Tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hóa sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để tinh thần của các nghị quyết được áp dụng đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vừa là yêu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ cơ bản, thương xuyên, lâu dài.
|
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang tặng Bằng khen cho 5 tổ chức đảng có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Trong những năm vừa qua, công tác triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng nói chung và các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng nói riêng được cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện và có nhiều kết quả, ưu điểm như: Việc phổ biến, quán triệt các nghị quyết được chú trọng triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã chủ động nghiên cứu và trực tiếp làm báo cáo viên, khi báo cáo có sự vận dụng phù hợp với thực tiễn Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập nghị quyết; công tác cụ thể hóa các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng được Tỉnh ủy quan tâm và kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm cụ thể hóa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ.
Trên cơ sở đó, các đảng bộ trực thuộc đã chủ động ban hành các văn bản triển khai, tổ chức thực hiện trong phạm vi đơn vị hành chính cấp mình. Cùng với đó, HĐND, UBND, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đều xây dựng, ban hành các chương trình hành động thực hiện nghị quyết theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng nói chung và các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng nói riêng trên địa bàn. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn của địa phương góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn ở Bắc Giang cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, quá trình triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng Đảng, nhất là cấp cơ sở còn những hạn chế: Việc xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết có nội dung chưa sát thực tiễn, chưa cụ thể, không rõ trách nhiệm của cá nhân; có tình trạng cấp trên làm thế nào, cấp dưới vận dụng giống như thế, không quan tâm đến tính đặc thù về vùng miền, khu vực giữa các đơn vị hành chính trong tỉnh. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện nghị quyết chưa được cấp ủy một số cấp quan tâm đúng mức; công tác sơ kết, tổng kết việc triển khai, thực hiện nghị quyết nói chung và các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng nói riêng ở một số nơi còn hình thức… Do vậy, nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng trúng, đúng và kịp thời nhưng khâu triển khai tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương trong tỉnh để đưa nghị quyết vào cuộc sống còn chậm, chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra…
Để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, chủ trì, trực tiếp quán triệt nghị quyết. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết của Đảng; qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập, các nghị quyết của Đảng, khắc phục tình trạng ngại học nghị quyết. Đồng thời, cần quan tâm xây dựng kế hoạch học tập, triển khai nghị quyết ở các cấp phải kịp thời, chặt chẽ, khoa học, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị.
Hai là, sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với từng đối tượng theo hướng: Đối với cán bộ chủ chốt, báo cáo viên cần đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm trong nghị quyết; giải pháp thực hiện; liên hệ thực tiễn, định hướng vận dụng những nội dung của nghị quyết vào lĩnh vực công tác; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, báo cáo viên giới thiệu những nội dung “cốt lõi”, ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của ngành, nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và vận dụng vào thực tế công tác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe, nhìn (hỗ trợ truyền đạt nghị quyết); tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận tạo sự tương tác, thu hút, lôi cuốn người học... Sau mỗi đợt học tập nghị quyết, các cấp ủy cần chỉ đạo kịp thời việc sơ kết rút kinh nghiệm, qua đó, biểu dương những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, phê bình, xử lý những tổ chức đảng, đảng viên chưa nghiêm túc khi học nghị quyết.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên các cấp, từ đó nâng cao kiến thức, năng lực công tác, nắm vững Điều lệ Đảng và các kỹ năng, phương pháp triển khai công tác xây dựng Đảng linh hoạt, sát hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị; tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thưc tiễn tại địa phương.
Bốn là, chú trọng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp gắn với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị; cần phát huy dân chủ, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân để bổ sung vào chương trình hành động, nhằm bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết, để thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, tuyên truyền những nhân tố mới, mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Chú ý lựa chọn các mục tiêu, nhiệm vụ lớn, trọng tâm trong nghị quyết về công tác xây dựng Đảng để cụ thể hóa thành chỉ tiêu thi đua trong các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết; qua đó kịp thời đánh giá ưu điểm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện, góp ý của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết ở đảng bộ các cấp; lấy kết quả học tập, triển khai thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.
TS. Bùi Văn Huấn, ThS. Nguyễn Xuân Cường
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang