Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực

 

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực

Qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05), cho thấy trên địa bàn TPHCM đã có nhiều đơn vị, tổ chức triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có cách làm mới lồng ghép với nhiều nội dung, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X gắn với đặc thù của địa phương, đơn vị mình. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm từ cơ sở, nêu gương, gắn trách nhiệm thực thi công vụ của người cán bộ, đảng viên và tự soi mình với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để đặt ra kế hoạch khắc phục, sửa chữa…

Bài 1: Cuộc đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Cầm trên tay phiếu khảo sát, đánh giá đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Chi bộ Khu phố 2, phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) vừa phát, anh Nguyễn Văn Tr, đảng viên Tổ đảng 5 phân vân không biết tự nhận ở mức độ nào trong 27 biểu hiện. “Thôi, cứ để tập thể chỉ ra cho mình, đúng thì nhận và sửa”, anh Tr nghĩ vậy, rồi lặng lẽ gấp tờ phiếu khảo sát vào quyển sổ tay, đứng dậy ra về…

Thấy sai quyết sửa cho bằng được

Bí thư Chi bộ Khu phố 2, phường Sơn Kỳ - Lưu Xuân Lý lật giở quyển sổ ghi biên bản cuộc họp chi bộ, nói với chúng tôi: Lúc đầu mới triển khai, có nhiều đồng chí phân vân, không dám tự nhận có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như đồng chí Tr. Sau khi chi bộ phân tích, nói rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Chỉ thị 05 phải tự soi mình với những việc làm, biểu hiện cụ thể, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách của người đảng viên, nhiều đồng chí đã mạnh dạn tự nhận, tập trung nhiều ở biểu hiện 4 và 5. Trong 2 biểu hiện này, theo hướng dẫn của Quận ủy Tân Phú được chia nhỏ thành 8 biểu hiện, nên ai cũng dễ nhận biết để đối chiếu với mình xem ở mức nào. “Ban đầu chỉ có 4 đồng chí tự nhận, sau có thêm các đồng chí M, đồng chí Tr, A, Th… Các đồng chí tự nhận với các biểu hiện như: sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh… Khi đã tự nhận ra khuyết điểm của mình thì từng đồng chí đăng ký vào sổ “Học tập và làm theo Bác”, cam kết khắc phục. Đợt sơ kết tháng 5 vừa qua, chi bộ ghi nhận có 8/10 việc làm đăng ký học tập và làm theo Bác đã hoàn thành theo cam kết, trong đó có nhiều việc làm được nhân dân trong khu phố đánh giá cao…”.

Cũng với cách làm này, ở Chi bộ Khu phố 9, Đảng bộ phường Tây Thạnh, lúc đầu cũng chỉ có vài đảng viên tự nhận ở các biểu hiện mang tính chung chung, sau các cuộc họp chi bộ phân tích, gợi ý cho từng đảng viên cách đăng ký việc làm theo Chỉ thị 05, nhiều đảng viên đã tự nhận khuyết điểm và cam kết khắc phục. Trong đó, theo Bí thư Chi bộ Khu phố 9 Lê Văn Nam, có đảng viên H vi phạm khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật. Bí thư chi bộ Lê Văn Nam nói: “Đồng chí này còn trẻ, làm chủ một cơ sở may, đã mạnh dạn nhận  khuyết điểm “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng”. Sau đó, đồng chí đã cam kết trong 6 tháng khắc phục sửa chữa bằng nhiều việc làm thiết thực theo Chỉ thị 05. Trong đó đã nhận giúp đỡ 2 hộ nghèo và tạo việc làm cho 4 trường hợp khó khăn trên địa bàn”.

Theo kết quả đánh giá của Quận ủy Tân Phú về các biểu hiện suy thoái của đảng viên, phường Tây Thạnh nổi lên nhiều nhất ở các biểu hiện 3, 5, 7, 14. Trong đó, biểu hiện 14 có 42 trường hợp có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Kết quả này phản ánh đúng thực chất tình hình nội bộ ở Đảng bộ này nhiều năm qua, trong đó tập trung ở những đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền và một số lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú đã tập trung lãnh đạo, điều chuyển một số đồng chí trong cấp ủy sang nhiệm vụ khác. Đến nay, sau đợt 1 triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), tình hình tại Đảng bộ phường Tây Thạnh đã đi vào ổn định. Gần 10% trong tổng số hơn 600 đảng viên của Đảng bộ có các dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã cam kết tự khắc phục sửa chữa bằng những việc làm cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh hoạt và công tác, được quần chúng nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.      

Mô hình “27 x 3”

Thực hiện Chỉ thị 05, Quận ủy Tân Phú đã triển khai nhiều mô hình gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII). Trong đó, mô hình “27 x 3” được đánh giá là sát thực và dễ nhận biết, đánh giá về những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi đảng viên. Căn cứ vào 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú chia ra thành nhiều biểu hiện nhỏ trong mỗi biểu hiện, nâng số biểu hiện lên thành 81 (27 x 3). Ví dụ, ở biểu hiện 4 được chia nhỏ ra 4 biểu hiện như: 1/ Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; 2/ sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; 3/ né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; 4/ không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Hay ở biểu hiện thứ 6 được chia ra 6 biểu hiện nhỏ rất dễ nhận biết trong thực tế như: Nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít, nói một đàng làm một nẻo…

Theo Phó Bí thư Quận ủy Tân Phú Tăng Hữu Phong, quá trình triển khai mô hình 27 x 3 đã chỉ ra nhiều cách làm sáng tạo gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và TP. Cụ thể, sau khi thu lại phiếu tự đánh giá, cấp ủy sẽ tiến hành phân tích, hướng dẫn đảng viên đăng ký thực hiện việc làm theo nội dung của Chỉ thị 05. Những biểu hiện nào cần làm rõ thì đưa qua kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm và tiến hành giám sát việc khắc phục, sữa chữa khuyết điểm của đảng viên. Đối với tập thể, kết quả phân tích nổi lên những vấn đề phức tạp, nổi cộm, hoặc có những phản ánh, kiến nghị của nhân dân về các lĩnh vực trên địa bàn thì cấp ủy Đảng sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Thời gian tổ chức lấy ý kiến hàng năm vào tháng 5 và tháng 10 (trước kỳ báo cáo 6 tháng và phân tích, đánh giá cán bộ, đảng viên của năm). 

 Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ quận Tân Phú được lấy phiếu đánh giá là 5.704 (có 646 đảng viên không đưa vào đánh giá do là đảng viên dự bị, đảng viên miễn sinh hoạt Đảng). Kết quả có 5.130 đảng viên không có biểu hiện suy thoái (chiếm 89,94%); 574 đảng viên có biểu hiện suy thoái (chiếm 10,06%), trong đó có 315 đảng viên có biểu hiện suy thoái ở 1 biểu hiện, 259 đảng viên có biểu hiện suy thoái từ 2 đến 18 biểu hiện. Hầu hết trong số 574 đảng viên có biểu hiện suy thoái đều cam kết khắc phục và đăng ký thực hiện những việc làm cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05.

    (Nguồn: Ban Tổ chức Quận ủy Tân Phú)

“Từ thực tế thực hiện Chỉ thị 05, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả. Nhiều đơn vị đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động rất thiết thực; đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, đáng chú ý là cách làm mới của quận Tân Phú, khi các đồng chí cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), để triển khai hơn 6.000 phiếu khảo sát, rồi thu lại ngồi đánh giá, phân tích để thấy diễn biến tình hình của cán bộ, đảng viên như thế nào về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và về suy thoái đạo đức, lối sống. Qua đây đã chỉ ra cho chúng ta cách tiếp cận, để có suy nghĩ cách làm, biết được cán bộ, đảng viên mình ở mức nào so với 27 biểu hiện”.

(TẤT THÀNH CANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)

(còn nữa)

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực

Bài 2: Chuyển hóa những bức xúc, nổi cộm ở cơ sở

Khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở Đảng bộ TPHCM đã bám vào chủ đề của năm để đề ra kế hoạch, chương trình hành động sát với thực tế. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ chính trị gắn với giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, tạo được lòng tin trong nhân dân và góp phần giảm thiểu tình hình phức tạp trên nhiều địa bàn dân cư…

Giải quyết việc của dân ngay tại nhà dân

Lật tìm trong đống hồ sơ, giấy tờ đã nhàu nát, ngả màu, ông Đặng Văn Ngọc hối thúc người em trai tìm lại trong ngăn kéo bàn trên gác xép tờ bằng khoán căn nhà 280/120/32 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2 (quận Bình Thạnh) mà cha mẹ mua từ năm 1972. “Nhà có từ bao nhiêu năm nay sao giờ mới làm giấy?”, chúng tôi hỏi. “Giấy tờ ngày xưa có đủ hết chứ, nhưng bị thất lạc không biết ở đâu mà tìm. Với lại gia đình khó khăn quá, nhiều năm qua muốn hợp thức hóa chủ quyền nhưng không có tiền và cũng không biết đến cơ quan, ban ngành nào để làm…”, ông Ngọc nói.

Trường hợp của ông Ngọc là một trong hơn 80 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, diện bảo trợ xã hội trên địa bàn được Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội và Chi bộ Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Thạnh (thuộc Đảng ủy Khối cơ quan UBND quận Bình Thạnh) ký kết kế hoạch liên tịch hướng dẫn đăng lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ngay tại nhà. Kế hoạch được thực hiện chi tiết cho từng trường hợp từ rà soát nguồn gốc, pháp lý nhà đất, quy hoạch, lập bản vẽ, hoàn thiện hồ sơ, luân chuyển, đôn đốc thực hiện theo đúng quy trình, thời gian trả kết quả. Mọi thủ tục đều được cán bộ phường phối hợp với quận đến từng nhà dân làm. Điều đặc biệt là người dân không phải trả bất cứ khoản chi phí nào, kể cả lập bản vẽ, xin phép xây dựng (nếu có nhu cầu). Nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn còn được cán bộ, đảng viên tại 2 chi bộ góp tiền lại đứng ra trả phần trước bạ và một phần thuế sử dụng đất cho dân. Ông Đặng Văn Ngọc, xúc động nói: “Những hộ nghèo như gia đình chúng tôi nay có được tờ giấy chứng nhận chủ quyền nhà thì rất mừng. Gia đình tôi không biết nói gì hơn, mừng lắm anh ơi, tiếc là ba mẹ tôi không còn sống tới hôm nay để được cầm tờ giấy chủ quyền nhà này…”.

Ngoài việc làm thiết thực, ý nghĩa trên, Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội còn phối hợp với Chi bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, trật tự, xã hội Công an quận Bình Thạnh hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước cho trên 200 trường hợp thuộc diện chính sách, già yếu, tàn tật, người có công và bảo trợ xã hội trên địa bàn. Bí thư Chi bộ Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Ngọc Loan, cho biết: “Do chưa trang bị kịp máy lăn tay và máy chụp, sao ảnh nên đợt đầu chúng tôi chỉ làm được 57 trường hợp bằng cách đưa người dân tới Đội Cảnh sát Quản lý hành chính, trật tự, xã hội làm. Tới đây, khi đã có đủ máy móc, chúng tôi sẽ tới từng hộ dân làm thẻ căn cước, không để các trường hợp khó khăn này phải đi lại, chờ đợi lâu”.

Tại quận 3 cũng triển khai thực hiện một số thủ tục hành chính về tư pháp, hộ tịch, xây dựng đến tận nhà cho các hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Ở các địa bàn mở rộng hẻm, chỉnh trang đô thị, người dân có nhu cầu sữa chữa, xây mới nhà còn được Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND phường lập bản vẽ, cấp phép xây dựng ngay tại nhà và không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Việc làm này gắn với chủ trương vận động dân hiến đất mở hẻm, chỉnh trang 46 tuyến đường, tuyến hẻm lầy lội, phức tạp trên địa bàn đạt kết quả tốt, góp phần tạo mỹ quan đô thị, xây dựng quận 3 văn minh, hiện đại, nghĩa tình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra.

 Đột phá vào những lĩnh vực phức tạp

“Xin mời số 128 đến quầy số 2”. Nghe đọc đến số thứ tự của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ngụ phường Tân Định, quận 1) bước đến quầy số 2 hỏi nữ nhân viên tên Hòa: Tôi muốn biết thủ tục đăng ký kinh doanh gồm những giấy tờ gì ạ? Nữ nhân viên này trả lời: “Đây là hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử quận 1, chị chỉ cần vào trang web: http://www.quan1.hochiminhcity.gov.vn và ngồi ở nhà điền xong hồ sơ rồi nộp qua mạng, kể cả đóng lệ phí, không phải lên đây. Khi nào có kết quả sẽ gửi trực tiếp về tận nhà cho chị”.

Chứng kiến cuộc tiếp xúc giữa người dân và cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND quận 1, chúng tôi thấy một cung cách phục vụ hết sức trách nhiệm, thân thiện và chuyên nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực từ nhiều năm nay được cho là phức tạp và nhạy cảm. Chánh Văn phòng UBND quận 1 Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã xác định 2 nội dung đột phá trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05, đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, thân thiện, chuyên nghiệp” và “Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ gương mẫu trong thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, cải tạo chung cư cũ”. Triển khai nội dung thứ nhất, UBND quận đưa vào hoạt động bộ phận dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 (nộp hồ sơ qua mạng, không nộp lệ phí qua mạng) và cấp độ 4 (nộp hồ sơ và lệ phí qua mạng, người dân không phải đến cơ quan hành chính). Hiện cấp độ 4 đã thực hiện ở các thủ tục đăng ký kinh doanh, trích lục hồ sơ hộ tịch và cấp phép xây dựng với tỷ lệ người dân thực hiện đạt trên 20%.

Tại Hội nghị giao ban chuyên đề “Những kinh nghiệm từ thực tế thực hiện Chỉ thị 05”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây, đã ghi nhận với hàng trăm mô hình, cách làm mới hiệu quả được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện với kết quả bước đầu khá toàn diện, đúng thực chất và có tác động xã hội cao. Trong đó có gần 300 nội dung đột phá vào các lĩnh vực khó, phức tạp, liên quan đến hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính Nhà nước trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Điển hình là nội dung đột phá của UBND quận và các phường, các đơn vị hành chính sự nghiệp của quận 5 tập trung vào lĩnh vực cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải tiến, nâng cao chất lượng của 11 lĩnh vực với 145 quy trình giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng phong cách gương mẫu của cán bộ, đảng viên “Nói đi đôi với làm, làm đến đâu hiệu quả đến đấy”. Đảng bộ quận 8 với chương trình “Nghe dân nói, nói dân nghe”. Quận 9 thì xác định 4 nội dung đột phá là những vấn đề mà người dân quan tâm, lo lắng, bức xúc gồm: phạm pháp hình sự, chỉnh trang đô thị, cải cách hành chính và ùn tắc giao thông. Đặc biệt, quận Tân Bình với 122 chương trình đột phá, trong đó cấp quận có 6 chương trình, cấp cơ sở có 116 chương trình, tập trung vào lĩnh vực xây dựng Đảng, nâng cao chuẩn mực đạo đức và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp. Quận Phú Nhuận với khẩu hiệu hành động “3 không” (không vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật; không tham nhũng, hối lộ, lãng phí và nhũng nhiễu dân; không đi họp, đi học trễ, về sớm) và “3 có” (có tinh thần trách nhiệm cao, phát huy tính sáng tạo, chủ động giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả; có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhân dân, với đồng nghiệp; có tinh thần cầu thị, thường xuyên tự giác rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh).

“Với quyết tâm tạo những chuyển biến rõ rệt trong học tập và làm theo Bác, nhiều đơn vị đã xác định được các nội dung đột phá của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thường xuyên theo dõi, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc xác định rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác xây dựng kế hoạch làm theo các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cụ thể, khả thi và công khai tất cả các nội dung đăng ký cho cơ quan, đơn vị, địa phương giám sát”

(THÂN THỊ THƯ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)

(còn nữa)

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực

Bài 3: Trách nhiệm nêu gương

“A lô, chú Bình Bí thư phường phải không? Tôi là Thưởng, đại diện bà con hẻm 20 Bờ Bao Tân Thắng, khu phố 3, đề nghị lãnh đạo phường có cách nào chống ngập giúp dân, chứ công trình xây dựng đối diện chắn ngang không có đường thoát nước…”. Dù đang dự một cuộc họp với chi bộ khu phố 5, nhưng nghe cuộc điện thoại của một người dân báo, ông Bình tất tả chạy đến khu phố 3 để nắm tình hình…

Gần dân, lắng nghe mọi phản ánh của dân

Câu chuyện trên giữa một người dân với Bí thư Đảng ủy phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) Võ Trương Bình được chúng tôi chứng kiến khi đi thực tế trên địa bàn. Vừa gặp ông Thưởng tại đầu hẻm 20 Bờ Bao Tân Thắng, Bí thư Võ Trương Bình đã xắn quần đi dọc rãnh nước chảy ra từ khu đất khu dự án kế bên. “A lô, chị Dung nếu không bận việc gì xuống Bờ Bao Tân Thắng bàn việc nhé”, ông Bình gọi điện mời Chủ tịch UBND phường Hoàng Mỹ Dung xuống để cùng giải quyết việc chống ngập cho dân. Ngay chiều hôm đó, chủ dự án khu đất đã có mặt tại UBND phường để bàn phương án đào một mương thoát nước tạm nối với hệ thống cống của đường Bờ Bao Tân Thắng chống ngập cho hơn 20 hộ dân hẻm 20. Gặp chúng tôi, Bí thư Võ Trương Bình nói thêm: “Phường Sơn Kỳ là khu vực giáp ranh, phức tạp đủ chuyện. Ngoài việc công khai số điện thoại của lãnh đạo phường ở các khu phố, hàng ngày Đảng ủy và UBND đều phân công cán bộ trực tiếp xuống các địa bàn gặp dân, nghe dân phản ánh, có việc gì là giải quyết ngay, không cần phải viết đơn từ gửi đâu hết…”.

Khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05 theo chủ đề của năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị thường chọn nội dung trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc bám sát nhiệm vụ chính trị ở từng vị trí, địa bàn, cương vị công tác và kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân. Trong đó, phải kể đến gương điển hình Hoàng Thị Lợi, Trưởng khối vận Đảng ủy phường Bến Nghe (quận 1). Hàng ngày chị Lợi dành phần lớn thời gian xuống các địa bàn thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; qua đó kịp thời lắng nghe phản ánh của dân, vận động người dân tham gia lực lượng nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tại địa bàn. Ngoài nhiệm vụ trên, chị còn kết hợp trao đổi, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp và tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hơn 30 trường hợp tại địa phương. Chị Lợi vui vẻ nói: “Có gần dân mới thấy phải có trách nhiệm hơn nữa với dân, từ chuyện đời sống dân sinh, tranh chấp, khiếu nại đến chuyện đường sá, ô nhiễm, an ninh trật tự… Khi có chuyện gì xảy ra ở địa bàn là có mặt cán bộ, đảng viên xuống tận nơi lắng nghe, giải quyết người dân thấy yên lòng lắm…”.

Đối với thiếu úy Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 10, công việc hàng ngày chỉ là tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu, nhưng khi tiếp xúc thường xuyên với người dân, nữ chiến sĩ cảnh sát này mới thấu hiểu được những hoàn cảnh khó khăn của người dân, vì nhiều lý do mà hàng chục năm chưa có được hộ khẩu để được hưởng các chính sách chăm lo của Nhà nước. Thiếu úy Ngọc Diệp tâm sự: “Vừa qua có trường hợp một bà cụ hơn 80 tuổi vừa lãng tai và không biết chữ, đến xin nhập hộ khẩu theo con. Bà chỉ nhớ mấy chục năm trước có hộ khẩu ở miền Tây, tỉnh Đồng Tháp hay Vĩnh Long gì đó nhưng đã bị xóa hộ khẩu từ lâu rồi. Bà bỏ đi sinh sống ở nhiều nơi, không chỗ nào ổn định. Theo quy định thì bà không được nhập hộ khẩu theo con ở TPHCM, vì không xác định được gốc và cũng không có giấy tờ gì chứng minh đã có hộ khẩu hay được cấp CMND ở đâu. Không có hộ khẩu đồng nghĩa với việc bà sẽ không được hưởng BHYT, bảo trợ người già và các chế độ an sinh khác. Nghĩ vậy, tôi tới nhà gặp người con trai của bà tìm hiểu, xác minh đúng quan hệ mẹ con và đề nghị anh viết tường trình. Sau đó, tôi đã chủ động đề xuất với lãnh đạo đội tham mưu cấp trên cấp hộ khẩu cho bà…”. 
Coi việc của dân như việc của nhà mình

Ở phường 9 (quận Phú Nhuận) có gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhiều năm liền - Hoàng Văn Điều, cựu chiến binh 2 thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, thương binh ¾. Năm nay dù đã hơn 80 tuổi, nhưng bất cứ việc gì liên quan đến người dân ở phường, ở khu phố 4 và ở tổ dân phố 51 - nơi ông có thâm niên gần 30 năm làm tổ trưởng - đều có ông tham gia với vai trò không Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Thành viên Ban Mặt trận khu phố, Chi hội trưởng cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, thì Phó ban truyền thống kháng chiến hưu trí, Hội Chữ thập đỏ. Nghe dân phản ánh việc gì trên địa bàn là có mặt ông ngay, bất kể đêm tối, khuya sớm, mưa nắng. Hàng tháng ông còn trích một phần lương hưu, trợ cấp thương binh của mình để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rồi đóng góp vào các Quỹ “Vì người nghèo”, thiên tai, bão lũ, Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc” của địa phương. Thiếu đâu ông lại đi vận động người thân trong gia đình, doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp. Chỉ riêng năm 2016, ông đã vận động được gần 60 triệu đồng tổ chức các hoạt động chăm lo cho người dân. Ngoài ra, trong 2 năm 2016, 2017 ông còn đứng ra vận động dân đóng góp được hơn 300 triệu đồng nâng cấp, chỉnh trang 2 tuyến hẻm 19 và 21 Hồ Văn Huê... Còn rất nhiều việc làm nghĩa tình, vì dân của người cựu chiến binh, người đảng viên 60 năm tuổi Đảng, thương binh Hoàng Văn Điều cho khu phố 4 và phường 9, để mỗi khi có người nhắc đến tên ông, là ai cũng thầm thán phục, biết ơn “Người cán bộ già hết lòng vì dân”.

Ở quận Thủ Đức thì có Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh Phạm Hoài Minh Tâm, dù có thời gian công tác ở phường này chỉ hơn 4 năm, nhưng cũng đã có hơn 50 công trình, việc làm lo cho đời sống của người dân, nhất là với những hộ nghèo, hộ cận nghèo và các địa bàn khó khăn, phức tạp. Trong đó, đáng kể là 30 công trình sửa chữa, mở rộng các tuyến hẻm trong phường và 3 khu vui chơi thể dục - thể thao phục vụ người dân với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Điều đáng quý là số tiền lớn có được trên đều do Bí thư Phạm Hoài Minh Tâm đi vận động người thân trong gia đình, doanh nghiệp, người dân trong phường và cả chính những đồng lương, thu nhập ít ỏi hàng tháng của mình để lo cho dân. Anh Lê Văn Hòa, ngụ tổ 34, khu phố 2, xúc động khi nhắc đến những việc làm của Bí thư Phạm Hoài Minh Tâm: “Anh ấy có một tấm lòng vì dân, lo cho dân, việc khó không ngại, thấy ở đâu có khó khăn là tìm cách lo cho bằng được…”.
Câu chuyện về những tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng tôi kể ở trên nằm trong số 247 gương tiêu biểu được Thành ủy TPHCM tuyên dương trong đợt sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05. Họ đã làm nên hàng ngàn việc tốt mang nhiều ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực giúp cho cuộc sống của người dân được tốt hơn lên, xã hội phát triển văn minh, hiện đại hơn. Trên hết của những việc làm cao đẹp này còn để cho mọi người thấy rõ hơn, quý trọng hơn những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ - như tài sản vô giá mà Người đã để lại cho thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

Triển khai thực hiện năm chủ đề của Chỉ thị 05, Đảng ủy Sở Y tế TPHCM đã phát động trong cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế xây dựng phong cách, thái độ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực với mục tiêu 100% các đơn vị trong toàn ngành xây dựng khẩu hiệu hoặc thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện cho đơn vị mình. Tất cả khoa, phòng, bệnh viện của TP đều có khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo. Đồng thời, triển khai nhiều hình thức, phong trào thi đua như tổ chức hội thi cấp bệnh viện cho mọi đối tượng về quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp, tích cực rèn luyện y đức, tinh luyện y thuật, xây dựng người cán bộ y tế với “Nụ cười từ trái tim”, có thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực…

    (Nguồn: Đảng ủy Sở Y tế TPHCM)

   (còn nữa)

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực

(tiếp theo và hết)

Bài 4: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

“Ông nhanh bật cái nồi cơm điện lên kìa, không là không kịp đâu đó…”, bà Thúy giục ông chồng phụ một tay nấu bữa cơm đem vô Bệnh viện Ung bướu TP giúp người nghèo bệnh nặng có suất ăn ngon, nóng sốt. Từ nhiều năm qua vợ chồng người cựu chiến binh già này vẫn âm thầm đem những bữa ăn nghĩa tình đến khắp mọi nơi tặng người nghèo khó, neo đơn, bệnh tật…

Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm… 

Bà Nguyễn Ánh Thúy (ngụ số R10, Ba Vì, phường 15, quận 10) nói với chúng tôi như vậy khi kể về những việc làm của hai ông bà hơn 3 năm qua, từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” trước kia và nay là Chỉ thị 05. Bà Thúy kể: “Từ 3 năm trước, thấy cô Liên gần nhà hàng ngày nấu những suất cơm rồi đem đến phát tận nhà các hộ nghèo, tàn tật tôi thấy ý nghĩa nên làm theo vậy mà. Họ có công thì mỗi ngày mình góp ít tiền, ít gạo, thực phẩm để nấu. Sau này, nhà cô Liên dọn đi nơi khác thì tôi cứ thế mà làm theo. Nhiều năm nay, mỗi tháng tôi và ông nhà còn góp 1 triệu đồng để phường và quận mua thuốc khám bệnh từ thiện cho hộ nghèo vào ngày mùng 10 hàng tháng…”.

Từ hơn 1 năm qua, cứ đúng 5g45 mỗi sáng thứ tư và thứ sáu hàng tuần, trước cổng Bệnh viện quận Thủ Đức thân nhân người bệnh lại xếp hàng chờ đến lượt nhận suất cháo thịt do các chiến sĩ công an phường Tam Phú (quận Thủ Đức) múc trao. Việc làm này xuất phát từ suy nghĩ và cách làm của Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú khi phát động cán bộ, đảng viên trong đơn vị tham gia thực hiện các nội dung của Chỉ thị 05. Lúc đầu nồi cháo chỉ đủ phục vụ cho khoảng hơn 100 suất, sau nhiều người thấy việc làm có ý nghĩa đã phụ giúp thêm gạo, thịt, rau nấu được hơn 400 suất mỗi ngày phát miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ công an đưa tận tay suất cháo nóng bốc mùi thơm đến tận giường bệnh tại các khoa có đông bệnh như khoa Nhi, khoa Nội tổng quát đã để lại ấn tượng đẹp, thân thiện trong nhân dân về người chiến sĩ công an nhân dân tận tình với dân, chăm lo giúp đỡ người dân từ những việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả, như lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Ở một việc làm ý nghĩa khác mà người dân phường 11 (quận 3) khi nhắc đến ông Lê Trung Hóa, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ An Phú đều biết và thán phục với cách ông vận động, thuyết phục người dân trong giáo xứ tham gia cùng chính quyền mở rộng các tuyến hẻm, chỉnh trang đô thị văn minh, sạch đẹp trên địa bàn. Cuối năm 2016, khi nghe chủ trương của phường mở rộng tuyến hẻm 205 Trần Văn Đang từ hơn 1m lên 6m, ông Hóa suy nghĩ tìm cách vận động dân tham gia hiến đất, tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc. Đem ý tưởng này ra trao đổi với linh mục Đinh Đức Hậu, Chánh sứ nhà thờ An Phú, ông Hóa thấy lo lo vì trên tuyến hẻm này chỉ có khoảng 20 hộ là giáo dân, số đông hộ còn lại chắc gì họ đã làm theo. “Hay ta cứ vận động các hộ giáo dân trước đi cha”. “Được để cha tính”. Ông Hóa thuyết phục linh mục Đinh Đức Hậu. Cách làm là trong các thánh lễ hàng ngày, trong phần rao giảng đức tin, linh mục Hậu khéo léo đưa câu chuyện hiến đất mở hẻm ra phân tích thiệt hơn và cái lợi chung khi cùng chính quyền lo cho dân. Bước tiếp theo, ông Hóa đến vận động từng hộ, đầu tiên là gia đình giáo dân Triệu, sau đến các hộ khó ở cuối hẻm. Hơn 10 ngày sau, 20 hộ giáo dân hẻm 205 Trần Văn Đang đồng lòng ký đơn gửi UBND phường hiến đất mở hẻm, hộ ít vài m2, hộ nhiều như nhà ông Mùi hiến đến gần 20 m2. Thấy các hộ giáo dân hiến đất, gần 100 hộ còn lại trong hẻm 205 cũng làm theo, tự giác tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công mở rộng, chỉnh trang tuyến hẻm rộng rãi, khang trang…

Còn nhiều việc làm ý nghĩa lớn khác mà chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với các gương điển hình học tập làm theo Bác rất lặng lẽ, đời thường và có mặt ở khắp mọi nơi. Đó là chị Nguyễn Thị Tố Nga ở phường 12 quận 3 có 18 lần hiến máu cứu người, là cô bé Hoa tật nguyền bán vé số nhà ở phường 1, quận Gò vấp mỗi ngày trích tiền lời 50 ngàn đồng bỏ ống heo mua tập, sách giúp các em học sinh nghèo khuyết tật, là thượng tọa Thích Thiện Tài, Trụ trì chùa Linh Bửu, quận 8 mỗi năm vận động được hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, mua thẻ BHYT cho người già, neo đơn, tặng học bổng, xe đạp, tập sách cho sinh viên nghèo đi học… Mỗi việc làm dù lớn hay nhỏ của các gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều mang lại lợi ích cho dân, để lại ý nghĩa tốt đẹp cho đời và có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Để có nhiều việc làm thiết thực học tập và làm theo Bác

Trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đến công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, cách làm khác nhau gắn với điều kiện, đặc thù của từng nơi. Quận 1 tổ chức các hội thi giới thiệu một số tác phẩm của Bác như: “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Đường Cách mệnh” và các bài viết của Bác về phong chống quan liêu, tham nhũng, thu hút được nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia. Quận Bình Thạnh thì phát động “Làm theo Bác” đến tận tổ dân phố, tặng và phát động hộ dân treo ảnh Bác Hồ, vận động người dân đồng thuận thực hiện các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, phát động phong trào nuôi heo đất tiết kiệm tặng học bổng học sinh nghèo, đăng ký tổ dân phố “nhà sạch, phố sạch”, vận động những hộ khá giả tặng vật dụng còn sử dụng được cho các hộ khó khăn, tặng “viên gạch nghĩa tình” xây nhà tình thương, “hũ gạo tình thương” cho bữa cơm người nghèo, tàn tật… Quận Thủ Đức đưa tài liệu tuyên truyền Chỉ thị 05, những bài viết giới thiệu về gương điển hình của những việc làm thiết thực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ đến từng tổ dân phố để người dân tìm hiểu, vận dụng làm theo trong đời sống hàng ngày. Hay quận Tân Phú và nhiều cơ quan, đơn vị còn lập trang facebook cá nhân đưa những mẩu chuyện về Bác và giới thiệu mô hình, cách làm hay đến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân cùng học tập, làm theo.

Theo đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, thời gian qua nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị luôn trăn trở làm sao gương người tốt, việc tốt lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân ở cở sở, tổ dân phố. Khó làm, nhưng chúng ta đã tìm tòi ra cách làm, mỗi nơi có cách làm khác nhau để chuyển tải nội dung, phương thức tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị 05 và gương điển hình của nhiều tập thể, cá nhân đến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều tấm gương thầm lặng mà cao cả là những cán bộ, đảng viên, nhân dân đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân TP, khắc họa thêm cho hình ảnh về vùng đất, con người và những việc làm nghĩa tình, thiết thực học tập được từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ qua thực tế thực hiện Chỉ thị 05 tại Đảng bộ TPHCM thời gian qua.

HOÀI NAM 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất