Chống diễn biến hòa bình

Bài 1: Tự do ngôn luận và sự khác biệt về văn hoá

Tự do ngôn luận và bàn về tự do ngôn luận không hề mới mẻ gì. Không mới nhưng câu chuyện này sẽ không bao giờ cũ, bởi vì hàng chục, thậm chí cả trăm năm trước vấn đề tự do ngôn luận đã được bàn đến và cho đến nay, trong thời đại mạng thông tin toàn cầu, vấn đề này vẫn luôn là câu chuyện thời sự. Chỉ có điều, do nhiều yếu tố khác nhau, tự do ngôn luận ở mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Một trong những nguyên nhân của sự khác biệt nêu trên là yếu tố văn hoá.

CHUYỆN Ở “THẾ GIỚI TỰ DO”

Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên kêu gọi tự do ngôn luận và áp đặt tiêu chuẩn tự do ngôn luận của mình cho nhiều quốc gia khác. Một số người cho rằng, sở dĩ Mỹ luôn làm điều này là do xứ cờ hoa không có luật báo chí. Đúng, nhưng thông tin vừa nêu chỉ mới phản ánh một nửa sự thật. Nước Mỹ không có luật báo chí nhưng không có nghĩa là mọi công dân Mỹ muốn làm gì thì làm, muốn viết thì viết, muốn nói gì thì nói. Tháng 2.2020, báo Nhân Dân có đăng bài viết của một luật sư người Việt hiện sống ở Mỹ, người này viết: “Năm 1917, Quốc hội Mỹ ban hành Luật Tình báo (The Espionage Act 1917), trong đó khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là người dân có quyền vận động cho việc kêu gọi hay thành lập tổ chức lật đổ nhà nước Mỹ vì đó là tội phản quốc. Vậy rõ ràng, tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ an ninh quốc gia. Luật cũng xác định tự do ngôn luận không có nghĩa là ở trong rạp hát đứng lên hô hoán “cháy nhà” mà trên thực tế không có, như vậy là quấy rối trật tự chung. Và luật này giúp cho các cơ quan an ninh, tình báo, Bộ Quốc phòng Mỹ đối phó với những tổ chức và cá nhân xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc âm mưu lật đổ nhà nước Mỹ”. Vẫn theo tác giả bài viết, năm 1964, Tối cao Pháp viện Mỹ định nghĩa tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện để vu khống phỉ báng cá nhân. Năm 1972, Quốc hội Mỹ thành lập Uỷ ban Truyền thông Liên bang, cơ quan này có thẩm quyền trên các cơ quan truyền thông, giúp tự do ngôn luận đi vào nề nếp, không gây xáo trộn trật tự xã hội. Sau đó, nước Mỹ cho ra đời tiếp Bộ Luật truyền thông, trong đó cấm công dân đưa tin giả.

Không chỉ tại Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những quy định nghiêm ngặt để ngăn ngừa hậu quả của thông tin độc, bịa đặt. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, trên thế giới hiện có 138 quốc gia ban hành Luật An ninh mạng, trong đó có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng. Tại châu Âu, Cộng hoà liên bang Đức - một nước được coi là đầu tàu của nền kinh tế của cả EU cũng ban hành nhiều quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những người lợi dụng mạng xã hội vì lợi ích cá nhân, vi phạm an ninh quốc gia. Năm 2017, nước Đức ban hành “Luật cải thiện thực thi pháp luật trên các mạng xã hội”, người dân Đức gọi luật này bằng cái tên ngắn gọn, “Luật kiểm soát facebook”. Theo tinh thần của luật, nhà cung cấp mạng xã hội có nghĩa vụ xoá các nội dung bất hợp pháp, trái quy định được ghi trong luật. Sau 24 giờ kể từ khi người dùng mạng xã hội khiếu nại vì bị xúc phạm, vu khống, nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Twitter, YouTube.. phải xoá hoặc chặn nội dung bất hợp pháp. Trong hai năm 2018-2019, tại Đức, có tổng cộng  215.000 bài, video gây tranh cãi trên YouTube, trong đó có 58.000 bài đã bị xoá sau khi nhận được khiếu nại. Tại Cộng hoà Pháp, tháng 7.2019, Quốc hội nước này phê chuẩn một đạo luật để “chống lại hận thù trên internet”, cá nhân, tổ chức nào vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt  tiền từ 250 nghìn đến hơn một triệu Euro, nặng hơn còn bị bỏ tù. Không chỉ xử phạt đối với người viết bài như nước Pháp, Cộng hoà Áo còn quy định trừng phạt những bình luận gây hận thù trên mạng xã hội. Nước Áo cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp danh tính của người có bình luận gây hận thù…

CHUYỆN CỦA VIỆT NAM

Hẳn dư luận chưa quên, trước khi Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) “cộng đồng mạng” sôi sục với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có rất nhiều người được coi là “nhân sĩ, trí thức cấp tiến” đã không ngừng kêu gọi cơ quan lập pháp không thông qua luật này. Có người còn viết cả “tâm thư” gửi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để “cực lực phản đối” nội dung của luật. Có hai lý do chính, theo luồng ý kiến này, Luật An ninh mạng hạn chế quyền tự do ngôn luận, xâm phạm quyền riêng tư và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế gần hai năm qua cho thấy, Luật An ninh mạng, dù đã có hiệu lực nhưng không dấu hiệu nào cho thấy bộ luật này “cản trở quyền biểu đạt” hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp. Trái lại, bộ luật này chỉ làm cho mạng xã hội và những người sử dụng mạng xã hội có ý thức hơn mà thôi. Cần thiết phải nhắc lại rằng, tại thời điểm trước khi Quốc hội ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2019, tháng 10.2018, phóng viên Báo Tây Ninh thực hiện cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (đoàn ĐBHQ đơn vị tỉnh Tây Ninh) xung quan nội dung cũng như ý kiến của dư luận về bộ luật này. Vị đại biểu Quốc hội khẳng định, Luật An ninh mạng đảm bảo phát triển kinh tế và không xâm phạm quyền tự do cá nhân. Để chứng minh, vị ĐBQH dẫn ra trường hợp của Singapore - quốc gia được coi là văn minh hàng đầu không chỉ của châu Á mà còn cả thế giới. Theo đó, năm 2017, Singapore ban hành Luật An ninh mạng, trong đó cho phép cơ quan an ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan an ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ. Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Singapore cũng ký một tuyên bố chung với Đức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước. Tại thời điểm đó, bằng thông tin của mình, vị ĐBQH cho biết, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tội phạm mạng như khủng bố, rửa tiền, lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma tuý… phát triển nhanh. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan. Trong số gần 140 quốc gia ban hành luật an ninh mạng (tên gọi của luật ở mỗi nước có thể khác nhau) thì có 95 nước đang phát triển.

Những thông tin nêu trên cho thấy, nếu không có những quy định về an ninh mạng nói chung, sử dụng mạng xã hội nói riêng, xã hội sẽ rối loạn bởi những kẻ có tâm địa xấu. Như đã đề cập, trước khi Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua, nhiều “người của công chúng” liên tục phản đối. Thật trớ trêu, cách nay chưa lâu, một số người từng lớn tiếng phản đối Luật An ninh mạng lại phải cầu cứu cơ quan chức năng vì những tin nhắn, hình ảnh đời sống riêng tư trong tài khoản cá nhân bị kẻ gian đột nhập, lấy ra và tung lên mạng. Một nữ ca sĩ, sau khi “bị lộ” đã than với báo chí rằng “em chỉ muốn độn thổ vì quá xấu hổ”.

Quyền tự do ngôn luận là một quyền phổ quát của loài người nhưng nó cũng có sự “khu biệt” về văn hoá. Có nghĩa, quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt không thể có một mẫu số chung giữa các quốc gia với nhau, nhất là những nước có sự khác biệt về văn hoá mà có người gọi “xung đột giữa các nền văn minh”. Một ý kiến, một thái độ, một bài viết hoặc một cử chỉ nào đó có thể hoàn toàn phù hợp với nền văn hoá này nhưng không thể xem là bình thường với nền văn hoá khác. Ngược dòng lịch sử, khi nước ta còn bị chia cắt, một nhân vật từng là người đứng đầu chính quyền được nước Mỹ hậu thuẫn ở miền Nam nói rằng, người Việt Nam không chấp nhận thứ tự do xô bồ của phương Tây, bởi sự khác biệt về lịch sử, văn hoá. Chúng ta biết, con người, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, thường bị bạo lực dưới một trong hai hình thức hoặc có khi cả hai: bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần. Sự cố mà một số người mẫu, ca sĩ, cầu thủ bóng đá bị lộ thông tin riêng tư chính là hình thức bạo lực tinh thần. Thực tế đã có nhiều người, đủ mọi thành phần phải tìm đến cái chết vì bị khủng bố tinh thần. Công cụ để đối tượng xấu thực hiện hành vi bạo lực chính là mạng xã hội.

Ở tầm vĩ mô hơn, chịu khó theo dõi, không khó khăn gì để thấy, nhiều người thiếu thiện chí đã triệt để sử dụng mạng xã hội để chống phá đất nước, phỉ báng, xúc phạm những người mà họ không thích, đặc biệt là các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Khi bài viết này đang hình thành, trên mạng xã hội xuất hiện một người Việt Nam (từng là luật sư) hiện sống tại Cộng hoà liên bang Đức đã phát sóng một đoạn video kêu gọi lật đổ chế độ hiện nay ở nước ta. Trong clip, người này liệt kê 6 bước cần thiết và vạch ra lộ trình để lật đổ chính quyền nhân dân. Trong số đó, “giải pháp” đầu tiên ông ta đưa ra là kêu gọi người dân trong nước sử dụng facebook để tấn công chính quyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những hình thức cụ thể là, thông qua mạng xã hội này để thực hiện “cuộc cách mạng đường phố”… Có người tự hỏi, đang sinh sống tại nước Đức, sao ông ta không sử dụng mạng xã hội facebook để công khai kêu gọi lật đổ chính quyền nước Cộng hoà liên bang Đức? Sự thực, nếu cả gan làm điều tương tự như đang làm đối với Việt Nam, trong thời gian  “vài nốt nhạc” cảnh sát Đức sẽ không bỏ qua. Ngay ở trong nước, chỉ mới đây, một số kẻ nhân danh quyền tự do ngôn luận, đã bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật vì sử dụng mạng xã hội để phỉ báng, xúc phạm, người khác. Không riêng Việt Nam, trên thế giới này, không một quốc gia nào cho phép họ làm điều đó. Nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, trong một phiên họp của Quốc hội đã phải thốt lên, “mạng xã hội chửi không từ  một ai”.

Có thứ tự do nào như vậy?

Lực lượng công an làm việc với một trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: Phương Thảo - Ngọc Diêu

Bài 2: Đôi lời với những “nhà dân chủ giả cầy”

Năm 2020 (có thể còn lâu hơn nữa) cả thế giới chứng kiến trận đại dịch chưa từng có trong vòng trên dưới một trăm năm trở lại đây- Covid-19. Trận “cuồng phong” này, như có lần đề cập, thực sự là “cơn hồng thủy” không chỉ khiến hàng trăm ngàn người chết, nó còn tàn phá nền kinh tế của thế giới. Trong con mắt của bạn bè thế giới, Việt Nam được coi là hình mẫu trong việc ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, trận đại dịch trên quy mô toàn cầu khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Trong thời điểm này, thay vì chung tay cùng xã hội giải quyết những vấn đề đang đặt ra với đất nước, nhiều người tự xưng là “nhà dân chủ” lại chỉ biết chống phá.

HẾT “MƯỢN DỊCH” ĐẾN …“MƯỢN THƠ”

Những hành vi, việc làm, lời nói của những nhà tự nhận mình là dân chủ ấy diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, tuỳ vào vị trí, điều kiện kinh tế và đặc biệt là trình độ “hiểu biết”: tinh vi có, trơ trẽn có, trực tiếp có, gián tiếp có… Hẳn chúng ta chưa quên (quên sao được, vì sự kiện vẫn đang diễn ra) lúc dịch bệnh bắt đầu gia tăng, nhiều người trong số họ liên tục đoán già đoán non về thái độ của Chính phủ trong việc tiếp đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về cũng như việc hạn chế đi lại ở khu vực biên giới với các nước láng giềng. Họ rêu rao những câu đại loại như: “Nhà cầm quyền giấu giếm dịch bệnh”, “Những người Việt nghi ngờ bị bệnh Covid-19 thì cho sống cách ly trong một khu biệt lập, thiếu tất cả tiện nghi cần thiết”… Hoang đường hơn, một số “nhà dân chủ giả hiệu”, còn gọi là “giả cầy” phao tin “Việt Nam muốn đóng cửa biên giới phải có sự đồng ý của nước Tàu”. Thực tế sau đó và cả thời điểm hiện nay ra sao, không khó để kiểm chứng, vì tất cả sự kiện, thông tin liên quan nội dung trên đều tràn ngập trên cả báo chí và mạng xã hội. Trong khi Chính phủ gồng mình lo cho người Việt ở nước ngoài, thậm chí còn cho máy bay bay vào vùng “tâm bão” của dịch bệnh để đưa công dân về nước, ở đâu đó vẫn có những quốc gia từ chối cho phép công dân của mình trở về nước. Thậm chí, hàng ngàn người trên một du thuyền suốt nhiều tháng phải lênh đênh ngoài biển như “con thuyền không bến” vì không nước nào cho nhập cảnh. Nói ra điều này không phải để so sánh kiểu “mình tốt, người xấu”, ở đây chỉ muốn nói rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì có thể làm để giữ sinh mạng cho người dân trước trận đại dịch. Đến thời điểm này, với sự thận trọng cần thiết, có thể tự tin rằng, Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh. Đó là sự thật hiển nhiên, không ai chối cãi được.

Dịch bệnh ở Việt Nam được khống chế, không còn tấn công vào được “trận địa chống dịch”, những người lớn tiếng, luôn tự nhận mình là dân chủ, cấp tiến, văn minh… lại chĩa mũi giáo sang lĩnh vực khác. Lần này họ tấn công tinh vi hơn nhiều, không trơ trẽn như trong chống dịch bệnh, đó là liên tục “đánh” vào ngành Giáo dục. Nói tinh vi hơn, bởi tấn vào giáo dục, chính là “đánh” vào “địa hạt” tư tưởng và những giá trị tinh thần của con người, mục tiêu chính của họ chính là giáo viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Cho dù có tinh vi đến đâu, những người tự nhận mình là dân chủ, cấp tiến này cũng không giấu được cái dốt của họ, dù trong số những người thiếu thiện chí với đất nước, rất nhiều người có trình độ, được đào tạo bài bản, có học hàm học vị, tinh thông ngoại ngữ. Xin dẫn ra đây một câu chuyện còn nóng hổi. Cách nay chỉ một hai ngày, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Văn của Trường  phổ thông năng khiếu thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) được tổ chức. Câu số hai của đề thi như sau: “Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn về ý kiến trên”.  Ngay lập tức, trên trang cá nhân của một người tự nhận mình là “nhà dân chủ” lập tức lớn tiếng phê phán cái đề thi bằng những từ ngữ rất nặng nề. Đây là cách anh ta hiểu về đề thi: “Đề cho học sinh lớp 10. Chắc đứa ra đề nó nghĩ 13 tuổi là lấy chồng, thế nên 16 tuổi đã biết dùng nhan sắc để làm quen, còn để chung sống lâu dài thì cần đức hạnh? Ra đề kiểu ngáo đá! Cho sinh viên báo chí và tổng hợp văn năm cuối làm đi xem”. Vì là “người của công chúng” nên số người vào “bình luận”, like, chia sẻ rất đông, đa số ý kiến vào hùa với “chủ thớt” để chửi bới ngành Giáo dục. Chưa dừng lại, tiếng chửi của họ, từ lĩnh vực giáo dục chuyển qua chửi bới chế độ, chửi luôn cả đất nước bằng những từ ngữ mà người ta gọi là “côn đồ mạng”.

Như một vài lần người viết bài đã đề cập, hãy cẩn thận khi bàn về những vấn đề liên quan đến chuyên môn trong hai ngành Giáo dục và Y tế. Bởi vì, so với nhiều ngành nghề, có thể nói là tất cả các ngành nghề khác, Giáo dục và Y tế có tính chuyên môn cao nhất. Trong lĩnh vực chuyên môn, không thể phán xét một cách tuỳ tiện, cảm tính, thấy người khác nói mình cũng nói để ra vẻ ta đây có hiểu biết. Sự thực, nguồn gốc câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh bắt nguồn từ câu nói của nhà văn lãng mạn người Đức, ông John Paul Friedrich Richter (1763 - 1825), được chuyển ngữ sang tiếng Việt như sau: “Cái để cho người ta chú ý là nhan sắc, nhưng cái để cho con tim người ta chú ý là nhân cách, đức hạnh”. Đề thi nêu trên, người có chuyên môn sẽ hiểu (và học sinh năng khiếu cũng hiểu) là làm rõ mối quan hệ, vai trò giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học, trong đó, nội dung có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn hình thức.  Ở đây, nhan sắc là hình thức của tác phẩm, còn đức hạnh là nội dung. Do tính chất của bài viết, xin không bàn sâu về chuyên môn nhưng có thể thẳng thừng rằng, “nhà dân chủ” kia không biết gì về văn học. Ông ta nhìn văn học bằng lăng kính xã hội học dung tục, nói đúng hơn, mượn giáo dục để mạt sát, chửi bới chế độ, mỉa mai đất nước mới là mục đích chính. Không chỉ một người, sau khi đề thi được đăng lên mạng, rất nhiều người ra vẻ hiểu biết cũng vào hùa chửi bới nhưng thật ra không hiểu gì về chuyên môn. Họ chỉ mượn cái đề thi nói riêng, ngành giáo dục nói chung như một phương tiện để chống phá mà thôi. Do không nhận ra thủ đoạn, âm mưu nên việc “những nhà dân chủ cuội” liên tục tấn công vào lĩnh vực tư tưởng, giáo dục ít nhiều thành công khi một số sinh viên nghe theo họ làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật và bị bắt.

CÂU CHUYỆN TRĂM NĂM

Theo sử sách, nền dân chủ đầu tiên của loài người được hình thành cách nay khoảng 2.500 năm ở nước Hy Lạp cổ đại. Từ đó cho đến nay, loài người vẫn trên hành trình đi tìm, xây dựng nền dân chủ (ở từng quốc gia của mình). Hơn hai ngàn năm trăm năm đã đi qua nhưng cho đến nay, không một quốc gia nào dám tự mình tuyên bố là đã xây dựng thành công một nền dân chủ hoàn mỹ, kể cả nước Mỹ - quốc gia vẫn tự cho mình là hình mẫu của dân chủ.

Năm 2003, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đăng một bài viết có tên gọi “Dân chủ và thực hiện quyền dân chủ”. Bài viết có đoạn: “Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người. Dân chủ cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị nhất định. Là hình thức tổ chức chính trị của Nhà nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước, như vậy dân chủ là một phạm trù lịch sử, cũng như các biểu hiện khác của hình thái ý thức xã hội, dân chủ do tồn tại xã hội quyết định, do phương thức sản xuất vật chất của xã hội quyết định; và do đó, trình độ của phương thức sản xuất khác nhau tất yếu dẫn đến sự khác nhau về trình độ dân chủ (mức độ thực hiện dân chủ và dân chủ hoá trong xã hội). Dân chủ biến đổi và phát triển không ngừng cả về chất và lượng trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người. Tuy nhiên, dân chủ với tính cách là giá trị xã hội, là thành quả giá trị nhân văn trước hết được sinh ra từ phương thức tổ chức hợp tác sản xuất vật chất và cấu kết cộng đồng giữa người với người thì đã tồn tại ngay từ xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Và do đó, với ý nghĩa này, dân chủ sẽ tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của con người, là một trong những phương thức tồn tại của con người ngay cả khi Nhà nước đã biến mất”.

Qua đó, có thể thấy, dân chủ và xây dựng nền dân chủ của một quốc gia là “câu chuyện trăm năm”, không phải ngày một ngày hai hay một sớm một chiều. Năm nay là tròn 10 năm xảy ra sự kiện của cái gọi là “mùa xuân Arab”. Thực chất của “mùa xuân Arab” là kích động, bạo loạn và sau đó là lật đổ chính quyền của nhiều quốc gia ven bờ Địa Trung Hải. Trên trang cá nhân của một người Việt Nam sống ở nước Anh, cách nay cũng đã lâu, có đăng bức thư được cho là của một thầy giáo người Libya. Sau khi đất nước rơi vào hỗn loạn và tan rã, anh vượt biển đến châu Âu không phải để tìm miền đất hứa, đơn giản chỉ là để tránh bom đạn nơi quê nhà do những  người “dân chủ” mang đến. Trong thư, người này có viết, đại ý rằng, đất nước Libya đã từng bình yên, có trường, có thầy, có trò, người dân có công ăn việc làm. Nay, tổ quốc thân yêu lại có cả máu và nước mắt. Không phải những “nhà dân chủ giả cầy” không biết thực tế đó, vì thế giới ngày nay là thế giới phẳng, thông tin toàn cầu. Nhưng, vì sao họ lại liên tục, bền bỉ có những việc làm phương hại đến lợi ích quốc gia? Chẳng lẽ họ không biết đất nước đã quá đau khổ vì chiến tranh và chia ly? Chẳng lẽ họ, những người có trình độ, được ăn học tử tế lại không biết, cũng vì chống chiến tranh xâm lược, có không ít những nam nữ thanh niên vĩnh viễn nằm xuống, để có được nền hoà bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài 3: NHÂN QUYỀN VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN: “Ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra”

Kênh truyền hình của Báo Nhân Dân đang phát sóng bộ phim tài liệu nhiều tập “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, kể lại quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng, phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 19, thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Bộ phim được đầu tư công phu, nhiều thông tin, tài liệu lần đầu tiên được giải mật, trong đó có cả tài liệu mật của những nước đã từng mang quân can thiệp, xâm lược, chiếm đóng Việt Nam.

Theo dõi bộ phim sẽ thấy, hàng thế kỷ qua, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến gần cuối thế kỷ 20, Việt Nam liên tục phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược. Trong đó, nếu lấy mốc từ mùa Thu năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với sự hậu thuẫn của các thế lực quốc tế, nước Pháp một lần nữa quay lại xâm chiếm nước ta. Bằng những nỗ lực cao nhất, trên mọi phương diện, Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tìm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng, như đã biết, mọi nỗ lực đó đều thất bại bởi dã tâm chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã giải thích rõ vì sao dân tộc ta phải đứng lên để đánh đuổi quân xâm lược. Không chỉ các nguồn sử liệu trong nước, sau khi chiến tranh kết thúc, chính những người từng đứng đầu chính phủ Pháp và sau này là chính phủ Mỹ cũng công khai thừa nhận, xâm lược Việt Nam là một sai lầm tồi tệ nhất của họ. Ngay cả một số người Việt Nam, trong đó có một cựu nhà báo danh tiếng, sau những biến động ở Đông Âu, người này bỏ chạy ra nước ngoài, sống lưu vong, điên cuồng chống phá chế độ trong nước nhưng khi được phỏng vấn cũng thừa nhận, việc nước Pháp trở lại xâm lược nhằm chiếm đóng Việt Nam sau năm 1945 là một sai lầm. Ngay trong ngày 30.4.1975, một tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản đã viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.

Việt Nam, trong thế kỷ 19 và đặc biệt là thế kỷ 20, không hề muốn chiến tranh với bất kỳ nước nào, “chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng”. Nhưng vì sao dân tộc ta phải đứng lên và phải chịu nhiều đau thương, tổn thất như vậy? Câu trả lời là “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chính là để bảo vệ quyền con người. Can thiệp, xâm lược bằng quân sự vẫn không dập tắt được ý chí bảo vệ nền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, họ (những thế lực chiếm đóng, xâm lăng trước đây) lập ra một “mặt trận mới” để tấn công Việt Nam, đó là vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận. Những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thường xuyên, liên tục vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Thật mỉa mai, chính họ, không phải ai khác, trước đó từng mang nhiều triệu tấn bom đạn giết chết hàng triệu người trên đất nước hình chữ S nhỏ bé, giờ lại cao giọng dạy dân tộc này về quyền con người. Ai cũng biết, một trong những quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đều nhắc đến quyền tự do, quyền bình đẳng của con người. Như vậy, không thể nói rằng, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam không hiểu thế nào là nhân quyền, bởi quyền con người đã được chính cha ông họ nhắc đến trong tuyên ngôn độc lập của nước họ.

Quyền con người là một khái niệm rất rộng. Theo nghiên cứu, quyền con người đã được đề cập từ xa xưa. Ở phương Tây, quyền con người được đề cập trong một số bộ luật, vào khoảng năm 2350 trước công nguyên. Ở phương Đông, Khổng Tử (Trung Quốc) đề cao chữ “nhân”, cốt lõi của triết lý này là đề cao lòng thương người. Tại Ấn Độ, triết lý của đạo Phật có hàm chứa tư tưởng nhân đạo sâu sắc, khuyên con người làm điều thiện, tránh điều ác. Tại Việt Nam, theo sử sách, triều đình nhà Lý đã ra điều luật cấm mua bán nô lệ đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Bộ luật Hồng Đức sau đó cũng đề cập đến nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền con người. Sau này, xã hội phát triển, cả phương Đông và phương Tây, vấn đề quyền con người được nâng cao, hoàn thiện trong các bộ luật của từng quốc gia. Điều trớ trêu, như trên đã nói, chính những quốc gia, cả trong tuyên ngôn lập quốc lẫn các bộ luật đều ghi quyền con người về “tự do, bình đẳng, bác ái” sau đó lại xua quân đi chiếm đóng nước khác.

Như đã đề cập, lâu nay, vấn đề nhân quyền là một trong những “vũ khí” được các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí dùng làm cái cớ để vu cáo, bóp méo, thậm chí bịa đặt tình hình của Việt Nam. Để phục vụ mục tiêu và đạt được mục đích, những tổ chức, cá nhân đó không từ một thủ đoạn hay giới hạn nào để vẽ ra một bức tranh đen tối về tình hình Việt Nam. Năm 1948, Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó, Điều 29 quy định như sau, nguyên văn: “1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. 2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thoả mãn. 3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hợp Quốc”.

Rõ ràng, bất kỳ hành động, lời nói nào để thể hiện quyền tự do của mỗi cá nhân cũng phải chấp nhận những giới hạn do pháp luật đặt ra. Không có và không thể có kiểu tự do vô chính phủ, nhân danh tự do, nhân quyền để muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng ghi, mục tiêu tối cao của tổ chức này là “duy trì hoà bình và an ninh thế giới”. Như vậy, những cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ nào đi ngược lại mục tiêu nói trên, chính là vi phạm quyền con người. Trên thực tế, những nước lớn thường muốn làm “cảnh sát toàn cầu”, họ đặt ra những tiêu chuẩn kép và áp đặt tiêu chuẩn này cho những quốc gia yếu thế hoặc “không thân thiện” trong mắt họ.

Khoảng 40 năm qua, có một tổ chức thường xuyên lên tiếng cáo buộc quốc gia này, quốc gia kia vi phạm nhân quyền. Tổ chức này có tên gọi “Tổ chức Theo dõi nhân quyền”, được thành lập năm 1978 dưới tên Helsinki Watch. Mục tiêu đầu tiên của tổ chức này là để giám sát, theo dõi tình hình Liên bang Xô viết, một bức tường thành của khối các nước XHCN thời kỳ đó, đồng thời là đối thủ đáng gờm của nước Mỹ. Có thể thấy rằng, ngay từ khi ra đời, “Tổ chức Theo dõi nhân quyền” đã không có thiện cảm với những quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ chỗ không có thiện cảm dẫn đến những thông tin, bản báo cáo không những thiếu khách quan, không vô tư, họ còn thường xuyên bóp méo tình hình của những quốc gia mà tổ chức này không thích. Có điều kiện theo dõi sẽ thấy, Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong những bản phúc trình thường niên về tình hình Việt Nam, họ hầu như chỉ lấy thông tin từ những tổ chức, cá nhân, cơ quan truyền thông của nước ngoài vốn không có thiện cảm với chính thể hiện nay. Những thành tựu Việt Nam đạt được như xoá mù chữ, xoá đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập bình quân đầu người và nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được chính Liên Hợp Quốc công nhận, nhưng Tổ chức Theo dõi nhân quyền không hề đưa vào bản báo cáo của họ. Điều này có nghĩa, những nguyên tắc tối thiểu về tính khách quan trong thông tin đã không được tổ chức này thực hiện.

Bài 4: Không có chuyện thì dựng chuyện

1. Khoảng hơn 9 giờ ngày 20.3.2003, những quả bom, tên lửa bắt đầu dội xuống Iraq- quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ ở khu vực Trung Đông hay gọi theo cách cũ là vùng Trung Cận Đông, bởi một lực lượng do nước Mỹ dẫn đầu. Lý do, lúc đó chính phủ Mỹ kết án chính phủ Iraq “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển vũ khí giết người hàng loạt”. Gần 20 năm trôi qua, cuộc chiến tranh do nước Mỹ phát động đã gây ra hậu quả như thế nào, điều này mọi người đã biết. Nhưng có một chi tiết không phải ai cũng biết, cuộc ném bom và huỷ diệt quốc gia Trung Đông này bắt đầu bằng một chi tiết khiến sau này, báo giới phương Tây mỉa mai gọi là “ống nghiệm bột giặt”. Trước khi mở màn cuộc chiếm đóng Iraq, trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Colin Luther Powell trưng ra trước toàn thế giới một cái ống nghiệm trong đó chứa loại hoá chất dạng bột màu trắng và khẳng định, chính quyền Iraq thủ đắc vũ khí sinh học giết người hàng loạt, được cho là bệnh than. Thậm chí, nhân vật đứng đầu cơ quan đối ngoại của cường quốc này còn khẳng định, chỉ cần vài chục tiếng đồng hồ, chính quyền Iraq có thể thực hiện cuộc tấn công hoá học.

Khi cuộc chiến hạ màn, năm 2015, chính Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair thú nhận trên truyền hình rằng, họ nhận được thông tin tình báo sai lệch về chuyện nước Iraq sản xuất vũ khí hoá học, có nghĩa, chính quyền Baghdad của Tổng thống Saddam Hussein đã bị “oan sai” trong trường hợp này. Sau sự thừa nhận của lãnh đạo hai cường quốc dẫn đầu trong cuộc chiến tranh lật đổ chính phủ Iraq, không ai khác, chính báo chí phương Tây đã mỉa mai rằng, cuộc chiếm đóng một quốc gia được bắt đầu bằng “một loại bột giặt”.

Vì sao tác giả bài viết này mở đầu bài viết bằng nội dung trên? Như chúng ta đã biết, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình thức, cách thức đưa tin khác nhau. Tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, đều có một điểm chung, báo chí không còn là nơi độc quyền phát ra các bản tin, tin tức theo kiểu “nói cho mà biết” như trước. Sự xuất hiện của mạng xã hội là một thành tựu vĩ đại của loài người. Nhưng, cái gì cũng có những mặt trái của nó. Các trang mạng xã hội cho phép bất kỳ ai cũng có thể đưa tin hoặc bày tỏ ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình về một hiện tượng, sự vật nào đó. Nhận ra sự lợi hại của mạng xã hội, những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với chính thể hiện tại của nước Việt Nam không ngừng thực hiện những hành động, việc làm mang đậm cuộc chiến tranh tâm lý, cách gọi cũ là “tâm lý chiến”. Loại hình chiến tranh tâm lý này chính là diễn biến hoà bình, tức chiến tranh không tiếng súng. Chiến tranh tâm lý hay diễn biến hoà bình được hình thành từ thời chiến tranh lạnh. Hiện nay, mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng diễn biến hoà bình vẫn được các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí tiếp tục xem như một thứ vũ khí để làm phân tâm, ly gián giữa người dân với chính quyền. Cách làm cụ thể nhất của hình thái “chiến tranh tâm lý” này khá phong phú, từ tung tin giả đến bóp méo sự kiện, thổi phồng, quan trọng hoá vấn đề, bôi đen chế độ, khoét sâu mâu thuẫn hoặc xới lại những câu chuyện cũ, xảy ra gần cả thế kỷ. Xin lưu ý, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, bất mãn với chế độ họ tung thông tin giả hoặc bóp méo lịch sử, làm sai lệch bản chất không phải để câu khách nhằm bán hàng online như những tầng lớp bình dân. Cái chính họ nhắm đến là từng bước làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào bộ máy nhà nước. Những câu chuyện họ dẫn ra, những bình luận họ thể hiện trên trang cá nhân hoặc trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài nghe qua tưởng không có gì to tát nhưng thực ra, chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” đã làm một bộ phận dân chúng hoang mang, không biết đâu là thực, đâu là hư.
2. Ngày 12.8, trên trang cá nhân của một cựu nhà báo (người này là con một nhà thơ nổi tiếng, có tác phẩm được dạy trong nhà trường) đăng một bài viết chỉ dài khoảng 500 chữ. Trong bài, người này cảnh báo rằng, biển Đông có thể sắp có “biến động lớn”, cần hết sức cảnh giác. Người này còn dẫn ra hàng loạt những động thái, theo ông là không bình thường, cả ở trong nước và khu vực. Một trong những sự việc “không bình thường” được dẫn ra làm căn cứ cho bài viết, đó là kênh VTV1 đột nhiên phát sóng bộ phim tài liệu về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1979. Từ việc VTV1 phát sóng bộ phim đó, cựu nhà báo cho rằng đây là động thái lạ và những biến động trên biển Đông sẽ hết sức căng thẳng trong thời gian tới. Vì từng là một nhà báo, cách viết lại có nghề nên mỗi bài viết trên trang cá nhân của người này có rất đông người đọc, “còm-men” và chia sẻ. Trong số hàng trăm bình luận, chỉ có một ý kiến nói ngược lại với tinh thần của bài viết, còn hầu hết hùa theo kiểu a dua. Đây là tâm lý chung của người đọc, họ dễ bị dẫn dắt bởi những ngòi bút có nghề. Sự thật, bộ phim tài liệu phát sóng trên VTV1 mà cựu nhà báo dùng làm chủ đề chính cho bài viết của mình hoàn toàn không phải là “một hiện tượng bất thường” như ông này ngộ nhận. Thực ra, đó chính là một tập phim trong bộ phim tài liệu nhiều tập có tên gọi “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình” đã phát sóng cả năm nay. Tập phim nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc được phát sóng vào lúc hơn 20 giờ thứ 3, ngày 11.8.2020. Trước khi tạm dừng phát sóng bộ phim này một thời gian để tập trung thông tin, tuyên truyền một số nội dung khác, kênh truyền hình của Báo Nhân Dân đã có thông báo. Tối thứ 3 vừa qua, bộ phim tiếp tục phát sóng trở lại, cả trên kênh truyền hình của Báo Nhân Dân và VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Rõ ràng, cựu nhà báo kia không hề theo dõi bộ phim dài tập này nên không biết rằng đây là một bộ phim nhiều tập. Ông chỉ tình cờ xem vào tối thứ 3, ngày 11.8 rồi đưa ra bình luận nặng tính suy diễn, cảm tính của bản thân mình. Điều đáng tiếc và đáng nói, ông là một cựu nhà báo có tiếng nhưng lại quá hấp tấp, vội vàng khi chỉ tình cờ xem mấy chục phút trong một tập phim duy nhất rồi phán rằng, biển Đông thế này biển Đông thế nọ. Mượn gió bẻ măng, quá mù ra mưa, hàng trăm người nhao nhao “phản biện” chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng lời lẽ hết sức nặng nề. Nếu quan tâm thời cuộc, trong đó có vấn đề chủ quyền biển đảo, hẳn nhiều người chưa quên cuộc nói chuyện cách nay cũng đã lâu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (thời điểm nói chuyện ông đang giữ chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) rằng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo trước sự nhiễu loạn thông tin về chủ quyền biển đảo. Ông còn nói, Đảng, Chính phủ, QĐND Việt Nam đã có những đối sách và luôn chủ động trong vấn đề chủ quyền biển đảo.

3. Như có lần đã đề cập, đánh phá vào lĩnh vực tư tưởng là một trong những mục tiêu của các cá nhân, tổ chức, vì một lý do nào đó, thiếu thiện chí, thiếu tinh thần xây dựng. Không chỉ bên ngoài, nhiều người ở trong nước cũng tham gia vào lãnh địa này, họ “đào bới” không từ một chuyện gì. Gần đây nhất, chỉ ít ngày trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cựu tổng biên tập của một tờ báo thể thao đã có hai bài viết rất nặng lời về tình hình giáo dục Việt Nam. Bài thứ nhất, người này viết, đại ý rằng, qua cách chuẩn bị các biện pháp phòng, chống gian lận trong thi cử, thầy cô giáo, lãnh đạo ngành Giáo dục nhìn học sinh của mình như những tên tội phạm. Lớn giọng phán xét, mạt sát, mạ lỵ cả ngành Giáo dục nhưng vị cựu tổng biên tập này không biết rằng, gian lận trong thi cử không phải là một chuyện nhỏ, lại càng không phải của riêng Việt Nam. Những vụ gian lận thi cử gần đây khiến hàng chục giáo viên, cán bộ quản lý và cả nhiều người thuộc các lực lượng khác đã bị pháp luật trừng phạt. Hàng trăm sinh viên “trúng tuyển” đã bị cho thôi học. Do đó, ngoài quy chế thi, việc triển khai, áp dụng các biện pháp chống tiêu cực trong thi cử là hoàn toàn cần thiết, hợp pháp. Khác với Việt Nam, Singapore- một quốc gia phát triển hàng đầu không chỉ trong khu vực mà còn của cả thế giới có hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều. Tại quốc gia này, không chỉ giáo viên, học sinh gian lận trong thi cử sẽ bị bỏ tù, đừng nói cho thôi học hay “trả về nơi sản xuất”. Bài viết thứ hai của người này liên quan đến đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. Cựu nhà báo cao giọng “giảng đạo” rằng, đoạn văn trong đề thi được dịch từ một tác phẩm của nước ngoài (Nhật Bản) là một đoạn văn quá tệ. Người này còn chê bai bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm… Như thường thấy, do tâm lý dễ bị dẫn dắt, người đọc lại hùa vào chửi bới ngành Giáo dục. Có người chẳng biết gì cũng làm ra vẻ ta đây phân tích này nọ để chứng tỏ mình có hiểu biết. Do khuôn khổ bài viết, không thể phân tích cụ thể để chỉ ra những cái sai trái trong bài viết nêu trên nhưng xin khẳng định rằng, đề thi tốt nghiệp không hề sai. Đề thi hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục, phù hợp đối tượng người học và đặc biệt, bám sát chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Mặt khác, như đã đề cập nhiều lần, cùng với ngành Y, Giáo dục là ngành có tính chuyên môn cao. Do đó, đưa ra những phán xét cảm tính, bừa bãi, chỉ làm trò cười cho người khác.

Công bằng mà nói, trên mạng xã hội có nhiều người giỏi, giàu kiến thức, họ là người có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Cũng phải thừa nhận, họ có những ý kiến đóng góp có cơ sở chứ không hoàn toàn viết, nói theo kiểu một chiều, thô sơ. Nhưng, một người được gọi là giỏi không có nghĩa là biết hết mọi thứ. Trên phương diện thông tin, một khi viết hay nói một câu chuyện nào đó, điều tiên quyết, phải có nguồn tin hoặc quan điểm rõ ràng khi nguồn tin đã được kiểm chứng là có thật. Nếu không, như có người đã viết: “Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đưa ra lọ chứa bột trắng để minh hoạ cho mối nguy hiểm của bệnh than hồi tháng 2.2003. Ảnh: Reuters

Bài 5: Ðừng ném đá vào ngọn núi

Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, ngoài việc liên tục, thường xuyên tấn công vào thể chế hiện nay, những người thiếu thiện chí không quên nhắm vào những biểu tượng, đó là các vị lãnh tụ tiền bối của cách mạng Việt Nam. Không chỉ vậy, những vị tiền nhân có công lao to lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm ở những thế kỷ trước cũng là mục tiêu của những người muốn hạ bệ, “giải thiêng” thần tượng. Họ đã làm điều đó như thế nào và tại sao họ làm như vậy?

CHUYỆN XƯA

Như có lần đã đề cập, cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một nhà văn, xuất thân là một giáo viên dạy Lịch sử liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, trong đó có một số tác phẩm từng xuất hiện trên báo. Trước hết, cần nói rõ, ông là một nhà văn có tài, tác phẩm của ông không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn được một số quốc gia chú ý, khen ngợi. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp. Xuất hiện trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa đổi mới, ông thành công quá nhanh, danh tiếng nổi như cồn. Say sưa với những thành công ban đầu, ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm văn học. Trong số đó, có một tác phẩm, nhân vật chính là vua Quang Trung- người anh hùng áo vải cờ đào. Đối với nhân dân Việt Nam, vua Quang Trung không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là hình tượng đẹp về người anh hùng nông dân. Thế nhưng, trong tác phẩm của mình, nhà văn, đồng thời là thầy giáo dạy Lịch sử lại miêu tả nhà vua như một tên du đãng, thô tục, hiếu sát. Dưới ngòi bút của nhà văn này, nhà vua không khác gì một tay võ biền, du côn; ông còn cho rằng, vua Quang Trung chết là do bị quả báo bởi gia đình một cô gái. Nếu xem tác phẩm của nhà văn kia như một bản cáo trạng của “viện kiểm sát” thì đây là một bản cáo trạng quy kết, suy diễn theo hướng có tội, trong khi nhà văn không hề có một bằng chứng xác đáng nào để chứng minh. Không như bây giờ, thời kỳ đó, những tác phẩm văn học, đặc biệt thể loại truyện ngắn đăng trên báo có sức lan toả rất mạnh. Cũng từ đó và cho đến tận hôm nay, trên các diễn đàn, nhiều người không tiếc lời mạt sát, xúc phạm nhà vua - biểu tượng của người anh hùng áo vải bằng những bài viết, những phát ngôn nặng nề nhất, dù họ không có bất kỳ một chứng cứ đáng tin cậy nào. Sau này, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà vua mất đột ngột ở tuổi 39, rất có thể là do một cơn đột quỵ gây ra.

Cách nay đã nhiều năm, VTV1 công chiếu một bộ phim mà nhân vật chính là một ông quan đại thần thời nhà Trần (thế kỷ XIII). Bộ phim gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, điều này hoàn toàn bình thường, bởi lẽ một tác phẩm văn học hay điện ảnh, nếu ai đọc xong, xem xong cũng “nhất trí cao” thì không có gì để bàn. Tuy nhiên, khi soi rọi về một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử nào đó cần hết sức thận trọng trong góc nhìn, quan điểm. Nhắc đến điều này, bởi vì khi phát sóng bộ phim, ở góc bên phải phía dưới màn hình ti vi có chạy một dòng đề từ “lịch sử phụ thuộc vào góc nhìn”. Dòng đề từ này đã bị dư luận phản ứng khá dữ dội. Bởi lẽ, lịch sử là lịch sử, lịch sử là khách quan, dù xấu hay tốt, đúng hay sai, lịch sử là những sự kiện đã diễn ra, không ai thay đổi được. Do đó, nhìn nhận, đánh giá lịch sử phải trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan chứ không thể phụ thuộc vào những góc nhìn đậm tính chủ quan. Điều quan trọng hơn, nếu lịch sử phụ thuộc vào những góc nhìn của cá nhân, người ta hoàn toàn có thể bóp méo lịch sử, đổi trắng thay đen, chính tà không còn phân định được. Để chứng minh, xin dẫn ra đây một ví dụ, tại một hội nghị bàn về văn học, có một nhà phê bình (không tiện nêu tên) đã phát biểu rằng, chúng ta nên biết ơn nước Pháp, vì nhờ họ Việt Nam mới có đường sắt Bắc Nam, có hạ tầng giao thông. Nói như vậy, có nghĩa nhà phê bình này thấy cây nhưng không thấy rừng. Lý do, sau khi thôn tính được Việt Nam, thực dân Pháp cho khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông là để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển tài nguyên ở xứ thuộc địa về “nước mẹ đại Pháp” chứ không phải họ bỏ tiền ra phục vụ người Việt như nhà phê bình phát biểu.

CHUYỆN NAY

Năm 1997, mạng internet - một phát minh vĩ đại của loài người bắt đầu hoạt động ở Việt Nam. Cũng từ đây, vì một lý do nào đó, nhiều người thiếu thiện chí, mặc cảm với chế độ bắt đầu gia tăng các hoạt động trên không gian mạng với chiêu bài “tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền”, thực chất là hoạt động có tính chất chiến tranh tâm lý. Một trong những mục tiêu họ nhắm đến chính là những vị tiền bối của cách mạng Việt Nam, tính từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, năm 1930. Theo dõi thời cuộc, không khó nhận thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc là mục tiêu hàng đầu của những người có đầu óc nhỏ nhen, hẹp hòi. Họ không từ một thủ đoạn nào, từ tinh vi cho đến hạ cấp, hạ tiện nhất để hạ bệ, “giải thiêng” bằng được vị lãnh tụ cách mạng - người đã lãnh đạo cả dân tộc đánh sập chủ nghĩa thực dân không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới. Chúng ta biết rằng, sau trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, năm 1960 - 1961, 17 quốc gia ở châu Phi, lúc đó vẫn là xứ thuộc địa đã đứng dậy lật đổ chủ nghĩa thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, vì thế mới có định danh, năm 1960 - 1961 là “năm châu Phi”. Dấu mốc lịch sử này, các dân tộc bị áp bức, bị chiếm đóng lấy cảm hứng từ chính trận Điện Biên Phủ. Không ai khác, chính những người mất ngai vàng, mất bổng lộc và lớp hậu sinh của họ nuôi dưỡng lòng hận thù, liên tục tấn công nhằm hạ bệ cho bằng được người anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn của thế giới- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách nay chỉ một hai ngày, ông Phạm Văn Trà- nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có kể lại với báo chí rằng, năm 2003, khi còn giữ trọng trách bộ trưởng, ông sang thăm và làm việc tại nước Mỹ. Tại đây, ông cùng đoàn công tác phải trả lời hàng loạt những câu hỏi hóc búa của chính giới Mỹ đặt ra. Trong đó, có câu hỏi: “Tại sao đoàn của các ông lại đến thăm đài tưởng niệm cố Tổng thống Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ?”. Ông Phạm Văn Trà trả lời, nguyên văn: “Chúng tôi rất quý trọng cố Tổng thống Washington. Bác Hồ của chúng tôi đã lấy một câu trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ vào Bản Tuyên ngôn độc lập của chúng tôi. Đó là câu “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu đó phù hợp với dân tộc chúng tôi, chính vì thế chúng tôi quý trọng ông”. Sau khi ông trả lời xong, nhiều người Mỹ có mặt đã vỗ tay tán dương.

Một chuyện khác, do một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội kể lại, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hoá ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945. Trước khi vào viếng Lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.

Cả hai câu chuyện dẫn lại ở trên mới chỉ xuất hiện cách nay vài ngày trên báo chí nước ta, có cả hình ảnh nhân vật của sự kiện. Một điều nữa cũng cần nói, Tuyên ngôn độc lập - áng thiên cổ hùng văn có một câu rất tinh tế, đó là câu Bác nói: “.... suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng....”. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chỉ nói “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng”, trong khi Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam khẳng định không chỉ “mọi người” bình đẳng mà mọi dân tộc đều bình đẳng. Đây là một thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các đại cường lúc đó, rằng mọi dân tộc, quốc gia đều có quyền bình đẳng như nhau, các ông đừng rắp tâm xâm chiếm đất nước chúng tôi!

Dẫn ra những điều trên, chỉ muốn chân thành nói với những người ngoảnh mặt với sự thật rằng, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ở bất kỳ thời đại nào, đều là những “ngọn núi”. Do đó, đừng mất thời gian ném đá vào những “ngọn núi” ấy, bởi vì, càng bị ném đá, ngọn núi chỉ càng cao hơn mà thôi.

Cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Bác năm 1982 (ảnh VietNam Net)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất