Loạt bài "Bản lĩnh người đảng viên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù vô hình SARS-COV-2" của nhóm Phóng viên Kinh tế - xã hội, Báo An ninh Thủ đô, đoạt Giải C - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V - năm 2020. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả.
Ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, người Đảng viên Cộng sản luôn gương mẫu đi đầu, với sứ mệnh dẫn đường. Lần này cũng không ngoại lệ, trong cuộc chiến đấu chưa từng có tiền lệ với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2, những người Đảng viên lại sẵn sàng dấn thân, đi thẳng vào những nơi nguy hiểm nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ bình yên cho nhân dân…
Bài 1: Sứ mệnh dẫn đường – những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn
Vào những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến đấu chống SARS-CoV-2, những quan điểm, ý kiến chỉ đạo quyết liệt, khoa học và nhân văn từ Trung ương tới địa phương đã dẫn dắt đội ngũ phòng chống dịch từng bước khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch phức tạp và cứu chữa hàng trăm ca bệnh nặng…
Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19
Vượt qua áp lực
Ngày 23-4-2020, người Hà Nội đón nhận nới lỏng cách ly xã hội - khái niệm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - một cách bình thản. Các hoạt động kinh tế - xã hội trên các tuyến phố thủ đô hối hả trở lại với dòng người tất bật ngược xuôi… Đó chưa phải thời điểm thành phố chấm dứt giãn cách xã hội nhưng có thể xem như bước đầu trút bỏ được gánh nặng là tâm dịch Covid-19 lớn nhất cả nước. Mỗi người Hà Nội đều hiểu rõ, để có sự “trở lại” sau 22 ngày đáng nhớ ấy là cả một quá trình nỗ lực chống dịch không biết mệt mỏi của thành phố và cả nước, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Vào những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến đấu chống SARS-CoV-2, những quan điểm, ý kiến chỉ đạo quyết liệt, khoa học và nhân văn từ Trung ương tới địa phương đã dẫn dắt đội ngũ phòng chống dịch từng bước khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch phức tạp và cứu chữa hàng trăm ca bệnh nặng… |
Thực tế, hành trình chống Covid-19 ở Hà Nội và cả nước đã bắt đầu từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, thành phố đã dự liệu tất cả các kịch bản chống dịch, kể cả tình huống tồi tệ nhất để từng bước ngăn chặn virus xâm nhập và vô hiệu hóa các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Với dân số gần 10 triệu người và số lượng rất lớn người nước ngoài qua lại mỗi ngày, Hà Nội duy trì được hơn 1 tháng mới có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên (kể từ ngày ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam).
Sau khi có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở ổ dịch Trúc Bạch (quận Ba Đình) và tiếp sau đó là bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi (Mê Linh)… toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung ương, Bộ Y tế… từng bước khoanh vùng, quyết dập dịch trong thời gian sớm nhất. Không thể kể hết khối lượng công việc khổng lồ thành phố đã phải giải quyết trong thời gian chạy đua với SARS-CoV-2. Chỉ biết rằng, với từng ổ dịch, dù phức tạp tới đâu, thành phố đã xử lý hiệu quả, thành công.
Đơn cử, với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, bằng nỗ lực phi thường mà thầm lặng của các đơn vị liên quan, trong đó mũi nhọn là CATP Hà Nội và ngành y tế Thủ đô, sau một thời gian rất ngắn, Hà Nội đã rà soát hơn 21.000 trường hợp có liên quan, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để khoanh vùng, truy tìm SARS-CoV-2.
Rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy
Để có được thành công trong đợt chống Covid-19 đầu tiên, trước hết, phải kể tới những chỉ đạo phòng chống dịch kịp thời, quyết liệt, khoa học của Trung ương và thành phố Hà Nội. Thời điểm phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở nước ta, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp khẩn vào chiều 30 Tết Canh Tý và cuộc họp tiếp theo là chiều mùng 2 Tết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp điều hành các phiên họp này.
Ngày 27-1 (mùng 3 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ ngành liên quan về phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân…
Ngày 28-1 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg và liền sau đó, ngày 29-1 (mùng 5 Tết), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các cơ quan, đơn vị… về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản nêu rõ: “Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch”!
Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống Covid-19. Tất cả đều là kim chỉ nam để các bộ ngành, địa phương; cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và chiến thắng Covid-19 trong đợt dịch đầu tiên.
Tại Hà Nội, nhận được chỉ đạo từ Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ngay lập tức có chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy trực tiếp dự cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố vào những thời điểm quan trọng nhất để chỉ đạo kịp thời công tác phòng dịch… Thành phố cũng lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 do 4 đồng chí trong Thường trực Thành ủy và 1 Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn tới từng địa phương đơn vị để đôn đốc, yêu cầu sát sao từng giờ, từng phút, từng khâu công tác để chuẩn bị thật kỹ cho mọi kịch bản có thể xảy ra…
Bữa cơm vội vã của cán bộ UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) trong những ngày căng thẳng ở tâm dịch Covid-19
Mệnh lệnh từ trái tim
Không quản ngày đêm, các lực lượng của địa phương và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ, nỗ lực bền bỉ để xử lý các ổ dịch. Nhiều biện pháp phòng dịch mạnh mẽ, hiệu quả đã được Hà Nội thực hiện trước khi được Chính phủ cho áp dụng trên toàn quốc. Nhưng, quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định, chính là sự đóng góp của toàn thể người dân Hà Nội và cả nước. Người dân đã chấp hành rất tốt yêu cầu cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, chấp nhận nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần để ưu tiên tất cả cho phòng chống dịch bệnh. Những đóng góp to lớn đó, không thể nói hết bằng lời, thế nên, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, địa phương đã gửi tới toàn thể nhân dân lời cảm ơn, tri ân sâu sắc vì sự sẻ chia đầy trách nhiệm ấy.
Chăm lo các mặt đời sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước cũng kịp thời đưa ra chính sách an sinh xã hội trong mùa dịch Covid-19 với Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tại Hà Nội, tính tới 20-5-2020, có 385.516 người được nhận hỗ trợ với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tới 2-7-2020, hơn 17.000 người lao động, 992 hộ kinh doanh… được nhận hỗ trợ 17,3 tỷ đồng.
Đặc biệt nữa là hàng trăm chuyến bay đưa đồng bào ta ở các vùng dịch nước ngoài về nước. Không chỉ là lời cảm ơn, sự cảm thông, xúc động bởi những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào, nhiều người đã bật khóc thốt lên: “Thật tuyệt vời, tự hào là người con Việt Nam!”. Và không thể không nhắc tới kỳ tích cứu sống phi công người Anh - bệnh nhân số 91 và nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng khác. Cộng đồng quốc tế đã nghiêng mình ghi nhận lòng nhân ái và nỗ lực phi thường của đất nước, con người Việt Nam trong gần 100 ngày để giành lại sự sống cho phi công người Anh…
Những ngày cuối tháng 7 và tháng 8-2020 này, Hà Nội lại nóng với những ca bệnh Covid-19 mới được phát hiện. Không lơ là, chủ quan, tự mãn với thành tích trong giai đoạn trước, 10 triệu người dân Hà Nội và hàng trăm nghìn chiến sỹ chống dịch vẫn kiên cường trên trận tuyến, để có thể giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước…
“Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương đã làm trong những ngày chống dịch Covid-19 vừa qua. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Việc xuất hiện các ca bệnh từ nước ngoài về chứng tỏ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền…”.
(Tiến sĩ Kidong Park, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam)
“Là đảng viên, tôi luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ”
“Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, tôi đã tham gia nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương. Mỗi chuyến bay đều rất đặc biệt nhưng đáng nhớ nhất là chuyến bay đến Bata - Guinea Xích đạo vào cuối tháng 7 với gần 130 hành khách được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Có người cho là nguy hiểm nhưng tôi nghĩ, chuyến bay đó cũng giống như tất cả các chuyến bay khác, bởi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đoàn bay, của Vietnam Airlines và của tôi - cơ trưởng, cũng là một Đảng viên.
Vào Đảng năm 1999, nay là cơ trưởng, tôi luôn tâm niệm mình phải gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, dù nguy hiểm hay khó khăn. Bởi vậy, trong số 150 phi công, tiếp viên tình nguyện tham gia phi hành đoàn, tôi là người nhận nhiệm vụ cầm lái. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, đoàn bay 919 và Vietnam Airlines, chúng tôi đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, được áp dụng cho tất cả các chuyến bay về từ vùng dịch. Bởi vậy, tất cả thành viên phi hành đoàn đều an toàn tuyệt đối”.
(Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, Phó Bí thư chi bộ Đội bay A350 phía Bắc, Đoàn bay 919- Vietnam Airlines)
Bài 2: Những đêm trắng ở Trúc Bạch và “chìa khoá” an dân
Đêm 6-3-2020, Hà Nội không ngủ. Mạng xã hội sôi sục vì Covid-19 chính thức xâm nhập Thủ đô. Đêm ấy, những người Đảng viên, cán bộ cơ sở ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) - nơi phát hiện ca dương tính đầu tiên của Hà Nội - càng không thể ngủ. Họ tạm bỏ lại phía sau gia đình, người thân và cả nỗi sợ bản năng để tới từng nhà ca bệnh F0 thuyết phục các F1 tự nguyện đi cách ly y tế.
Lễ kỷ niệm ngày 8-3 đáng nhớ tại UBND phường Trúc Bạch lúc hơn 23h
Mình không đích thân vận động, sao dân tin
Hơn 4 tháng sau ngày phường Trúc Bạch “đánh đuổi” được SARS-CoV-2, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy có vẻ vẫn chưa lấy lại được trạng thái “cân nặng cũ” sau khi sụt mất gần 4kg trong đợt chống dịch.
“Trận chiến” chống Covid-19 của phường Trúc Bạch diễn ra chưa đầy một tháng, nhưng người “chỉ huy trưởng” và cán bộ của phường đã xử lý khối lượng công việc bằng mấy tháng cộng lại, khi vừa chống dịch, vừa phải giải quyết các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn với nhiều đêm thức trắng, ăn nghỉ tạm bợ.
“Chiều 6-3, chúng tôi nhận được thông tin về ca dương tính ở phường. Sau cuộc họp gấp tại UBND quận, tôi trở về phường lập tức triển khai chống dịch. Thực sự lúc ấy chúng tôi khá bối rối vì chưa gặp tình huống như thế bao giờ. Tin tức lan đi rất nhanh, người dân hoang mang, cán bộ cũng lo lắng. Tôi chỉ nghĩ cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân, cán bộ”, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy nhớ lại.
Trước đó, mùng 3 Tết Canh Tý, phường Trúc Bạch đã “đón” 2 vị khách du lịch đến từ Vũ Hán (Trung Quốc). Dù 2 vị khách này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhưng đó dường như là một “điềm báo”. Trước 6-3, phường đã xây dựng phương án diễn tập ứng phó Covid-19 nhưng còn chưa kịp triển khai thì ca bệnh đầu tiên đã xuất hiện.
Mọi việc sau đó diễn ra vô cùng khẩn trương. Cuối chiều 6-3, đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, quận Ba Đình, Sở Y tế Hà Nội đều đến phường Trúc Bạch khảo sát để lên phương án cách ly… Phường lập ngay 4 tổ công tác gồm lãnh đạo phường, cảnh sát khu vực, cán bộ y tế, các Bí thư chi bộ tổ dân phố… để triển khai công việc.
Chạng vạng hôm ấy, các tổ công tác gõ cửa từng nhà dân để thông báo tình hình dịch bệnh, điều tra lịch sử tiếp xúc với ca bệnh và động viên nhân dân bình tĩnh. Việc quan trọng nhất khi đó là phải vận động, thuyết phục các trường hợp F1 đi cách ly y tế ngay để tránh nguy cơ lây lan.
“Không có thiết bị phòng hộ nào ngoài chiếc khẩu trang, tôi cũng lo lắm nhưng nếu đích thân Chủ tịch phường không vào từng nhà nói chuyện thì dân họ sẽ không tin tưởng, không chịu đi vì lúc đó đã nào ai biết đi cách ly ra sao. Nếu chần chừ, lo sợ, sẽ hỏng việc” - đồng chí Nguyễn Dân Huy nói.
Trụ sở phường sáng đèn cả đêm, không ai được ngủ vì còn phải lo công việc. Chiều tối hôm đó, đồng chí Nguyễn Dân Huy vừa trực tiếp tham gia các tổ công tác, vừa nhận hàng trăm cuộc điện thoại.
“Cứ nhận xong một cuộc điện thoại là thấy 3-4 cuộc gọi nhỡ, đủ biết độ nóng của Trúc Bạch khi đó thế nào”, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ.
Nhịp sống bình yên trong con phố bị cách ly
Phải đặt mình vào vị trí người dân
“Nhân viên y tế, cán bộ phường rầm rập đi lại cả đêm. Khung cảnh ấy bà con chưa từng trải qua nên rất nhiều người lo lắng. 3h sáng 7-3, trường hợp cuối cùng thuộc diện cách ly tập trung được đưa lên xe, tôi về phường nhưng trong đầu vẫn ong ong tính toán xem ngày mai sẽ làm gì, sắp xếp công việc ra sao để lo cho dân…”, vị Chủ tịch phường bộc bạch.
Trời vừa hửng sáng, 7h30 ngày 7-3, thành phố triệu tập họp khẩn. Thông tin từ cuộc họp cho biết, từ đêm 6-3, nhiều người đổ ra siêu thị mua gom hàng hóa gây náo loạn. Ngồi dự cuộc họp ấy, đồng chí Nguyễn Dân Huy chợt bừng tỉnh. “Chìa khóa” ở Trúc Bạch lúc này là phải an được lòng dân!
“Đơn giản là phải đặt mình vào vị trí của người dân trong khu cách ly. Họ đang cần gì nhất lúc này, chính quyền đáp ứng đầy đủ thì tình hình sẽ ổn định ngay. Chúng tôi quyết định mua nhu yếu phẩm cung cấp cho bà con trong khu cách ly hàng ngày. Việc này được thông báo ngay trên loa để người dân nắm rõ”, đồng chí Nguyễn Dân Huy kể.
Trong khu cách ly có 6-7 trường hợp là người nước ngoài sinh sống, nhu cầu thiết yếu của họ rất khác nhưng cán bộ phường cố gắng đáp ứng đủ, kể cả mua hoa quả, bánh pizza cho họ. Có trường hợp cụ ông bị tiểu đường lại đúng dịp hết thuốc, phải xét nghiệm, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cử cán bộ y tế đến nhà lấy mẫu máu mang đi xét nghiệm và mua thuốc cho cụ.
Sang ngày thứ hai cách ly, người dân được đảm bảo nhu yếu phẩm, được hướng dẫn, chăm sóc về y tế, có cán bộ y tế đến đo thân nhiệt ngày 2 lần… nên tâm lý dần ổn định. Hai hộ gia đình trong khu này trước đó đi vắng còn tự nguyện xin vào khu cách ly vì cảm nhận được bên trong an toàn hơn bên ngoài!
Các chiến sĩ CAP Trúc Bạch trao tận tay những túi rau xanh cho người dân trong khu vực cách ly
Bài học gần dân
Là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Trúc Bạch, bà Nguyễn Thị Minh Trang tham gia phòng, chống dịch Covid-19 từ những phút đầu tiên. “Tối 6-3, mọi người làm việc xuyên đêm, gần 21h, mới được ăn tối. Không ai nói gì nhưng tôi thấy trong ánh mắt các đồng chí lãnh đạo phường áp lực lớn chưa từng có”, bà Nguyễn Thị Minh Trang nhớ lại.
Nhìn những món ăn khô khốc, bà Minh Trang nghĩ không ai ăn nổi nên vội về nhà (đối diện UBND phường) nấu nhanh vài bát mì nóng, rán trứng ngải cứu mang sang. Vừa ăn được đôi ba miếng, lực lượng phòng dịch của thành phố đã tới, mọi người vội vã đứng lên. Bát mì nóng hổi bị bỏ dở!
Những ngày sau đó, cán bộ phường Trúc Bạch cách ly tại chỗ cùng người dân. Trong khi các gia đình cách ly tại nhà thì cán bộ phường Trúc Bạch “làm bạn” với cơm hộp, mì gói và ở tạm trong trụ sở còn chưa kịp khánh thành. Căn phòng ở tầng 3 trụ sở UBND phường sáng đèn 24/24h. Qua lớp cửa kính, người dân khu phố thấy cán bộ phường đi lại, làm việc không ngừng nghỉ mà hàng ngày chỉ ăn “cơm bụi” nên rất thương.
“Người dân nấu nhiều món ăn mang tới phường mời chúng tôi, bảo ăn đi có sức mà chống dịch. Chúng tôi cảm động lắm nhưng không dám nhận đồ mà chỉ nhận tình cảm của bà con bởi có nhận cũng không được ăn vì phải chấp hành quy định về phòng dịch”, đồng chí Nguyễn Dân Huy bồi hồi nhớ lại.
Hàng ngày, bà Minh Trang liên lạc với hàng xóm qua điện thoại để nắm bắt tình hình của họ, sau đó thông báo tới phường để điều chỉnh cho phù hợp. “Hộ đông người, thiếu rau xanh, phường sẽ phát thêm hoặc người còn dư sẽ chia sẻ với người bị thiếu. Nói chung là không để ai bị thiếu hụt gì. Người dân cũng khá thoải mái đi bộ hoặc tập thể dục thư giãn trong khu phố. Đôi lúc, anh Huy - Chủ tịch UBND phường lại đeo khẩu trang, xuống sân đá bóng (môn thể thao ít tiếp xúc trực tiếp) cùng trẻ em trong khu phố… Người dân cứ đùa là biết bao giờ mới có lại những kỷ niệm đáng nhớ như thế”, bà Nguyễn Minh Trang kể.
Nhớ lại quãng thời gian này, đồng chí Nguyễn Dân Huy xúc động: “Công việc căng thẳng đến mức chị Trạm trưởng trạm y tế phường máu cam chảy ròng ròng lúc nào không biết. Có nữ cán bộ vừa đánh máy báo cáo vừa khóc vì quá áp lực, cảm giác không chịu nổi… Phải xa nhà ít nhất 14 ngày, lại gánh trên vai trọng trách, nam giới còn hụt hơi nữa là phụ nữ…”.
23h đêm 8-3, Chủ tịch phường Trúc Bạch cử người mua hoa về chúc mừng chị em cán bộ phường. Buổi lễ ấm cúng, xúc động kết thúc lúc gần 24h và trở thành kỷ niệm đáng nhớ với họ. Tất nhiên, hậu phương của cán bộ nam giới phường Trúc Bạch - những người mẹ, người vợ - chỉ nhận được lời chúc mừng qua điện thoại, không quà cũng không hoa…
21h ngày 20-3, phường Trúc Bạch được gỡ bỏ lệnh cách ly. Tất cả như vỡ òa khi Trúc Bạch bình yên trở lại. Đó lại là một “đêm trắng” nữa với Trúc Bạch. 4h sáng, buông mình xuống chiếc ghế trong phòng làm việc, đồng chí Nguyễn Dân Huy lần đầu tiên “thở phào nhẹ nhõm” và mới bắt đầu cảm nhận được sự mệt mỏi đã tích tụ trong hơn 2 tuần qua...
Trong phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của cán bộ địa bàn cơ sở là rất quan trọngNiềm tin không dễ có
“Chúng tôi bị sốc khi biết nhà mình ở gần ca bệnh số 17. Ai cũng sợ lây bệnh! Chứng kiến không khí căng thẳng khi xe phun khử khuẩn toàn khu phố, cán bộ y tế đi lại như con thoi… chúng tôi càng sợ. Sau đó, nhờ hướng dẫn phòng dịch của cán bộ y tế, UBND phường, chúng tôi dần yên tâm. Càng về sau, mỗi khi nghe tin có ca bệnh mới ở đâu đó, chúng tôi lại nghĩ có lẽ mình đang được ở nơi an toàn nhất Hà Nội. Niềm tin không dễ có nhưng chính quyền phường đã làm được”.
(Bà Phạm Thanh Huyền, số 95 Trúc Bạch)
Các chiến sĩ Công an luôn ở bên chúng tôi
“Ở đâu đó, chúng ta cứ nghĩ tới cán bộ là thấy chỉ thị, nghị quyết cứng nhắc, nhưng phải trải qua gian khó mới hiểu được lòng nhau. Qua dịch bệnh, khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân được rút ngắn lại. Cũng trong 14 ngày bị cách ly, các chiến sĩ Công an luôn ở bên chúng tôi, đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi. 24/24h, các anh căng sức bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho dân. Dù đối diện nguy cơ có thể bị lây nhiễm Covid-19 bất cứ khi nào do phải vào tận nhà bệnh nhân làm nhiệm vụ nhưng các anh sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng”.
(Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4, phường Trúc Bạch)
Tạm gác hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ
Tranh vẽ: “Bố và đồng đội tiếp thực phẩm cho người dân trong khu cách ly phòng chống dịch Covid-19”. Tác giả: Lê Vũ Thanh Vân - lớp 2D, trường Tiểu học Việt Nam - Cuba. Tác phẩm đoạt giải Nhì cuộc thi “Thông điệp chiến thắng” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Hội đồng Đội quận Ba Đình tổ chức tháng 3-2020
“Chiều 6-3, khi thông tin phố Trúc Bạch có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Hà Nội còn chưa được chính thức công bố, chúng tôi đã hình dung được những công việc dự kiến sẽ phải làm. CAP Trúc Bạch lập tức huy động 100% quân số, bàn phương án hoạt động và phối hợp với các lực lượng khác của phường triển khai công việc. Theo dõi kỹ thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam trước đó đã giúp tôi định hình sẵn một vài kế hoạch trong đầu nếu tình huống đó xảy đến. Trong phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của lực lượng Công an là rất quan trọng, đặc biệt là cảnh sát khu vực. Tôi cùng các đồng chí cảnh sát khu vực đã trao đổi nhanh với người dân thuộc diện F1, F2 để họ bước đầu hiểu được tình hình. Lực lượng Công an cơ sở với lợi thế thông thạo địa bàn, nhân khẩu đã đến từng gia đình có nguy cơ để kịp thời tuyên truyền về cách phòng dịch, vận động bà con chấp hành nếu phải đi cách ly… Chúng tôi cũng liên lạc với công an các phường khác thông báo về lịch trình đi lại của ca bệnh để họ phối hợp hành động. Một số người bối rối khi khai báo lịch trình di chuyển nên họ bỏ sót, do đó, một nhóm khác sẽ rà soát camera an ninh tại khu vực bệnh nhân cư trú hay thường xuyên đến để hình dung đầy đủ lịch sử đi lại của họ. Khi có quyết định cách ly chính thức, tôi cùng đồng chí cảnh sát khu vực và các cán bộ khác vào từng nhà dân vận động họ đi cách ly tập trung. Có chỉ huy CAP đến, người dân càng thêm an tâm tin tưởng, nhất là những hộ gia đình phải đi cách ly tập trung cả nhà. Chúng tôi phải đảm bảo tài sản cho họ trong suốt thời gian họ vắng nhà. Tôi cũng nhắc họ tắt từng công tắc điện, nước trước khi đi... Khối lượng công việc rất lớn, các chiến sĩ phải thay nhau chốt chặn 24/24h tại khu vực bị cách ly. Tất cả cán bộ CAP Trúc Bạch ăn ngủ tại phường trong suốt thời gian phố Trúc Bạch bị cách ly tập trung. Công việc bận rộn và dồn dập tới mức chúng tôi không có thời gian để “sợ” SARS-CoV-2 nữa. Tất cả đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch vì sự an toàn của người dân, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Có chiến sĩ của chúng tôi vừa hoàn tất các thủ tục để kết hôn, đã thuê địa điểm và ấn định ngày cưới nhưng vì dịch bệnh, mọi việc phải hoãn lại. Đây là sự kiện lớn của đời người nhưng đồng chí ấy đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng không phải chỉ riêng đồng chí đó, tất cả chúng tôi đều xác định như vậy, tạm gác hạnh phúc riêng để chung tay cùng người dân vượt qua giai đoạn phòng chống dịch bệnh khó khăn này”. (Trung tá Lê Anh Quang Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an phường Trúc Bạch) |
Bài 3: Ai cũng hoảng hốt, đảng viên không đi trước thì ai theo”
Chúng tôi trở lại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) trong bối cảnh “làn sóng” thứ hai của dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh tại Đà Nẵng và đang lan ra nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Hơn 2 tháng trước, Hạ Lôi chính là điểm cuối cùng của thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội động viên lực lượng làm nhiệm vụ trong khu vực bị phong tỏa
Nhịp sống bình thường đã trở lại ở một trong hai địa điểm từng là ổ dịch “nóng” nhất Thủ đô. Hơn 2 tháng nay, địa phương này không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Lúc này, kinh nghiệm và bài học chống dịch từ các tâm dịch giai đoạn I như thôn Hạ Lôi rất đáng để suy nghĩ.
Thử thách cực đại
Nhớ lại ngày đầu khi nhận được thông báo có người trong thôn dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới ổ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai (sau đó, Bộ Y tế công bố là ca bệnh số 243), ông Nguyễn Viết Minh, Bí thư chi bộ thôn Hạ Lôi cho biết, dù đã chủ động phòng chống dịch từ đầu năm nhưng dư luận nhân dân không khỏi bất ngờ, hoang mang. Thời điểm đó, Hà Nội đã có bệnh nhân Covid-19 ở “điểm nóng” Trúc Bạch (quận Ba Đình), thế nhưng, ở một xã ngoại thành cách nội đô 20-30 km bên kia sông Hồng, mọi người vẫn nghĩ dịch đang ở đâu đó phía xa.
Virus gây đại dịch tràn về mang đến bầu không khí căng thẳng, hoang mang bao trùm ngôi làng trù phú ven đê. Từ thành phố, huyện, ngành y tế… các chỉ đạo dồn dập đưa về xã. Đảng ủy, chính quyền xã họp liên tục để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, triển khai các giải pháp. Bí thư chi bộ thôn như ông Minh càng cảm nhận rõ áp lực, như chính ông thừa nhận là “lúc đầu cũng hoảng, lo lắng lắm”.
Trong thôn, những người là F1 của bệnh nhân 243 nhanh chóng được đưa đi cách ly tập trung. Những trường hợp F2, F3 tiếp tục được xác minh. Lực lượng y tế từ thành phố, huyện được huy động về để làm nhiệm vụ, phun khử khuẩn môi trường. Hai ngày sau, có lệnh phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi với gần 11.000 nhân khẩu. Cả 10 ngả đường ra vào thôn đều được lập rào chắn, chốt chặn, có lực lượng Công an, Quân đội bảo vệ nghiêm ngặt đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”... Đến lúc này, người dân trong tâm dịch mới hiểu được thế nào là tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái đến từng nhà dân trong thôn Hạ Lôi động viên bà con thực hiện nghiêm cách ly
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
Nhờ những chỉ đạo liên tục, kịp thời, quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tới địa phương, từ xã xuống thôn, xóm nên sau khoảng 2-3 ngày đầu, công tác chống dịch dần đi vào quỹ đạo. “Đảng ủy, UBND xã giao nhiệm vụ cho thôn chúng tôi thành lập các tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng, mỗi tổ 2-3 người và phụ trách khoảng 40 hộ. Toàn thôn có 9 xóm nên tính ra phải thành lập tới hơn 70 tổ. Lấy đâu ra ngần ấy con người tham gia vào các tổ này? Chưa kể lúc đó không hề có thông tin gì về phụ cấp cho các thành viên tham gia mà kể cả có phụ cấp cũng khó tìm người bởi đối đầu với Covid-19 thì ai chẳng sợ?” - đồng chí Nguyễn Viết Minh kể lại.
Phương án được Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo là huy động tổng thể toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Đầu tiên là huy động cán bộ xã, thôn, các Bí thư Chi bộ xóm, tổ trưởng các ngõ, cán bộ đoàn thể, hội, Mặt trận Tổ quốc. Tiếp đến là kêu gọi tính gương mẫu, tiền phong của các đảng viên. Khi cán bộ, đảng viên đã tích cực tham gia, hiệu ứng tích cực mới lan tỏa, nhiều người dân cũng bắt đầu xung phong, tình nguyện tham gia vào đội…” - đồng chí Minh nhớ lại.
Nhiệm vụ của các tổ Covid-19 cộng đồng là sáng hàng ngày đến từng nhà dân trong khu vực được phân công để nắm tình hình, đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe của người dân ghi vào sổ; buổi chiều tổng hợp lại báo cáo về xã và cơ quan y tế. Nếu thấy trường hợp nào sốt, ho, hay có tình trạng trốn cách ly ra ngoài thì thông báo ngay cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn, để thôn báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã và Trung tâm y tế. Thực tế, hoạt động của các tổ Covid-19 rất hiệu quả, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên.
Mới nghe khá đơn giản nhưng theo ông Minh, sự thực là để lập, duy trì và phát huy được hiệu quả của các tổ Covid-19 cộng đồng không dễ chút nào. Lúc đầu, tâm lý của những người được phân công tham gia vào các tổ ít nhiều đều lo ngại. Sau vài ngày, số mắc Covid-19 trong thôn liên tục tăng lên, từ 1 ca thành hơn 10 ca, số người là F1 rải khắp, nên mức độ lo lắng càng lớn hơn.
Có người tham gia được 1, 2 buổi rồi xin nghỉ, báo lại “tôi vừa biết mình là F1 nên phải cách ly”, thế nhưng sau mới biết là do áp lực từ vợ con, không cho họ đi. Có người thẳng thừng từ chối tham gia vì “nếu tôi bị lây Covid-19 thì ai chịu trách nhiệm?!. Vì thế, yếu tố quyết định lúc này, lãnh đạo xã xác định là phải đả thông tư tưởng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã ngày nào cũng trực tiếp tới thôn kiểm tra và động viên các tổ Covid-19, phân tích, giải thích cho những người tư tưởng dao động, hoang mang.
“Tôi là Bí thư chi bộ thôn cũng được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ gặp riêng hoặc điện thoại động viên các tổ Covid-19 yên tâm làm nhiệm vụ. Chúng tôi phân tích cho cán bộ, đảng viên trong thôn rằng, nếu cán bộ, đảng viên không xung phong đi trước thì ai dám theo, rồi nếu dịch bùng phát trong cộng đồng thì bản thân mình cũng khó an toàn… Khi tư tưởng được đả thông và lan tỏa thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. Sau khoảng 1 tuần, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quyết định thưởng nóng mỗi tổ Covid-19 2 triệu đồng, có ý nghĩa động viên rất kịp thời” - đồng chí Minh chia sẻ.
Lực lượng y tế về xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội lúc phong tỏa
Khi dân tin và đồng lòng, chắc chắn thành công
Cùng với việc lập ra các tổ Covid-19 cộng đồng, Đảng ủy, UBND xã Mê Linh cũng chỉ đạo Hội Nông dân xã lập ra các tổ vận chuyển nhu yếu phẩm. Vì toàn bộ thôn Hạ Lôi bị phong tỏa nên việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho bà con trong thôn là rất quan trọng. Để bà con yên tâm ở tại nhà cách ly, các tổ vận chuyển hàng hóa có nhiệm vụ hàng ngày ra điểm chốt chặn đầu thôn nhận hàng cấp phát rồi chuyển đến từng ngõ xóm, sau đó các tổ Covid-19 sẽ thông báo đến từng hộ dân lần lượt ra nhận để đảm bảo giãn cách.
“Số hộ dân trong thôn tới gần 11.000 người nhưng chúng tôi đảm bảo phát hàng hóa đầy đủ cho từng hộ, không ai bị thiếu hay thất lạc hàng hóa, nếu có thì phải giải thích và cấp bù ngay cho bà con. Kể cả những người dân đặt ship hàng hóa, thuốc men, thức ăn từ bên ngoài chuyển đến, tôi hoặc một số cán bộ, thành viên tổ Covid-19 vẫn ra khu vực chốt phong tỏa nhận hàng và chuyển đến tận nhà cho họ… Vì thế, bà con cơ bản đều rất yên tâm cách ly tại nhà” - Bí thư chi bộ thôn Hạ Lôi nói.
Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở thôn Hạ Lôi, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái nhấn mạnh, muốn chống dịch hiệu quả, nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng lòng của nhân dân. Mệnh lệnh chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền là rất quan trọng nhưng dù có chỉ đạo quyết liệt đến đâu mà nếu người đứng đầu không nêu cao trách nhiệm, người cán bộ, đảng viên ở cơ sở không gương mẫu đi đầu thì khó thuyết phục được nhân dân tin theo, ủng hộ, thậm chí là chấp nhận chịu thiệt hại vì lợi ích chung của cộng đồng.
“Thôn Hạ Lôi có nghề trồng hoa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Rất nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô lớn, vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều hộ có trang trại trồng hoa trên Sa Pa (Lào Cai). Thế nên, khi bị phong tỏa, người dân không thể ra đồng chăm hoa, thu hoạch, thiệt hại kinh tế rất lớn. Chúng tôi đã chủ động và kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, hợp tác, chấp nhận chịu thiệt hại kinh tế trước mắt để chung tay với địa phương đẩy lùi dịch bệnh” - đồng chí Thái dẫn chứng.
Có thể nói, thành công từ việc đẩy lùi và khống chế được dịch Covid-19 ở ổ dịch thôn Hạ Lôi là tiền đề quan trọng tiến tới Đại hội Đảng bộ xã Mê Linh vừa qua diễn ra thành công tốt đẹp, với khí thế phấn khởi cùng niềm tin của nhân dân vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của địa phương trong nhiệm kỳ mới 2020-2025.
Bài 4: Lan toả tinh thần xung kích trong “cơn bão” Covid-19
Đại dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam, nhiều bệnh viện ở Hà Nội trở thành ổ dịch hoặc tuyến đầu chống dịch. Ở “điểm nóng” nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ… vì sợ mà xin nghỉ việc trong khi nhiều y bác sĩ của bệnh viện khi về nơi cư trú bị hàng xóm xa lánh, kỳ thị.
Đối mặt với tất cả những hiểm nguy, gian nan đó, ngoài tinh thần trách nhiệm với nghề, lương tâm đạo đức người thầy thuốc, mỗi cán bộ, nhân viên y tế rất cần bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần tiền phong, gương mẫu, dấn thân, không ngại gian khổ của người đảng viên.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, thăm khám cho bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh: Tuấn Mark)
“Đừng gọi chúng tôi là người hùng”
Giữa tháng 5-2020, khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất cơ bản được kiểm soát, nơi tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất cả nước là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025. Báo cáo chính trị trình Đại hội chỉ nêu khá vắn tắt: “Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn thể đảng viên trong Đảng bộ Bệnh viện đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác xây dựng đảng, công tác lãnh đạo chính quyền và đoàn thể nhằm hoàn thành tốt 7 chức năng, nhiệm vụ…”.
Đặc biệt, dù là tuyến đầu về điều trị Covid-19 của cả nước, cũng là một trong những thành trì quan trọng bậc nhất ở đợt dịch này, nhưng phần báo cáo thành tích chống dịch của Đảng bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chỉ tóm lược khiêm tốn: “Cuối năm 2019 đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới. Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã quyết liệt chỉ đạo chủ động lập khu cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện; Chủ trì xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị trình Bộ Y tế ban hành, áp dụng trong toàn quốc; Cử cán bộ y tế tham gia đoàn đón công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước, tổ chức cách ly, theo dõi, chăm sóc đảm bảo an toàn, được Bộ Y tế và cộng đồng đánh giá rất cao...”.
Lúc này nhìn lại, nhiều y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được nhân dân tôn vinh như những “người hùng chống dịch Covid-19”. Người ta cũng nhớ nhiều đến câu chuyện cảm động về sự dấn thân, hy sinh của những y bác sĩ hàng tháng trời lấy bệnh viện làm nhà dù bản thân có con nhỏ. Thậm chí, có cặp vợ chồng trẻ làm cùng bệnh viện, ở 2 khoa cạnh nhau mà cả tháng chỉ được nhìn nhau ít phút mỗi ngày qua cửa kính của khoa phòng cách ly…
Tất nhiên, khi nhắc đến nhân viên y tế, người ta thường nghĩ ngay đến chức trách, nhiệm vụ của họ là làm nhiệm vụ cứu người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thậm chí cho rằng sự hy sinh đó là công việc mà họ đã lựa chọn và phải chấp nhận. Thế nhưng, thực tế, tinh thần dấn thân vì người bệnh của mỗi nhân viên y tế được hun đúc từ khi còn học trong các trường y, được giáo dục thường xuyên qua các bài học về đạo đức nghề nghiệp - một nghề cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò “Lương y như từ mẫu”.
Và một vế quan trọng nữa, những y bác sĩ tham gia chống dịch cũng là đảng viên, cán bộ, viên chức trong một bộ máy Nhà nước. Họ làm việc, dấn thân vì trách nhiệm, vì sự an toàn của người bệnh, chứ không phải để mong được gọi là những “người hùng”.
Một trong những bác sĩ được nhắc tới nhiều nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp. Ông vừa được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện vào ngày 27-7.
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, lúc đó là Trưởng khoa Cấp cứu, Đảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện đã phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu, xung phong ở lại “cắm chốt” tại bệnh viện ở cơ sở 2 tại Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Hơn 1 tháng sau đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp không một lần được về nhà, chỉ có 1-2 lần ông bước chân ra khỏi cổng bệnh viện, khi được Bộ Y tế triệu tập đến báo cáo tình hình.
“Khi tiếp xúc, thăm khám trực tiếp cho người bệnh như vậy, bản thân ông có lo lắng bị lây bệnh hay không?”. “Đương nhiên là lo chứ, làm gì có ai mà không lo” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trả lời câu hỏi của phóng viên một cách hết sức thẳng thắn. Song, nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ông đã quá quen với điều kiện làm việc như vậy.
Còn với các đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Thời gian đầu khi dịch bùng phát, nhiều người tỏ ra hoảng loạn quá mức. Nỗi lo sợ ấy còn được những kẻ bất lương thổi bùng lên bằng cách đơm đặt, tung tin giả trên mạng xã hội, tạo thêm gánh nặng cho đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu ở tuyến đầu.
“Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa thường xuyên kiểm tra, nắm tâm tư nguyện vọng của nhân viên để động viên kịp thời, giải tỏa những áp lực cho họ. Nhờ thế, đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn kiên cường ở tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, một số nhân viên dọn vệ sinh, bảo vệ bệnh viện thì có sự dao động. Một vài người đã nghỉ việc khiến cán bộ y tế phải kiêm luôn việc dọn dẹp, trong khi nhiệm vụ chuyên môn chồng chất” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể lại.
Nêu cao trách nhiệm người Đảng viên
Tại Hà Nội, Bệnh viện dã chiến Mê Linh được xây dựng rất nhanh để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh mà bệnh viện dã chiến này sau khi khánh thành chưa từng đi vào hoạt động.
Trong số 130 nhân sự y tế dự kiến được huy động đến Bệnh viện dã chiến Mê Linh làm nhiệm vụ, ngoài nhân sự quản lý và các chuyên gia từ tuyến thành phố cử về, có hơn 90 y bác sĩ được huy động từ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh - một bệnh viện tuyến huyện tầm trung và cũng đang phải căng sức, cắt cử cán bộ tham gia “trực chiến” tại tâm dịch thôn Hạ Lôi, lúc đó đang là ổ dịch “nóng” nhất Thủ đô.
Dẫu rất khó khăn vì nhân lực có hạn, chỉ trong một thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã bố trí đủ danh sách 90 nhân viên y tế cử đi tập huấn để sẵn sàng vào Bệnh viện dã chiến nhận nhiệm vụ mới. Con số báo cáo lên huyện, Sở Y tế và thành phố rất tích cực. Song để bố trí được nhân sự như vậy không đơn giản. Ở một bệnh viện tuyến huyện, tỷ lệ bác sĩ không cao, những nhân viên y tế thu nhập còn thấp, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhất là việc phải đối mặt trực tiếp với một đại dịch nguy hiểm toàn cầu như Covid-19, tâm lý hoang mang là khó tránh khỏi.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mê Linh Đỗ Viết Tuyến chia sẻ, lúc đó, vai trò của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các tổ chức đoàn thể của bệnh viện, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên cần được phát huy cao nhất.
Đảng ủy bệnh viện đã họp để quán triệt tới toàn bộ gần 70 đảng viên, từ các lãnh đạo khoa phòng tới y bác sĩ, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa đến các nhân viên y tế còn lại. Bản thân bác sĩ Đỗ Viết Tuyến là Giám đốc bệnh viện cũng trực tiếp vào tâm dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh mổ cấp cứu thành công 2 bệnh nhân nguy kịch. Cả 2 ca mổ đều diễn ra thâu đêm... Cứ thế, từ đảng viên đến nhân viên hợp đồng đều sẵn sàng tình nguyện vào “điểm nóng” để cứu chữa bệnh nhân, có những khoa, phòng chỉ có 8 người thì 7 người xung phong.
“Tại thời điểm huy động nhân sự vào Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, cán bộ nhân viên trong diện được huy động đều thể hiện tinh thần tự nguyện rất cao, dù biết vào đây là phải vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này một lần nữa cho thấy, giữa tâm dịch, tinh thần y đức lại sáng ngời, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên, viên chức được nêu cao” - bác sĩ Đỗ Viết Tuyến tự hào kể lại.
Nhắc đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bên cạnh chuyên môn, trong công tác sinh hoạt Đảng, Đảng bộ bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi học tập chuyên đề, lồng ghép việc quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của các cấp ủy đảng tới cán bộ nhân viên, người lao động.
Đặc biệt, Đảng bộ bệnh viện khóa II đã tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. “Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Đảng bộ bệnh viện đã có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, khoa phòng nhận được sự khen ngợi của bệnh nhân…” - đồng chí Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Bài 5: Càng "nước sôi, lửa bỏng", vai trò người đảng viên càng phải mạnh mẽ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, càng trong những thời khắc “nước sôi, lửa bỏng”, trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đất nước, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng được thể hiện mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị cách ly Trung tâm y tế Bình Sơn cơ sở 2, Quảng Ngãi. Ảnh: Tuấn Dũng
Ở những kỳ trước, chúng tôi đã ghi lại nhiều câu chuyện đời thường, giản dị trong cuộc chiến đấu chống virus SARS-CoV-2 nhưng thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Để có cái nhìn xuyên suốt về tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Hình ảnh rất đẹp có sức lay động hàng triệu trái tim
- Trước diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ của dịch Covid-19, rất nhiều đảng viên, từ cán bộ phường tới nhân viên y tế hay Thứ trưởng Bộ Y tế… không ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng xung phong đi vào điểm nóng dịch bệnh để thực hiện nhiệm vụ, ông đánh giá thế nào về những tấm gương này?
- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước hết phải khẳng định, đây là những hình ảnh rất đẹp có sức lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam, từ đó, thổi bùng lên tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trên mặt trận không tiếng súng ấy, khi chiến đấu với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2, những cán bộ, đảng viên đã thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Chúng ta không thể thống kê hết được có bao nhiêu cán bộ, đảng viên công tác trong ngành y tế, đã thức trắng đêm, hàng tháng không về nhà để làm nhiệm vụ cứu người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bao nhiêu cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đã “ăn gió nằm sương” cùng với lực lượng y tế dự phòng tạo thành những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống giặc.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến tính tiên phong, đi đầu của người Đảng viên, tuy nhiên, trong cuộc sống bình thường, khó có thể tìm được phép thử đủ mạnh để chứng minh nó.
Lý luận và thực tiễn vẫn cách nhau một khoảng thời gian khi mà thế hệ trẻ ngày nay chưa từng trải qua những năm tháng kháng chiến cứu nước. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, không một người Việt Nam nào có thể quên được hình ảnh những “vị tướng” ngày đêm không ngủ để đưa ra những quyết sách kịp thời, hay sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu hiểm nguy nhất như: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn…
Chính sự gương mẫu đi đầu của những người đảng viên có sức mạnh lan tỏa, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng, củng cố niềm tin của nhân dân. Và sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc đó đã giúp Việt Nam thắng đẹp trong “chiến dịch” mở màn của cuộc chiến chống Covid-19.
- Như ông đã nói, phải có phép thử đủ mạnh thì bản lĩnh, sự tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên mới được bộc lộ. Phải chăng, lâu nay, yếu tố “tiên phong, gương mẫu” của cán bộ, đảng viên chưa được đánh giá đúng mức?
- Tôi cho rằng nhận định như vậy hơi phiến diện. Đảng ta chưa khi nào xem nhẹ yếu tố “tiên phong, gương mẫu” của người cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới vấn đề nêu gương của người cán bộ đảng viên, Người từng nói “cán bộ là gốc của cách mạng...” hay “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để răn dạy cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải giữ gìn lối sống giản dị, trong sạch và phẩm chất của người cách mạng. Trong những nhiệm kỳ vừa qua, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết đề cập tới vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Gần đây nhất Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là sự tiếp nối Quy định số 47 QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định 101/QĐ-TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định 55/QĐ-TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…
Hình ảnh những y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai rạng rỡ trong đêm 12-4 với những tiếng hô “Bạch Mai chiến thắng” vang lên vào thời khắc dỡ bỏ lệnh phong tỏa cách ly y tế khiến bất kỳ ai cũng xúc động Ảnh: LAM THANH |
Xử lý nghiêm vi phạm để siết chặt yếu tố nêu gương
- Vậy ông lý giải thế nào về việc không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí một số người ở vị trí lãnh đạo còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, làm gì cũng chỉ lo tư lợi, vun vén cá nhân, đã bị kỷ luật Đảng nghiêm khắc thời gian gần đây?
- Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên chưa gương mẫu, chưa trong sáng. Bên cạnh ý thức tự tu dưỡng của mỗi đảng viên, một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức cán bộ, đảng viên là việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng vẫn là khâu yếu, còn khoảng cách với đòi hỏi của thực tiễn.
Rõ ràng, việc để lọt vào bộ máy Nhà nước một số cán bộ, đảng viên có sai phạm có lỗi của tổ chức Đảng cơ sở. Bởi nếu như làm đúng nguyên tắc của Đảng, có sự giám sát chặt chẽ thì những cán bộ, đảng viên bị tha hóa bởi quyền lực đó không thể leo cao được.
Nhận thức rõ sự tha hóa về quyền lực chính là “căn bệnh” làm mất đi tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên; về lâu dài khiến quần chúng nhân dân bức xúc dẫn đến rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, sau Đại hội XII, chúng ta đã rất quyết liệt trong vấn đề này. Đến nay, có thể khẳng định, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thu được kết quả rất quan trọng. Đảng ta đã nghiêm khắc thi hành kỷ luật đối với số cán bộ vi phạm pháp luật, “xóa bỏ vùng cấm” trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong khóa này, có 2 Ủy viên Bộ Chính trị; nhiều Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Qua đó loại bỏ tư duy “hoàng hôn nhiệm kỳ” hoặc “hạ cánh an toàn”. Đây chính là bước tiến lớn trong quá trình quản lý, xử lý cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương.
- Mỗi cán bộ, đảng viên, cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất nhưng nói dễ làm khó. Theo ông, Đảng cần làm gì để tạo động lực cho đảng viên phấn đấu?
- Bao giờ cũng thế, để một tổ chức phát triển, cùng với việc thi hành kỷ luật nghiêm khắc, cần phải có những chính sách đãi ngộ, quy định về động viên, khen thưởng kịp thời tạo động lực phát triển.
Trong xây dựng Đảng cũng vậy, việc kỷ luật cán bộ góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng và có tác dụng cảnh báo, răn đe để cán bộ, đảng viên không đi “chệch đường ray”. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường chỉnh đốn Đảng, cũng cần chú trọng đến việc tạo động lực phát triển cho đảng viên. Lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài đã khó, giữ được cán bộ đủ đức, đủ tài còn khó hơn.
Về nguyên tắc, đảng viên phải trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; trong đó bao hàm cả yếu tố luôn gương mẫu, đi đầu trong các việc khó khăn, nguy hiểm. Điều này có thể tuyệt đối hóa trong thời kỳ chiến tranh hay ngay như trong chống dịch Covid-19 hiện nay. Nhưng trong cuộc sống bình thường, khi xây dựng, phát triển kinh tế, chúng ta cũng phải có cái nhìn bao dung hơn, cần phải có những chế độ đãi ngộ hợp lý để phát huy được bản lĩnh tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Ví dụ như tại Singapore, quan điểm của họ là thu nhập của khu vực công phải cao hơn khu vực thị trường để công bộc không nhũng nhiễu người dân.
Đất nước ta sau gần 35 năm đổi mới đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn có thể thấy, thu nhập của cán bộ, công chức nói chung, của đảng viên nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Rõ ràng, lương thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, chưa nói đến sự tiên phong, sáng tạo. Tất nhiên, đây là câu chuyện dài nếu đi vào phân tích, sẽ kéo theo nhiều vấn đề nhưng nói vậy để thấy rằng, để yếu tố “tiền phong, gương mẫu” đi vào thực chất, Đảng ta cũng cần quan tâm khen thưởng, có phương án quy hoạch, bổ nhiệm những đảng viên luôn gương mẫu, đi đầu.
Chìa khóa đánh thức tinh thần đoàn kết dân tộc
- Có thể thấy, trong giai đoạn I của cuộc chiến chống Covid-19, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên tác động rất lớn đến quần chúng nhân dân, tạo ra sức mạnh rất lớn. Vậy chúng ta cần vận dụng bài học thành công này thế nào thưa ông?
- Việt Nam đã trải qua một trận chiến chống Covid-19 căng thẳng và quyết liệt, chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua giai đoạn I nhờ sự vào cuộc chủ động, sáng suốt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân. Điều này một lần nữa chứng minh sứ mệnh dẫn dắt của Đảng, tính ưu việt của chế độ chính trị nước CHXHCN Việt Nam. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Kết quả chúng ta làm được trong phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi rất mừng, qua đây củng cố niềm tin trong nhân dân, tăng thêm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, dân tin Đảng, tin chế độ”.
Có thể thấy, trong thời điểm gian khó, hiểm nguy, bản lĩnh tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là chìa khoá đánh thức tinh thần đoàn kết dân tộc.
Đảng ta cần phát huy tốt yếu tố này trong toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Khó khăn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc, nhưng cán bộ, đảng viên dù ở vai trò, vị trí công tác nào cũng cần phải tự ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, gương mẫu, đi đầu, không ngại khó, ngại khổ để xứng đáng với những kỳ vọng mà Đảng giao phó.
- Xin cám ơn ông!
Có thể thấy, trong thời điểm gian khó, hiểm nguy, bản lĩnh tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là chìa khoá đánh thức tinh thần đoàn kết dân tộc. Đảng ta cần phát huy tốt yếu tố này trong toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh |
Nhóm phóng viên Kinh tế - xã hội
Báo An ninh Thủ đô