Để việc thực hiện đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến sâu sắc và đạt hiệu quả thiết thực, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2-6-2023 về “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Chỉ thị yêu cầu cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; người đứng đầu phải thực sự gương mẫu để tạo sự lan tỏa cho cán bộ, đảng viên cấp dưới học tập và noi theo. Đến nay, chỉ qua một thời gian ngắn triển khai thực hiện, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bước đầu đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.
Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị cán bộ, đảng viên
Trong Đảng bộ tỉnh, công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên phục vụ công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khách quan, bài bản, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Người làm việc trong hệ thống chính trị khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài, quy hoạch, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; giới thiệu vào cấp ủy, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật được cấp ủy có thẩm quyền kết luận về chính trị. Trường hợp có vấn đề chính trị cần xem xét đều được thẩm tra, xác minh và cấp ủy có thẩm quyền kết luận theo quy định. Kết quả thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ và nắm rõ những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị cán bộ; thiết lập và quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ phục vụ công tác cán bộ theo phân cấp; đồng thời chủ động trước một bước công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp Đảng ủy Công an tỉnh tham mưu xây dựng Kế hoạch rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ đương chức và quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ
Căn cứ Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 25-7-2007 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18-8-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 99-QĐ/TU ngày 9-5-2016 về Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh (tăng thêm 2 cơ quan phối hợp so với Quy chế của Trung ương).
Trên cơ sở Quy chế phối hợp của tỉnh, các huyện ủy, thành ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ tại địa phương. Việc duy trì, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan đã có tác dụng tích cực trong việc trao đổi cung cấp thông tin, tình hình chính trị nội bộ và phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác phối hợp bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền; các cơ quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, thẩm định, thẩm tra xác minh, tham mưu kết luận tiêu chuẩn chính trị cán bộ theo đúng quy định... Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng bộ tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hiện nay, ngay sau khi Trung ương ban hành quy định và hướng dẫn mới về công tác bảo vệ chính trị nội bộ (Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương), tháng 11-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Thanh tra tỉnh; trong đó cập nhật, bổ sung những nội dung mới về công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo văn bản của Trung ương.
Chỉ đạo xây dựng các văn bản về công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Trong các quy định của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ đều quy định phải kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với người làm việc trong các cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật. Để có cơ sở thực hiện tốt nội dung trên, ngay sau khi Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW ngày 5-8-2022 thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Danh mục cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật cấp tỉnh trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Có thể nói, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên đã chủ động, kịp thời nghiên cứu, xây dựng Danh mục cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật cấp tỉnh, nhằm bảo đảm việc thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với người làm việc tại các cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật được thực hiện chặt chẽ, bài bản, nền nếp, thống nhất.
Năm 2021, căn cứ Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW ngày 12-9-2019 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU ngày 15-3-2021 về “Một số nội dung về việc thẩm định, thẩm tra, xác minh và kết luận tiêu chuẩn chính trị trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” để hướng dẫn thực hiện đồng bộ trong Đảng bộ tỉnh. Sau đó, ngay khi Trung ương ban hành văn bản mới (Quy định số 58-QĐ/TW, Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW), Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU ngày 23-3-2023 “Một số nội dung về công tác bảo vệ chính trị nội bộ”. Hướng dẫn đã cập nhật những nội dung mới theo quy định và hướng dẫn mới; đồng thời điều chỉnh, xây dựng hệ thống các biểu mẫu cụ thể về công tác bảo vệ chính trị nội bộ để hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Kiện toàn cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Căn cứ Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18-8-2014 của Bộ Chính trị “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay” và Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 11-11-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã thường xuyên quan tâm kiện toàn, bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ phù hợp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các ban, cơ quan của Tỉnh ủy phân công lãnh đạo, cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cơ quan và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định. Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh sắp xếp, tổ chức bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ đủ số lượng, thành phần theo hướng dẫn của ngành dọc cấp trên. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thành lập bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ gồm đồng chí bí thư cấp ủy, trưởng ban tổ chức cấp ủy và 1 cán bộ (thuộc ban tổ chức cấp ủy). Các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thành lập bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ gồm đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan và 1 cán bộ trực tiếp làm công tác tổ chức cán bộ của đơn vị.
Cấp ủy cơ sở thành lập bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ gồm đồng chí bí thư và cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ; chi bộ phân công đồng chí bí thư chi bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ.
Nhìn chung, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã thường xuyên quan tâm, kịp thời kiện toàn và củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan, bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ khi có sự thay đổi nhân sự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giải pháp trọng tâm
Một là, tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xác định bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1-12-2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương và những điều đảng viên không được làm. Làm tốt công tác tư tưởng, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Bốn là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng của cán bộ, đảng viên trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ đường lối và nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ tổ chức, cán bộ, đảng viên. Chủ động, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị. Người làm việc trong hệ thống chính trị khi được cử đi đào tạo ở nước ngoài, quy hoạch, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; giới thiệu vào cấp ủy, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật phải được cấp ủy có thẩm quyền kết luận về chính trị. Trường hợp có vấn đề chính trị cần xem xét phải được thẩm tra, xác minh và cấp ủy có thẩm quyền kết luận theo quy định.
Sáu là, tăng cường chỉ đạo công tác nắm tình hình chính trị nội bộ trong Đảng bộ tỉnh, đặc biệt ở những nơi còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, kịp thời đấu tranh với luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước.
Bảy là, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cấp bảo đảm đủ năng lực tham mưu giúp cấp ủy xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ.