Kỳ 2: Giữ trọn Lời thề Trung Hiếu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đảng ta cũng đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ: “Ở bất cứ giai đoạn, lĩnh vực nào, con người luôn là nhân tố quan trọng nhất quyết định cho sự thành công hay thất bại của một kế hoạch, một chương trình, là người hiện thực hóa “khát vọng” xây dựng, kiến thiết Thủ đô và đất nước. Do đó, trong những năm tới, công tác phát triển, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là những cán bộ trẻ đủ cả tài và đức sẽ là việc quận Tây Hồ quan tâm thực hiện gắn với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, Tây Hồ lựa chọn tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là động lực nội sinh, là chìa khóa thành công vượt lên mọi thách thức nhằm hiện thực hóa được khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Đứng trước thực tiễn cần tạo “cú hích” mạnh mẽ để khuyến khích, động viên cán bộ trong toàn hệ thống chính trị quận thật sự năng động, đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ triển khai việc đăng ký đảm nhận chỉ đạo, giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao của các đồng chí cán bộ chủ chốt quận.

Năm 2022, Ban Thường vụ Quận ủy và UBND quận đã phê duyệt 53 nội dung đăng ký của 51 đồng chí. Đến năm 2023, con số này tăng lên 163 nội dung của 54 đồng chí. Nội dung đăng ký của cán bộ chủ chốt quận tập trung vào việc giải quyết các vụ việc tồn đọng trong nhiều năm chưa thể giải quyết xong và thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị…

Đặc biệt, Ban Thường vụ Quận uỷ Tây Hồ xác định “Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai dám sáng tạo đổi mới và đột phá”. Do vậy, có những thời điểm tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Quận ủy xác định việc sẽ sát cánh, đồng hành cùng cán bộ trong giải quyết những việc khó khăn, phức tạp của quận. Đồng thời, trước khi phê duyệt, Ban Thường vụ Quận ủy sẽ định hướng nội dung việc mới, việc khó để các cán bộ chủ chốt đăng ký; sau đó sẽ cùng nghiên cứu, thảo luận, điều chỉnh nội dung đăng ký của các đồng chí cán bộ chủ chốt sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm của quận.

Sau khi Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận phê duyệt nội dung việc mới, việc khó, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phải xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể rõ nội dung công việc, lộ trình thực hiện, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, các biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ đã đăng ký.

Có thể thấy, chính việc triển khai đăng ký việc mới, việc khó đã giúp nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tồn tại nhiều năm được xử lý triệt để. Điều này cũng đã được Thành uỷ, UBND Thành phố ghi nhận, đánh giá cao như: việc di dời thành công các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại khu vực đầm Bảy ra khỏi hồ Tây; triển khai thực hiện xong 8 kết luận thanh tra với 55 nội dung (đạt 88,7%); thu hồi diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng sau GPMB dự án mương thoát nước Hà Nội (giai đoạn II) tại phường Bưởi; sau 12 năm tuyên truyền vận động thành công 1 gia đình đồng ý di chuyển chỗ ở ra khỏi địa chỉ 18 Tam Đa để UBND phường Thụy Khuê thực hiện Dự án xây dựng nhà sinh hoạt khu dân cư; xử lý dứt điểm vi phạm tại Nhà hàng Sen Đầm Trị…

Đồng chí Phạm Thế Vinh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng An cho biết: “Với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền được giao đã đăng ký từ đầu năm, đây được xem như một cam kết chính trị mà người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nỗ lực thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ”. Đồng chí Phạm Thế Vinh đánh giá, việc cán bộ lãnh đạo chủ chốt đăng ký đảm nhận việc mới, việc khó không chỉ dừng lại ở việc phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, mà còn tạo khí thế, động lực để cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Năm 2023, trên cương vị là Chủ tịch UBND phường Quảng An, đồng chí Phạm Thế Vinh đã đăng ký nhiệm vụ chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà hàng Sen Đầm Trị. Đây là sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng diễn ra trong nhiều năm, khiến cảnh quan đô thị khu vực trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, đồng thời làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền phường, cũng như trong dư luận nhân dân địa phương có ý kiến cho rằng, liệu có sự bao che nào đối với quán Sen Đầm Trị hay không?

“Chúng tôi nhận thấy đây là vụ việc hết sức khó khăn, phức tạp, đã tồn tại nhiều năm, liên quan đến quyền lợi, lợi ích của nhiều cá nhân, do vậy, Đảng ủy, UBND phường xác định về phương pháp, cách làm phải chắc chắn, thận trọng, bảo đảm đúng pháp luật và cơ sở pháp lý, đồng thời phải vận động thuyết phục để người dân hiểu và tự giác chấp hành quyết định xử lý vi phạm”, đồng chí Phạm Thế Vinh cho biết.

Thực tế, khu đất nhà hàng Sen Đầm Trị vốn là diện tích đất công thuộc quyền quản lý của UBND phường Quảng An. Trước năm 2016, UBND phường Quảng An quản lý bằng nhiều biện pháp trong đó có ký Hợp đồng giao khoán sử dụng đất. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, người thuê đất đã tự ý chuyển giao việc sử dụng cho một bên thứ ba. Bên này đã tiến hành xây dựng trên mặt nước ven hồ Đầm Trị trong nhiều năm. UBND phường đã có sự thông báo đến bên thứ ba về việc ký kết hợp đồng, tuy nhiên không nhận lại được sự phản hồi của đơn vị.

Theo Bí thư Đảng uỷ phường Quảng An, trong quá trình cưỡng chế, thu hồi đất đã xảy ra nhiều tình huống phát sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, đồng chí Phạm Thế Vinh đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn như tư pháp, địa chính, đô thị… thiết lập hồ sơ một cách bài bản, chắc chắn theo đúng quy định pháp luật, sau hơn 2 tháng hoàn thiện đã trình lên Chủ tịch UBND quận Tây Hồ để ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Ngay sau khi có Quyết định, Đảng ủy và UBND phường đã lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai cưỡng chế.

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm thực hiện cưỡng chế, đã có khoảng hơn 50 người cùng nhiều phương tiện xe máy cá nhân tại khu vực trong và ngoài quán Sen Đầm Trị, gây áp lực và cản trở các lực lượng làm nhiệm vụ. Được sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, sự tham gia trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, bằng phương pháp tuyên truyền, thuyết phục, vận động, lực lượng chức năng của phường và quận đã giải tán được đám đông. Việc cưỡng chế được triển khai trong 3 ngày liên tục. Kết quả toàn bộ diện tích hơn 2.700m2 đất cùng nhiều khối nhà tại quán Sen Đầm Trị đã được xử lý dứt điểm hoàn toàn, trả lại hiện trạng đất công và ngõ đi chung tại khu vực. Công tác xử lý và thu dọn mặt bằng được hoàn thành ngay trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2023. Vụ việc được dư luận và cán bộ, đảng viên, nhân dân tại địa phương đồng tình và ủng hộ cao.

Tại Tây Hồ, việc đăng ký việc mới, việc khó đã không chỉ dừng lại ở việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt hay người đứng đầu. Việc làm này còn tạo ra một khí thế mới, một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị quận.

94% đảng viên của quận Tây Hồ thực hiện việc đăng ký việc mới, việc khó trong năm 2023. Nhiều gương đảng viên điển hình đã xuất hiện trong việc dám nghĩ, dám làm, dám đảm đương những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì lợi ích của chính địa phương, đơn vị và tổ dân phố như: Bí thư Chi bộ 4, Đảng bộ phường Phú Thượng Nguyễn Văn Khuê đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục, phân tích với các hộ dân có đất nằm trong chỉ giới thu hồi giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, giai đoạn 3. Kết quả đến nay, 100% hộ dân đã đồng thuận; đồng chí Đỗ Văn Thái, Đảng uỷ viên, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ phường Bưởi đã tuyên truyền, vận động, hòa giải thành công việc tranh chấp đất đai tồn tại nhiều năm tại ngõ 370 Thụy Khuê; Bí thư Chi bộ 16, Đảng bộ phường Xuân La Lê Văn Thanh phối hợp tốt với UBND phường tổ chức thành công Hội nghị Chung cư 6th Element lần đầu tiên sau nhiều lần không thành công, đã bầu được Ban Quản trị, phối hợp giải quyết các kiến nghị của cư dân góp phần xây dựng Chung cư thành một Chung cư văn minh, một nơi đáng sống trên địa bàn Hà Nội…

Từ sớm, quận Tây Hồ đã xác định đánh giá cán bộ là bước tiền đề quan trọng, mang tính quyết định trong các khâu của công tác cán bộ. Là một quận nội đô của Thủ đô, Ban Thường vụ Quận uỷ Tây Hồ xác định, công tác cán bộ được coi là khâu “then chốt của then chốt”, mang tính quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô cũng như quận theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra. Yêu cầu này đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm”, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Do vậy, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ là yêu cầu bức thiết nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của quận đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 1841-QĐ/TU, ngày 28-10-2021 về “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã lập tức xây dựng và ban hành Quyết định số 457-QĐ/QU, ngày 26-11-2021 về “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị quận Tây Hồ” để các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

Điểm đặc biệt riêng của quận Tây Hồ là để công tác chấm điểm đối với cán bộ cơ sở đúng, thực chất, Ban Tổ chức Quận uỷ đã tham mưu Thường trực Quận uỷ phiếu điểm thưởng và điểm trừ đối với bí thư đảng uỷ các phường. Căn cứ vào kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng như những điểm đột phá trong tháng mà các đồng chí Uỷ viên BTV Quận uỷ thuộc thẩm quyền phụ trách sẽ quyết định điểm cộng hay điểm trừ (từ 0,5 đến 1 điểm) dành cho các đồng chí bí thư đản uỷ các phường. Đây là căn cứ quan trọng để xếp loại, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong tháng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.


Đầu năm 2024, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, trước những hạn chế tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, ngày 15-2-2024, Ban Thường vụ Quận uỷ đã ban hành Kế hoạch số 205-KH/QU về “Nâng cao chất lượng chất lượng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trên hệ thống phần mềm”. Đây cũng là quận đầu tiên trong Đảng bộ thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về nội dung này.

Theo Bí thư Quận uỷ Lê Thị Thu Hằng, việc đánh giá cán bộ trên phần mềm là công cụ để người lãnh đạo quản lý, quản trị công việc một cách khoa học, hiệu quả, từ đó đánh giá đúng hiệu quả công việc của cơ quan, đơn vị và từng cán bộ để bố trí đúng người, đúng việc. Kết quả đánh giá cán bộ này sẽ là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Đồng chí Bùi Thế Cường, Quận ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Quận uỷ, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ cho biết: “Trên cơ sở các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (CBCCVC, LĐHĐ) trong hệ thống chính trị quận đã thực hiện việc xây dựng lịch công tác tuần và kế hoạch công tác tháng, đồng thời thực hiện việc tự chấm điểm, xếp loại của bản thân. Sau đó, cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại CBCCVC, LĐHĐ. Việc thực hiện đánh giá trên phần mềm đã giúp bản thân người cán bộ kiểm soát được khối lượng và tiến độ công việc của mình. Qua đó, đã nâng cao hơn nhận thức, ý thức trách nhiệm của CBCCVC, LĐHĐ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

 (Còn tiếp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất