Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Thành lập sau không đồng nghĩa với việc tiến sau
Từng là một cán bộ cấp cao, sau khi nghỉ hưu chuyển về sinh sống tại quận Tây Hồ đã hơn 10 năm, tôi có ấn tượng mạnh mẽ với mảnh đất này với nhiều tiềm năng và cơ hội lớn.
Thứ nhất, quận Tây Hồ được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 phường của quận Ba Đình và 5 xã của huyện Từ Liêm với quỹ đất công tương đối lớn, không gian phát triển rộng, dân cư chưa đông. Với tầm nhìn ở độ tuổi 20, nếu có đường hướng và phương pháp mạnh mẽ thì những điều trên là tiềm năng rất lớn.
Thứ hai, các cụ có nói “nhất cận thị, nhị cận giang” thì quận Tây Hồ hội tụ đủ 2 yếu tố đó là nằm sát các quận cũ hay nói cách khác là 36 phố phường, một bên là sông Hồng mang nặng phù sa.
Thứ ba, quận Tây Hồ có vị trí địa lý nằm cạnh quận Ba Đình, trung tâm đầu não chính trị của cả nước, một phía là sát với sân bay Nội Bài, cửa ngõ giao thương với quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi đối với vấn đề liên kết vùng.
Thứ tư, theo định hướng quy hoạch phát triển của Thủ đô thì các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh sẽ trở thành thành phố thông minh và các đô thị phát triển xanh và hiện đại. Với giá trị cộng hưởng của vùng lõi và vùng phát triển mới sẽ tạo ra giá trị lan tỏa để quận Tây Hồ phát triển.
Thứ năm, quận Tây Hồ có hệ thống đình, đền, chùa dày đặc, không chỉ nổi tiếng ở khu vực mà cả nước. Có hồ Tây thơ mộng với nhiều sự kiện, huyền thoại đẹp. Là một quận mới nên Tây Hồ có sự đa dạng về cơ cấu dân cư, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Tại đây có những sản phẩm nông nghiệp xanh, nổi trội như trà sen Tây Hồ, quất Tứ Liên, đào Nhật Tân… Những yếu tố trên là nền tảng và cơ hội rất tốt để phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch.
|
Tôi cho rằng, quận cần bám sát các chủ trương, đường hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là chiến lược phát triển Thủ đô, tầm nhìn chiến lược đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay, Thành phố đã phân cấp cho Tây Hồ quản lý toàn khu vực hồ Tây. Đây là điều kiện để chúng ta hoàn toàn chủ động, mở rộng suy nghĩ và tầm nhìn, khai thác tối đa hiệu quả hồ Tây và toàn bộ quận. Ở độ tuổi 20 trong điều kiện hội nhập thế giới sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, quận Tây Hồ mặc dù thành lập sau nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ tiến sau mà phải phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại.
Theo đó, quận cần tập trung những việc cần làm ngay tạo ra những đường ray chính để vận hành, quản lý phát triển không bị chệch hướng: (1) Xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển dài hạn về kinh tế - xã hội; (2) Có quy hoạch và tầm nhìn dài hạn về phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng về giao thông; cơ sở hạ tầng về phát triển công nghiệp văn hóa; (3) Có quy hoạch, tầm nhìn xa về xây dựng và quản lý đô thị theo hướng hiện đại.
Về 3 trụ cột phát triển, quận cần hướng đến việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch; phát triển nông nghiệp xanh, đặc trưng, chất lượng cao; phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ ít phát thải, hướng đến sự bền vững.
Thời gian tới đây, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn, cấp quận, huyện sẽ được phân cấp mạnh mẽ hơn thì lãnh đạo quận cần nắm bắt tốt tinh thần này, có tư duy sâu, tầm nhìn xa, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ ở trên; chủ động quyết định những cơ chế, chính sách phát triển có lợi cho quận, cho dân trên cơ sở không trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để cho chắc chắn thì làm thí điểm sau đó tổng kết, có kết quả thật sự thì sẽ nhân rộng. Coi trọng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm giữa các huyện bạn, tỉnh bạn… Đội ngũ cán bộ cấp dưới kế cận cần khẩn trương lựa chọn, bồi dưỡng, uốn nắn. Các tổ chức trong hệ thống chính trị quận như: Đảng, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đi sát cơ sở, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân bằng nhiều hình thức, cầu thị và chân thành.
Đồng chí Chử Ngọc Tuất, nguyên Bí thư Quận uỷ Tây Hồ khoá II: Cần phát triển công nghiệp văn hoá trên tất cả các lĩnh vực
Với góc nhìn của tôi khi đã công tác tại quận Tây Hồ từ những ngày đầu thành lập, đến nay, có thể khẳng định rằng vấn đề phát triển quận trong thời gian tới có nhiều yếu tố thuận lợi từ việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đến việc Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành uỷ về phát triển công nghiệp văn hóa.
Đối với vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá, quận có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh phải kể đến như: Đội ngũ cán bộ trải qua nhiều nhiệm kỳ có nhiều kinh nhiệm, tính sáng tạo và ý thức trách nhiệm tốt. Quận có điều kiện để huy động nhiều nguồn lực cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế. Vị trí địa lý rất đắc địa được thiên nhiên ban tặng. Có không gian đô thị đủ để phát triển các thiết chế văn hoá, hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội. Đây là nơi tập trung dày đặc các di tích lịch sử văn hoá kiến trúc được xếp hạng, các di tích vật thể và phi vật thể có bề dày lịch sử, có giá trị giáo dục truyền thống cao. Có nhiều sản phẩm đặc trưng thậm chí đặc biệt, xứng đáng là sản phẩm tiêu biểu phục vụ khách du lịch. Có điều kiện để huy động sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà hoạt động văn hoá tiêu biểu, đặc biệt là cộng đồng nhân dân. Cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp giáo dục đào tạo được đầu tư xứng tầm với sự phát triển trong thời gian tới….
Tôi hy vọng đây sẽ là những lợi thế quan trọng để quận có khả năng phát triển vượt trội trong tương lai. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, những kết quả trong việc xây dựng công nghiệp văn hoá của quận được Thành phố đánh giá cao, nhân dân phấn khởi ghi nhận. Có nhiều việc làm, hoạt động mang nét đặc trưng, màu sắc riêng của Tây Hồ. Điều này đã khẳng định năng lực lãnh đạo và sự điều hành của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy.
Theo tôi, việc phấn đấu xây dựng quận trở thành nơi đáng sống của Thủ đô là hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo cũng như định hướng phát triển của quận. Để làm được điều này, việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá, cũng như lựa chọn văn hoá là ngành kinh tế mũi nhọn là rất quan trọng.
Theo đó, quận cần có định hướng dài hạn và nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn để phát triển công nghiệp văn hóa trên tất cả các lĩnh vực như: xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường sống. Với mỗi lĩnh vực trên, chúng ta xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sao cho rõ tiến độ, thời gian hoàn thành, xác định rõ việc cần làm và trách nhiệm thuộc về ai.
- Về xây dựng và quản lý đô thị: Cần xác định công trình ưu tiên cho việc phát triển công nghiệp văn hoá. Mô hình kiến trúc phải đạt yếu tố văn hoá và giá trị cao. Lập lại trật tự đô thị, chống các hiện tượng tiêu cực trong xây dựng và quản lý đô thị, cho dân quyền tham gia quá trình quản lý.
- Về văn hóa – xã hội: Kiên trì kiến nghị Thành phố tiếp tục có kế hoạch xây dựng nhà hát đa năng tại phường Quảng An. Định hướng cho từng phường có kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội. Tạo sự chuyển biến thực chất về nếp sống, lối sống văn minh, kỷ cương, nhân ái. Xây dựng thư viện cấp phường, tủ sách pháp luật. Duy trì hiệu quả phong trào khuyến học. Thiết lập hệ thống thông tin qua thiết bị điện thoại di động trên toàn phường (zalo, viber, facebook…). Lập lại trật tự về quảng cáo, tuyên truyền pano, áp phích theo đúng quy định. Tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp tôn vinh giá trị của các di tích lịch sử.
- Về môi trường sống: Phát động phong trào sống xanh ngay từ trong từng gia đình đến từng ngõ phố. Bảo đảm vệ sinh môi trường sạch từ trong nhà ra ngoài phố. Chấm dứt đổ rác thải bừa bãi ra nơi công cộng. Xây dựng nếp sống có văn hoá của từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư.
- Về nguồn lực: Trước hết, cần xác định việc huy động nguồn lực từ nhiều hướng như: đấu giá quyền sử dụng đất; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; đề nghị Thành phố cho sử dụng 100% phần vượt thu ngân sách hằng năm; lập các dự án đầu tư, tranh thủ nguồn vốn hiện có để đầu tư cải tạo các di tích lịch sử; huy động nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, quận cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tăng cường quảng bá, truyền thông trên các nền tảng thông tin. Liên kết với các doanh nghiệp du lịch để Tây Hồ trở thành điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch. Khai thác có hiệu quả sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Đồng chí Đinh Tiên Hường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận TDP số 15, phường Xuân La: "Khát vọng Tây Hồ" như một làn gió mới thổi vào đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân
Trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến, không ai không biết đến vùng đất Tây Hồ với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Những năm qua, phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có, quận Tây Hồ đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Kết quả năm sau đều cao hơn so với năm trước. Điều này đã làm thay đổi căn bản diện mạo và đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, tăng cường sự đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Tây Hồ đã “trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”, quyết tâm xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô. Nhìn về phía trước, hướng đến tương lai, vừa qua, nhân dân vui mừng đón nhận sáng kiến về Cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ - Khát vọng Thăng Long”, nhằm tìm kiếm những kế sách hiện thực hóa những khát vọng, tạo bứt phá mới với tầm nhìn đến năm 2030, 2045 cho Thủ đô và quận Tây Hồ. Đây như “một làn gió mới” thổi vào đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân, tạo niềm tin ngày càng to lớn đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương.
Là một cán bộ quân đội nghỉ hưu, có nhiều năm sinh sống trên địa bàn, hiện đang giữ cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận TDP số 15, phường Xuân La, tôi rất tự hào về quá trình xây dựng và phát triển của quận Tây Hồ. Do đó, tôi ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc đồng hành cùng hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn quyết tâm xây dựng phường Xuân La ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Với nhiệm vụ là một người Bí thư Chi bộ, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng thời khơi dậy niềm tin, khát vọng của người dân về sự phát triển của địa phương. Thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền, Tổ dân phố thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là phát huy tốt vai trò nêu gương của một người cán bộ, đảng viên để dân tin, dân ủng hộ và dân làm theo.
Là một địa bàn tương đối phức tạp về tình hình ANTT, khi có gần 1/3 số hộ dân nằm trong Dự án quy hoạch mở đường Nguyễn Hoàng Tôn, song tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn luôn giữ vững sự ổn định. Điều này một phần xuất phát từ ý thức trách nhiệm của các đồng chí trong cấp ủy, tổ dân phố luôn không ngừng học hỏi, gần dân, sát dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, nắm chắc tình hình dư luận để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phường hướng xử lý, không để bị động, bất ngờ, nhất là các mâu thuẫn ngay từ địa bàn dân cư, tổ dân phố.
Bà Lê Thị Hoàng Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiếp vận Avina: Đóng góp sức mình cho việc phát triển làng nghề tại Tây Hồ
Quận Tây Hồ nói chung hay hồ Tây nói riêng là một vùng đất rất đặc biệt. Là nơi hội tụ nhiều nguồn lực, tiềm năng và lợi thế về địa lý, văn hóa, du lịch, làng nghề truyền thống và kinh doanh lưu trú, bất động sản. Đặc biệt, Tây Hồ vẫn còn nhiều dư địa để quy hoạch, xây dựng phát triển theo hướng hiện đại và văn minh.
Với tư cách là chủ một doanh nghiệp tư nhân đang sinh sống và làm việc tại quận Tây Hồ, sự kỳ vọng và tin tưởng của tôi là Tây Hồ sẽ trở thành trung tâm văn hóa - thể thao - du lịch và lưu trú, kinh doanh quốc tế hiện đại, sáng tạo, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa của Tây Hồ nói riêng và Hà Nội, Việt Nam nói chung. Đây sẽ là nơi thu hút, phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, giải trí và đặc biệt là lưu trú, phát triển kinh doanh dài hạn, bền vững. Từ đó, hình thành nên một cộng đồng quốc tế năng động, sáng tạo và thịnh vượng tại Tây Hồ.
Hiện nay, tôi đang là một người dân, một người dâu con tại làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trước hết bản thân tôi rất trân quý, biết ơn và luôn tâm niệm cố gắng để gìn giữ, vun đắp, lan tỏa truyền thống của gia đình, dòng họ, làng xã trong cuộc sống hằng ngày. Lối sống chân chất, mộc mạc, gần gũi và lạc quan yêu đời của những con người trồng hoa, trồng cây, làm trà sen, thổi xôi, nấu cỗ... đã trở thành một nét văn hóa làng nghề mang tính bản sắc giữa cộng đồng cư dân quốc tế sinh sống, lưu trú và làm việc tại đây. Đây như trở thành một nét đặc trưng của Tây Hồ "làng Ta trong phố Tây".
|
Là một người làm kinh doanh trong lĩnh vực logistics, thương mại quốc tế và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng xã hội, tôi cũng đang bền bỉ đóng góp phần một phần bé nhỏ của mình để giúp cho các hộ kinh doanh làng nghề nâng cao năng lực kinh doanh và giá trị sản phẩm - dịch vụ bao gồm: chất lượng sản phẩm, thúc đẩy marketing - bán hàng - thương mại trên các nền tảng số và xúc tiến giao thương - "xuất khẩu tại chỗ"...
Ngoài ra, thông qua địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội... tôi cũng có cơ hội được trực tiếp tham gia và đóng góp ý kiến, tham vấn các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, chương trình hoạt động để góp phần giúp Tây Hồ ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi, nguồn lực và cơ hội phát triển vượt bậc để trở thành trung tâm văn hóa - thể thao - du lịch và lưu trú, kinh doanh năng động, hiện đại, văn minh, xứng tầm khu vực và quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Lan Hương