Tăng cường công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới" tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, ngày 22-7-2022.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Để xây dựng được đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, Đảng phải tiến hành nhiều mặt công tác, trong đó, công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là vấn đề cơ bản của công tác xây dựng Đảng, một trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Làm tốt công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay sẽ trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng; chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Sau 6 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã “có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực”(1), góp phần “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”(2). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta chỉ rõ công tác tư tưởng thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII (Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, nêu rõ vẫn còn một bộ phận đảng viên: “... phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng” (3). Những hạn chế đó có thể dẫn đến nguy cơ rất lớn, như Đảng ta nhiều lần cảnh báo: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Tất cả các hiện tượng đó là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, thực sự đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội, làm giảm sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh và uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Trong bối cảnh mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, “bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”(4). Tại Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XIII chỉ rõ: “Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”(5). Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ Kết luận số 21-KL/TW, trong đó phải đặc biệt coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quá trình quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vừa có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, vừa góp phần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Theo đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XII), nhất là việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt việc phân công công tác cho đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cấp ủy, tổ chức đảng cần căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, đặc điểm tâm lý, phẩm chất, nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác tư tưởng, quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị mình.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng cần có chương trình, kế hoạch, đề án nhằm triển khai hiệu quả tinh thần, nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW, khóa XIII, mà trọng tâm là công tác giáo dục chính trị tư tưởng của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị phải đạt được mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận về tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng năng lực, ý thức trách nhiệm, phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ cấp ủy viên trực tiếp quản lý, theo dõi tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, cấp ủy viên được phân công trực tiếp làm công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người có tính đảng cao, có uy tín trong cơ quan, đơn vị; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương pháp tốt trong vận động, giáo dục, thuyết phục đảng viên. Vì vậy, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cấp ủy viên trực tiếp làm công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của của đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, cần chú trọng công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo.

Bốn là, tăng cường hiệu quản công tác kiểm tra, giám sát với xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để việc quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên được tốt, cần kiểm tra, giám sát đảng viên về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; những điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc; chế độ công tác; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Tích cực quán triệt và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 3-1-2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo đó, cần tập trung kiểm tra việc nghiên cứu quán triệt những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên...

Năm là, phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, biểu hiện thái độ tự giác, biến động cơ tự quản lý, tự giáo dục đúng đắn thành kết quả hành động trên thực tiễn. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống là giá trị riêng của từng người, là kết quả của quá trình phấn đấu rèn luyện lâu dài, bền bỉ, gian khổ của mỗi cán bộ, đảng viên mới tạo nên. Phát huy vai trò tự quản lý, tự giác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ là phương thức quản lý tư tưởng, đạo đức, lối sống tích cực mà còn là một trong những phương thức tổ chức phong trào cách mạng.

Hiện nay, những biến động phức tạp của tình hình, sự phát triển của nhiệm vụ cách mạng, trước âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt và thâm độc của các thế lực thù địch và sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, vì vậy, tăng cường công tác quản lý tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới là nội dung quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

----------------------------------

(1), (2), (4), (5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

(3), Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất