh viện K để chống dịch bệnh… Hỗ trợ 20 công đoàn cơ sở mua nước sát khuẩn, khẩu trang y tế để phòng, chống dịch với số tiền 1.430 triệu đồng. Phát động tới đoàn viên người lao động trong toàn hệ thống đóng góp một ngày lương để chung tay phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền là 11 tỷ 346 triệu đồng. Trong năm 2022, Công đoàn VietinBank đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền trên 208 tỷ đồng.
Trong những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng tại VietinBank thường xuyên được quan tâm, trở thành giải pháp quan trọng và là công cụ hữu hiệu trong quản trị, điều hành. Hằng năm, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống, trở thành động lực to lớn thúc đẩy toàn hệ thống không ngừng nỗ lực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. 35 năm thành lập cho đến nay, VietinBank đã được Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng trao tặng các phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua, Bằng khen; các tổ chức uy tín trong nước, quốc tế đánh giá cao, vinh danh VietinBank là Thương hiệu quốc gia 8 năm liên tiếp, Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam…
Công tác thi đua, khen thưởng tại VietinBank luôn bám sát mục tiêu, định hướng của ngành Ngân hàng, phong trào thi đua được tổ chức đa dạng, kịp thời, phù hợp và đi vào chiều sâu. Hoạt động tuyên truyền sâu rộng gương người tốt - việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến được thực hiện thường xuyên, đã mang lại hiệu quả rõ rệt, là hạt nhân, động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Mỗi cán bộ, người lao động nhận thức đầy đủ, coi việc thực hiện và tham gia các phong trào thi đua vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền lợi; từ đó tạo động lực cho các đơn vị, cá nhân tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh hàng năm. Bên cạnh đó, hệ thống các quy chế, quy định về công tác thi đua khen thưởng được rà soát, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh trong từng giai đoạn. Việc khen thưởng ở VietinBank được cấp ủy các cấp triển khai có hiệu quả với việc khen thưởng định kỳ, khen thưởng theo chuyên đề đã tạo động lực để cán bộ, nhân viên, người lao động cùng nỗ lực xây dựng và phát triển VietinBank.
Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít thách thức. Để làm tốt hơn nữa lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi mỗi cán bộ, người lao động VietinBank cần không ngừng học hỏi, làm chủ khoa học - công nghệ, tích cực tiếp thu, đổi mới sáng tạo. Đất nước ta có hùng cường, thịnh vượng hay không?, nhân dân ta có ấm no, hạnh phúc hay không?; trách nhiệm đó nằm ở trên vai thế hệ trẻ ngày nay. Thực hiện theo lời Bác dạy, tiếp tục phát huy sâu rộng truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, cùng ý chí quyết tâm, đoàn viên - người lao động VietinBank sẽ luôn thể hiện sức trẻ, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng dựng xây VietinBank phát triển bền vững, khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, góp phần dựng xây đất nước thêm phồn thịnh.
(Còn nữa...)
Lê Thị Hoàng Anh,
Đảng ủy Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam