"Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ"



Trao Giải C cho các tác giả, nhóm tác giả

Bài 1: Nhận diện những thách thức

Xây dựng văn hóa chính trị là vấn đề đang được nhắc đến nhiều, đặc biệt trong thời điểm Đại hội các cấp tiến hành, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là một phạm trù rất rộng, với nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể nói, theo nghĩa hẹp, đó là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa, làm việc có văn hóa, sống có văn hóa.

Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Ảnh: Chiến Công

Kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh

Thuật ngữ văn hóa chính trị đã quen thuộc và được trao đổi nhiều lần trong Đảng cũng như trong xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, văn hóa chính trị của một thể chế và văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên là những vấn đề rộng lớn, bị chi phối bởi nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với năng lực lãnh đạo của Đảng, sự vững mạnh của hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức, lối sống và đề cao trách nhiệm nêu gương. Hay nói khác đi, người cán bộ phải là người tiêu biểu về đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của Nhân dân.

Trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã nêu rõ: “Trọng tâm của xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác mà Nghị quyết này đã đề ra là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Vấn đề bao trùm xây dựng văn hóa chính trị chính là xây dựng con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa ấy.

Theo GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức được giáo dục và thực hành văn hóa trong chính trị phải tỏ ra là những chủ thể của văn hóa chính trị, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, trong quan hệ, trong ứng xử với dân theo yêu cầu trọng dân và trọng pháp. Một trong những chỉ số đo lường văn hóa chính trị là niềm tin của dân chúng đối với Đảng, sự hài lòng của người dân đối với quản lý của Nhà nước và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức trong phục vụ xã hội và Nhân dân, sự phát triển dân chủ, sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Từ thái độ tới hành vi mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức đều phải tỏ ra là người có văn hóa, biết tự trọng mình và tôn trọng người khác. Có lỗi biết xin lỗi và quyết tâm sửa lỗi, lời nói việc làm đi đôi với nhau. Văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức, văn hóa nơi công sở, trong tiếp dân và nghe dân, văn hóa công dân, văn hóa công chức... đang là những vấn đề cần thiết phải giáo dục và rèn luyện thực hành.

Nhìn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa chính trị có thể thấy, tinh thần trọng dân, vì dân, đạo đức cách mạng của người cán bộ cũng liên tục được đề cập đến rất sâu sắc. Trong đó, tư tưởng của Bác luôn nhấn mạnh quan điểm “vì dân phục vụ”. Phong cách Hồ Chí Minh là “Trọng dân, thương yêu dân, gần gũi dân”. Đảng viên của Đảng và cán bộ, nhân viên của Nhà nước là công bộc trung thành của dân, làm việc theo tinh thần chí công vô tư.

Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), văn hóa chính trị phải gắn kết cho được ý Đảng và lòng dân. Khi ý Đảng và lòng dân đạt được sự đồng thuận cao, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên nhanh chóng và bền vững, không thế lực thù địch nào chống phá nổi. Suốt quá trình hoạt động cách mạng của Bác, chúng ta rút ra bài học đó là con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức và đặc biệt, Đảng rất cần đạo đức. Và khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, vấn đề đạo đức hết sức cần thiết. Vì vậy, Bác từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.

Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, văn hóa trong chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Hay nói cách khác, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là thực hành văn hóa trong chính trị. Nhìn lại thực tiễn cho thấy, một số yếu tố văn hóa trong Đảng đã được định hình. Thời gian qua, Đảng, nhất là Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương về xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành để xây dựng đạo đức, văn hóa của cán bộ, đảng viên; về trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt, công tác chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã có nhiều chuyển biến tích cực đã tạo được niềm tin cho Nhân dân về công việc này. Những thách thức đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị dù còn nhiều thách thức nhưng đã cho thấy những thành quả.

Tại Hà Nội, nhiều năm nay, Thành ủy, UBND TP Hà Nội chú trọng xây dựng Chương trình 04-Ctr/TU “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội, trong đó có văn hóa ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động để chấn chỉnh những trường hợp cán bộ, công chức trên địa bàn TP Hà Nội có những hành vi ứng xử không phù hợp với công dân trong làm việc và trong giao tiếp xã hội. Từ khi TP Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP, nhiều người tin rằng, đây sẽ là nền tảng tốt để định hướng, điều chỉnh văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức vốn đã bị nhắc đến từ lâu. Lãnh đạo TP cũng kỳ vọng, người dân phấn khởi và bản thân các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng nhanh chóng triển khai trong cán bộ, công chức. 

Lạm quyền - suy thoái về văn hóa chính trị

Khi nói đến văn hóa trong chính trị dưới góc nhìn “đạo đức người cán bộ” có một vấn đề được đặt ra đó là tình trạng lạm dụng, tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).

Bởi như các nhà nghiên cứu đã phân tích, trong khái niệm văn hóa trong chính trị có hai mặt đối lập là: Dùng quyền lực để phụng sự đất nước, Nhân dân và dùng quyền lực để mưu lợi ích cho cá nhân, gia đình, phe nhóm mình. Khi những người thiếu phẩm chất, nhân cách được trao quyền lực, họ sử dụng quyền lực theo mặt đối lập thứ hai. Quyền lực được trao càng cao và càng lâu, sai phạm của họ càng nhiều, mức độ sai phạm càng nghiêm trọng, tổn thất cho Nhân dân càng lớn.

Do đó, có nhiều biểu hiện của sự suy thoái về văn hóa trong chính trị mà xã hội đang lên án như: Quan liêu, sách nhiễu dân, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, bè phái… Chúng xảy ra ở hầu hết, nếu không phải ở tất cả, các cấp, các ngành, các địa phương, với những mức độ khác nhau. Điều đó ngày càng đòi hỏi phải đề cao hơn việc xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong chính trị, tư tưởng và đặc biệt trong “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, buông thả với lối sống xa hoa, bệnh hoạn chính là mất văn hóa. Còn chạy chức, chạy quyền, còn chuyên quyền, độc đoán mất dân chủ tức là đang thiếu văn hóa trong chính trị, tư tưởng. Cán bộ không là “công bộc của dân” theo lời dạy của Bác mà còn vô cảm, hạch sách, nhũng nhiễu dân, đấy là thiếu văn hóa chính trị. Đảng ta là đạo đức, là trí tuệ, là văn minh, mà trong đội ngũ của mình còn nhiều cán bộ, cả cán bộ cao cấp cũng không thể hiện tinh thần đó cũng chính là đang thiếu hụt về văn hóa trong chính trị. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tha hóa biến chất không chịu từ chức cũng là đang thiếu văn hóa trong thực hành công vụ…

Trở lại biểu hiện nổi cộm hiện nay của sự suy thoái về văn hóa trong chính trị là việc lạm dụng quyền lực được trao. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng nên đặt cao hơn vấn đề xây dựng Đảng về mặt văn hóa, đưa văn hóa vào trong đời sống sinh hoạt chính trị của Đảng, trong chuẩn mực ứng xử của toàn đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Cán bộ phải “trọng dân và trọng pháp”, phải ứng xử tôn trọng với Nhân dân. Trong Đảng nên mở một cuộc giáo dục thật công phu cho tất cả các đối tượng từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên, thậm chí là quần chúng về vấn đề trọng danh dự, trọng liêm sỉ. Bởi vấn đề bao trùm xây dựng văn hóa trong chính trị chính là xây dựng con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa ấy.

PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Hạt nhân của văn hóa chính trị chính là dựa vào dân

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, càng thấy rằng, xây dựng Đảng phải bắt nguồn từ xây dựng con người văn hóa, đội ngũ đảng viên văn hóa. Tôi hiểu văn hóa bao trùm tất cả các mặt của đời sống, vì vậy rất tự nhiên, có văn hóa của các mặt riêng biệt của cuộc sống. Chính trị là một mặt của đời sống xã hội, nên nói văn hóa trong chính trị là bàn tới văn hóa của hoạt động chính trị.

Trong đó, “dân” như là một phạm trù trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, có sắc thái riêng - sắc thái Hồ Chí Minh - vượt trội nhiều quan điểm khác về dân. Đó là văn hóa chính trị “dân quyền”, “dân sinh”, “dân trí”, “dân chủ”. Người cán bộ phải “minh đức, thân dân”, tức chính tâm và phục vụ Nhân dân. Thực hành được bốn chữ “chí công vô tư” với ý nghĩa là cốt lõi của đạo đức cách mạng thì đầu óc mới trong sáng, tỉnh táo để làm những việc ích nước, lợi dân; khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít và những tính tốt như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng ngày càng thêm. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân. Bác cũng nói nhiều lần, một cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ đảng viên có chức, có quyền phải luôn luôn tu thân chính tâm, tâm phải trong trẻo, tâm phải đứng đắn, tâm phải luôn nghĩ về nước về dân, phải đặt lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân lên trên hết, phải tu thân hàng ngày từ việc nhỏ, việc lớn, suốt đời cứ như vậy.

Những phân tích trên để đi tới quan điểm “chính trị có văn hóa”, tức là một thứ chính trị chính thống, chuyên nghiệp và thân thiện. Chính trị ở đây là lòng dân - vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay. Hạt nhân của văn hóa chính trị chính là dựa vào dân, thể hiện sự thân thiện giữa những người cán bộ với dân. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất, thậm chí là bài học lớn nhất trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn rất thời sự trong hiện tại. Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng, mà như Bác đã nói, là phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Phải mở rộng cánh cửa, lấy ý kiến Nhân dân, để dân góp ý cho mình. Bây giờ cũng vậy, phải có kênh nào đó lấy ý kiến Nhân dân, không phải ý kiến đại cử tri. Ngay cả việc “nhốt” quyền lực thì cái “lồng quần chúng” mới thật sự vững chắc.

Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, PGS.TS Phạm Quang Long: Người cán bộ có nhân cách sẽ làm việc chính đáng cho cộng đồng

Văn hóa chính trị là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu cho mỗi người hướng tới để rèn luyện, học tập và tu dưỡng bản thân, xứng đáng là một công dân trong một đất nước và xã hội tiến bộ, văn minh. Không phải đến thời nay, người ta mới quan niệm xây dựng văn hóa trong chính trị, mà từ thời xưa, các cụ đã đúc kết ra rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dăn dạy con người ta phải ăn nói, thể hiện mình trước đám đông và biết ứng xử nơi quan trường.

Phải nhìn nhận, hiện nay, văn hóa công sở đang đẻ ra các tệ nạn: Ma cũ bắt nạt ma mới, văn hóa đùn đẩy, nhận công không nhận tội… Đó là biểu hiện của người làm chính trị, người làm cán bộ không có chiều sâu văn hóa, không có nhân cách và không biết ứng xử. Để xây dựng được văn hóa trong chính trị thì chúng ta phải chọn người cán bộ có nhân cách, tài năng. Con người nhân cách thì rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất cũng phải giữ mình trong sạch như lời của Mạnh Tử, đừng nhìn nghe báo cáo mà nhìn ảnh hưởng của con người đó trong cộng đồng. Con người ấy ở xa muốn tìm đến để gặp, ở gần để ảnh hưởng tỏa sáng. Họ làm những điều chính đáng có ích cho cộng đồng.

Khi làm việc với vai trò là Giám đốc Sở VH&TT, tôi sợ nhất những công việc liên quan đến công tác phối hợp xử lý. Tôi từng làm công văn đề xuất Sở GTVT cắt một cành cây để dựng đồng hồ đếm ngược ở khu vực Hồ Gươm nhưng 4 tháng không nhận được câu trả lời. Những công việc TP giao Sở VH&TT chủ trì phối hợp với các sở ngành khác nhưng phải chờ đợi như xin nài, chờ người ta đến tham gia họp rồi phán… Đó là những hạt sạn trong văn hóa công chức, văn hóa chính trị cần phải chấn chỉnh.

Chăm lo đến việc giáo dục văn hóa trong chính trị là chăm lo đến sự nghiệp trồng người, chăm lo đến sự nghiệp xây dựng đất nước “vì lợi ích trăm năm” và “muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nhà hoạt động chính trị vừa phải tự rèn luyện, tự hoàn thiện trình độ văn hóa chính trị của mình, đồng thời, phải là người nêu gương sáng cho những người khác. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, văn hóa chính trị càng cần được đề cao, nhất là đối với những nhà hoạt động chính trị, bởi vì họ chính là tấm gương học tập, là biểu tượng của một nền văn hóa chính trị hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hiện nay.


Bài 2: Trách nhiệm “công bộc”

Một trong những khía cạnh quan trọng của văn hóa chính ở góc nhìn về “đạo đức người cán bộ” đó là thái độ, chuẩn mực, văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Không chỉ là “làm tròn bổn phận” người công bộc của dân, hay dừng ở những tiêu chí, quan điểm chung, để thấm sâu vào mỗi người, vẫn là câu chuyện không đơn giản.

Muôn kiểu quan liêu

Cuối năm 2019, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của công dân Nguyễn Chí Dũng (trú tại tổ 11, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), về việc ông đến bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng xin xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở, để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng một thửa đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Do không nắm được thủ tục, cán bộ bộ phận một cửa tiếp công dân Nguyễn Chí Dũng đã bảo công dân đi về, 10 giờ sáng có mặt để được cán bộ Đặng Thị Oanh Yến, người hiểu rõ thủ tục hơn, hướng dẫn.

Đúng 10 giờ, ông Nguyễn Chí Dũng có mặt tại UBND phường Việt Hưng. Thay vì hướng dẫn, bà Đặng Thị Oanh Yến thông báo với ông Dũng là phường Việt Hưng không xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở của ông. Cho dù, từ tháng 1/2018, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản quy định một số vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng lại khẳng định là… không có và yêu cầu công dân phải… tự đi tìm văn bản. Ông Nguyễn Chí Dũng ra về với lòng đầy bức xúc và nghi ngại: “Tôi rất buồn vì việc này. Hay là do thiếu "bôi trơn" nên cán bộ hành xử như vậy?”.

Tại không ít địa phương, những câu chuyện "hành dân" của một số bộ phận trong cơ quan công quyền hoặc ứng xử không đúng với chuẩn mực của người cán bộ có thể bắt gặp không ít. Chính điều này đã gây bức xúc cho Nhân dân. Hiện nay, kiểu “hành dân” phổ biến nhất chính là việc xin chữ ký, hay còn được gọi là “nạn bút phê” vào lý lịch.

Dân đến xin phê một nội dung, nhưng cán bộ xã phường lại điềm nhiên điền những thông tin khó hiểu, như là xác nhận sơ yếu lý lịch nhưng lại ghi ngay vào lý lịch người dân: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn”; hoặc những lời phê: “Có quan hệ với người nghiện” mà không chứng minh được quan hệ thế nào... Có những sự việc dù đã qua đi, nhưng những ứng xử thiếu chuẩn mực vẫn bị người dân nhắc lại, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của một vài người và cũng bởi lẽ đó là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Từ “hành chính” sang “phục vụ”

Như TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã phân tích, văn hóa là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ và đạo đức công vụ là cơ sở để thực thi trách nhiệm công vụ. Việc xây dựng và không ngừng bồi đắp văn hóa, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng và cần thiết trong lộ trình hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ.


Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
 Ảnh: Công Hùng

Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, trong nhiều năm, mỗi khi phải đến nơi công quyền đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người. Bởi không ít nơi, chính cán bộ, công chức nhà nước đã trở thành “cửa quan” hách dịch, sách nhiễu, phiền hà người dân. Thậm chí như người dân hay nói vui về văn hóa “hành là chính” khi nhắc đến câu chuyện xử lý công việc liên quan đến dân của bộ máy công quyền. Để đẩy lùi thực trạng ấy, những nỗ lực cải cách hành chính, thiết lập một nền dịch vụ hành chính công, hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ đạt tới chuẩn mực công vụ đã được triển khai bằng nhiều biện pháp quyết liệt trong những năm qua.

Có thể nói rằng, tính chuyên nghiệp của một nền hành chính hiện đại hàm chứa tính phục vụ đang dần hình thành. Những khẩu hiệu “Nền công vụ hiện đại là hướng vào phục vụ người dân”, “Lấy sự hài lòng của người dân, DN là trung tâm phục vụ”… không chỉ là trên giấy nữa. Không ít nơi, đã thực sự tạo nên hình ảnh những người thực thi công vụ trọng dân, kính dân, tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, không hách dịch; cách giải quyết công việc hiệu quả, không cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Tuy nhiên, như TS Thang Văn Phúc đã phân tích, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng tràn lan, từ cao tới thấp, những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp vẫn ở mức báo động; coi thường dân, coi thường pháp luật, đến sự vô cảm, thờ ơ trước những nỗi niềm của người dân… vẫn đang là những thách thức đặt ra. Cụm từ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" cũng từng được nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho một thực trạng trì trệ, vô trách nhiệm, lười biếng của một phần không nhỏ cán bộ, công chức. Thực tế ấy, đòi hỏi cấp thiết phải nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ.

Hơn nữa, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ được đánh giá trong lúc thực thi công vụ, mà còn được đánh giá cả lúc họ không thực thi công vụ, cụ thể là qua ứng xử, qua phong cách sống, sinh hoạt ở cả cơ quan và nơi cư trú, qua các mối quan hệ xã hội. Nói thì có vẻ dễ, bởi bản thân trong Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức cũng đã đề cập. Song để làm cho đúng và trở nên thường xuyên, phải như ngấm vào trong máu thịt mỗi công bộc của dân, quả không hề đơn giản.

Thực tế, đã từng có rất nhiều chuyện buồn, khi có cán bộ ứng xử không chuẩn mực với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, thậm chí ứng xử rất thiếu văn hóa. Có những cán bộ vẫn vô tư bẻ hoa, ngắt cành, ứng xử lệch chuẩn văn hóa lại “kiệm lời xin lỗi”! Rộng ra nữa, có cán bộ vì lợi ích phê duyệt những dự án đã góp phần tàn phá môi trường, có những cán bộ hoạnh họe chửi, xem thường dân...

Tất cả những hành vi trên dù nhỏ hay lớn đều thể hiện thái độ không kính trọng người dân, ứng xử lệch chuẩn văn hóa. Những biểu hiện như thế là biểu hiện không vì dân, không phải là cán bộ của dân, do dân và vì dân như mục tiêu xây dựng “văn hóa trong chính trị” Nghị quyết 33 của T.Ư đã đặt ra.

Văn hóa là gốc

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành 2 Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong cơ quan hành chính Nhà nước, hướng đến sự văn minh, thanh lịch trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận một cửa của cấp phường, xã thể hiện thái độ tác phong hách dịch với dân. Sở Nội vụ Hà Nội đã xây dựng bộ chế tài xử lý vi phạm, bao gồm hình thức phạt tiền, nêu tên trên các kênh thông tin đại chúng, thông báo về cơ quan, đơn vị… với từng lỗi vi phạm của công chức, viên chức.

Đặc biệt, Sở Nội vụ còn xây dựng Bộ chế tài tình huống 146 điều công chức không được làm. Với tất cả những động thái này, Hà Nội mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử của những cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan thuộc TP Hà Nội, đặc biệt là cán bộ thường xuyên tiếp xúc với người dân như bộ phận một cửa. Bằng chứng là sau hơn 3 năm ban hành 2 Quy tắc ứng xử, Hà Nội đã cải thiện đáng kể về chất lượng công việc của cán bộ phục vụ Nhân dân dân, giảm thiểu được rất nhiều hạt sạn khiến dư luận và truyền thông lên án.

Nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên, cùng với những quy định về đạo đức công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt quy định liên quan tới đội ngũ công chức, viên chức đã được tiến hành xây dựng và triển khai. Ở đó, bên cạnh vấn đề xây dựng văn hóa công sở, còn là loại trừ các căn bệnh “vô cảm”, “không nhúc nhích”... Đề án Văn hóa công sở cũng đã được ban hành và đưa vào thực thi

Đề án này được xây dựng với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội…

Một trong bốn nội dung của Đề án văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra yêu cầu về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có nội dung cốt lõi là khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, mỗi “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.

Khi được hỏi việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” có khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân không, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng: Không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của Nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ.

Đề án cũng có những quy định rất cụ thể như cán bộ, công nhân viên không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân, phải thực hành làm hết giờ sang làm hết việc, xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, DN làm mục tiêu.

Để những giải pháp đặt ra trong Đề án Văn hóa công vụ thấm nhuần vào thực tiễn, cải thiện, hình thành đạo đức công vụ cho mỗi người công bộc của dân mà đích đến cuối cùng là sự hài lòng của Nhân dân, chắc chắn phải mất thời gian. Từ đó mới có thể dần dần thay đổi một nhận thức, rằng các cơ quan hành chính không phải “hành là chính” mà đang thực hiện các dịch vụ hành chính công và bộ máy Nhà nước là cơ quan phục vụ Nhân dân.


Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, DN làm mục tiêu.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - TS Thang Văn Phúc: Đạo đức công vụ mới không tự nhiên mà có

Công chức thực thi công vụ được xác định là một nghề đặc biệt, cần một phẩm chất đặc biệt của người “công bộc” của dân. Từ thách thức chuyển vai trò người quản lý, từ cơ chế “xin - cho” sang người phục vụ Nhân dân, người phục vụ phát triển là việc hình thành giá trị mới của người cán bộ, công chức – vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng văn hóa trong chính trị hiện nay.

Để đầy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức một cách chủ động, hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về đạo đức của công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt cần phải có một đạo luật riêng về đạo đức công vụ. Cụ thể, công chức khi thực thi công vụ mới phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực quy định mang tính pháp luật của nhà nước trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người - con người, con người với xã hội, con người - nhà nước trên cơ sở tuân thủ quyền, lợi ích. Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ cần được quan tâm xây dựng trên nguyên lý: Pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội).

Hơn nữa, đạo đức công vụ mới không tự nhiên mà có, cần đề cao vai trò đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về vấn đề này. Kinh nghiệm các nền công vụ tiên tiến trên thế giới cho thấy, trong các trường đào tạo, huấn luyện công chức đều có chương trình huấn luyện công chức, từ việc ứng xử trong quan hệ công chức với dân tới thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chú trọng, khuyến khích tự đào tạo, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trong một xã hội học tập, trong nền kinh tế tri thức…


Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp KHKT Hà Nội - PGS.TS Bùi Thị An: Con người là nhân tố quyết định

Thành công hay thất bại của cải cách hành chính, có đạo đức và văn hóa công vụ hay không hoàn toàn là trông chờ ở nhân tố con người. Cán bộ, công chức, viên chức có nở nụ cười khi tiếp xúc với Nhân dân hay không, có nịnh bợ lấy lòng cấp trên, nạt nộ cấp dưới hay không thì không ứng dụng công nghệ nào làm thay được. Nếu công chức, viên chức có ý thức, có trình độ sẽ hiểu việc phục vụ Nhân dân là trách nhiệm và nghĩa vụ bởi họ là “công bộc” của Nhân dân, được trả lương bởi Nhân dân. Ngược lại, nếu không nhận thức thấu đáo, tư duy quan cách, sẽ cho rằng người dân được họ ban phát…, từ đó nảy sinh thói cửa quyền, thậm chí là hạch sách, nhũng nhiễu.

Chính vì vậy, trình độ văn hóa, ý thức đạo đức công vụ chính là yếu tố quan trọng quyết định tinh thần, thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ nói chung, đạo đức công vụ nói riêng phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa phục vụ của từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.


Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia - PGS.TS Ngô Thành Can: Cán bộ không được nóng với dân mà phải tìm cách xử lý phù hợp

Mục tiêu của Chính phủ ta là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, đây là những giá trị của lĩnh vực công vụ. Văn hóa công vụ phải hướng tới cùng với những giá trị khác như tuân thủ pháp luật… Để thực thi điều này trong thực tế công vụ, chúng ta quan tâm đến 3 yếu tố cơ bản.

Thứ nhất là quy trình. Đây là những quy trình, quy định cán bộ công chức viên chức phải thực thi, tuân thủ theo công vụ. Những điều này phải theo quy định. Thứ hai là để thực thi tốt quy định quy trình này cho có hiệu lực, hiệu quả, rõ ràng đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải là những người có năng lực làm ra sản phẩm, theo quy trình làm sao để đạt kết quả tốt. Thứ ba, chúng tôi lưu ý đến điều kiện để thực thi công vụ.

Do đó những giá trị cần hướng đến như cán bộ công chức viên chức phải có kiến thức, có kỹ năng, thái độ đúng đắn, đạo đức tốt trong việc thực thi văn hóa công vụ. Chính vì vậy chúng ta cần lưu ý ngoài thực thi công vụ còn lưu ý đến “đức và tài”, “hồng và chuyên”.

Văn hóa công vụ tập trung ở cả tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, trang phục… Đó là mấy vấn đề chúng ta cần lưu ý vì nó liên quan đến thái độ phục vụ, cách thức giải quyết công việc, hay gọi đây là chất lượng tập thể để đánh giá, xem xét.

Thời gian qua có nhiều vấn đề đã được giải quyết khá tốt trong phần thực thi công vụ, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ. Trong phần này, điều rõ nhất chính là nhận thức rõ về chủ trương đường lối, các quy định. Chúng ta phải quan tâm các khóa đào tạo về văn hóa, trang phục, giao tiếp; chúng ta phải luôn ý thức là cán bộ công chức khi giao tiếp trực tiếp với người dân, với khách hàng của mình đừng thể hiện sự hách dịch mà là hãy kiềm chế. Cán bộ công chức không được nóng với dân mà phải tìm cách xử lý hợp lý phù hợp.


Bài 3: “Bệnh” tham nhũng băng hoại nhân cách

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nói đến văn hóa chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Trong khi những vụ án tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng và cả hành vi “tham nhũng vặt” vẫn đang hiện hữu, đấu tranh để triệt tiêu vấn nạn ấy, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên chính là thực hành văn hóa trong chính trị, loại bỏ đi những nét phản văn hóa, tránh làm vẩn đục đạo đức xã hội.



Cán bộ Sở Tài chính Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Ảnh: Công Hùng

Khi cán bộ bỏ quên chữ “liêm”

Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia xây dựng đảng, văn hóa đã chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, “lỗ hổng” văn hóa trong chính trị đáng lưu ý là chưa có các cơ chế, thể chế đủ mạnh để kiểm soát việc sử dụng quyền lực của cán bộ có chức quyền. Trong khi đó, đã là con người, dù lúc đầu có thể tốt, hoặc không phải xấu, nhưng họ vẫn luôn chịu sự tác động mạnh mẽ, thường xuyên, bền bỉ của một số bản năng mà trong đó có những mặt xấu có thể làm hư hỏng nhân cách. Khi có quyền lực, họ có thể rộng đường hơn để cống hiến nhiều hơn nếu đủ nhân cách, nhưng nguy cơ suy thoái về đạo đức cũng tăng lên nếu không đủ bản lĩnh và độ chín về văn hóa.

Thực tế thời gian qua, bên cạnh phần lớn cán bộ giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện liêm, chính nghiêm túc, thì không ít cán bộ lãnh đạo khác lại quên đi điều đó, do nhiều nguyên nhân khiến họ đi đến chỗ tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất... Nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”, cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”, công ty con…

Xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những ai dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống; để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át… Đồng thời với những bài học cảnh tỉnh đang có, hành lang pháp lý chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ sẽ tạo thành những “thiết quân luật” để ngăn ngừa và xử lý vi phạm.

Tình trạng suy thoái lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát giao thông, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển.

Hệ quả là liên tục các cán bộ bị xử lý kỷ luật chính bởi sự “sa vào chủ nghĩa cá nhân” ấy; hàng loạt đại án tham nhũng được đưa ra xét xử, không ít cựu quan chức, quan chức đã phải hầu tòa bởi vi phạm những giá trị đạo đức để trục lợi... Có những thời điểm dư luận không khỏi giật mình khi kết luận cơ quan điều tra cơ quan bảo vệ pháp luật công bố với những con số kim tiền qua lại giữa quan chức và DN trong một nhóm lợi ích như vụ mua cổ phần giữa Mobifone và AVG. Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT bị cáo buộc vì nhận hối lộ, thậm chí số tiền lên đến hàng triệu USD. Từ vụ việc ấy, nhiều ý kiến đã nhìn nhận, ở vị trí “thuyền trưởng” một bộ, những người cán bộ này hơn ai hết hiểu và hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm, những gì có lợi cho dân, cho nước. Biết sai vẫn làm, đó là biểu hiện của sự suy thoái, mưu cầu.

Khi nói về “đạo làm quan”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) phân tích, tình trạng suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên đang thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức. Một khi cán bộ, đảng viên không trong sạch về đạo đức, không trong sáng về lối sống sẽ rất khó để vượt qua được những cám dỗ khó cưỡng của lợi ích vật chất, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, cán bộ, đảng viên sẽ không có tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thay vào đó là thái độ “xem khinh quần chúng”, “đục khoét" của Nhân dân.

Chưa kể con số hàng nghìn cán bộ các cấp bị xử lý, chỉ nhìn vào những con số trên 90 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, thậm chí nhiều người bị xử lý hình sự từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, có thể vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn. Trong đó có không ít cán bộ được đánh giá là những “hạt giống đỏ”, người có năng lực, nhưng đã bỏ quên chữ “liêm” dẫn đến những sai phạm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) đã nhận xét, không chỉ “biến hình” ngày càng tinh vi, tham nhũng còn nhận được sự “tiếp ứng” của những cán bộ biến chất, suy thoái. Nhìn vào thực tế các đại án mà dư luận hết sức quan tâm vừa qua, có thể nhận thấy, trước khi bị đưa ra ánh sáng, những con người liên quan các vụ việc đó ít nhiều đã được đánh giá là có năng lực, thậm chí được kỳ vọng, từng có lúc được ghi nhận công trạng, được dư luận ủng hộ trong một số quyết định lãnh đạo, điều hành. Điều đáng buồn là, khi họ để quyền lực bị tha hóa, để đồng tiền, lợi ích che mờ lý trí, lấn át đạo đức, thì việc sa chân, lạc lối chỉ là vấn đề thời gian.

Băng hoại đạo đức xã hội

Thực tế cũng cho thấy, các hành vi tham nhũng đã và đang không chỉ xảy ra ở những chương trình dự án lớn có giá trị hàng nghìn tỷ đồng - tham nhũng lớn, mà còn xuất hiện nhiều ở cả các cơ quan công quyền tại cơ sở, nơi hàng ngày trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lợi ích của người dân. Đó là tham nhũng vặt. Đây cũng là vấn nạn của việc gặp gỡ giữa lòng tham và quyền lực.

Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày qua các giao dịch bình thường trong xã hội. Đôi khi nó chỉ là những “món quà” để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản hối lộ "nho nhỏ" như nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền "bồi dưỡng", "tiền trà nước"… Như TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội) nhận định, nếu nói văn hóa là nền tảng đời sống tinh thần của xã hội thì tham nhũng vặt, văn hóa phong bì phổ biến làm vẩn đục đời sống, văn hóa tinh thần. Đi đến đâu cũng nghĩ đến “đút lót” kể cả trong môi trường giáo dục, y tế. Ai cũng biết là sai nhưng không làm gì hoặc không làm gì được, bởi người Việt rất dễ thỏa hiệp với việc đó, bởi quan niệm “được việc”, “cho yên tâm”, vô tình đã tạo nên khía cạnh văn hóa không đẹp.

Hơn nữa, có những hành vi tham nhũng vặt nhưng không vặt, đó là tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, nhận “lót tay”... Trong đó, gần đây nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, số tiền không hề nhỏ. Cùng với đó, ở góc độ công vụ, tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, len vào những ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt”.

Kiến tạo nền tảng văn hóa

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ lạm dụng, rất dễ tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Bác đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).

Để căn chỉnh, giải quyết những sai phạm, những nỗ lực kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tha hóa, biến chất đang được quyết liệt thực hiện để chấn chỉnh đạo đức cán bộ, đề cao “đạo làm quan”. Đặc biệt, thời điểm Đai hội Đảng các cấp đang diễn ra này, công tác cán bộ đã được đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”…

Như Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến nhận định, xử lý tình trạng tham nhũng, lạm quyền đã và đang được T.Ư và các cấp, các ngành thực thi, trong đó, điều quan trọng nhất là kiểm soát quyền lực. Phải nói rằng chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt. Hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh. Qua đó, đã cho thấy quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện được tuyên ngôn của Đảng, Nhà nước là xử lý tham nhũng không trừ một ai, không có ngoại lệ, đem lại niềm tin cho công chúng, cho người dân. Để bịt những lỗ hổng, các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát” đang ngày càng hoàn thiện mạnh mẽ hơn không chỉ bằng các quy định của Đảng mà cả các cơ chế giám sát để người có quyền lực không thể lạm quyền, lộng quyền. Thực thi kiểm soát quyền lực sẽ góp phần kiến tạo nền tảng văn hóa, đạo đức chính trị.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn không ít khó khăn, phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiến tạo văn hóa, đạo đức lành mạnh trong hệ thống chính trị. Như tệ tham nhũng vặt, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, chính sự thiếu minh bạch là mảnh đất màu mỡ nảy nở những điều xấu, đục nước béo cò. Cái xấu lại không được phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời thì lan nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc xây dựng nền công vụ văn minh là vấn đề được nhiều người đề cập tới.

Theo TS Lưu Minh Trị, hiện tham nhũng vặt đã bước đầu được xử lý mạnh mẽ hơn cùng với các quy định của luật, việc xây dựng văn hóa nếp sống, văn hóa công vụ, nhưng vẫn thiếu những chế tài, quy chế cụ thể để kiên quyết, dứt khoát chống. Do đó, hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, sự lên án từ xã hội phải tăng cường hơn để thay đổi về nhận thức và đạo đức xã hội. Hơn nữa phải làm thường xuyên, không phải theo phong trào. “Tham nhũng vặt là vi phạm văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống. Nếu xã hội mà nhiều tham nhũng vặt là ô nhiễm văn hóa, lối sống càng tăng. Người đi đút lót và người nhận đều vi phạm các phạm trù này. Do đó, cùng với các quy định, quy chế, phải tăng giáo dục đạo đức xã hội nhiều hơn” - TS Lưu Minh Trị nói.

Cùng với đó, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những ai dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống; để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át… Đồng thời với những bài học cảnh tỉnh đang có, hành lang pháp lý chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ sẽ tạo thành những “thiết quân luật” để ngăn ngừa và xử lý vi phạm.


Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến: Trọng bệnh thì phải dùng biệt dược

Trước hết phải nói rằng, khi theo dõi thông tin của các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, cảm xúc đầu tiên của tôi là hết sức xót xa. Xót xa vì một số vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã vướng vòng lao lý, đứng trước vành móng ngựa; như hai nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, rồi một loạt lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay những vụ việc liên quan đến các tướng công an, quân đội... Trong số đó, thậm chí một số người có quá khứ rất vẻ vang, đã từng chiến đấu trong nhiều mặt trận, từng giữ những chức vụ cao trong các ngành công an, quân đội... nhưng giờ lại bao che, tiếp tay cho tội phạm…

Tuy nhiên, xây dựng một xã hội đạo đức, văn minh thì không chấp nhận còn những kẻ tham nhũng. Do đó, việc chống tham nhũng quyết liệt đã có tác dụng làm cho bộ máy nhà nước, của Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, từng bước chặn đứng và đẩy lùi tệ nạn vốn vẫn được coi là quốc nạn này. Đã là quốc nạn, trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được. Biệt dược ở đây chính là giải pháp quyết liệt, sự phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và hình phạt cũng rất nghiêm khắc.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - Thiếu tướng Lê Văn Cương: Bản chất sâu xa là lòng tham

Bản chất sâu xa của tham nhũng là lòng tham, là nhu cầu lợi ích vốn luôn tồn tại trong mỗi con người ở những mức độ khác nhau. Khi hoàn cảnh thuận lợi, khi cán bộ không đủ bản lĩnh, không vượt qua được cám dỗ, thì lòng tham sẽ dẫn dắt họ tiến một bước đến với tham nhũng. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực có lúc chưa hiệu quả, gián tiếp tạo ra môi trường, điều kiện để tham nhũng phát tác. Khi quyền lực trong tay, mỗi quyết sách có thể mang theo nó hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, mà không có cơ chế kiểm soát, đảm bảo dân chủ, minh bạch, khách quan, hậu quả là rất lớn.

Những vụ việc các nguyên lãnh đạo cấp cao dính líu đến tham nhũng, hối lộ vừa qua cho thấy, việc giám sát quyền lực có những thời điểm dân chủ phải chăng chỉ còn mang tính hình thức, bởi lẽ các quy định về tài sản, về đầu tư, định giá đất đều có, nhưng các vị lãnh đạo ấy vẫn ra nhiều quyết định dẫn đến sai phạm, vi phạm như kết quả thanh, kiểm tra đã chỉ ra. Nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Đây cũng là bài học sâu sắc cần được rút ra từ các vụ việc cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vừa qua.

Nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - GS.TS Trần Văn Bính: Cán bộ lãnh đạo phải có nền tảng văn hóa vững vàng

Người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược có đạo đức tốt, có nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng là điều kiện cần thiết bậc nhất trước khi tính đến các tiêu chuẩn quan trọng khác. Trách nhiệm đạo đức đang đòi hỏi văn hóa đạo đức của cán bộ các cấp phải được quan tâm đặc biệt, nếu không hậu quả về sự biến chất vô cùng khó lường.

Trong tình hình hiện nay, một bộ phận nhỏ Nhân dân gặp khó khăn nhưng một số cán bộ, đảng viên không thấu hiểu và không gần dân; không am hiểu cụ thể những nhu cầu thực tiễn của Nhân dân nên hầu như họ bị bỏ rơi. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do cán bộ công chức sống xa dân, lo cho lợi ích bản thân, lợi ích nhóm và thiếu nền tảng văn hóa, cụ thể ở đây là thiếu việc học làm người hiếu thuận, làm người thiện lương, làm người chuyên cần, làm người khoan dung, làm người thành thực… Muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý có tầm và có tâm, thì ngoài việc nâng cao đào tạo về trình độ thì cần phải giáo dục bồi dưỡng về văn hóa ứng xử, văn hóa làm người. Việc học này không chỉ ở trong nhà trường, mà còn ở trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, trong quá trình lựa chọn người cán bộ, tiêu chí nền tảng văn hóa của con người cũng cần phải được đặt lên hàng đầu.



Bài 4: Nêu gương - nhân tố tiên quyết

Thực tế đã chỉ ra rằng, sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất. Nêu gương chính là tạo động lực trong công việc, đẩy lùi những biểu hiện trì trệ, lười biếng, ỷ lại và những tiêu cực khác, đó chính là phương thức, nhân tố tiên quyết lấp đi những “lỗ hổng” trong văn hóa chính trị hiện nay.



Cán bộ UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng

Trách nhiệm tự thân

Như TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc Hội) đã chỉ ra, sự thiếu hụt về văn hóa trong chính trị đang biểu hiện ở nhiều hiện tượng từ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, đến vô cảm, hạch sách, nhũng nhiễu dân… Để lấp đầy sự thiếu hụt ấy, việc nêu gương chính là một phương thức.

Nghiên cứu của các chuyên gia cũng như thực tiễn cũng cho thấy, niềm tin của người dân đối với Đảng, hệ thống chính trị thực chất là niềm tin vào những cá nhân, những chức danh cụ thể trong bộ máy. Trong thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh các nhà lãnh đạo đều được “soi” rất kỹ, việc tốt, việc xấu của họ đều được lan truyền rất rộng, rất nhanh.

Vì thế, nếu người cán bộ biết làm gương, biết giữ gìn hình ảnh của chính mình cũng là giữ gìn hình ảnh của tập thể, bồi đắp văn hóa chính trị của cá nhân mình cũng như nơi mình làm việc. Bởi thế, cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng phải được coi trọng. Nêu gương cũng là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục lớn xuống phía dưới, trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới theo.

Theo GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong xây dựng văn hóa chính trị, muốn cho tình hình được chuyển biến tốt hơn, nhanh hơn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nêu cao trách nhiệm gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu ở các cấp, các ngành.

Gương mẫu ở đây phải được hiểu là hành động tự thân, tự giác của mỗi cán bộ các cấp trong việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Phải thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: Muốn hướng dẫn Nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo và “Một tấm gương có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Đề cập đến quan điểm, Nghị quyết của Đảng về nêu gương, về sàng lọc đảng viên thể hiện rất rõ tinh thần văn hóa trong chính trị, TS Nguyễn Viết Chức cũng chỉ ra: Bác dạy người đảng viên phải “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” là dạy thứ văn hóa chính trị cao nhất, bản chất nhất, thiết thực và dễ hiểu nhất.

“Đảng viên đi trước, làng nước mới theo sau”, nếu đảng viên, cán bộ ăn chơi phè phỡn, xa hoa… sống xa dân, sống trên dân, thì không còn văn hóa chính trị của Đảng nữa. Không còn văn hóa chính trị của người cán bộ thì làm sao còn niềm tin nơi dân chúng?! “Cái gốc văn hóa chính trị nằm ở đó chứ không phải văn hóa là những thứ “văn hóa xa lạ, khua chiêng gõ trống ồn ào!” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Văn hóa nêu gương

Từ trước đến nay, thực tế có rất nhiều nhà lãnh đạo, quan chức các cấp đã nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí&Tuyên truyền) nhận định: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng, sẽ luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa, có vì dân chưa, việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không…


Học viên lớp cán bộ nguồn tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Ảnh: Chiến Công

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cán bộ là phải trung thực, nêu gương, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Càng làm càng phải có trách nhiệm với dân, phải thể hiện cái cốt cán, gương mẫu của một người cán bộ, một người đầy tớ trung thành với người dân. Dù là cán bộ có chức hay cán bộ không có chức đi nữa cũng phải thể hiện là một tấm gương trong sáng, gương mẫu, thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy, cán bộ là phải liêm khiết.

Cùng với “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng” ra đời năm 2018, trước đó nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương cũng đã được ban hành. Từ Quy định của T.Ư, mỗi bộ, ban, ngành, địa phương đã và đang cụ thể hóa thành các quy định, chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, giúp cho cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả.

Tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị cũng cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của TP. Trong đó, có yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP”.

Đồng thời, nêu gương trong công việc, được phân công, thực hiện tốt nhất việc lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, nêu gương trong đạo đức lối sống, bắt đầu ngay từ những việc nhỏ, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc, sinh hoạt... của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời duy trì thành nền nếp, thói quen tốt, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ, đảng viên.

Việc thực hiện những quy định nêu gương không chỉ giúp hình thành đội ngũ cán bộ có đạo đức, có văn hóa, mà chính những tấm gương sáng về nhân cách, lối sống giản dị, liêm khiết, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của toàn xã hội. Để xây dựng văn hóa chính trị, nêu gương chính là nhân tố tiên quyết. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa và thuyết phục bằng sức mạnh của niềm tin, sự yêu mến, cảm phục.


Những vụ việc cán bộ sa ngã vừa qua chính là bài học hết sức quý báu, rất xác đáng dành cho những ai đang đương chức, đương quyền. Bài học đó để làm gương, để làm sao mỗi cán bộ phải có một đạo đức, một tấm lòng trong sáng, phải có tâm, có tầm, có sự trung thực. Nếu ai đã làm sai thì cố gắng phấn đấu để sửa sai, để làm lại cho tốt hơn.


GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Gương mẫu, hành vi đạo đức cao đẹp nhất

Sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất đối với quần chúng, đối với cộng đồng. Đảng muốn trong sạch về đạo đức, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, đề cao lòng tự trọng, tính liêm sỉ, biết cảnh giác và tránh xa “cái bả” ham muốn vật chất và chạy theo “tiền tài danh vọng”. Đồng thời, tự nguyện đặt lợi ích của cá nhân mình vào lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội. Nếu bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo mà thiếu tư cách đạo đức thì không những làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, mà còn không lãnh đạo, giáo dục được quần chúng.


Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - TS Nguyễn Viết Chức: Làm cho cái tốt lấn át cái xấu

Nghị quyết của Đảng về trách nhiệm nêu gương và nghị quyết về sàng lọc đảng viên đang là những việc làm thiết thực thể hiện tư tưởng xây dựng văn hóa trong chính trị. Bởi văn hóa trong chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng. Đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ”, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là thực hành văn hóa trong chính trị. Nền chính trị đề cao việc nêu gương, làm cho cái tốt lấn át cái xấu, cái thiện thắng cái ác, cái chân thực lấn át cái giả dối, đó chính là thứ văn hóa trong chính trị cần thiết nhất hiện nay.


Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - PGS.TS Phạm Quang Long: Cán bộ nêu gương tốt sẽ khiến cấp dưới tin cậy

Ông cha ta từ xưa đến nay đã có nhiều cách để chọn đào tạo và bồi dưỡng người tài. Đến ngày nay, chúng ta làm đồng bộ hơn là đề ra các nghị quyết, chủ trương về quy hoạch cán bộ, nhưng cũng giống như việc chiêu mộ hiền tài, tiến cử người tài, thi ra trị nước như ông cha ta ngày xưa. Công việc quy hoạch, luân chuyển về bản chất mục tiêu là sàng lọc, bồi dưỡng người tài. Đó là chủ trương rất đúng và cần. Nhưng rõ ràng trong cách thể hiện ở đâu đó còn chưa chọn được những người tài đích thực, các tiêu chí nó vẫn không sát thực tế. Cán bộ Đảng viên phải thấm nhuần khẩu hiệu: Trung thành với Đảng, trung thành với đất nước, trung thành với Nhân dân (cái nào lên đầu thì cần phải suy nghĩ). Mục tiêu cuối cùng là làm sao để cán bộ bên cạnh tài còn cần phải có đức, để luôn là người gương mẫu, nêu gương trước Nhân dân. Cán bộ nào nêu gương tốt thì có lợi, sẽ tạo được uy tín trong cán bộ cơ quan, khiến cấp dưới tin cậy và chú tâm cộng tác, đó là phần thưởng rất lớn cho cán bộ. 



Bài cuối: Xây dựng nền văn hóa chính trị xứng tầm

Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ là xây dựng một nền văn hóa, trong đó có chính trị, xứng tầm làm nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Nhưng cho đến nay nhận thức về văn hóa ở từng cấp, từng ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Nhằm phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng đó và gợi ra những giải pháp cho việc xây dựng văn hóa chính trị trong tương lai, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chuyên gia cao cấp - GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang.



Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chuyên gia cao cấp - GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang

Xây dựng hình ảnh người cán bộ

Nghị quyết 33/NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 33) đã đề cao mục tiêu văn hóa là nền tảng cho mọi sự phát triển. Sau 5 năm thực hiện, theo GS chúng ta đã đạt được mục tiêu này?

- Bộ Chính trị vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, bên cạnh những kết quả đạt được đã nhận ra nhiều hạn chế trong nhận thức của các cấp, các ngành. Không phải chúng ta không coi trọng văn hóa, nhưng ở đâu đó văn hóa vẫn được hiểu trên bình diện hẹp, đó chỉ là lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Thực ra, văn hóa là tất cả mọi sáng tạo của một dân tộc, được tích lũy từ rất nhiều đời, trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển quốc gia, trong đó có việc xây dựng thiết chế tổ chức, quản lý điều hành đất nước phù hợp.

Gần đây nhiều lời than đạo đức xuống cấp, văn hóa cán bộ xuống cấp bằng các hiện tượng như: Tham nhũng, vô cảm với đau khổ của người khác, có những đối xử tệ bạc, hãm hại nhau… Vậy theo GS, bản chất của các hiện tượng này là gì

- Những hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có cái lõi của vấn đề này là có một thời gian dài chúng ta chưa chú ý đúng mức đến giáo dục gia đình. Các bậc phụ huynh dường như khoán toàn bộ việc giáo dục đạo đức cho nhà trường. Bố mẹ thì mải đi kiếm tiền và nghĩ rằng nhà trường đã cho học giáo dục công dân, đạo đức, thế là đủ. Trong khi, giáo dục phương Đông nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng sự rèn giũa của giáo dục gia đình là nền tảng rất quan trọng. Chính vì vậy, Nghị quyết 33 có chú ý đến giáo dục nhân cách con người mà trọng tâm là giáo dục gia đình.

Trong văn hóa truyền thống có nhiều cái hay, nhưng chúng ta chưa thấy hết những tác động tự phát của mặt trái các truyền thống đó. Chẳng hạn, đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống vô cùng tốt đẹp, nhưng dường như những hạn chế của tính chất cố kết làng xã trong một xã hội tiểu nông chưa được lường tính đầy đủ. Đó là sự cố kết để ứng phó với những thử thách, để cùng nhau vượt qua những đe dọa từ bên ngoài, nên khi những nguy cơ này thuyên giảm, hoặc ở khoảng thời gian nào đó không hiển hiện trực tiếp thì toan tính cá nhân của mỗi người lại bung ra tự phát, xuất hiện hiện tượng một số người người tranh thủ vơ vét.

Chúng ta có hệ thống chính trị nhất nguyên, điều này giúp ta có một nhà nước mạnh đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nghèo. Nhưng nếu không có những cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Chúng ta chưa giám sát hữu hiệu quyền lực nên khi được giao quyền, nhiều người tự tung tự tác. Có quyền lực ở chỗ này chỗ kia, ở người này người kia bị tha hóa. Nếu chúng ta không xử lý triệt để thì sẽ suy đồi về văn hóa. Vừa qua, một Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy đã cho ô tô ra tận chân cầu thang máy bay để đón mình và gia đình. Ở đây không phải chuyện đúng sai theo quy định, mà là ý thức của cán bộ trong việc xây dựng hình ảnh người “đầy tớ trung thành” của Nhân dân.

Khai thác hiệu quả tinh thần đoàn kết

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng một nền tảng văn hóa cho cả dân tộc, cũng là cách tìm ra biện pháp thay đổi nhận thức làm sao cho thật đúng đắn với mục tiêu văn hóa là nền tảng phát triển của một đất nước?

- Trong một lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp chiến lược, tôi được mời báo cáo chuyên đề “Tinh hoa nghệ thuật trị quốc cầm quyền”. Chuyên đề này không chỉ là câu chuyện lịch sử, mà đang còn nguyên giá trị thời sự đến hiện nay bởi vì đó chính là văn hóa. Muốn văn hóa được thực sự coi trọng và đi vào mọi mặt của cuộc sống, trước hết cần nhận thức thật đầy đủ về văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho tất cả mọi hoạt động, thì trong giáo dục phải có đổi mới về mặt chương trình, để cho học sinh từ bé đến lớn nhận thức văn hóa không phải học cho biết, cho vui, mà nó phải biết cái mạnh cái yếu của người Việt Nam là gì, sau khi trưởng thành biết biến thế mạnh của mình thành quyết sách của một dân tộc và cho từng cá nhân.

Cái thứ nữa là chúng ta phải có sự điều tiết ở tầng vĩ mô để con người Việt Nam thoát ra từ thời kỳ khổ cực thiếu thốn về vật chất, hiểu được những giá trị của văn hóa tinh thần. Làm sao đó để người ta thấy rằng đi nghe một buổi hòa nhạc, đi xem một bộ phim hay thấm đậm lòng người có được cảm giác thỏa mãn, sung sướng không kém gì ăn một bữa tiệc thịnh soạn.


Cán bộ quận Bắc Từ Liêm tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Ảnh: Thanh Hải

Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ có nền tảng văn hóa chính trị vững chắc, theo GS, muốn xây dựng văn hóa chính trị trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải làm những gì?

- Lịch sử của Việt Nam không thua kém bạn bè năm châu, chúng ta còn tự hào về bề dày truyền thống văn hóa. Chính vì vậy, Việt Nam có thể tự tin xây dựng một nền văn hóa chính trị phù hợp. Bằng chứng là trong đợt dịch Covid-19, ngay khi Thủ tướng ra lời hiệu triệu: Chống dịch như chống giặc, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã đồng lòng, đoàn kết chống dịch. Nếu chúng ta biết khai thác hữu hiệu, hiệu quả tinh thần đoàn kết đó thì chúng ta sẽ có một nền văn hóa chính trị xứng tầm. Điều thứ 2 trong việc xây dựng nền văn hóa chính trị là phải có chiến lược quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phải làm sao có nhiều người tài tham gia vào bộ máy cầm quyền.

Ở đây không phải chiến lược chiêu mộ người tài mà là chiến lược sử dụng người tài, để đưa ra những mục tiêu đạt được cụ thể cho Việt Nam trong vòng 5 hay 15 năm sau, thậm chí là lâu dài hơn nữa. Điều thứ 3 phải nhấn mạnh yếu tố văn hóa và dân tộc. Đây là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau, trong thời đại toàn cầu hóa có thể giao lưu kết nối nhưng luôn luôn có đặc trưng, thế mạnh riêng. Chúng ta phải biết biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có thể biến ước nguyện có ngày nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực.

Xin cảm ơn ông!


Trong việc xây dựng nền văn hóa chính trị là phải có chiến lược quan trọng cho sự phát triển của đất nước, phải làm sao có nhiều người tài tham gia vào bộ máy cầm quyền. Ở đây không phải chiến lược chiêu mộ người tài mà là chiến lược sử dụng người tài, để đưa ra những mục tiêu đạt được cụ thể cho Việt Nam trong vòng 5 hay 15 năm sau, thậm chí là lâu dài hơn nữa.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất